Phải giải quyết vấn đề “tam nông” trong bối cảnh mới của đất nước

06/12/2007

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời báo chí về vấn đề tam nông. Dưới đây là một số trích lược của cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, Đề án quan trọng này gồm những nội dung gì?

Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình soạn thảo. Nói gì ngay bây giờ là hơi sớm. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nêu đúng những vấn đề bức xúc đang đặt ra hiện nay và đề xuất những giải pháp để giải quyết. Đề án này được đặt ra trong bối cảnh mới của đất nước. Nổi bật nhất là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp đến là vai trò, vị trí mới của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Việc thu hồi đất của nông dân , di dân từ nông thôn ra thành thị đang diễn ra. Bộ trưởng có đánh giá gì trước thực tế này?

Việc thu hồi đất nông nghiệp là thực tế ở nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Làm sao giải quyết hài hòa, vừa phát triển công nghiệp vừa đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của bà con nông dân. Việc di dân từ nông thôn ra thành thị là một quá trình tất yếu. Nếu kinh tế nông thôn phát triển chậm và chúng ta chỉ tập trung đầu tư vào đô thị thì quá trình di dân sẽ diễn ra ồ ạt, dẫn đến những khó khăn cho khu vực đô thị như tắc nghẽn giao thông, áp lực đối với các dịch vụ công tại đô thị. Chúng ta mong muốn quá trình di dân phù hợp với tiến trình phát triển của cả nông thôn và thành thị. Do vậy, chiến lược tốt nhất là phải tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn để tạo điều kiện cho bà con nông dân có việc làm, thu nhập ngay tại quê nhà. Khi việc di dân có kiểm soát thì sẽ bền vững hơn.

Việc tích tụ ruộng đất đang diễn ra tại nông thôn nhưng chưa phát triển mạnh bởi thiếu chính sách thúc đẩy. Tới đây, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề ra sao, thưa Bộ trưởng?

Tích tụ ruộng đất là một quá trình tất yếu, nhưng phải diễn ra phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tức là chúng ta phát triển công nghiệp, tạo việc làm, thu hút lao động từ nông thôn. Trên cơ sở đó sẽ thực hiện việc tích tụ ruộng đất. Chúng ta không thể “đốt cháy giai đoạn”, tích tụ ruộng đất bằng mọi cách trong khi số bà con nông dân đang còn sống chủ yếu từ làm nông nghiệp.

Chúng ta cần tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng ngân sách dành cho khu vực này trong năm tới lại không gia tăng. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là vấn đề đã được nhiều đại biểu QH lưu ý trong phần thảo luận. Chính phủ đang cố gắng cân đối, bổ sung nguồn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều nguồn từ vốn ngân sách, trái phiếu, chính phủ, ODA… Theo tôi có một nguồn rất quan trọng là đầu tư của doanh nghiệp và chính người nông dân. Chúng ta cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước vào khu vực nông thôn. Phải coi đây là nguồn lực quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Vừa qua, Bộ Tài chính đưa ra số liệu hiện có tới 301 loại phí và lệ phí trong khi đời sống nhân dân cải thiện rất chậm, đây là một gánh nặng rất lớn với nông dân, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành điều tra về vấn đề này và đã có báo cáo lên Thủ tướng và đề xuất miễn giảm một số loại phí, lệ phí.

Đề án “tam nông” sẽ tổng kết lại việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua. Vậy theo Bộ trưởng, nông thôn hiện nay có gì biến chuyển so với trước?

Rõ ràng so với năm 2002, thu nhập và đời sống của đa số bà con nông dân được cải thiện. Bộ mặt của nông thôn nhiều vùng đã đổi khác. Tất nhiên là còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Thậm chí còn xuất hiện những vấn đề mới trong quá trình phát triển như: Thách thức về cạnh tranh; yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, những tồn tại cũ như nghèo đói, việc làm, môi trường vẫn đang bức xúc. Chúng ta cần giải quyết tốt hơn tất cả những thách thức này…

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

                                                                      (Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)


Tin khác