10 vấn đề "nóng" của năm 2008

26/12/2007

Trong 150 phút, tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia Phạm Chi Lan, người rất tâm huyết với phát triển DN Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long, giảng viên môn Lịch sử, ĐH Maine, Mỹ đã cùng nhà báo Nguyễn Anh Tuấn xới lên những vấn đề trăn trở trong năm qua và cần được giải quyết trong năm 2008. Từ câu chuyện bình đẳng giữa DN tư nhân và DN nhà nước, giáo dục đào tạo, thu hút và sử dụng người tài, cải cách hành chính, chiến lược công nghệ quốc gia, xây dựng và gìn giữ bản sắc, cá tính dân tộc đến câu chuyện về một vị thế mới trên tư cách thành viên HĐBA Liên Hợp Quốc đã được bàn thảo.

1. Kiểm soát lạm phát: Cần cảnh báo nghiêm túc và khẩn thiết

Rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi về nêu lên băn khoăn về chất lượng tăng trưởng kinh tế khi giá cả tăng cao, đời sống người dân thường gặp nhiều khó khăn.

Đây cũng là vấn đề nóng được các chuyên gia hết sức lưu tâm.

"Lạm phát và tăng trưởng đang là vấn đề hết sức nóng bỏng. Có lẽ Việt Nam vẫn hơi chủ quan về vấn đề lạm phát, đặt tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu", Tiến sỹ Nguyễn Quang A thẳng thắn.

Ông Quang A phân tích: Chính phủ đặt mục tiêu 9% tăng trưởng 2008, lạm phát dưới mức tăng trưởng. Cần xem xét hết sức cẩn trọng chuyện này, vì lạm phát năm nay, theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12 năm 2006 tăng hơn 12%. Nếu so với trung bình năm ngoái, tăng 8,3% < 8,44% tăng trưởng GDP. Xem đó là một thành công.

Năm 2007 là 1 trong 4 năm con số tháng 12 năm nay so với năm trước là 2 con số. Tăng 20% về thực phẩm, lương thực 15%... những con số mệt mỏi, đánh trực tiếp vào người thu nhập thấp.

Ông Quang A cảnh báo: Nếu không cẩn trọng với lạm phát, có thể gây rất nhiều vấn đề. Nếu lạm phát vượt qua ngưỡng nhất đinh, sẽ có thể vào vòng xoáy. Nếu vòng xoáy chuyển động, dù hùng mạnh thế nào cũng chỉ có thể đứng nhìn.

Không thể đặt mục tiêu lạm phát dưới tăng trưởng kinh tế là tốt mà nếu tính năm nay tăng 8,3% thì đặt 4,3% so với trung bình, 6% so với tháng 12 năm trước. Nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là giảm lạm phát. cần cảnh báo Chính phủ nghiêm túc. Lạm phát có thể làm tiêu tan sự phát triển trong 20 năm qua chỉ trong 1-2 năm thậm chí trong 6 tháng.

2. Công bằng DN: Cần cải cách triệt để từ tư duy

Chiếm 25% câu hỏi bạn đọc gửi đến, vấn đề bình đẳng thực sự giữa DN Nhà nước và DN tư nhân đã được các chuyên gia kinh tế cùng mổ xẻ. Theo bà Phạm Chi Lan, người rất tâm huyết với phát triển DN tư nhân, trong những năm qua, Nhà nước đã có những cố gắng tạo môi trường bình đẳng giữa DN nhà nước và tư nhân, với Luật Đầu tư và Luật DN.

Trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội.

Tuy tư tưởng lãnh đạo và hệ thống pháp lý là như vậy nhưng thực tế, Việt Nam sẽ còn mất một chặng đường nữa. Riêng về pháp lý, tất cả các thiết chế thực hiện luật cần cải thiện nhiều, đặc biệt chính sách kinh tế cụ thể. Hiện nay, trong định hướng phát triển của các ngành cơ bản, chủ trương đầu tư của nhà nước, hướng sự tham gia mức độ nào của các DN đều có sự bất bình đẳng, bà Lan nói.

Sự mất cân bằng thứ hai là phân bổ nguồn lực. Đây là điều đáng lo ngại nhất. Thể chế, môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ tiếp tục được cải thiện, phù hợp với cam kết quốc tế. Nhưng phân bổ nguồn lực vẫn còn thiên vị, hoàn toàn phụ thuộc vào câu chuyện nội bộ. Sự bất bình đẳng, rào cản vẫn biểu hiện rất cụ thể đối với các DN.

Bà Phạm Chi Lan dẫn chứng số liệu do ông Hồ Xuân Hùng, Phó ban Đổi mới DN Chính phủ đưa ra năm 2006, hơn 2000 DN nhà nước nắm giữ hơn 70% nguồn lực, vốn đầu tư của Nhà nước 50%, vốn ngân hàng 60%, vốn ODA 70% trong tay các DN Nhà nước. Đất đai đến 70%. Con người, công nghệ, thị trường và quyền kinh doanh đều ưu tiên cho DN Nhà nước. Điều này gây khó khăn cho DN vừa và nhỏ, hàng vạn, thậm chí hàng triệu DN chia nhau nguồn lực nhỏ bé, khó khăn cho phát triển. Trong khi đó, hiệu quả của DNNN không cao, kéo theo sự hạn chế của toàn bộ nền kinh tế hoạt động. Nhà nước bù đắp chính bằng tiền thuế, mồ hôi nước mắt của người nông dân trên đồng ruộng. Người dân trở thành người lãnh đủ. Đất nước khó cạnh tranh, phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Sự không bình đẳng còn nằm trong đầu óc những người ra quyết định.

