Doanh nghiệp nhà nước nợ xấu: Xử lý cách nào?

25/12/2007

Theo TS Nguyễn Quang A thì các DNNN nợ đọng, nợ xấu kéo dài, đang bên bờ vực phá sản... chính là hệ lụy của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp. Còn theo một chuyên gia kinh tế khác thì các DN này là những "người khổng lồ" yếu bóng vía và đang làm kinh tế tụt hậu.

Bài 1: Hệ lụy của bao cấp

Theo thống kê của riêng hệ thống các NH, thì nhóm DNNN nợ xấu kéo dài gồm các TCty xây dựng công trình GT thuộc Bộ GTVT (ảnh chỉ có tính minh họa).

Ngày 14.12, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Tài chính nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng chỉ đạo là Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, địa phương và TCty, trong năm 2008-2009 xử lý dứt điểm các DNNN cần phải xử lý, không nên kéo dài...

Thực trạng những "con nợ" khó đòi thuộc diện phải xử lý hiện ra sao? Những vướng mắc, rào cản đang tồn tại đó sẽ được xử lý như thế nào? Với loạt bài này, Lao Động hy vọng sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin cần thiết, góp thêm tiếng nói ủng hộ Chính phủ và các bộ, ngành mạnh tay giải quyết tồn tại cũ, dọn đường cho tiến trình cổ phần hoá và tạo đà cho nền kinh tế phát triển

DNNN nợ xấu bao nhiêu?

Đây là câu hỏi mà có lẽ chưa cơ quan quản lý nào trả lời chính xác được; bởi lẽ cho đến nay, hệ thống các cơ quan quản lý chưa có thống kê đầy đủ nào về tình trạng nợ xấu này. Tuy nhiên các cấp quản lý chỉ có thể đoán ước rằng: Đây là số tiền... khổng lồ lên đến vài chục ngàn tỉ.

Ngay từ năm 2005, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống kê dư nợ cho vay DNNN đã chiếm đến 33,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Đặc biệt, NHNN đã có cảnh báo về tình trạng nợ xấu đang có xu hướng tăng.

Theo một chuyên gia kinh tế thuộc Bộ Công thương thì đã từ quá lâu rồi, hệ thống các NH, không ít các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đã cảnh báo về tình trạng nợ xấu, tình trạng tiêu cực, làm ăn thua lỗ kéo dài dẫn đến nợ xấu của các DNNN.

Cụ thể theo tài liệu kiểm toán năm 2005, cơ quan này đã nêu hàng loạt các đơn vị nợ xấu khó đòi và chưa có biện pháp khắc phục như TCty lương thực Miền Nam, TCty Chăn nuôi, TCty Xây dựng công nghiệp, TCty Giấy...

Bản thân các TCty này cũng được cảnh báo về tình trạng làm ăn thua lỗ với số lỗ luỹ kế từ gần 200 tỉ đồng đến dưới 500 tỉ đồng. Đặc biệt, chỉ 16 DNNN đã có số nợ trong năm lên đến 21.000 tỉ đồng; tổng nợ phải trả lên đến 47.000 tỉ đồng và chiếm tới hơn 80% tổng nguồn vốn.

Gần đây nhất, theo thống kê sơ bộ của riêng hệ thống các NH, thì nhóm DNNN nợ xấu kéo dài gồm các TCty xây dựng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Đây là nhóm có số nợ kéo dài nhất, khó xử lý nhất.

Theo ước tính thì số nợ của các TCty này lên tới trên 12.300 tỉ đồng. Khối DNNN nợ xấu ít hơn bao gồm các TCty thuộc nhóm dịch vụ và chế biến... Tuy nhiên, gọi là ít song số nợ của khối các DN này cũng lên tới trên dưới 5.000 tỉ đồng. Nếu tính cả số các DN nợ đọng thuế thì con số này cũng thêm khoảng vài ngàn tỉ đồng nữa.

Hệ lụy của bao cấp

Ngày 24.12, khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Quang A nói: Nợ xấu và vấn đề nợ xấu của các DNNN tồn tại và làm đau đầu các nhà quản lý kinh tế vài chục năm nay. Liên tiếp trong nhiều năm qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã từng tổ chức khá nhiều đợt xử lý nợ, khoanh nợ, dãn nợ...

Tuy nhiên theo TS Quang A thì nếu cứ với tư duy kinh tế hiện nay thì không phải 2 năm mà là... 200 năm nữa cũng không xử lý hết được.

TS Quang A phân tích: Đối với các loại hình DN khác, họ buộc phải tuân thủ nguyên tắc "ràng buộc ngân sách cứng". Các DN phải tự chịu trách nhiệm về tình hình DN với hình thức lời ăn, lỗ chịu và rất khắt khe về kỷ luật tài chính.

Trong cạnh tranh, nếu thua lỗ họ phá sản ngay, còn nếu có lãi thì đó chính là sự hiệu quả và trách nhiệm của DN. Còn đối với DNNN, họ lại được Nhà nước ưu ái theo nguyên tắc "ràng buộc ngân sách mềm".

Cứ khi nào DN khó khăn thì được hỗ trợ, thiếu vốn thì cho vay, thậm chí là ban tặng cơ hội, hợp đồng... Đặc biệt, có khi DN làm ăn thua lỗ thì lại bơm thêm vốn; khoanh hoặc xóa nợ... tóm lại là với rất nhiều ưu đãi bất hợp lý.

Chính cơ chế này đã triệt tiêu khả năng cạnh tranh, tự vươn lên của DN; đồng thời rất nhiều DNNN ỷ lại và làm ăn theo kiểu "gà què ăn quẩn cối xay".

Đồng thuận với quan điểm của TS Quang A, một chuyên gia kinh tế khác so sánh để thấy sự bất cập: Nếu như các loại hình DN khác rất sợ nợ xấu, nợ đọng..., bởi nếu "sức khoẻ tài chính" không lành mạnh thì DN khó vay vốn, khó tiếp cận cơ hội làm ăn.

Vì thế, họ tận dụng mọi khả năng tài chính, con người để tạo nguồn lực phát triển. Trong khi đó, rất nhiều DNNN được đầu tư tài sản, vốn nhưng lại sẵn sàng lãng phí; nhiều TCty hiệu suất sử dụng tài sản cố định chỉ đạt dưới 50%. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo DNNN không hề có ý thức phấn đấu trả nợ, thậm chí còn có tư tưởng "để lại món nợ" cho người kế nhiệm...

Các chuyên gia trên cho rằng: Tình trạng nợ xấu kéo dài của các DNNN chính là hệ lụy của sự quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp. Đặc biệt, hệ lụy trên cũng là lý do khiến rất nhiều DNNN tụt hậu, không bắt kịp với xu hướng đổi mới. Đồng thời đây cũng nguyên nhân năm 2007, việc cổ phần hoá chỉ đạt gần 20% kế hoạch.


Tin khác