Chính sách phát triển khoa học công nghệ - Kinh nghiệm từ Trung Quốc (Phần II)

09/11/2007

Trong tiến trình cải cách và mở cửa, Trung Quốc bắt đầu tiến hành đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ từ đầu những năm 1980s. Cùng với việc chuyển dần từ cơ chế làm việc kế hoạch hoá tập trung, cứng nhắc và khép kín, các nhà cải cách ở Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt các chính sách đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ với mục đích thay đổi tư duy làm việc và sản phẩm của các tổ chức khoa học công nghệ.

3. Chính sách sắp xếp lại đội ngũ cán bộ KHCN

Trung Quốc có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu đông đảo với tổng số cán bộ nghiên cứu ước tính khoảng 131.500 người những năm cuối 1990 và khoảng 100.000 cán bộ năm 2007. Cán bộ nghiên cứu trong hệ thống tổ chức KHCN của ngành nông nghiệp chiếm 83% tổng số cán bộ nghiên cứu khoa học nông nghiệp và phần còn lại là cán bộ nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở các trường đại học (8%) và các tổ chức KHCN của các Bộ, ngành khác (9%).

Đặc trưng nổi bật của hệ thống KHCN Trung Quốc là có quá nhiều cán bộ dôi dư, không có trình độ cộng với việc thiếu kinh phí dành cho nghiên cứu là một bài toán hóc búa mà hệ thống nghiên cứu KHCN ngành nông nghiệp đang gặp phải. Theo ước tính trong tổng số 130.000 cán bộ nghiên cứu tại thời điểm năm 1999 chỉ có khoảng 70.000 cán bộ được xếp vào nhóm cán bộ có hoạt động nghiên cứu. Con số này nếu đem so sánh thì cao gấp 3 lần của Mỹ và Liên Xô. Điều này thể hiện số lượng đông đảo cán bộ dôi dư và cán bộ không đủ trình độ của hệ thống nghiên cứu. Hệ số cán bộ nghiên cứu/triệu USD GDP nông nghiệp của Trung Quốc là 0.40 cao hơn nhiều lần so với hệ số này của Mỹ (0.14), Nhật Bản (0.13) và Ấn Độ (01.6) và tương đương với hệ số này của Liên Xô cũ (0.46). Đến năm 2007, ước tính có khoảng 100.000 cán bộ làm công tác nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và khoảng 01 triệu cán bộ khuyến nông trong toàn quốc.

Trung Quốc nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề cán bộ dôi dư. Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế- chính trị và văn hoá truyền thống, Trung Quốc không dễ dàng trong việc sa thải những người không có đủ trình độ, năng lực này. Chính sách mà Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng là trả lương cơ bản cho tất cả các cán bộ nghiên cứu rất thấp (như đã phân tích) và bên cạnh lương, một nguồn thu nhập quan trọng của cán bộ nghiên cứu là từ việc thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu. Vì vậy, với các cán bộ có đủ năng lực, trình độ, năng động có thể đề xúât rất nhiều dự án/chương trình để đấu thầu cạnh tranh và nâng cao thu nhập, trong khi đó, cán bộ không có năng lực sẽ không thể tham gia được và do vậy chỉ có lương cơ bản - rất thấp- chỉ đủ cho chi phí lương thực và các nhu yếu phẩm. Những cán bộ không đủ năng lực này được yêu cầu không đến cơ quan mà tự ra thị trường tìm việc mới và được giữ nguyên lương cho đến khi tìm được việc mới. Có thể nói đây là vướng mắc cơ bản mà cả Trung Quốc và Việt Nam chưa giải quyết triệt để được.

Trong khi còn bế tắc, chưa tìm được giải pháp triệt để để xử lý cán bộ dôi dư, Trung Quốc lại rất nỗ lực để thu hút và bồi dưỡng nhân tài. Trước hết, Bộ KHCN Trung Quốc đã có hướng dẫn về tiêu chí đánh giá nhân tài dựa trên các căn cứ chủ yếu như: căn cứ vào ngành nghề, vị trí, tính chất công việc để đánh giá. Trên cơ sở đó, các tổ chức khoa học công nghệ tự xây dựng và đưa ra tiêu chí để đánh giá cán bộ. Trung Quốc chia hệ thống nghiên cứu làm 3 loại:

- Nghiên cứu cơ bản: đánh giá cán bộ trên lĩnh vực này theo 3 tiêu chí: Trình độ học vấn (bằng cấp), luận văn- công trình nghiên cứu và điểm do hội đồng chuyên môn đánh giá.

