Chính sách quản lý khoa học công nghệ - Kinh nghiệm từ Trung Quốc (Phần I)

02/11/2007

Trong tiến trình cải cách và mở cửa, Trung Quốc bắt đầu tiến hành đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ từ đầu những năm 1980s. Cùng với việc chuyển dần từ cơ chế làm việc kế hoạch hoá tập trung, cứng nhắc và khép kín, các nhà cải cách ở Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt các chính sách đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ với mục đích thay đổi tư duy làm việc và sản phẩm của các tổ chức khoa học công nghệ.

Bên cạnh việc mở cửa ra thế giới bên ngoài, công cuộc cải cách cơ chế quản lý khoa học ở Trung Quốc những năm 1980s và 1990s tập trung vào 2 mảng cải cách quan trọng. Mảng thứ nhất là chuyển đổi cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu sang đấu thầu cạnh tranh, tập trung nguồn lực cho các nhà khoa học và các tổ chức KHCN làm việc tốt. Chính sách thứ hai là khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, cho phép họ giữ lại một phần lợi nhuận để phân bổ và tái đầu tư phần lớn lợi nhuận để cho các hoạt động nghiên cứu tiếp theo. Từ cuối những năm 1990s, Trung Quốc lại tiến hành một cuộc cải cách mới nhằm hiện đại hoá hệ thống nghiên cứu nông nghiệp.

1. Phương pháp phân bổ vốn đầu tư: Đấu thầu cạnh tranh và các chương trình nghiên cứu trọng điểm

Bắt đầu từ đầu những năm 1980, Trung Quốc thay đổi chính sách phân bổ vốn đầu tư cho nghiên cứu trong đó tăng dần tỷ trọng vốn đầu tư cho các đề xuất nghiên cứu tốt nhất thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh giữa các tổ chức KHCN và các cá nhân. Hiện nay, hầu hết vốn đầu tư cho nghiên cứu được phân bổ thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh. Hầu hết các Uỷ ban Khoa học công nghệ của Quốc gia và của các tỉnh có Ban chuyên gia tư vấn mà thành phần bao gồm các nhà khoa học, những người sẽ tiến hành đánh giá các đề xuất nghiên cứu dựa trên cơ sở mức độ đóng góp dự kiến của các nghiên cứu này đối với ngừơi nông dân, phương pháp sử dụng cho nghiên cứu và tính mới, sáng tạo của nghiên cứu.

Một điểm cần lưu ý là trong những năm cuối của thập kỷ 1990 và những năm gần đây, tỷ trọng của các nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh có xu hướng tăng dần. Bên cạnh đó, các tổ chức KHCN vẫn được cấp một khoản kinh phí nhất định với tỷ trọng giảm dần cho hoạt động thường xuyên của đơn vị theo những định mức phân bổ nhất định của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hoặc chính quyền các địa phương. Kinh phí hoạt động thường xuyên này chủ yếu dùng để trang trải cho các khoản chi như lương cơ bản, lương hưu và các chi phí hoạt động thường xuyên khác của đơn vị mà trong đó lương hưu thường chiếm tỷ trọng đáng kể.

Về hình thức cấp vốn, Trung Quốc cấp vốn cho các tổ chức KHCN thông qua 3 hình thức:

- Cho các vị trí nghiên cứu chủ chốt: Trước tiên, các tổ chức KHCN tiến hành sắp xếp lại đội ngũ cán bộ trên cơ sở làm rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các vị trí nghiên cứu chủ chốt. Nhà nước cam kết sẽ chi trả lương cho các vị trí này với mức lương tăng lên đáng kể (thường gấp từ 3-5 lần so với trước khi sắp xếp).

- Chính phủ thiết lập cơ chế tài trợ vốn KHCN theo chương trình thông qua đấu thầu cạnh tranh. Các chương trình được xây dựng căn cứ vào định hướng phát triển của quốc gia bao gồm nhiều lĩnh vực nghiên cưú và giao cho các Bộ, Ngành tổ chức triển khai thực hiện. Hình thức cấp vốn này là chủ yếu ở Trung Quốc hiện nay.