Chia sẻ cách nhìn này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, trên thực tế, từ trước và đến giờ có ít bình đẳng. Câu chuyện bình đẳng DN cần nhiều công sức, thời gian, không đơn giản chỉ là đưa ra một luật.

Ông nhấn mạnh, "sự không bình đẳng ấy nằm một phần trong đầu óc của những người ra quyết định rất lớn".

Nhiều người nghĩ đó là DN nhà nước, chắc chắn Nhà nước phải hỗ trợ này khác. Chừng nào chưa thật thoáng trong tư duy, thì còn rất khó, không chỉ là nguồn lực mà còn nhiều nhân tố khác. Ví dụ như vấn đề tín dụng, nguồn lực quan trọng là vốn. Đầu tư của nhà nước dồn cho họ mà cả khoản vay của Nhà nước cũng dồn cho họ. Hơn 20 năm qua, nhà nước mệt mỏi trong việc giải quyết nợ của DNNN với hàng chục tỷ đồng.

"Chừng nào không có thay đổi tư duy tận gốc rễ, có giải quyết tạm vài năm thì còn chưa giải quyết. Chừng nào ràng buộc ngân sách còn mềm, không bị ràng buộc cứng như tư nhân, chừng ấy, hiện tượng kém hiệu quả, kêu gào tiếp cận bầu sữa ngân sách nhà nước vẫn còn là chuyện khó giải".

TS. Nguyễn Quang A phân tích, việc bình đẳng DN chỉ làm được khi quá trình cổ phần hoá, chuyển đổi DN quốc doanh thực hiện tốt, thiết thực hơn nữa. Nhiều DN, lĩnh vực Nhà nước không cần phải giữ bao nhiêu nhưng trên thực tế, có cổ phần hoá DN, hình thức, Nhà nước vẫn chiếm 80%. Muốn thực sự cải thiện tình hình, việc cải tổ, sắp xếp lại khu vực kinh tế tư nhân là quan trọng.

Hiện Việt Nam đang tiến hành chuyện cổ phần hoá, nhưng cần cổ phần hoá triệt để. Cổ phần hoá mà vẫn giữ một phần ưu thế thì không giải quyết được gì. Cần phải kiên quyết thiết chặt kỷ luật tài chính, có ràng buộc ngân sách cứng hơn. Có như thế mặt bằng cạnh tranh thực sự mới ngang bằng với nhau.

"Tư duy quản lý, tư duy cải tổ cần thay đổi triệt để".

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề: Nói thay đổi tư duy còn chung chung quá. Cụ thể là phải thay đổi tư duy gì, như thế nào? TS. Nguyễn Quang A cho rằng, thay đổi tư duy phải bằng thực tế, sờ mó được, chứ không phải nói không và thực tế làm ngược lại. Hiện nay, Việt Nam chỉ đổi mới tư duy trên lời nói chứ không phải là đổi mới tư duy thực sự.

Không tham vọng đưa ra những kiến nghị cụ thể, nhưng Viện Nghiên cứu phát triển sẽ thẳng thắn nêu những hiện tượng, căn bệnh được cho là nền kinh tế đang phải đương đầu và đưa ra khuyến nghị. Ví dụ với phân bổ quyền lực, từ chuyện 1 tập đoàn theo quy định của NHNN, cho một khách hàng không được vay quá 15% dư nợ tín dụng của họ, nhưng lại có ai đó bật đèn xanh được làm. Thực tế và những gì ghi trên giấy là có vấn đề. Viện sẽ nêu thẳng thắn và khuyến nghị sự thay đổi.

3. Sức cạnh tranh của mở cửa gấp 10 lần mệnh lệnh

Bà Phạm Chi Lan: Bình đẳng thực sự giữa DNNN và tư nhân còn mất một chặng đường dài nữa.
Trước ý kiến của bạn Hồ Viết Hoàng (Hà Nội): Phải chăng Nhà nước nên có yêu cầu, sức ép cụ thể đối với DNNN, buộc họ hoạt động hiệu quả hơn, bà Phạm Chi Lan cho rằng, yêu cầu đầu tiên là tính công khai minh bạch.

2 lần Kiểm toán Nhà nước đưa ra công bố, tuy không đầy đủ nhưng vài con số đã đủ gây giật mình. Các con số chứng minh phần lớn DNNN lỗ lớn, tỉ suất rất thấp so với bên ngoài. Những cái đó cần minh bạch hơn, công bố rộng rãi hơn với DN. Khi đó, phía cơ quan quản lý nhìn rõ yếu kém của DN, tăng kiểm soát và trách nhiệm. Còn bản thân DN thấy rõ bức tranh thực, không ảo tưởng. Chính các DNNN cần nhớ họ được giao trọng trách với những ngành then chốt. Đồng thời, những con số giúp xã hội có cách nhìn đầy đủ về thực tế, đảm bảo làm tốt hơn.

Chưa cần đặt ra yêu cầu, sức ép gì lớn, các DN cần đạt tiêu chí tối thiểu là tính minh bạch trong hoạt động, bà Lan nói.

Tiến sĩ Quang A bổ sung, xét trên một góc độ, bản thân toàn bộ công dân Việt Nam là chủ của DN quốc doanh. Ông chủ phải có quyền đòi xem DN hoạt động như thế nào.