- Nghiên cứu ứng dụng nghiên cứu cơ bản: Căn cứ đánh giá chủ yếu dựa vào mức độ đổi mới, sáng tạo KHCN. Hội đồng khoa học của các tổ chức KHCN đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể mức độ đổi mới, sáng tạo KHCN của các sản phẩm

- Nghiên cứu thương mại: Đánh giá cán bộ dựa vào các chỉ tiêu kinh tế thông thường: Lợi nhuận, doanh thu, ...

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có các chính sách để khuyến khích các nhân tài phát huy tiềm năng, tích cực triển khai các nghiên cứu ứng dụng. Điều 29, 30 của Luật chuyển giao tiến bộ KHCN quy định đối với các tổ chức KHCN sau khi hoàn thành và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn phải dành tối thiểu 20% thu nhập ròng từ kết quả chuyển giao cho người đã thực hiện nghiên cứu. Về nguyên tắc, kết quả của các nghiên cứu do nhà nước đâù tư là sản phẩm của nhà nước và trong vòng 01 năm các tổ chức KHCN phải có trách nhiệm chuyển giao, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, vì lý do nào đó tổ chức chủ trì không thực hiện được thì có thể ký kết hợp đồng với những cán bộ đã thực hiện nghiên cứu để họ chuyển giao, thương mại hoá kết quả nghiên cứu.

Bên cạnh chính sách kích thích nghiên cứu gắn với kết quả thương mại hoá như trên, Trung Quốc cũng ban hành nhiều chính sách quan trọng để thu hút nhân tài về làm việc tại các tổ chức KHCN. Trung Quốc cho phép mời các chuyên gia, các nhà quản lý tài ba trên thế giới (bao gồm Hoa kiểu, chuyên gia nước ngoài) về làm cấp phó (Viện phó, Phó giám đốc trung tâm) ở các tổ chức KHCN. Ngoài ra Trung Quốc còn có chính sách trợ cấp nhà ở cho các cán bộ KHCN, chính sách ưu đãi cho con em cán bộ KHCN được đi học tại các trường chuẩn. Bên cạnh đó, các tổ chức kHCN cũng được yêu cầu thiết lập các Quỹ nghiên cứu khởi động để dành cho các nhà khoa học trẻ, tài năng bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình.

4. Quá trình và nội dung sắp xếp bộ máy KHCN thời gian qua (giảm số lượng, gom đầu mối, chuyên môn hoá…)? Kết quả?

Trung Quốc có hệ thống tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp, nông thôn lớn nhất thế giới. Tại thời điểm năm 1999, trong tổng số 1635 tổ chức KHCN có nghiên cứu về nông nghiệp và nông thôn, có khoảng 1219 tổ chức KHCN trực thuộc ngành nông nghiệp (ở trung ương là 56, ở cấp tỉnh là 451 và ở cấp huyện là 712), 312 trường Đại học nông nghiệp ở các cấp (trung ương, tỉnh, thành phố,…), và 104 tổ chức KHCN ở các ngành khác có tham gia nghiên cứu về nông nghiệp. Hệ thống nghiên cứu thường được tổ chức theo ngành dọc, từ trên (cấp trung ương) đến cấp tỉnh, cấp huyện (và đôi khi có cả cấp khu). Mỗi tỉnh ít nhất cũng có một trường Đại học nông nghiệp. Hệ thống nghiên cứu KHCN nông nghiệp Trung Quốc chủ yếu là của Nhà nước, khu vực tư nhân chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ (chỉ khoảng 500 cán bộ với tổng kinh phí nghiên cứu vào khoảng 1,7% tổng ngân sách quốc gia đầu tư cho KHCN nông nghiệp).