- Tài trợ vốn của Viện trưởng: Nhà nước dành một khoản kinh phí nhất định, giao Viện trưởng chủ quản lý và quyết định phê duỵêt cấp vốn nghiên cứu cho những đề xuất nghiên cứu tốt nhất. Mục đích của quỹ này dùng để khuyến khích, hỗ trợ những sáng kiến nghiên cứu của các nghiên cứu viên.

Việc chuyển đổi từ cấp vốn theo cơ chế cũ sang đấu thầu cạnh tranh đã góp phần đáng kể làm tăng năng suất, hiệu quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN và các nhà khoa học vì thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh có thể chọn được các đề xuất nghiên cứu tốt nhất.

Tuy nhiên vấn đề nảy sinh là tỷ trọng vốn đầu tư cho nghiên cứu KHCN nông nghiệp thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh ngày càng tăng lên và hệ quả là tỷ trọng vốn cấp thường xuyên cho các tổ chức KHCN giảm dần. Điều này đồng nghĩa với việc để thu hút được nhiều kinh phí cho nghiên cứu, các nhà khoa học đầu đàn phải dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị đề xuất nghiên cứu để đấu thầu mà còn rất ít thời gian dành cho việc tổ chức thực hiện nghiên cứu khi đã thắng thầu. Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu chính sách nông nghiệp Trung Quốc (CCAP) thực hiện cho thấy thời gian cán bộ nghiên cứu dành cho các hoạt động nghiên cứu giảm từ 74% năm 1985 xuống còn khoảng 50% ở cuối những năm 1990s.

Nhận thức rõ vấn đề này, gần đây Chính phủ Trung Quốc đã tăng dần tỷ lệ đầu tư cố định cho các tổ chức khoa học công nghệ, tuy nhiên theo đánh giá của GS Hu Ruifa, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về chính sách KHCN ở CCAP thì sự tăng này còn xa mới đáp ứng đủ nhu cầu. Theo GS Hu, các khoản đầu tư cố định này cần được cân đối và đáp ứng ở mức đủ để cán bộ nghiên cứu tập trung vào làm công tác nghiên cứu - nói cách khác, cần đầu tư cho lương và thu nhập thích đáng để cán bộ nghiên cứu yên tâm, dành tối đa thời gian cho công tác nghiên cứu. GS Hu cho biết lương cơ bản hiện nay của cán bộ nghiên cứu ở Trung Quốc rất thấp (GS trung bình có mức lương khoảng 50.000 RMB/năm trong khi một sinh viên mới ra trường làm cho công ty điện lực có mức thu nhập bình quân khoảng 80.000-100.000 RMB/năm).

2. Chính sách thương mại hoá hệ thống KHCN

Trung Quốc bắt đầu khuyến khích các tổ chức KHCN nông nghiệp nước này tiến hành thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ từ giữa những năm 1980. Vào năm 1987, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước Trung Quốc đã công bố kế hoạch mà trong đó, thúc đẩy các nhà khoa học công nghệ Trung Quốc tư duy như những nhà doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nhanh chóng tiếp thu ý tưởng này, khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp tìm kiếm thêm thu nhập từ hoạt động thương mại hoá các sản phẩm KHCN. Thời gian đầu, việc thương mại hoá các sản phẩm KHCN là tương đối khó khăn do giá cả được bao cấp nặng nề và có rất ít cơ hội để có thể thương mại hoá các sản phẩm KHCN loại trừ giống.

Tuy nhiên, khi mà ngân sách đầu tư cho KHCN ngày càng trở nên hạn hẹp và đổi mới trở thành nhu cầu cấp thiết thì vấn đề thương mại hoá sản phẩm KHCN trở nên vấn đề cực kỳ quan trọng. Quá trình đổi mới thể chế, chính sách quản lý KHCN ở Trung Quốc mà trọng tâm là chính sách thương mại hoá các tổ chức KHCN có thể phân thành 3 nhóm chính sách chủ yếu là: Nhóm chính sách định hướng, nhóm chính sách hỗ trợ và nhóm chính sách phát triển.