Mặt khác, dù Nhà nước có đòi họ có gì chăng nữa thì chỉ chừng nào họ buộc phải làm mới mong có sự thay đổi. Chừng nào họ được ưu ái như đứa trẻ con được nuông chiều, không thể lớn được. Nhà nước phải để các DN có thể bị thua lỗ, phá sản nếu không có đủ khả năng, buộc nó phải cạnh tranh khốc liệt với môi trường quốc tế và trong nước. Trong toàn cầu hoá, DN buộc phải xen vào một vài khâu mạnh nhất trong chuỗi cung toàn cầu này. Cách làm co lại, từ A đến Z, tạo độc quyền trong thế giới này là không phù hợp.

Nhà nước có yêu cầu DN tạo thương hiệu cũng không thể làm được. Đó phải là quá trình dần dần, nhảy xuống sông, xuống biển, tập bơi, nổi lên giành điểm mạnh, điểm hơn mới đạt được.

Cách để DNNN cạnh tranh thực sự là phải mở cửa. Sức cạnh tranh của mở cửa còn mạnh hơn 10 lần lệnh từ trên xuống là phải làm này, làm nọ. Việc sợ mở cửa sẽ khiến DN yếu chết, nhưng thực ra càng khép cửa, DN càng yếu, càng chết bấy nhiêu.

"Phải làm sao để DNNN thực sự tự chủ, xiết chặt kỷ luật tài chính của nó, buộc nó minh bạch, cạnh tranh khốc liệt trên thị trường", đó là giải pháp mà TS. Nguyễn Quang A đưa ra.

Theo bà Phạm Chi Lan, song song với việc này, Nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của DN dân doanh. DN dân doanh Việt Nam hiện đã đủ mạnh, miễn là Nhà nước để cho họ làm và tạo điều kiện cho họ.

4. Cải cách giáo dục: cẩn trọng nhưng không thể đợi lâu

Cải tổ giáo dục không thể chậm trễ hơn nữa, đặc biệt trong giáo dục ĐH. Một bạn đọc đặt vấn đề, giáo dục Việt Nam cần cải tổ như thế nào trong khi bản thân giáo viên chưa đủ chất lượng?

GS Ngô Vĩnh Long: Việt Nam vừa phải rà soát để có biện pháp tức thời, gần như chữa cháy nhưng cũng phải tính giải pháp lâu dài để cải tổ toàn bộ hệ thống giáo dục.

Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, cải cách giáo dục cần qua nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán cẩn trọng, làm thí điểm. Sẽ rất khó nếu làm tràn lan. Ví dụ, có thể thí điểm bỏ một số môn học. Từ kinh nghiệm các nước, học sinh chỉ học 6-8 môn là cùng, không nên học tới 20 môn như hiện nay. Áp lực học tập với các em hiện nay quá lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ bài toán giáo dục rất phức tạp và khó, cần nghiên cứu thấu đáo, tìm biện pháp khả thi thực hiện được ngay, cần kế hoạch dài để làm. Cải cách giáo dục không thể tính 1-2 năm mà giải quyết được. Thậm chí, không thể vài ba hay năm năm vì hệ thống rất lớn, phức tạp, làm không khéo rất rắc rối.

Cải cách giáo dục đụng đến hàng chục triệu con người nên phải làm hết sức thận trọng. Việt Nam vừa phải rà soát lại xem có biện pháp tức thời, gần như chữa cháy đáp ứng yêu cầu trước mắt của DN, đồng thời, tính giải pháp lâu dài để cải tổ toàn bộ hệ thống giáo dục.

Ví dụ, một mặt, ngành ĐH và dạy nghề, trong vài ba năm có thể chuyển ngay thành người lao động, do đó, cần hướng dạy nghề nên tập trung hơn và mở rộng tiếp cận thị trường, để tư nhân, nước ngoài tham gia đào tạo, huấn luyện công nhân kỹ thuật nhanh chóng, để học sinh trong vài năm có thể bổ sung kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động. Việt Nam có thể cải tiến sớm chuyện về ĐH, vì sau 4 năm có thể đổi toàn bộ hệ thống.

Bà Phạm Chi Lan lại cho rằng, đây là chuyện bức xúc của toàn xã hội, được quan tâm không chỉ của người lớn mà cả trẻ em. "Cháu nội tôi 10 tuổi còn bức xúc vì áp lực lớn trong học hành".

"Xã hội không thể đợi quá lâu như vậy, vì cọ xát đang đến càng ngày càng dồn dập, là bức xúc trước mắt", bà Lan nhấn mạnh. Bà cho rằng, có những việc có thể giải quyết ngay được, như chuyện giảm tải ở trường phổ thông. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói khi làm, người lớn khi làm, cần có thể tra cứu, tại sao trẻ nhỏ lại phải học thuộc tất cả mọi thứ. Trẻ con từ cấp 1 đã phải quá vất vả với chương trình học. Nhìn các nước xung quanh, nhiều người đi học bên ngoài, nhiều thứ chúng ta học thừa so với nước ngoài. Để các cháu tập trng học những gì cần, tập thói quen ham học. Hiện nay, giáo dục gây tâm lý sợ đến trường cho các em nhiều hơn. Cái đó có thể làm được ngay cũng không quá khó.

