Mũ bảo hiểm: Nhìn từ góc độ kinh tế

17/12/2007

Ngay sau Nghị quyết 32 ban hành, có nhiều ý ‎ kiến ủng hộ và phản đối khác nhau xung quanh vấn đề này. Trên góc độ kinh tế, chúng ta thử phân tích lợi ích và chi phí của quy định mới này.

Chi phí phát sinh

Hiện nay, cả nước có trên 20 triệu xe máy tham gia lưu thông. Nếu tính mỗi chủ nhân của một xe máy phải có một mũ bảo hiểm và mỗi cái dùng cho 2,5 năm. Tính trung bình mỗi mũ bảo hiểm có chất lượng giá khoảng 100.000 đồng thì mỗi năm cả nước phải tiêu tốn 800 tỷ đồng cho việc dùng mũ bảo hiểm, chưa bằng 4% ngân sách dành cho y tế năm 2007.

Tuy nhiên, để ngồi được trên xe máy thì mỗi người dân phải sắm cho mình một mũ bảo hiểm. Như vậy ước tính sẽ có hơn 40 triệu mũ bảo hiểm, và số tiền cả nước phải tiêu tốn hàng năm sẽ gấp đôi con số nêu trên.

Những chi phí nêu trên chưa kể việc phải có thêm không gian và người trông coi mũ ở các bãi để xe và cảm giác khó chịu của nhiều người khi đội mũ. Sự bất tiện của chiếc mũ bảo hiểm cũng không nhỏ chút nào.

Ảnh minh họa (Phan Công)

Nói gì thì nói thì chi phí của việc đội mũ bảo hiểm là khá lớn. Tuy nhiên, điều này sẽ đem lại ít nhất hai ích lợi rất lớn mà điển hình là hai vấn đề dưới đây:

Giảm tổn thất xã hội, và giảm bất hạnh cho hàng ngàn gia đình

Theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, 70% số tai nạn giao thông ở Việt Nam là có liên quan tới xe máy. Theo Tổ chức Y tế thế giới, người đi xe máy có xác suất tử vong cao cấp 27 lần và bị chấn thương cao gấp 6 lần so với người đi xe hơi. Trong số những người bị tai nạn xe máy dẫn đến chấn thương sọ não, chỉ có 1,4% là đội mũ bảo hiểm và gần như 100% số người chết vì tai nạn xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Người viết không có con số chính xác, nhưng giả sử số người thương vong tỷ lệ thuận với số tai nạn giao thông thì số người thiệt mạng liên quan đến xe máy hàng năm là trên 8.000 người. Một con số khủng khiếp!

Các nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm giúp giảm tình trạng chấn thương đầu và tử vong. Ví dụ, sau khi ban hành quy định đội mũ bảo hiểm xe máy một cách toàn diện ở bang Texas, tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông của phương tiện này đã giảm đi 52-59%. Ngược lại, sau khi Florida xóa bỏ quy định đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ thương vong do tai nạn tăng lên 17,2-20,5%.

Ở Italy, sau khi áp dụng quy định đội mũ bảo hiểm xe máy toàn diện vào năm 2000, số người phải nhập viện do chấn thương đầu khi bị tai nạn xe máy giảm đi 31%.

Ở Thái Lan, nơi có số lượng xe máy tương đương với Việt Nam, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm được ban hành vào năm 1996. Trong năm đầu tiên thi hành luật, tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm tăng lên trên 90%, tỷ lệ chấn thương đầu và tử vong của người đi xe máy giảm lần lượt 40% và 24%.

Với qui định đội mũ bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam, nếu chỉ tính một cách khiêm tốn là giảm được 10% số thương vong và mức độ nghiêm trọng của các vụ giao thông, thì số tiền toàn xã hội không phải tiêu tốn gần 100 triệu đô-la. (Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển Châu Á, thiệt hại do tai nạn giao thông năm 2006 ở Việt Nam là 885 triệu đô-la, xấp xỉ ngân sách chi cho y tế năm 2006). Số tiền này tương đương số tiền chi hàng năm cho việc mua mũ bảo hiểm nêu trên. Nếu tỷ lệ giảm thiểu lên đến 30% thì con số còn lớn hơn nhiều. Đây là một lợi ích khổng lồ.

Điều quan trọng hơn, đó là hàng nghìn người sẽ không mất đi cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, tình huống sẽ ngược lại nếu người đi xe máy vì có mũ bảo hiểm mà trở nên bất cẩn hơn, cũng như cảm giác ban đầu không quen với mũ bảo hiểm có thể gây nên tai nạn giao thông.

Góp phần tăng trưởng kinh tế

Một nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững không phải là nền kinh tế đem bán (xuất khẩu) hầu hết những gì mình làm ra được mà là nền kinh tế có một lượng cầu nội địa lớn. Nhà kinh tế học Keynnes lập luận ngộ nghĩnh (nhưng đúng) rằng, trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái, chỉ cần Chính phủ in tiền đem chôn xuống đất để cho các doanh nghiệp đào lên lấy số tiền này thì sẽ đem lại công ăn việc làm và giúp tăng trưởng kinh tế.

Việc tạo ra thị trường mũ bảo hiểm sôi động sẽ có tác động kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Do cầu về mũ bảo hiểm lớn nên xuất hiện nhiều nhà sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đương nhiên ở đây là một thị trường tiêu dùng thực sự chứ không ở tình huống như ông Keynnes nêu trên.

Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà sản xuất mũ thông thường có mất đi không? Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù đội mũ bảo hiểm, nhiều người vẫn dùng một cái mũ lót bên trong. Nguyên nhân của việc này là do mũ bảo hiểm khó giặt, đặc biệt vào những ngày trời mưa thì lại “khó xử” vô cùng. Vì vậy, tốt nhất là phải đội thêm một cái mũ mà ta vẫn đội hằng ngày bên trong cho chắc. Vừa giữ được mũ bảo hiểm sạch, vừa dễ giặt mũ vải.

Thêm vào đó, chưa kể người ta vẫn đi bộ và tham gia các phương tiện công cộng hay xe ôtô thì chiếc mũ bình thường vẫn phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, việc thị trường mũ bảo hiểm sôi động sẽ làm giảm cầu thị trường các loại mũ khác là điều khó tránh khỏi. Những lợi ích kinh tế của việc đội mũ bảo hiểm sẽ bị giảm nếu loại sản phẩm này chủ yếu là nhập khẩu hay nguyên liệu từ nhập khẩu và phần giá trị gia tăng do sản xuất trong nước không cao.

Dù thế nào đi nữa thì ngày 15/12 tới, mỗi người trong chúng ta khi tham gia giao thông bằng xe máy đều phải đội mũ bảo hiểm. Việc đội mũ bảo hiểm sẽ là hành động ích nước lợi nhà. Do vậy, đây là hành động thiết thực nhất bảo vệ chính mình và thể hiện tinh thần yêu nước của mỗi một công dân.

Với ý nghĩa này thì những bất tiện do chiếc mũ bảo hiểm mang lại chỉ là chuyện nhỏ


Tin khác