Hiện có đến hai con số về chỉ số giá tiêu dùng, lại chênh nhau khá lớn, gây khó hiểu cho người dân. Ông Nguyễn Đức Thắng, phó vụ trưởng Vụ thương mại, dịch vụ và giá cả - Tổng cục Thống kê, người thực hiện các số liệu này, cho biết:
- Chỉ số giá tiêu dùng của tháng mười hai này so với tháng mười hai năm ngoái tăng 12,63%, so với tháng trước tăng 2,91%. Như vậy sau 12 tháng, giá cả đã trượt giá 12,63%. Tổng cục Thống kê còn một con số nữa là chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2007 so với 2006 tăng 8,3%.
Nhóm cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tiền thuê nhà, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Lưu ý là giá bất động sản không nằm trong chỉ số giá tiêu dùng.
* Chính phủ đang dùng chỉ số giá cả bình quân cả năm thay vì chỉ số tháng mười hai như thường lệ. Nếu dùng chỉ số giá cả bình quân cả năm thì lạm phát dưới mức tăng trưởng GDP chứ không ở mức hai con số như dùng chỉ số cũ?
- Cho đến năm nay, Tổng cục Thống kê vẫn dùng chỉ số giá tiêu dùng là tháng mười hai năm nay so với tháng mười hai năm trước, và con số năm nay là giá cả tăng 12,63%. Hằng năm, Tổng cục Thống kê vẫn tính và công bố cả hai con số về chỉ số tháng mười hai và chỉ số bình quân cả năm. Nhưng các cơ quan chính phủ vẫn quen dùng con số tháng mười hai chứ không dùng con số bình quân năm gần 20 năm nay.
Khi đánh giá thành tích, kiểm soát lạm phát năm thì các cơ quan dùng chỉ số tháng mười hai. Nhưng khi dùng số liệu cho các chỉ tiêu tổng hợp như GDP lại dùng số bình quân năm. Nếu năm nay dùng số bình quân năm thì lạm phát dưới tốc độ tăng trưởng, nếu dùng số tháng mười hai thì cao hơn tốc độ tăng trưởng.
Đầu năm khi đặt mục tiêu chung thì vẫn tính theo chỉ số tháng mười hai. Nhưng đến tháng tám năm nay, khi giá cả tăng rất cao thì chính phủ ra chỉ thị 18 về kiềm chế lạm phát, nhân đó Tổng cục thống kê cũng trình luôn là trong kế hoạch sắp tới nên tính theo bình quân năm theo thông lệ quốc tế. Vì ta hay dùng chỉ số tháng mười hai để kiểm soát lạm phát không phù hợp quốc tế. Chỉ mỗi tháng mười hai so với năm trước gọi là cả năm thì không phù hợp. Chính phủ đồng ý từ nay sử dụng chỉ số bình quân năm.
|
Khách hàng chọn mua thịt bò tại chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM |
* Nếu dùng chỉ số bình quân năm thấp hơn hẳn so với con số cũ thì các chính sách tín dụng, tỉ giá hối đoái có thể sẽ khác hẳn. Theo ông, dùng cách tính mới có ảnh hưởng các chính sách kinh tế không?- Chỉ số giá tiêu dùng hơn 8% là rất cao chứ không phải thấp. Từ nhiều tháng qua chính sách tiền tệ đã có siết chặt rồi. Trong chính phủ có họp bàn về nguyên nhân do giá thế giới tăng, dịch bệnh, bão lụt. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng các nước khác cũng chịu những nguyên nhân khách quan này nhưng tại sao VN lạm phát lại cao hơn.
Điều này đặt vấn đề phải xem lại chính sách quản lý. Năm nay, Chính phủ phải tăng giá một số vật tư đầu vào của sản xuất như than, điện, xăng dầu theo lộ trình giảm bớt bao cấp khi hội nhập quốc tế. Lộ trình đúng nhưng có thể thời điểm không thích hợp. Với xăng dầu, khi chính phủ buông trợ giá thì nảy ra câu chuyện chưa có công ty cạnh tranh, mà là công ty có tính chất độc quyền...
* Theo ông, ai hưởng lợi và người nào chịu thiệt do tăng giá ?
- Tất cả người tiêu dùng bị thiệt rồi, giống như bị đánh thuế "lạm phát" vậy. Người chịu thiệt nặng nhất là người làm công hưởng lương, người về hưu. Có ý kiến rằng nông dân cũng bán được hàng và được giá nên không chịu thiệt nhiều.
* Ông có dự báo thế nào về giá cả trong dịp tết?
- Theo qui luật, tháng một và tháng hai giá cả bao giờ cũng tăng cao so với cả năm. Tháng 1-2008 lại bắt đầu tăng lương. Năm nay tháng mười hai tăng đột biến lên tới 2,91% nên tháng một sẽ không tăng quá nhiều nữa. Chúng tôi dự đoán tháng 1-2008 có thể tăng 1,8%. Tháng 2-2008 là tháng tết nên dự báo giá cả có thể tăng tới 3%.
* Tại sao giá cả tháng mười hai lại tăng đột biến như vậy?
- Do hứng trọn tăng giá xăng dầu, nhiều cơ quan giải ngân cuối năm, tiêu dùng lớn.
* Một số chuyên gia băn khoăn về độ tin cậy của các dữ liệu giá cả do Tổng cục thống kê đưa ra vì tổng cục chỉ lấy được số liệu ở trung tâm các tỉnh, không lấy được nhiều số liệu từ các vùng nông thôn?
- Trong "rổ" 494 mặt hàng chúng tôi thu thập dữ liệu, điều tra viên tại các tỉnh thu thập số liệu về giá cả những mặt hàng hay biến động như lương thực, vật liệu xây dựng ba lần một tháng. Đối với những mặt hàng ít biến động hơn như tivi, tủ lạnh thì một tháng một lần. Chúng tôi thu thập số liệu ở cả nông thôn và thành thị. Nhưng không đến được xã mà chỉ đến chợ huyện thôi. Việc thu thập giá của chúng tôi dựa theo tài liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) áp dụng cho tất cả các nước.
* Vậy chính thức năm 2008 thì chính phủ sẽ dùng chỉ số giá tiêu dùng nào?
- Từ năm sau, sẽ chính thức dùng chỉ số bình quân năm. Chỉ số tháng mười hai dùng để đánh giá trượt giá với tiền tiết kiệm, đồng đôla, định giá tài sản, muốn biết xu hướng giá năm nay thế nào dùng dãy số các tháng trước xem tốc độ tăng giá. Con số bình quân năm được dùng để kiểm soát lạm phát năm. Việc dùng con số bình quân năm là phù hợp với thông lệ quốc tế.