Mặt bằng giá mới: Doanh nghiệp “thắt lưng, buộc bụng”

27/11/2007

Có lẽ khó khăn nhất rơi vào các DN sản xuất chế biến hàng nông sản, thực phẩm đang phải gánh chịu cả về nguyên liệu nhập vào giá cũng tăng cao đồng thời giá nhiêu liệu tiêu hao cho việc chế biến sản phẩm này cũng rất cao.

Đội chi phí

Có lẽ khó khăn nhất rơi vào các DN sản xuất chế biến hàng nông sản, thực phẩm đang phải gánh chịu cả về nguyên liệu nhập vào giá cũng tăng cao đồng thời giá nhiêu liệu tiêu hao cho việc chế biến sản phẩm này cũng rất cao. Do đó, hàng loạt các loại thực phẩm đang rục rịch tăng từ 5 đến 10% giá thành. Ông Phạm Minh Mẫn - PGĐ Cty kinh doanh suất ăn công nghiệp Gia Phúc than: "Giá gas tăng đang làm giá thành mỗi suất ăn đội thêm 300 đồng, nếu giá thực phẩm cũng tăng mà không tăng giá bán coi như Cty không có đồng lời nào". Việc đội giá cũng đang làm "đau đầu" các chủ DN. Ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Cty Vinamit cho rằng: "Các DN nông sản giờ đây muốn tính toán tăng giá cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Về nguyên tắc khi thị trường nguyên nhiên liệu tăng thì các nhà sản xuất cũng phải tăng giá theo. Tuy nhiên vào thời điểm này, đang gấp rút sản xuất hàng phục vụ tết nếu tăng một cái làm đứng lại toàn bộ hệ thống hàng hóa thì DN sẽ đứng trước nguy cơ phá sản". Thực tế, với các sản phẩm nông sản sấy khô của Vinamit nguyên liệu như dầu đốt dùng trong sản xuất chiếm khoảng 10 đến 15% chi phí sản xuất nhưng giờ tăng 2.000 đồng/lít khiến cho DN gặp khó khăn trong việc cân đối đầu ra lẫn đầu vào. Ngoài ra, tình trạng giá xăng, dầu tăng cao làm cho nhiều mặt hàng cần phải vận chuyển cũng gần như bị tê liệt để tìm cách tính toán lại giá cước vận chuyển. Riêng về hàng tiêu dùng, Viện Kinh tế TP HCM dự báo từ nay đến cuối năm và nhất là dịp Tết, giá nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tăng từ 10 - 15%. Các DN cũng có kế hoạch riêng. PGĐ Cty TNHH Dịch vụ Thương mại Đông Hưng, quản lý chuỗi hệ thống siêu thị Citimart, Ngô Văn Hải cho biết hiện Đông Hưng chỉ có thể cam kết giữ giá đến hết tháng 11 nhờ lượng hàng trên kệ và tồn kho. Nhưng hiện Cty chúng tôi đã và đang tiếp tục nhận hàng loạt thông báo điều chỉnh giá bán từ các nhà cung ứng với mức tăng ít nhất 10% so với giá hiện tại. Khả năng tăng giá từ hệ thống siêu thị Citimart cũng sẽ khó tránh khỏi, sớm nhất là vào đầu tháng 12" - ông Hải khẳng định.

Thay đổi kế hoạch

Việc thay đổi đến chóng mặt của các mặt hàng trên thị trường cũng đang khiến các DN quay cuồng theo. Trong đó, phải kể đến là các DN đầu tư xây dựng về địa ốc. Kể từ đầu năm đến nay hầu hết các mặt hàng vật liệu đều tăng giá. Thậm chí về giá thép đã liên tiếp 4 lần tăng giá làm các DN không kịp trở tay. Lần tăng giá nhiên liệu lần này cũng ảnh hưởng mạnh đến các chủ đầu tư vào các dự án chung cư đang xây dựng. Hầu hết các dự án chung cư đang xây dựng đều đã bán cho khách hàng, việc nâng giá hoặc thu thêm tiền của khách hàng là rất khó. Ngay như dự án khu căn hộ cao cấp Phú Mỹ do Cty CP Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư, trước khi xây dựng đã được tính toán rất kỹ lưỡng về vần đề trượt giá nguyên vật liệu với số tiền dự phòng lên đến gần 30 tỷ. Nhưng với nguy cơ tăng giá liên tục như hiện nay chủ đầu tư đang rất lo ngại trước việc thâm hụt cả tiền dự phòng của dự án. Một đại diện của Cty Vạn Phát Hưng nói: "Trước tình hình này thì việc tái đầu tư của DN cũng gặp rất nhiều bất tiện và nó đang phá vỡ kế hoạch đầu tư vào dự án tiếp theo. Thậm chí nhiều công trình mà không tính toán kỹ phải đứng trước nguy cơ ngưng lại". Tâm lý tính toán lại hoặc thay đổi kế hoạch đầu tư đang bao trùm lên hầu hết tâm lý của các DN. Nhiều phương án đưa ra để chống lại cơn bão giá nhưng nhiều người đang "thắt lưng, buộc bụng". Ông Nguyễn Phước Đức - PGĐ Cty TNHH địa ốc Đất Lành, TP HCM khẳng định, giá nguyên liệu đầu vào tăng rất mạnh như hiện nay là một khó khăn rất lớn cho DN. Bởi giá bán căn hộ phải giữ nguyên theo hợp đồng, trong khi đơn giá xây dựng phụ thuộc vào giá vật liệu hàng ngày. Vì thế DN phải cắt giảm lợi nhuận để bù chi phí đầu vào.

Về vấn đề này ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng: Về lâu dài phải tính toán lại cơ cấu sản xuất, đầu tư nhà máy ngay trong vùng nguyên liệu để tiết kiệm tối đa những chi phí về vận tải, nhiêu liệu đầu vào.Hiện các ngành sản xuất hàng nông sản cũng đang gánh chịu chi phí vận tải chiếm từ 10 - 15% của hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Viên một trong những lo ngại trước tình trạng giá cả tăng là việc tính toán về tiền lương cho CBNV sẽ không thể theo kịp. Đối với lực lượng này tất cả tiêu dùng hàng ngày đều chỉ dựa vào đồng lương!

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp


Tin khác