Phải nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông dân

21/11/2007

Sáng 17/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng NN&PTNTT Cao Đức Phát đã trả lời các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

Bộ trưởng cho biết, tại kỳ họp này bộ NN&PTNT nhận được 15 phiếu chất vấn từ các đại biểu QH. Cuối giờ chiều qua đã nhận thêm 6 câu hỏi. Tại phiên chất vấn hôm nay, Bộ trưởng sẽ trả lời sơ bộ 2 vấn đề chính là đời sống người nông dân và hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp.

Trong 105 phút, đã có 15 đại biểu nêu câu hỏi và được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trả lời trực tiếp và 11 đại biểu đăng kí chưa được trả lời chất vấn, sẽ được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản

73% nông dân sống ở nông thôn chỉ có mức thu nhập tăng từ 3 – 5%/năm

Trả lời vấn đề thu nhập và đời sống cua bà con nông dân, Bộ trưởng cho biết, năm 2007, chưa có số liệu điều tra chính thức về thu nhập của người nông dân so với thành thị nhưng đúng là nguy cơ tăng khoảng cách thu nhập giữa nông dân và thành thị là có thực. Trong thực tiễn, đời sống người nông dân thấp hơn và tăng chậm hơn (chỉ khoảng 3,5-4%) so với các ngành khác dẫn đến tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Hiện nay 73% nông dân sống ở nông thôn chỉ có mức thu nhập tăng từ 3 – 5%/năm. Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo miễn giảm đóng góp của nhân dân với thủy lợi phí; hỗ trợ nông dân phòng chống sâu bệnh; hạn chế thiệt hại trong phòng chống cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh; tăng cường hệ thống thú y, phòng chống dịch bệnh...

Bên cạnh đó là quyết liệt phòng chống thiên tai, giảm nhẹ ảnh hưởng do thiên tai gây ra, không để nông dân bị đói rét. Tuy nhiên, năm 2007, thiên tai đã làm 368 người chết và mất tích, gây thiệt hại hơn 7000 tỷ đồng, cần sự trợ giúp của toàn bộ xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển chương trình 5 triệu ha rừng, phát triển thủy lợi, giao thông; cấp gạo cho vùng cao.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đặc biệt lo ngại về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có nguy cơ suy giảm. Diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp để chuyển sang làm các khu công nghiệp, đô thị hóa. Riêng với diện tích lúa, mỗi năm bị mất 1%. Mỗi năm cũng có khoảng 200.000 lao động nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, điểm tựa chính là phải đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ, tăng hiệu quả trong nông nghiệp; tăng thu hút vốn đầu tư.

Về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp, VN phải giảm thuế 500/1185 dòng hàng nông sản với tỉ lệ trung bình 10,6%, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, bỏ khoản trợ cấp nông nghiệp hơn 1.100 tỉ đồng hàng năm. Do đó, Chính phủ phải xây dựng biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Một số biện pháp như tuyên truyền, phổ biến ý thức về cạnh tranh trong nông nghiệp với bà con nông dân, địa phương, điều chỉnh chính sách nông nghiệp, xây dựng đề án và thực hiện nâng cao tính cạnh tranh của từng ngành hàng…

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề: Đến bao giờ có chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng bị giãn rộng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện Bộ đã có chiến lược cho nông dân. Cụ thể, một số chương trình đã được áp dụng tập trung nâng cao hiệu quả cạnh tranh, như đối với cây lúa, chọn giống lúa mới, chuyển giao các giải pháp kĩ thuật. Đối với rau quả tập trung chọn tạo, phổ biến giống mới có chất lượng cao, tăng cường công tác đảm bảo VSATTP. Đối với chăn nuôi, sẽ tập trung cơ chế chính sách cùng địa phương hỗ trợ các biện pháp chăn nuôi tập trung. Điều chỉnh đối với đánh bắt ngoài khơi, xây dựng nuôi thủy sản bền vững ở đất liền.

Phải nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông dân

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Đạo (Hà Nội) về việc Bộ NN&PTNT có chương trình cụ thể gì để nâng cao đời sống của nông dân khi VN gia nhập WTO, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trong thời kỳ hội nhập, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp là phải nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông dân. Những ngành nào có khả năng cạnh tranh cao thì đầu tư phát triển, những ngành khả năng cạnh tranh thấp, khi nước ngoài vào ta có thể khó cạnh tranh, thậm chí nông dân có thể không thể tiếp tục sản xuất.