"Nếu đợi để ra giải pháp thì quá trễ, quá muộn cho nền kinh tế".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A dẫn lời ông Phạm Toàn cho rằng, trẻ em Nhật Bản, Trung Quốc học 5-7 năm mới học thông, viết thạo, nhưng Việt Nam 1-1,5 năm, thậm chí 6 tháng đọc thông viết thạo. Tại sao Việt Nam lại cần học 12 năm phổ thông? Nếu có thể, chúng ta vừa tiết kiệm được vài năm, làm những việc có ích hơn.

5. Nguồn nhân lực: Nói nhiều nhưng làm chưa nhiều

Song song với câu chuyện giáo dục, vấn đề khai thác và sử dụng nguồn lực quốc gia, đặc biệt là con người được thảo luận chi tiết tại buổi trực tuyến. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, đây thực sự là nút quan trọng nếu chúng ta muốn phát triển tiếp.

Tầm quan trọng của nguồn nhân lực, quan điểm lấy con người là trung tâm được nói nhiều, nhưng thực tế việc làm được chưa nhiều, chưa như mong muốn.

Vấn đề nổi lên nhất năm 2007 chính là thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực và cấp, từ quản trị nhà nước, quản trị DN, quản trị trường học… đến nguồn lao động có kỹ năng. Thiếu hụt của 2007 cho thấy rõ những năm qua chúng ta nói nhiều nhưng chưa có những việc làm cần thiết cụ thể để giải quyết.

Theo bà Lan, Cái chốt không chỉ là giáo dục đào tạo mà là tuyển dụng và sử dụng. Hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt là chưa minh bạch về chuẩn mực.

Thời gian qua, trong cải cách hành chính tập trung sắp xếp bộ máy, nhưng con người - vấn đề cốt lõi lại chưa được đụng chạm đến bao nhiêu. Bộ máy nhà nước cần cải thiện nhiều nhất. Đối với DN tư nhân, họ buộc cạnh tranh, phải lựa chọn người thực sự có năng lực.

Với hơn 80 triệu dân, 40 triệu lao động, số người giỏi không thiếu, vấn đề là nhà nước có tuyển dụng, sử dụng thích đáng hay không. Có chế độ đích đáng, người lao động làm việc tốt hơn, đồng thời thúc đẩy người trẻ học thực, làm việc thực. Việc này cũng sẽ thúc đẩy giáo dục đào tạo đến nơi đến chốn, sản phẩm đưa ra được xã hội thừa nhận.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong khu vực nhà nước, người ta vẫn nói nhân lực là quan trọng nhưng không làm như vậy. Tiêu chí để chọn không phải chọn người có năng lực, người tài mà chọn theo tiêu chí gì, không cần nói ra nhưng ai cũng biết.

Chuyện nguồn nhân lực theo ông là cái lo của Nhà nước. "Đó là căn bệnh trầm kha của Nhà nước". Theo ông, nguyên tắc cơ bản trong quản trị nhân sự giống nhau, dù nhà nước hay tư nhân. Nguyên tắc chung là giống, nhưng quy định cụ thể lại tạo khuyến khích ngược để học giả bằng thật, mua bằng, chạy chọt phát triển lên.

Giải pháp để giải quyết vấn đề này không khó, nhưng phải thực sự đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy nhưng có làm hay không là chuyện mấu chốt. Cách hay nhất là nhà nước nên bỏ một số tiền không nhỏ để cải tổ thực sự vấn đề này, chọn đúng được người, có được quy trình rạch ròi về tuyển chọn, bằng cấp chỉ là tham khảo, có quy trình cất nhắc từng người, kết quả minh bạch, dựa trên kết quả công việc cụ thể. Nó là một thủ tục minh bạch, bàn dân thiên hạ đều biết cả.

Chuyện chương trình Fulbright là một ví dụ của chất lượng đào tạo và câu chuyện sử dụng người. Theo bà Phạm Chi Lan, những người học chương trình Fulbright chưa được cấp bằng chính thức, nhưng về cơ quan phát huy rất tốt, được cơ quan đánh giá có chất lượng. Mô hình phối hợp như vậy cần học hỏi và nhân rộng ra. Coi trọng chất lượng người được đào tạo. Còn văn bằng gì thì ở Việt Nam có nghịch lý là không thiếu văn bằng gì nhưng không biết sâu chuyên môn. Những người này, theo bà, "không chỉ khu vực tư mà cả khu vực công cũng không thể sử dụng được".

Giáo sư Ngô Vĩnh Long lại cho rằng, tìm người có kỹ năng đã khó nhưng quan trọng là cho những người này cơ hội để thể hiện mình. Trong công việc, kỹ năng là quan trọng chứ không phải là tấm bằng. Thị trường sẽ là người tuyển chọn và đào thải người lao động.

Bà Chi Lan chia sẻ cảm nhận không phải Việt Nam không có người giỏi, kể cả với hệ thống tuyển dụng hiện nay. Đoàn đàm phán WTO là một điển hình, ngay cả Pascal Lamy đã khen ngợi. Chúng ta có người giỏi trong bộ máy. Nhưng nhà nước phát triển kinh tế không chỉ dựa vào bộ máy của mình, mà cần cho toàn dân hiểu bộ máy của mình. Phát triển kinh tế gắn với vận mệnh của từng người dân, do đó cần huy động toàn dân, sẽ có đội ngũ chuyên gia rộng rãi, không chỉ trong bộ máy.

Cũng cần tạo điều kiện cho họ phát huy hơn nữa trí tuệ trong bộ máy của mình.