Khác với những gì chúng ta thường mường tượng, hệ thống KHCN nông nghiệp Trung Quốc được phân cấp khá mạnh mẽ. Có tới 95% tổ chức KHCN và khoảng 85% cán bộ nghiên cứu ở các cấp địa phương. Trong hệ thống tổ chức KHCN ngành nông nghiệp chỉ có khoảng 10% cán bộ nghiên cứu làm ở cấp trung ương, còn lại ở các cấp địa phương. Kinh phí cứng (nhà xưởng, văn phòng, chi phí thường xuyên,…) của các tổ chức KHCN ở các cấp địa phương do chính quyền các cấp tương ứng đầu tư. Trong hệ thống nghiên cứu KHCN ngành nông nghiệp, các tổ chức KHCN ở cấp TW, tỉnh và huyện dải ngân với mức tương ứng là 12%, 51% và 34% tổng kinh phí nghiên cứu.

Trung Quốc dành ưu tiên cao độ cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực trồng trọt do an ninh lương thực là một trong những mục tiêu chính sách hàng đầu. Từ sau cải cách và mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển ngoạn mục, đời sống người dân đã từng bước được cải thiện và do vậy khẩu phần ăn của người dân cũng dần thay đổi chuyển từ ăn chủ yếu là ngũ cốc sang các sản phẩm khác như thịt, hoa quả, trứng, sữa…Mặc dù vậy số liệu khảo sát các tổ chức KHCN ngành nông nghiệp cho thấy vẫn có tới 68% kinh phí nghiên cứu được đầu tư cho ngành trồng trọt, chỉ có 18% dành cho chăn nuôi và 14% còn lại cho các hoạt động khác. Tỷ trọng đầu tư này gần như được duy trì không thay đổi trong vòng suốt hai thập kỷ vừa qua.

Nhìn chung, quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan nghiên cứu KHCN nông nghiệp và PTNT diễn ra theo 2 chiều trái ngược nhau:

(1) Hệ thống các Viện nghiên cứu đã được xây dựng từ ngày thành lập nước dưới dạng các Viện hàn lâm khoa học như: Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Trung Quốc, v.v...Các viện hàn lâm này về cơ bản duy trì ổn định bộ máy tổ chức với các phòng, ban chức năng và các viện thành viên. Trong quá trình hoạt động, các viện hàn lâm có thể thành lập thêm (các) viện nghiên cứu chuyên ngành khác.

(2) Hệ thống các trường đại học nghiên cứu về KHCN nông nghiệp-nông thôn: Trung Quốc đã từng có rất nhiều các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trung tâm nghiên cứu với quy mô nhỏ bé. Trong quá trình cải cách và mở cửa, để nâng cao hiệu quả hoạt động, chính phủ Trung Quốc đã có chủ trương sát nhập, hợp nhất các tổ chức đào tạo này thành các trường đại học lớn, ví dụ Đại học Triết Giang là kết quả của quá trình hợp nhất 4 trường Đại học, cao đẳng ở Triết Giang, Đại học nông nghiệp Trung Quốc hiện nay là kết quả của quá trình hợp nhất một số trường đại học và cao đẳng về lĩnh vực nông nghiệp ở Bắc Kinh,...Trong quá trình trao đổi với các GS ở Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đây là quá trình hợp nhất thực sự chứ không phải chỉ là sự gán ghép các trường lại với nhau. Có sự liên thông trong đào tạo giữa các trường và chia sẻ cơ sở vật chất, kỹ thuật, con người giữa các trường sau khi sát nhập.

5. Cách thức quản lý các Học viện, mối quan hệ với Bộ, Viện con, địa phương?

Như đã trình bày ở trên, hệ thống các học viện hàn lâm khoa học ở Trung quốc đâ được hình thành từ lâu đời và phát triển tương đối ổn định cho đến nay. Trong quá trình phát triển, một số viện thành viên về các chuyên ngành mới được thành lập. Vai trò giữa Viện hàn lâm với các viện thành viên và với các Bộ chủ quản được xác lập khá rõ ràng. Cụ thể:

- Học viện thực hiện kiểm soát 3 quyền chủ yếu sau đây đối với các viện thành viên:

