Sẽ rất sôi động, nếu…

19/12/2007

“Nếu chấp nhận phản biện xã hội thì cấp lãnh đạo phải từ bỏ phong cách lãnh đạo bằng mệnh lệnh, áp đặt và cần xác định vai trò là người quản lý, điều hành xã hội dân sự thì mới có thể chấp nhận được sự phản bác, thậm chí là sự chỉ trích của dư luận xã hội”.

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Viện nghiên cứu xã hội TP.HCM - đã “chốt” như vậy khi khép lại tham luận tại hội thảo khoa học “vấn đề phản biện và giám sát xã hội ở TP.HCM hiện nay”, do viện cùng báo Sài gòn Giải phóng tổ chức sáng 18-12.

Chưa thể có phản biện thật sự

Như một dẫn chứng để nhấn mạnh giá trị của phản biện xã hội, ông Nguyễn Đăng Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (TP.HCM) - cho rằng cách làm qui hoạch lâu nay là theo kiểu nhà nước định hướng, nhà chuyên môn thiết kế qui hoạch và người dân phải thực hiện theo.

“Chính vì qui hoạch không phản ánh được đầy đủ nguyện vọng của nhân dân nên nhiều bản qui hoạch không phù hợp, thiếu tính khả thi…” - ông Sơn nói. Theo ông, cách hay nhất có thể tạo được sự đồng thuận chung trong làm qui hoạch là tạo điều kiện tối đa để người dân hay thông qua đại diện là các tổ chức tham gia ý kiến vào công tác này ngay từ đầu, và đó cũng là một trong những cách thực hiện phản biện xã hội.

Tuy nhiên TS Nguyên cho rằng với cơ chế tổ chức hiện nay, chưa thể có phản biện thật sự. Ông lấy mô hình tổ chức cấp quận ở TP.HCM để lý giải. Theo đó, quận ủy là cơ quan lãnh đạo có quyền lực cao nhất, UBND là cơ quan quản lý nhà nước do phó bí thư quận ủy làm chủ tịch, trong khi HĐND quận là cơ quan giám sát nhưng nhiều nơi do bí thư quận ủy kiêm chủ tịch cơ quan giám sát này. Mặt khác, Mặt trận là các tổ chức quần chúng do một quận/huyện ủy viên phụ trách, công đoàn là đại diện cho công nhân cũng do một quận/huyện ủy viên phụ trách…

Theo ông Nguyên, nếu tổ chức một “hội nghị phản biện” giữa các cơ quan thì thành phần tham dự như “hội nghị quận ủy”. Do đó, “tôi cho rằng đây không phải là sự phản biện của cơ quan, tổ chức này với cấp lãnh đạo, quản lý mà thực chất là hội nghị kiểm điểm, phê bình và tự phê bình giữa các chức danh trong cơ quan lãnh đạo của quận ủy” - ông Nguyên nhận xét.

Từ vấn đề thực tiễn nói trên, ông Nguyên trở lại vụ tiêu cực đất đai rất ầm ĩ ở quận Gò Vấp mà cả ông Nguyễn Văn Tính - nguyên bí thư quận ủy kiêm chủ tịch HĐND quận - và ông Trần Kim Long - nguyên chủ tịch UBND quận - đều phải ra đứng trước vành móng ngựa. Ông Nguyên cho rằng nếu bí thư cố tình làm sai thì vị bí thư có thể dùng cơ chế nói trên để “vô hiệu hóa” tiếng nói của tất cả các cơ quan dưới quyền.

Phải tổ chức lại các đoàn thể quần chúng

Trong số các gợi ý giải pháp, ông Võ Văn Thôn - nguyên giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - đề đạt cần phải tổ chức lại các đoàn thể quần chúng thành lực lượng thật sự, có tính đấu tranh cao cho quyền lợi dân sinh, dân chủ. “Chỉ có đấu tranh cho quyền lợi thì mới giữ và gắn bó được quần chúng trong tổ chức” - ông Thôn nhấn mạnh. “Nên giao cho các tổ chức chính trị - xã hội đảm nhận giám sát, phản biện ngoài các cơ quan chức năng của nhà nước”.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, “khi Đảng, Nhà nước có nhu cầu tự mình làm mạnh mình thì phải có nhu cầu được phản biện”. Hay nói cho cùng, phản biện xã hội là sự cụ thể hóa khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đồng thời cũng là thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” - trong lĩnh vực chống tham nhũng.

Một việc làm không kém phần quan trọng là phải ban hành “Luật về quyền được thông tin” của người dân. Để công dân “làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội”; để các tổ chức xã hội phản biện về chủ trương, chính sách, đề án; để giám sát xã hội đối với Đảng và Nhà nước có hiệu quả và chống tham nhũng, lãng phí… thì không thể không thực hiện thông tin cho xã hội, cho công dân. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan nhà nước. Nếu không làm như vậy, phản biện và giám sát xã hội chỉ là những khẩu hiệu mang tính tuyên ngôn và hình thức.

Thạc sĩ luật VŨ VĂN NHIÊM (giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM)


Tin khác