6. Tham gia HĐBA: còn là câu chuyện đối nội

2008, Việt Nam trở thành thành viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc. Cùng thời gian đó, Việt Nam sẽ có 6 tháng là chủ tịch HĐBA. Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long Việt Nam phải đưa ra sắp xếp hợp lý, để có thể giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới, tăng vị thế Việt Nam, tại HĐBA và trên thế giới.

"Phải nghiên cứu kỹ những vấn đề liên quan đến HĐBA, không chỉ an ninh hòa bình mà còn nhiều vấn đề lớn khác như an toàn con người, trong đó có quyền con người. Theo GS. Ngô Vĩnh Long, tất cả các nước đều nghiên cứu, đưa ra những lợi ích ở HĐBA để có thể tranh cãi vấn đề một cách dễ dàng. Không thể đợi vấn đề đưa lên, đợi ý kiến thảo luận trong nước mới đưa ra bàn luận. Việc đó sẽ khó cho Việt Nam.

"Vấn đề lớn không phải là thế giới làm khó cho chúng ta. Vấn đề là trong nước thống nhất với nhau, và trao cho các các cơ quan đại diện ở nước ngoài như thế này, tại ASEAN, HĐBA, có thể quyết định tin cậy ngay tại chỗ".

Chia sẻ góc nhìn về vị thế mới này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, tham gia HĐBA trong bối cảnh thế giới đang biến động và thay đổi sâu sắc, Việt Nam phải tự trang bị cho mình hiểu biết và nghiên cứu đầy đủ, vững chắc về các vấn đề lớn trên thế giới. Đặc biệt vấn đề khu vực, vấn đề an ninh, sức ép của mối quan hệ với nhiều cường quốc trên thế giới muốn có vị trí, đòi Việt Nam có bản lĩnh tốt hơn, đóng vai trò tích cực trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, với vai trò này, nếu Việt Nam ứng xử một cách khéo và chững chạc, uy tín của Việt Nam sẽ lên rất cao nhưng làm không khéo sẽ rất tai tiếng. Ví dụ, xảy ra vấn đề gì trên thế giới, là chủ tịch HĐBA nhưng Việt Nam không để ý đến, mà đợi sức ép của ai đó mới lên tiếng.

Việt Nam cần chủ động hơn. Đây là việc không đơn giản nhưng phải rất bản lĩnh trong ứng xử như một đối tác đường hoàng trong thế giới ngày nay.

Hơn nữa, theo ông Quang A, Việt Nam cần đặt vấn đề ứng xử với thế giới, và với trong nước như thế nào, kể cả những chuyện như với DN trong nước, nước ngoài, giáo dục đào tạo và những câu chuyện nhạy cảm khác. Đó là cơ hội thể hiện tư thế của mình.

"Việt Nam có thể làm được rất nhiều thứ trong câu chuyện đối nội của mình, đồng thời thể hiện được vai trò của mình tại LHQ".

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói thêm, nhiều nước trên thế giới, nhất là nước lớn đang chờ xem các hành động của Việt Nam như thế nào hiện nay. Nhiều lần, sau khi vào ASEAN, nước lớn quan sát Việt Nam, thử xem phản ứng của Việt Nam như thế nào. Ngày nay vào HBĐA, "nắn gân" xem phản ứng ra sao, xem họ có thể ép ta như thế nào.

Vấn đề đặt ra với Việt Nam không chỉ đối ngoại mà cả đối nội, vì đối nội hỗ trợ đối ngoại. Cư xử không tốt, không thức thời về một vấn đề nào đó, nước ngoài có thể đánh giá bản lĩnh của ta.

Vào HĐBA, vận hội lớn nhưng nếu không tận dụng tình hình, tăng uy tín Việt Nam, mở cửa ra thế giới, mở rộng xã hội Việt Nam, chúng ta có thể sẽ mất uy tín về sau. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có vận hội lớn như thế này, đặc biệt từ 1945 đến nay.

Nhưng nếu ta làm không khéo, hình ảnh Việt Nam sẽ không tốt. Đây là vấn đề 1-2 năm tới có tác động lớn. Nhưng cũng là vấn đề lâu dài mai sau. Làm không tốt, không chỉ làm mất cơ hội của hiện nay mà làm mất cơ hội cho mai sau. Cái giá phải trả sẽ rất đắt.

7. Năm đột phá về cải cách hành chính chưa tạo được đột phá

Năm 2007 được xem là năm đột phá về cải cách hành chính của Việt Nam, tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, năm qua, nền hành chính Việt Nam vẫn chưa có đột phá đáng kể. Việc cải cách hành chính có tiến độ chậm chạp, tác động hạn chế.

"Không thể để ghi nhận mãi là khâu đột phá nhưng thực tế vẫn chưa có đột phá gì trong bản thân nó, chưa nói đến tác động đột phát lên toàn xã hội".

Không ai tự đập niêu cơm của mình, chờ bộ máy tự chuyển động tất cả rất khó khăn. Để làm tốt hơn, cần tăng thêm giám sát, tham gia của người dân để làm thực sự hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo dù quyết liệt, kêu gọi sự tham gia giám sát rộng rãi, nhưng vẫn chủ yếu dừng ở lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ. Theo bà Lan, lời kêu gọi, ý tưởng của Thủ tướng chưa thấm xuống cấp dưới. Trong khi đó, để có sự thay đổi, bản thân Bộ máy của Thủ tướng cần phải làm thấm những điều đó. Đây là điều Việt Nam chưa làm được.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề, lãnh đạo rất nhiệt huyết, đưa chỉ đạo quyết liệt cho cấp dưới. Tuy nhiên, có những cái mục tiêu chưa hoàn thành đúng thời hạn. Vấn đề nằm ở con người hay cơ chế ở cấp dưới? Bà Phạm Chi Lan cho rằng, cả con người và cơ chế là nguyên nhân.

