Doanh nghiệp - Nạn nhân của những quy định không rõ ràng

25/12/2007

Chủ một lô hàng nhập khẩu từ cuối năm 2006 đến nay như đang ngồi trên đống lửa vì toàn bộ số tài sản (lô hàng) đã bị công an kinh tế giam giữ, và càng vô vọng hơn khi doanh nghiệp không hề biết mình phải chờ đến bao giờ vì hiện cơ quan chức năng cũng đang chờ “xin ý kiến” cấp trên!

Khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với mình ông Trần Lạc (một thương nhân cư ngụ tại đường Lạc Long Quân, Q. Tân Bình, TP.HCM và là chủ lô hàng nói trên) đã có đơn phản ứng, không đồng ý với cách xử lý này. Ngay sau đó, PC15 yêu cầu Trung tâm 3 giám định lại lô hàng của Công ty Lâm Vĩnh Phát (nhưng việc lấy mẫu hàng hóa để giám định kỹ thuật trong lần này cũng không có sự chứng kiến của đại diện doanh nghiệp).

Theo báo cáo của Trung tâm 3, do nhà sản xuất những sản phẩm trong lô hàng trên không công bố công suất giặt của từng loại máy giặt theo tiêu chuẩn kg vải khô/lần giặt mà chỉ công bố dung tích lồng giặt của máy nên trung tâm đã suy năng suất giặt ra từ thể tích lồng giặt là máy giặt, máy giặt sấy là có năng suất giặt dưới 10kg. Điều đáng nói là suy luận này dựa theo tiêu chuẩn TCVN 6575:1999. Việc lấy một qui định từ năm 1999 áp dụng giám định cho sản phẩm mới sản xuất được một vài năm liệu có chính xác?

Doanh nghiệp dài cổ chờ xem xét

a

Quyết định tạm ngừng xử lý vi phạm đối với ông Trần Lạc của UBND TP.HCM. Ảnh: Ng.Sa

Không đồng tình với quyết định xử phạt của UBND TP.HCM như trên, ông Lạc đã có đơn khiếu nại gửi đến lãnh đạo UBND TP.HCM.

Ngày 04/09/2007 bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký Quyết định tạm đình chỉ thi hành Quyết định 1533/QĐ-UBND do chính mình ban hành cách đây vài tháng. Trong văn bản này bà Hồng nêu lý do tạm đình chỉ việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại đối với ông Trần Lạc là vì “để xem xét lại”.

Sau một năm mòn mỏi chờ đợi, nóng lòng khi tài sản là hàng hóa có nguy cơ trở thành những đống sắt vụn, ông Lạc đã làm đơn nhờ Thanh tra Chính phủ can thiệp. Trong đơn, ông Lạc nêu rõ, đây là thiệt hại lớn cho ông và Công ty Lâm Vĩnh Phát về mọi mặt (thị trường, giá cả, chất lượng hàng…) và ông yêu cầu UBND TP.HCM và PC 15 tạo cho doanh nghiệp trên địa bàn một môi trường kinh doanh lành mạnh.

“PC 15 giam giữ hàng của chúng tôi không có căn cứ rõ ràng, trong khi đó một số doanh nghiệp khác cũng nhập khẩu cùng chủng loại hàng (cùng thương hiệu, mẫu mã và cùng được xuất từ một kho hàng ở Atlanta, USA) thì được kinh doanh, bày bán ra thị trường bình thường” - ông Lạc bức xúc nói. Kèm theo đó ông Lạc còn cung cấp cả danh sách các địa điểm bày bán mặt hàng giống như ông đã nhập tại TP.HCM.

UBND TP.HCM: lúng túng trong xử lý

a

Công văn UBND TP.HCM gởi xin ý kiến Bộ Công thương và Bộ Khoa học & Công nghệ. Ảnh: Ng.Sa

Đáng chú ý là hiện nay UBND TP.HCM cũng chưa đưa ra được hướng xử lý cho doanh nghiệp, bởi cơ quan này còn đang “xin ý kiến” các bộ ngành Trung ương. Trong văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 26/11/2007 do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng ký có nêu rõ sự lúng túng này:

“Theo quy định của Thông tư 04/2006/TT-BTM ngày 06/04/2006 của Bộ Thương mại thì hàng máy sấy (bằng ly tâm) và máy giặt có chức năng sấy khô, đã qua sử dụng, có sức chứa không quá 10kg vải khô/lần giặt thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, lô hàng của ông Trần Lạc cũng như những lô hàng máy giặt khác tại thị trường Mỹ, Canada nhà sản xuất không công bố công suất giặt của từng loại máy giặt theo tiêu chuẩn kg vải khô/lần giặt mà chỉ công bố dung tích lồng giặt.

Để có cơ sở pháp lý giải quyết vụ việc trên cũng như những vụ việc tương tự khác UBND TP.HCM đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, sớm có ý kiến về phương pháp, kết quả giám định, và kết quả của Trung tâm 3 có đảm bảo tính pháp lý để làm cơ sở xử lý ông Lạc hay không?

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương xem xét, qui định cụ thể việc xác định hàng cấm nhập khẩu đối với những mặt hàng máy giặt mà nhà sản xuất không công bố suất giặt của từng loại máy theo tiêu chuẩn kg để cơ quan chức năng không vướng mắc khi áp dụng luật”.

Về phần mình, ông Lạc cho rằng, việc thu giữ hàng của PC 15 là chưa có cơ sở: “PC 15 căn cứ vào đâu để giữ hàng của tôi để đến giờ này UBND TP.HCM lại “xin ý kiến” cơ quan trung ương? Nếu phải trả hàng lại thì thiệt hại của tôi trong một năm qua ai sẽ bồi thường?”

Có thể thấy, những vướng mắc trong việc giám định, xác định hàng hóa như trên không phải xuất phát từ phía doanh nghiệp nhưng trước mắt họ chính là nạn nhân của những qui định không nhất quán, thiếu rõ ràng.

(Nguồn: Vietnamnet)


Tin khác