Xã hội hoá giáo dục: Phải hiểu và làm cho đúng

19/12/2007

Hôm nay (19.12), hội nghị sơ kết việc đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

Xu hướng phát triển các trường ngoài công lập: Chú trọng về lợi ích kinh tế

Mô hình thích hợp cho việc xã hội hoá giáo dục là hình thức chuyển công lập sang tự chủ tài chính (ảnh mang tính chất minh hoạ).

Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ chỉ rõ: "Công tác quản lý còn bất cập cả trong định hướng phát triển, quy hoạch và chỉ đạo thực hiện. Việc triển khai thực hiện còn chậm và nhiều lúng túng. Quản lý nhà nước vừa gò bó, vừa buông lỏng; cơ chế chính sách chưa rõ ràng, cụ thể, thiếu đồng bộ, còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các lực lượng xã hội chưa tổ chức và phối hợp tốt để chủ động tích cực tham gia vào quá trình xã hội hoá".

Trong hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 05/2005 NQ-CP, vẫn còn tình trạng một số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chưa được các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục quản lý chặt chẽ: Một số cơ sở hoạt động giáo dục như trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm tư vấn du học sau khi được các sở kế hoạch - đầu tư cấp phép hoạt động đã không có sự kiểm tra, giám sát của các sở giáo dục - đào tạo.

Tính chung trong toàn ngành giáo dục, tỉ trọng chi của người dân (trên tổng chi của xã hội cho giáo dục) như sau: Năm 2000 là 28,4%, năm 2002 - 31,9%, năm 2004 - 29,2%, năm 2006 - 25%.

Do chưa có tiêu chí phân định rạch ròi cơ sở giáo dục ngoài công lập nào hoạt động phi lợi nhuận, cơ sở nào hoạt động có lợi nhuận, nên việc thực hiện chính sách ưu đãi theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP ở các địa phương không thống nhất, thiếu công bằng: Nơi thì chưa thu thuế, nơi thì thu thuế đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đặc biệt, do nhận thức chưa đầy đủ và thiếu những quy định cụ thể chặt chẽ, nên một số cơ sở ngoài công lập đã có sự ăn chia không đồng đều, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, đơn từ kiện cáo nhiều năm như Đại học dân lập Hải phòng, ĐH dân lập Đông Đô.

Hiện nay, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế ở một số trường ngoài công lập đã ảnh hưởng tới lợi ích người học: Chất lượng giảng dạy không đảm bảo vì nội bộ chỉ chú ý kiện cáo lẫn nhau, có trường còn không tiếp tục hoạt động được.

Trường Mầm non Bình Minh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội là một ví dụ. Hiệu trưởng giữ con dấu của trường. Chủ tịch HĐQT ra quyết định cách chức hiệu trưởng. Nhưng hiệu trưởng lại lợi dụng việc giữ con dấu lại ra quyết định bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT. Ngôi trường đầu tư hàng chục tỉ đồng đã chưa thể hoạt động trở lại mặc dù chưa có quyết định hành chính nào, chỉ vì trường hiện nay không có con dấu để hoạt động...

Nguyên nhân đầu tiên là thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ để các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Nguyên nhân thứ hai là từ nhận thức của người tham gia xã hội hoá trong lĩnh vực xã hội hoá giáo dục.

Dường như hiện nay khi phát triển các loại hình trường ngoài công lập, những chủ trương, chính sách và quy định mới chỉ chú ý đến người tham gia làm dịch vụ mà chưa quan tâm tới người được hưởng dịch vụ (người học).

Vì thế mới có hiện tượng khi giải quyết mâu thuẫn nội bộ (như trường hợp Trường Mầm non Bình Minh) thì cấp có thẩm quyền quên mất quyền lợi người học, cứ để tình trạng trường đóng cửa.

Hiện nay có tình trạng những người tham gia đầu tư mở trường coi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục giống như một công ty đơn thuần. Trong khi đó, lực lượng thanh tra giáo dục lại quá mỏng và thế là tình trạng buông lỏng quản lý diễn ra.


Tin khác