(1) Quyền quyết định tổng số nghiên cứu viên của viện thành viên

(2) Quyền phân bổ vốn đầu tư của Nhà nước đối với các viện thành viên

(3) Quyền phê chuẩn Viện trưởng các viện thành viên

- Các viện thành viên có vai trò độc lập tương đối nhất định trong việc tuyển dụng nhân sự, bổ nhiệm các vị trí quản lý và nghiên cứu trong đơn vị. Về kinh phí, ngoài phần kinh phí “cứng” do học viện phân bổ, các viện thành viên có thể bổ sung kinh phí nghiên cứu bằng cách đấu thầu các chương trình, dự án nghiên cứu. Với các chương trình dự án nghiên cứu nhỏ trong nước, các viện thành viên có thể chủ động đấu thầu, tuy nhiên, đối với các chương trình nghiên cứu lớn, liên ngành và hợp tác quốc tế, các viện thành viên bắt buộc phải báo cáo và phải nhận được sự phê chuẩn của học viện. Điều này đảm bảo tính thống nhất đối với công tác hợp tác quốc tế cũng như đối với các chương trình, dự án lớn, liên ngành đòi hỏi sự phối, kết hợp của nhiều đơn vị liên quan. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là làm chậm tiến độ quá trình chuẩn bị và do vậy các viện thành viên phải bố trí thời gian một cách hợp lý.

- Giữa các viện thành viên cũng có những mối quan hệ qua lại với nhau mà chủ yếu là việc sử dụng chung trang thiết bị quý đắt tiền và có mức độ sử dụng tuân theo quy luật kinh tế theo quy mô. Bên cạnh đó, trong các chương trình, dự án lớn, có hợp tác với nước ngoài, trên nhiều lĩnh vực khác nhau thì các viện thành viên có thể hợp tác với nhau bằng cách mời chuyên gia trong khuôn khổ quy định chung của học viện.

Các nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý được phỏng vấn đều cho rằng việc tồn tại học viện là cần thiết và hữu ích bởi học viện có thể huy động được sức mạnh tổng hợp và phát huy được tốt lợi ích của kinh tế theo quy mô và theo phạm vi. Đối với hình thức cấp phát vốn theo dự án/ chương trình trọng điểm và thông qua đấu thầu cạnh tranh thì vai trò của học viện càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì học viện có tên tuổi trên thế giới, có thể huy động sức mạnh tổng hợp của toàn đơn vị và quan trọng hơn có thể làm tốt vai trò điều phối giữa các viện thành viên và là đầu mối báo cáo với bộ chuyên ngành. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp học viện đã can thiệp quá sâu vào công việc của các viện thành viên, làm mất đi tính tự chủ sáng tạo và đôi khi kéo dài thời gian phê chuẩn các đề xuất đấu thầu, hợp tác nghiên cứu của các viện thành viên. Các ý kiến phỏng vấn cho rằng về cơ bản, học viện đã có sự mềm dẻo, linh hoạt nhất định và là cấp sinh ra giá trị gia tăng chứ không phải là cấp phát sinh thêm chi phí cho các viện thành viên.

Quan hệ giữa Viện nghiên cứu ở TW và các địa phương: Thiếu điều phối, kết hợp

Hệ thống nghiên cứu được phân cấp triệt để như ở Trung Quốc có ưu điểm nổi trội là có thể xác lập các ưu tiên nghiên cứu khác nhau để có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống này cũng có những nhược điểm đáng kể mà nổi bật là việc thiếu sự điều phối và kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức KHCN trong ngành sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong nghiên cứu dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư. Do các tổ chức KHCN ở các cấp địa phương do chính quyền địa phương tương ứng cấp phát kinh phí nên ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn (như ở miền Tây) thì mức độ đầu tư cho KHCN rất thấp. Do nguồn lực đầu tư khan hiếm lại có quá nhiều tổ chức KHCN được phân cấp triệt để nên sự cạnh tranh nguồn vốn đầu tư giữa các Bộ, ngành và địa phương là điều không thể tránh khỏi và cũng là một trong nhiều nguyên nhân của đầu tư không hiệu quả.

Phần III: Chính sách phát triển khoa học công nghệ, chính sách khuyến nông


Tin khác