Đánh giá việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo (CPRGS) ở khu vực nông thôn Việt Nam

29/10/2007

AGROINFO - Dự án “Theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo (CPRGS) ở khu vực nông thôn Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tài trợ được thực hiện từ năm 2005 đến hết tháng 9/2007. Ngày 18/10/2007 tại Đồ Sơn-Hải Phòng, Cục Hợp tác xã và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo kết thúc dự án để báo cáo các kết quả nghiên cứu về chính sách nông nghiệp nông thôn.

Tham gia hội thảo có đại diện của các Bộ ban ngành, các tổ chức chính phủ trong và ngoài nước như các lãnh đạo từ các Cục, Vụ, Viện, Trường trực thuộc Bộ Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn; đại diện từ Ngân hàng Thế giới; các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản Lý Trung ương (CIEM)…và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền đến từ 10 tỉnh thành, địa phương trong cả nước.

Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo tập trung vào các mục tiêu sau:

1. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tập trung vào phát triển nông nghiệp và các vùng nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, tăng hỗ trợ cho các vùng kinh tế kém phát triển.

2. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi khu vực kinh tế bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3. Tiếp tục cải cách cơ cấu gồm: cải cách doanh nghiệp nhà nước; ngân sách nhà nước; các tổ chức tín dụng và tài chính; tự do hoá thương mại…

4. Thực hiện cải cách hành chính công gồm: cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải cách tài chính công để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng và đảm bảo sự công bằng xã hội.

5. Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực và giảm sự bất bình đẳng, tập trung vào dân nghèo thành thị, đặc biệt về vấn đề việc làm, thu nhập và nhà ở, đảm bảo sự tiếp cận công bằng tới các dịch vụ.

6. Giảm mức độ dễ bị tổn thương và cải thiện năng lực của các nhóm dễ bị tổn thương nhằm phòng chống rủi ro tốt hơn bằng cách phát triển mạng lưới bảo trợ và an sinh xã hội cho người nghèo và đưa ra một phương thức toàn diện hơn trong phòng chống thiên tai.

7. Thiết lập một hệ thống các chỉ số định lượng và định tính về phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo (tính đến yếu tố giới và nhóm xã hội) để giám sát và đánh giá việc thực hiện CPRGS.

Với các mục tiêu trên, tại hội thảo nhóm chuyên gia đã trình bày 4 báo cáo tập trung vào các chủ đề: Đóng góp của hộ nông thôn và dịch vụ công nông thôn; Tác động của môi trường đầu tư nông thôn tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đánh giá chính sách chuyển giao quản lý thủy nông cho các tổ chức cộng đồng địa phương; và Phân tích ảnh hưởng của đầu tư công cho khuyến nông đến việc giảm nghèo ở vùng núi phía Bắc. Các kết quả nghiên cứu từ các báo cáo đã đánh giá được thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu cũng như đưa ra được các khuyến nghị về mặt chính sách trong công tác thực hiện xoá đói giảm nghèo tại các địa phương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tham dự hội thảo thì các báo cáo này cần phải bổ sung thêm về cách thức nghiên cứu nhằm tìm ra những kết luận sát thực cũng như bổ sung về phân tích chính sách và đưa ra các khuyến nghị chính sách sát với mục tiêu nghiên cứu và vấn đề mà Bộ Nông nghiệp đang thật sự quan tâm. Đó là làm sao để đề xuất chính sách giảm gánh nặng đóng góp các khoản tài chính của dân, giảm cho những đối tượng nào và giảm như thế nào? Trong các vấn đề về môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, đất đai và năng lực lao động thì yếu tố nào tác động mạnh nhất tới các doanh nghiệp? Làm sao cho dân được tiếp cận tốt nhất đối với các vấn đề về thủy nông và khuyến nông cũng như giải quyết các vấn đề về thủy nông và khuyến nông hiện nay.

Để giải quyết được các câu hỏi trên, các chuyên gia tham dự hội thảo khuyến nghị nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo nên tập trung điều tra khảo sát thực tế sâu hơn nữa tại các địa phương để thấy rõ được hiện trạng nhằm đưa ra khuyến nghị chính sách một cách hiệu quả nhất.


Tin khác