Trong trồng trọt, xác định mấu chốt chính vẫn là giống. Bộ vẫn đang tổ chức các chương trình nghiên cứu lai tạo ra các loại giống tốt để chuyển giao cho nông dân. Ở miền Nam, Bộ đang triển khai chương trình 3 tăng 3 giảm. Ở Miền Bắc, chương trình thâm canh đồng bộ cũng đang thực hiện có hiệu quả. Trong lĩnh vực chăn nuôi: Vẫn mang dáng dấp chăn nuôi truyền thống, phân tán nhỏ lẻ, tận dụng thả rông, không hiện đại nên khó đảm bảo an toàn sản xuất và an toàn thực phẩm. Hiện phải tập trung xây dựng chính sách cùng các địa phương hỗ trợ phát triển các hình thức chăn nuôi trập trung, tăng cường hệ thống thú y giúp bà con nông dân chăn nuôi an tòan và hiệu quả. Với thủy sản, Bộ đang triển khai 2 việc: điều chỉnh đánh bắt ngoài khơi và phát triển chăn nuôi bền vững trên đất liền; Tập trung hỗ trợ trồng rừng, mỗi địa phương chọn những giống cây phù hợp để có hiệu quả cao hơn. Tập trung tham gia thực hiện các nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo...

Trả lời câu hỏi về bức tranh nền kinh tế nông thôn Việt Nam đến năm 2020, Bộ trưởng cho biết: Đây là một vấn đề lớn. Chúng tôi đang xây dựng đề án và chậm nhất đến 30/3/2008 sẽ trình Chính phủ và cố gắng đến 30/12 sẽ đưa bản dự thảo lần đầu để lấy ý kiến các địa phương, các nhà khoa học trong nước nhằm điều chỉnh, trình Chính phủ và Trung ương.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) về việc xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng, Bộ trưởng cho biết, đúng là đang có hiện tượng này xảy ra và diễn ra nhiều ở những nơi có cơ sở hạ tầng khó khăn, sản xuất lúa thu nhập thấp, trong khi đó chuyển sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ có thu nhập cao hơn. Ngày càng nhiều thanh niên đi về thành phố tìm việc nhiều. Để giải quyết vấn đề này cần phải hỗ trợ bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất bằng giống tốt, kỹ thuật cao, hạ tầng thuận lợi…

Đến năm 2010 đảm bảo 70% lượng giống lúa trong nước

Trả lời câu hỏi đến bao giờ chúng ta làm chủ các công nghệ sản xuất các giống lúa lai để chủ động cung cấp và cung ứng cho nông dân nhằm giảm giá thành, giảm chi phí cho nông dân của ĐB Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) nêu ra, Bộ trưởng cho biết, hiện các nhà khoa học của VN đã nắm được công nghệ, tuy nhiên số lượng còn ít, cần phải cố gắng nhiều để đến năm 2010 đảm bảo 70% lượng giống trong nước.

Về câu hỏi sản lượng sữa của đàn bò sữa chiếm bao nhiêu phần trăm nguồn nguyên liệu sữa cung cấp cho các nhà máy chế biến sữa ở VN? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, năm 2006, VN sản xuất 215 nghìn tấn, chiếm 22% tổng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy. Qui hoạch phát triển đàn bò sữa gắn liền với phát triển các nhà máy chế biến sữa. Đã phối hợp giữa Bộ NN&PTNN với Bộ Công nghiệp trước đây về tiến hành phát triển chăn nuôi bò sữa. Mấy tháng gần đây, đời sống, thu nhập của bà con nông dân nuôi bò sữa đã được cải thiện nhiều do giá sữa tăng cao, ngưòi dân đã có lãi. Tuy nhiên, do lo ngại hiện tượng chạy theo phong trào, Bộ đã có 2 văn bản hướng dẫn nông dân làm đúng kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Có 4/15 đại biểu chưa thỏa mãn với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, bộ trưởng đã cố gắng giải đáp được nhiều vấn đề lớn liên quan tới nông nghiệp, phát triển nông thôn, và nông dân... Đó là những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng tới XH, đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh đất nước đang bước vào hội nhập.

(VnMedia)


Tin khác