Mọi vấn đề phải được xem xét theo trình tự, phân cấp. Dù đã phân cấp, nhưng lại phân công quá nhiều người tham gia vào việc đó. Nhiều bộ đưa ra hỏi ý kiến chung ở toàn cơ quan, quần chúng tín nhiệm người này nhưng cuối cùng phân công lại là người khác. Dù kêu gọi sự đóng góp của dân nhưng đóng góp không được tôn trọng, người ta không tin và tham gia nữa.

Hiện nay, cơ chế của Việt Nam không rành mạch về phân cấp phân quyền. Nếu Thủ tướng, bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh có quyền nhận thấy công chức làm sai thì sẽ khác. Hiện nay, dù thấy công chức sai nhưng lại cần tham vấn từ nhiều cơ quan. Một người quyết liệt nhưng nhiều người lại muốn dĩ hoà vi quý khó làm được.

Theo bà Lan, vấn đề chính là cần xem xét thanh danh, uy tín chung của Nhà nước, không vì một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến uy tín chung của cơ quan cầm quyền. Không cần cơ quan điều tra tìm ra chứng cứ, nếu là người bổ nhiệm, có thể đặt người ta ra bên ngoài bộ máy, thì lòng tin sẽ tăng.

TS. Nguyễn Quang A khá bi quan với nhận định, cải cách hành chính mới chỉ dừng ở quyết tâm, cách làm chưa được để ý.

Cải cách hành chính có bài bản của nó. Nếu có lập một ban hay cơ quan nào đấy thực sự lo chuyện này thì hay hơn, đầu tiên rà soát Nhà nước chỉ nên làm việc gì? Việc gì Nhà nước đang làm mà thực sự không nên làm thì phải chuyển giao cho xã hội dân sự và tư nhân? Xác định việc gì Nhà nước nhất định phải làm? Giải quyết như thế nào? Đầu tiên là phải phân quyền rõ ràng. Các bộ làm gì, địa phương làm gì. Khi phân quyền phải phân luôn trách nhiệm, không có chuyện bên trên can thiệp rất chi tiết. Có chuyện ở dưới không làm được, đẩy lên, thậm chí lên tới Thủ tướng. Ở trên cũng dứt khoát từ chối việc ở dưới đẩy lên, phân rõ chức năng mới tính chuyện làm như thế nào cho hợp lý. Từ đó, đào tạo lại đội ngũ công chức phù hợp với quy định mới. Nếu làm bài bản như vậy, cải thiện được thực tế, còn nếu không, khó giải quyết được bài bản.

Các chuyên gia đều thống nhất, cải cách hành chính là công việc cấp thiết, dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ, ngay cả khi đã có được cơ chế và con người lý tưởng nhất.

8. Quy hoạch đô thị: Chỉ cần học kinh nghiệm láng giềng

Câu chuyện quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường là vấn đề nóng bỏng được xới lên tại buổi trực tuyến. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, lãng phí lớn nhất là lãng phí trí tuệ, chất xám. Làm gì quy hoạch sai thì nhiều thế hệ gánh chịu. Ví dụ, chuyện úng lụt của TP.HCM, Hà Nội hay kẹt xe là chuyện đau đầu, hoàn toàn do lỗi quy hoạch. Nếu dòng chảy tự nhiên nghiêng về phía biển, nếu xây dựng nhiều khu dân cư gần biển, cản trở dòng chảy tự nhiên, tất nhiên… sẽ úng khi mưa.

Khu đô thị xây dựng 10 năm trước, tư duy đường ta rộng thênh thang 8 thước còn sâu lắm. Chuyện quy hoạch nóng bỏng, cần sự tham gia của nhiều người, có thể góp ý được điều gì đấy.

Nhìn vào dân số và diện tích, có thể thấy rõ, Việt Nam có mật độ cao nhất thế giới. Việt Nam đất chật, người đông. Đáng lẽ, mặt bằng đất là tài sản quý phải sử dụng cho khéo. Nếu ta đứng cao, xa, nhìn dài hơn một chút, có thể tránh được nhiều trục trặc của bây giờ. Không chỉ tốn kém nguồn lực tiền của đã đầu tư mà để sửa chữa, đồng thời, cản trở chuyện phát triển tiếp theo.

Theo bà Lan, điều cần chốt nhất là tầm nhìn xa hơn, dài hơn. Trước đây, chúng ta chỉ có kế hoạch 5 năm, chiến lược, quy hoạch 10 năm. Ngay việc đưa ra chiến lược biển 10 năm, nhưng thực tế Việt Nam chỉ có có chuỗi cảng biển lít nhít nhưng không có một cảng đủ lớn.

Ta chưa đủ có đội ngũ có tầm nhìn tốt thì có thể học như các nước, mời chuyên gia quốc tế tư vấn. Trung Quốc mời chuyên gia Pháp sang quy hoạch lại Hải Nam, dùng quy hoạch cho nhiều năm sau. Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng bài học này, huy động chất xám bên ngoài.

