- Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã có kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn nhưng ngân sách dành cho khu vực này năm 2008 không tăng hơn năm 2007. Như vậy liệu có hiệu quả?
- Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội lưu ý và Chính phủ cũng đang cố gắng cân đối để bổ sung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn theo nhiều nguồn, kết hợp giữa ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA và theo tôi có một nguồn rất quan trọng là đầu tư của nông dân và các doanh nghiệp.
Chúng ta cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút nhiều hơn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phải coi đây là một nguồn lực quan trọng.
- Thưa Bộ trưởng, về vấn đề đầu tư cho nông thôn hay cho những vùng kinh tế trọng điểm, vẫn còn có hai luồng ý kiến khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng phải đầu tư cho nông thôn để ổn định xã hội. Xu hướng thứ hai lại cho là phải đầu tư vào các vùng trọng điểm để phát triển đất nước. Quan điểm của Bộ trưởng?
- Theo tôi, ở đây cần phải tìm ra được một phương án hài hòa. Không nên tập trung quá cao vào các vùng trọng điểm để khu vực nông thôn gặp khó khăn. Cách tốt nhất là đầu tư hài hòa để bà con cũng được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế và các thành tựu tăng trưởng. Để khoảng cách nông thôn - thành thị không bị kéo quá xa.
- Bộ trưởng có nghĩ đầu tư những năm vừa rồi là hài hòa?
- Trong hoàn cảnh vừa qua, Chính phủ đã rất cố gắng. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, chúng ta cần tiếp tục có sự điều chỉnh. Vì như đã nói, xu hướng không chỉ có sự đầu tư của Nhà nước mà cần phải tạo môi trường để huy động các thành phần kinh tế và phải coi các thành phần kinh tế là nguồn tài chính quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn.
- Thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách vừa qua cho thấy người nông dân đang oằn lưng vì phí tự nguyện. Thống kê của Bộ Tài chính vừa rồi cũng đã chỉ ra hiện vẫn còn 301 loại phí và lệ phí mà người dân phải đóng. Như vậy, theo ông có quá sức chịu đựng của dân?
- Vừa qua chúng tôi đã cùng với Bộ Tài chính điều tra về vấn đề này và đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ với những đề xuất miễn giảm các loại phí, Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì để xem xét thêm.
"Phải hỗ trợ để bà con sống được trên đồng ruộng của mình"
- Vừa rồi, Bộ đã có nghiên cứu đến việc thu hồi ruộng đất để làm các khu công nghiệp. Đánh giá của Bộ trưởng về vấn đề này?
- Đây được coi là một trong những vấn đề bức xúc của nông thôn hiện nay nên chúng tôi đã tổ chức điều tra, nghiên cứu để làm rõ vấn đề và đề xuất hướng giải quyết.
Vấn đề mới nên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều điều phải lưu tâm và điều chỉnh để giải quyết cho hài hoà, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của bà con nông dân cũng như tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp.
- Bộ trưởng có bình luận gì về hiện tượng ở một số địa phương vừa qua đã xảy ra tình trạng bà con nông dân phải trả lại ruộng?
- Thật ra cũng có những thông tin về vấn đề này. Nơi này, nơi khác, bà con làm ruộng không hiệu quả. Sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ và đầu tư lớn về đất đai của Nhà nước cũng như các thành phần kinh tế khác đã tạo ra những cơ hội việc làm cao hơn, hấp dẫn hơn. Bà con cảm thấy làm ruộng kém hiệu quả nên trả lại ruộng để tìm đến các thành phố.
- Việc di cư từ nông thôn ra thành thị đã trở thành một quá trình tất yếu, gây ra những áp lực lớn cho các đô thị. Theo Bộ trưởng, nên kiểm soát làn sóng di cư này như thế nào cho hiệu quả?
- Cũng phải rất lưu ý, việc di cư từ nông thôn ra thành thị là một quá trình tất yếu nhưng cách di cư như thế nào? Rồi ảnh hưởng của nó đến sự phát triển chung của đất nước là vấn đề lớn, phụ thuộc vào chiến lược phát triển của chúng ta.
Nếu như kinh tế nông thôn phát triển chậm, chúng ta tập trung cao vào đô thị thì quá trình di cư sẽ diễn ra một cách ồ ạt dẫn đến những khó khăn cho đô thị như: tắc nghẽn giao thông, những áp lực đối với các dịch vụ công ở đô thị.
Chúng ta mong đợi một quá trình di cư phù hợp với quá trình phát triển nông thôn - thành thị và có sự phát triển hài hoà. Theo tôi, chiến lược tốt nhất là tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn để tạo điều kiện cho bà con nông dân có việc làm, có thu nhập ngay ở quê nhà. Việc di cư từ nông thôn ra thành thị có thể kiểm soát được thì sẽ bền vững hơn.
- Về hiện tượng bà con nông dân trả lại đất, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau, một là cho tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn. Thứ hai cho rằng tích tụ ruộng đất là không phù hợp với định hướng của chúng ta từ trước đến nay. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
- Vấn đề tích tụ ruộng đất sẽ là một quá trình tất yếu nhưng phải diễn ra phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghĩa là, chúng ta tạo ra các cơ hội việc làm cho người nông dân, thu hút lao động từ các khu vực nông thôn chứ không thể đốt cháy giai đoạn tích tụ trong khi một số bà con nông dân chủ yếu vẫn sống bằng nông nghiệp và thu nhập dựa vào nông nghiệp. Trong điều kiện đó, chúng ta phải hỗ trợ để bà con vẫn có thể sống được trên đồng ruộng của mình.
- Năm 2002, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 về đẩy nhanh hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Sau 5 năm, đã có tổng kết về hiệu quả của nghị quyết này chưa?
- Dự kiến tháng 6/2008, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp và bàn về vấn đề này. Yêu cầu đặt ra bây giờ là phải tổng kết và đề xuất những giải pháp để tiếp tục giải quyết tốt hơn những nhiệm vụ có liên quan. Ban Bí thư cũng đã giao cho Chính phủ và Chính phủ đã giao cho một tổ công tác để chỉ đạo việc tổng kết này.
- Theo đánh giá của Bộ trưởng, bối cảnh nông thôn năm 2002 khác gì so với năm 2007?
- So với năm 2002, thu nhập và đời sống của đa số bà con nông dân đã được cải thiện, bộ mặt nông thôn nhiều nơi cũng đã được cải thiện.
- Có vẻ như toàn màu sáng, thưa Bộ trưởng?
- Tất nhiên còn có khá nhiều vấn đề. Thậm chí, còn xuất hiện nhiều vấn đề mới do quá trình phát triển, ví dụ thách thức về cạnh tranh, yêu cầu về an toàn thực phẩm, thu hồi đất... trong khi những vấn đề như thu nhập thấp, đói nghèo, việc làm vẫn đang còn bức xúc.
Nhưng phải nói là quyết sách về nông nghiệp, nông thôn và nông dân là những vấn đề hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
- Cảm ơn Bộ trưởng.
(Theo vietnamnet.vn)