Sau WTO: Tranh chấp giữa DN nội - ngoại gia tăng

18/12/2007

Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật sư AIC (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, gia nhập WTO, các DN Việt Nam được hưởng lợi nhiều song tranh chấp thương mại giữa DN trong và ngoài nước đã tăng đáng kể. Các DN "nội" qua đó cũng tích cực hơn trong việc tham vấn luật sư.

Đương đầu với tranh chấp thương mại

Sau 1 năm Việt Nam tham gia sân chơi WTO, số lượng DN nước ngoài vào Việt Nam làm ăn rất lớn. Bản thân các DN Việt Nam quan tâm hơn đến luật pháp quốc tế, thuê các luật sư tư vấn về các cam kết mà Việt Nam phải thực hiện sau khi gia nhập WTO, những ưu đãi thuế DN được hưởng.

Luật sư Lê Thanh Sơn cảnh báo, cùng với những cơ hội mang lại, gia nhập WTO các DN Việt Nam phải đương đầu với nhiều tranh chấp thương mại. Qua 1 năm, những tranh chấp này đã gia tăng đáng kể.

"Đây là điều đương nhiên vì nó chứng tỏ các DN đã tăng cường được hoạt động xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài", ông Trịnh Minh Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế, ghi nhận. Ông Minh Anh cho rằng, không một nước nào không có nhu cầu phải bảo hộ một số ngành sản xuất trong nước, và các hàng rào kỹ thuật được dựng lên và tranh chấp thương mại là điều dễ xảy ra.

Ở Văn phòng luật AIC, năm qua, đã có một số vụ phải ra toà giải quyết, và một số vụ hoà giải. Ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm, tại Hoa Kỳ, việc chấp hành luật pháp rất nghiêm nên khi gặp rắc rối, DN thường kiện ra tòa ngay.

Trong khi đó, DN Việt Nam thường chậm chân vì muốn tìm phương án tối ưu, cộng với những bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá nên đến khi bắt đầu giải quyết vụ việc thì đã có trát của toà - đến thời điểm này thì rất khó khăn, tốn kém.

Do vậy, ông Sơn khuyên, khi đã xảy ra tranh chấp, các DN phải quan tâm và có biện pháp giải quyết ngay. Trước khi ký bất kỳ hợp đồng nào với các DN quốc tế nên có sự tham vấn của luật sư có đủ trình độ, kinh nghiệm. Điều này các DN Nhật Bản, Hoa Kỳ tuân thủ rất nghiêm vì không có hợp đồng nào là không có sự hiện diện của luật sư cả. Trước ở Văn phòng luật AIC, 70% là DN nước ngoài đến tư vấn luật, nay có tới 65-70% là DN trong nước.

DN buộc phải hoàn thiện mình

Luật sư Lê Thanh Sơn nói rằng, các DN có nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển và mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm, song cũng phải đương đầu với nhiều rủi ro. Điển hình, thông tin ở nhiều thị trường mới rất ít, việc tiếp cận khó khăn đặc biệt đối với các DNNVV (doanh nghiệp nhỏ và vừa). Song, sự hiểu biết ít ỏi về luật pháp các nước, thị trường, khuynh hướng tiêu dùng buộc các DN phải tự vận động và hoàn thiện mình. Bước đầu, các DN đã biết xây dựng và phát triển thương hiệu.

 Nhiều mặt hàng giảm thuế sớm hơn lộ trình

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, năm 2007, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm được hơn 1.800 dòng thuế.

Về thuế nhập khẩu, một số mặt hàng còn được giảm thuế sớm hơn lộ trình cam kết như ôtô chở khách, sữa... Thuế nhập khẩu đối với nhóm các mặt hàng dệt may được giảm giá (37,3 xuống còn 13,7%).

Trong đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường 11 ngành, nay đã và đang thực hiện tại các ngành bảo hiểm, du lịch, viễn thông, ngân hàng, chứng khoán... Từ 1/1/2009, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư 100% trong ngành phân phối.

Ông Sơn kể, khi vào các cửa hàng quần áo ở Hoa Kỳ, ông thấy rất nhiều hàng Việt Nam được bày bán và chào với giá cao.

Ví dụ, một đôi giày Việt nam bán ở Mỹ giá khoảng 130 USD, hay 1 chiếc áo sơ mi có giá gần 100 USD. "Như vậy, chúng ta đã chấp nhận cạnh tranh với Trung Quốc không phải về giá, mà là thương hiệu và chất lượng. Đây là điều đáng mừng", ông Sơn nói.

Tại Hội thảo "Những tác động hậu WTO tới DN Việt Nam", do Hội DN trẻ Hà Nội tổ chức sáng nay (6/12) tại Hà Nội, ông Trần Quang Trung, Phó Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Dây và Cáp điện Thượng Đình (Cadi-Sun) cho biết, sau khi Việt Nam vào WTO, DN đã ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu nên có kế hoạch và chiến lược phát triển.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh hoàn toàn mới buộc công ty phải tập trung tất cả các nguồn lực để tạo lập giá trị cạnh tranh trên thị trường.

"Đối thủ lớn nhất mà chúng tôi phải vượt qua chính là Cadi-Sun. Đối với khách hàng tiềm năng, công ty đưa ra những sản phẩm phù hợp, còn người tiêu dùng nói chung thì đa dạng hóa sản phẩm đến tận từng vùng, miền. Trước đây, việc này Cadi-Sun chưa làm được triệt để và cũng thiếu một kênh phân phối rộng khắp", ông Trung nói.

Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam, Công ty Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Secoin là một trong những DN hàng đầu, đã chuyển giao công nghệ này cho 51 nhà máy khác trong cả nước. Ông Đinh Hồng Kỳ, Tổng giám đốc Secoin tiết lộ, xác định cơ hội mang lại từ WTO, công ty đã xây dựng được hai nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Angola và Nga. DN cũng xác định thị trường tiềm năng là châu Phi.

Ông khẳng định: "Với kinh nghiệm, nhân lực có trình độ và những gì gặt hái được, Secoin chú trọng vào đầu tư ở thị trường nước ngoài và biến đầu tư này thành nguồn lợi".

Nguồn: Vietnamnet


Tin khác