Chỉ dựa vào những người đang ngồi trên các ghế, được giao làm hiện nay mà không đủ trình độ, thế hệ sau sẽ phải dọn dẹp những gì mình để lại. Hiện nay, bản thân thế hệ chúng ta cũng đang phải dọn dẹp.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long tâm sự, là người nghiên cứu Á Đông, ông thường xuyên nhấn mạnh việc học bài học của Thái Lan, Trung Quốc. Theo ông Long, người quy hoạch đô thị, công trình không cần học đâu xa, chỉ cần học kinh nghiệm của các nước láng giềng.

Từ trước đến nay, quy hoạch bị xem là bí mật quốc gia, của thành phố và bây giờ là bí mật của một nhóm nào đấy, ông A phân tích. Quy hoạch có nhiều tầng. Ở tầng lớn, chỉ là định hướng, cần minh bạch những chuyện đó, để nhiều người có thể góp. Nếu không, bàn quy hoạch ở một số những người đang có quyền chức, họ quyết định mà người dân, kể cả giới chuyên môn không biết được bao nhiêu, mà giả sử có biết cũng chỉ nói vuốt đuôi vì đã được tầng nấc phê duyệt.

Việt Nam cần thay đổi cách làm, cách đặt vấn đề. Hiện nay, dù Chính phủ nói lấy ý kiến nhân dân nhưng thực tế đã quyết định trước đó 5-7 tháng. Điều đó là không nên. Góp ý là một chuyện nhưng những người có quyền quyết định ra quyết định chính trị phải đưa quyết định, nhưng có rồi phải cho người dân biết để dựa vào đó mà làm việc. Có phản ứng của giới chuyên môn, có thể làm được điều gì đó tạo sự thay đổi.

Theo bà Lan, hiện nay, các viện của Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất chiến lược phát triển dài hạn. Theo bà, rất nên chiến lược được đưa ra cần được công bố rộng rãi, lắng nghe quan điểm của chuyên gia trong nước, nước ngoài, nhân dân, để có chiến lược thống nhất.

"Quyết định rồi mới đưa ra hỏi ý kiến thì quá chậm".

Trong chiến lược, theo bà Lan, cần nêu tầm nhìn dài hạn hơn là đưa ra con số cụ thể. Đưa ra con số cụ thể, Việt Nam dễ bị lệ thuộc, chạy theo nó. Nếu đạt được, có thể chỉ là thành tích ảo, phụ thuộc vào nó. Đồng thời, phải đặt Việt Nam trong bối cảnh khu vực và toàn cầu.

Theo bà Phạm Chi Lan, riêng 2008, tại Hà Nội và TP. HCM, tất cả các dự án dư luận đang bức xúc các thành phố này dừng ngay lập tức, không tiếp tục. Ví dụ dự án biến Hồ Gươm thành một cái ao... vì sẽ là có tội với một quyết định sai lầm với lịch sử. Vấn đề dư luận có ý kiến phải quyết ngay. Hà Nội và TP.HCM cần học hỏi Đà Nẵng từ chối 2 dự án lớn vì có nguy cơ ảnh hưởng môi trường. Nếu làm sai thì cần phải trả lại như cũ, không để sự đã rồi và bỏ qua cho nhau.

9. Chiến lược công nghệ quốc gia: Không thể ngồi dưới đất mà mơ tới trời

Trước vấn đề bạn Đức Thắng, TP.HCM đặt ra về chiến lược công nghệ quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, chiến lược công nghệ rất mông lung. Nhà nước không nên có một chiến lược như vậy mà tạo điều kiện cho DN hoạt động một cách đỡ rắc rối, rào cản, tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động.

"Chính DN là người tạo ra hay hấp thu công nghệ, làm được cái gì mang đặc biệt của Việt Nam".

Ví dụ, các trang trại cá không phải công nghệ Việt Nam mà của thế giới thay đổi hoàn toàn bộ mặt nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng để thay đổi như vậy. Nếu tạo điều kiện để DN, người dân có khả năng tích tụ tư bản, thậm chí cả về đất, vì muốn phát triển công nghệ cần đạt điểm tới hạn nào đó về quy mô, đủ sức tiếp thu, phát triển thêm công nghệ nội địa. Khi nào một ngành nào đó Việt Nam có thể chiếm lĩnh 10% thị trường thế giới, lúc đó may ra mới có chuyện một công nghệ nào đó của Việt Nam. Ví dụ chuyện nuôi trồng thuỷ sản, cà phê… còn đặt ra chỉ tiêu về công nghệ thì hơi viển vông. Công nghệ khó nói nó là cái gì.

Đặt ra và hy vọng là có thể làm được cái gì, nhưng đừng đặt quá cao về một cái gì khó, vì công nghệ là cái khó có thể kế hoạch khác.

Định hướng chắc chắn là nên. Việt Nam cũng có những cái như vậy, như khuyến khích phát triển công nghệ phần mềm. Nhưng liệu có tạo được cái gì đó không thì không dễ. Việt Nam dân số cao, nhưng GDP thì hiện vẫn là nền kinh tế nhỏ trên thế giới. Việt Nam không thể ngồi dưới đất mà mơ lên tới trời được, phải thực tiễn. Cách thực tiễn hay nhất là tạo điều kiện cho giới trẻ, khoa học, DN hoạt động suôn sẻ, có thể tạo ra điều gì đó đặc sắc cho Việt Nam.