Nhóm chính sách định hướng nhấn mạnh nguyên tắc hướng nghiên cứu tới ngày càng sát hơn nhu cầu của thị trường. Các chính sách đã được thiết kế để cho phép các nhà khoa học có thể bán các phát minh sáng chế mà họ đã tạo ra và điều đó dần trở thành trào lưu trong nghiên cứu - cố gắng kiếm tiền từ sản phẩm KHCN bằng bất cứ cách nào. Khác với trước đây, Chính phủ sẽ không cấp vốn thường xuyên cho các tổ chức KHCN mà họ phải tìm kiếm các nguồn thu bổ sung từ thị trường. Nguồn thu từ các hoạt động thương mại tăng đáng kể từ cuối những năm 1980 đến hết 1990. Các hoạt động thương mại này bao gồm từ việc bán các sản phẩm KHCN từ quá trình nghiên cứu đến các hoạt động kinh doanh thương mại khác như mở nhà hàng, khách sạn hoặc buôn bán thương mại. Gần đây xu hướng tập trung vào việc bán các sản phẩm KHCN gần với lĩnh vực nghiên cứu của tổ chức hơn.

Đối với các tổ chức KHCN chuyển đổi sang thương mại hoá, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ đáng kể. Sau 7 năm từ khi chuyển đổi, các tổ chức này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và được phép tham gia đấu thầu các chương trình, dự án ở tất cả cá cấp khác nhau. Các tổ chức KHCN chuyển đổi hoạt động thực sự như các công ty và hiện tại đã có hơn 10 Viện nghiên cứu chuyển đổi đã tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các chính sách phát triển: Bộ Khoa học công nghệ thiết lập QUỸ KHCN để các tổ chức KHCN chuyển đổi tiếp cận nguồn vốn dưới dạng chương trình và thông qua đấu thầu cạnh tranh.

Kết quả là trước đây Trung Quốc có tổng số 265 Viện nghiên cứu của nhà nước (cấp Bộ - không bao gồm các Viện nghiên cứu cơ bản của Nhà nước trực thuộc Viên hàn lâm khoa học Trung Quốc) đến nay đã có 165 Viện tiến hành chuyển đổi sang thành viện nghiên cứu thương mại. Trong ngành nông nghiệp, trước đây có 69 viện nghiên cứu của Nhà nước với 15.000 cán bộ thì nay đã có 39 viện với số cán bộ là 10.000 người chuyển đổi sang thành các viện nghiên cứu thương mại.

Tuy nhiên, vấn đề thương mại hoá sản phẩm KHCN cũng có những mặt trái của nó. Thứ nhất, đó là do hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ yếu nên việc cấp giấy chứng nhận phát minh sáng chế gặp khó khăn và khó thực thi trong điều kiện có quá nhiều người sản xuất là nông dân nhỏ. Hiện nay, Trung Quốc phân loại các tổ chức KHCN thành 3 nhóm: (1) Nhóm các Viện nghiên cứu mang tính đột phá (như nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen, dịch bệnh chăn nuôi,...) - nhóm này được ưu tiên đầu tư cao - tăng mức đầu tư 2-3 lần hàng năm; (2) Nhóm các viện nghiên cứu mang tính hàng hoá công - ví dụ như Viện nghiên cứu thông tin thị trường nông sản. Những năm qua nhà nước bắt đầu tăng vốn đầu tư cho các viện loại này nhưng mức độ chưa nhiều và (3) Các Viện nghiên cứu thương mại - tất cả các sản phẩm sẽ được bán ra thị trường -mức đầu tư sẽ được duy trì không đổi. Tuy nhiên, chủ trương thương mại hoá các sản phẩm KHCN nếu không được thiết kế kỹ lưỡng sẽ dẫn đến hậu quả là có nhiều cán bộ khoa học cốt cán, có nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học xa thị trường có thể bị bỏ trống không ai nghiên cứu.

(Hết phần I)

Giới thiệu nội dung phần II: Chính sách sắp xếp lại đội ngũ cán bộ khoa học; Sắp xếp và đổi mới bộ máy khoa học công nghệ; Cách thức quản lý các Học viện và quan hệ giữa các Học viện với Bộ và các Viện con tại địa phương...


Tin khác