Theo GS. Ngô Vĩnh Long, hiện nay chưa thấy Việt Nam có công nghệ gì mà nước ngoài thấy đặc trưng của Việt Nam. Ví dụ, ngay cà phê nhiều hãng cà phê nước ngoài rất phát triển ở Việt Nam. Nếu so với Đài Lan 1950s, Việt Nam còn sa vào lạc quan trong lĩnh vực này. Hiện nay, Việt Nam chỉ cần mong có công nghệ chế biến tốt, khỏi bán hàng hoá Việt Nam ra bên ngoài rất rẻ.

Cùng chia sẻ cảm nhận này, bà Chi Lan cho rằng, vấn đề của Việt Nam là làm sao ứng dụng công nghệ bên ngoài có, sáng tạo ra để nâng hiệu quả trong các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam. Việt Nam cần tiếp tục học hỏi, tiếp thu những cái bên ngoài có. Trước mắt chưa ứng dụng nổi cái thế giới đã làm, làm sao có đột phá công nghệ riêng để nước ngoài học hỏi. Tự dành thời gian, để bước đột phá riêng sau. Cần phát huy cái đang có, phổ biến và nâng dần lên về mặt xã hội.

10. Nhân cách dân tộc trong hội nhập: Câu chuyện cơ chế

Trước những băn khoăn của độc giả Nguyễn Phú Vinh, Hoàng Văn Hải về tình trạng xói mòn đạo lý, nhân cách dân tộc trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các chuyên gia đều quay trở lại với câu chuyện cơ chế.

TS Nguyễn Quang A cho rằng, e sợ về mặt trái của hội nhâp có cái lý của nó. Nhưng trong hội nhập, dù việc giữ giá trị tốt của người dân Việt Nam rất quan trọng nhưng cũng cần thu nhận những giá trị tốt của thế giới vào. Có như thế mới phát triển được, không chỉ phát triển cái riêng của mình.

Theo ông Quang A, bản thân việc cải cách hành chính cũng nhằm tạo dựng những điều đó. Mọi tranh chấp dân sự giải quyết rõ ràng, nhanh chóng, bộ máy có thể tạo niềm tin giữa con người, đối tác với nhau, chi phí giảm, hiệu quả tăng, bớt căng thẳng, cải thiện cuộc sống, bảo tồn và tạo ra các giá trị. Đó là một vòng tròn của cơ chế.

Người ta kêu nhiều về sự băng hoại đạo đức nhưng nhiều cái do chính cơ chế gây ra. Chuyện phong bì… không phải lỗi của người A, B, C cụ thể, mà phải ngó lại thể chế, cơ chế, tìm cách sửa đổi những vấn đề đó. Nếu sửa được, góp phần bảo tồn giá trị tốt, thu nhập những cái hay của bên ngoài.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam không thể quá tự mãn với những gì chúng ta có mà phải không ngừng học hỏi ra bên ngoài.

Nhiều cái đổ lỗi do cơ chế thị trường nhưng đó là cơ chế tự mình. Nhà nước thấy quan liêu, tham nhũng, lãng phí là vấn đề trong nước. Tham nhũng là quốc nạn, xuất phát từ những người trong bộ máy. Cần xem xét, quan tâm đến các giá trị cần thiết. "Nhà dột từ trên nóc dột xuống", "trên bất chính, dưới tất loạn". Cần phải giữ nghiêm minh từ trên xuống nếu muốn gìn giữ và phát triển nhân cách dân tộc.

TS Nguyễn Quang A cho rằng, những vấn đề hiện nay hoàn toàn có thể thay đổi được, dù không đột ngột. Chúng ta có thể quay lại, nhìn ra trong cơ chế của chính mình tạo ra những khuyến khích ngược. Tại sao có bằng giả, học giả có bằng thật…? Chính vì những quy định của Nhà nước khuyến khích người ta làm chuyện đó. Muốn lên chức này thì nhất định phải có bằng này, khuyến khích việc làm xấu. Trong quản lý xã hội, ngó lại quy định của mình, thấy quy định nào khuyến khích người ta giả dối, khiến người ta làm ngược. Nếu hệ thống pháp luật nghiêm minh, tranh chấp dân sự, kinh tế giải quyết đường hoàng, lòng tin về tính chính trực con người được đảm bảo. Việc này sẽ giúp nhân lên giá trị dân tộc.

Nếu cái gì cũng phải bôi trơn sẽ làm băng hoại nền đạo đức. Tác hại vô cùng với dân tộc. Đã đến lúc Việt Nam cần rung hồi chuông mạnh mẽ, cảnh báo sự sửa đổi.

Trong 10 vấn đề được đặt ra, các chuyên gia cùng chia sẻ cách nhìn về ưu tiên số 1 cho năm 2008. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, giáo dục đào tạo là trung tâm, tất nhiên gắn với sử dụng con người sau đó. Ông Quang A lại cho rằng cải cách hành chính quan trọng nhất, vì nếu làm được thực sự thổi vào không khí, cách làm ăn mới. Ngay trong mỗi DN, thay đổi, làm lại quy trình, sốc lại được. Việc này sẽ đẩy lại nhanh mọi thứ. Giáo sư Ngô Vĩnh Long tán thành quan điểm của ông Nguyễn Quang A và bổ sung, thể chế rất quan trọng. Thể chế không thay đổi thì khó giải quyết vấn đề khác.


Tin khác