"Máy chém" cho chính sách có hại

17/01/2008

Với sự kiện một số địa phương hoãn lệnh cấm xe ba gác, xe công nông, sau Nghị định 32 bị coi là xây dựng vội vàng, kế hoạch cấm bán hàng rong tại Hà Nội gây nhiều băn khoăn; thông tin Bộ Tư pháp chuẩn bị rà soát hệ thống pháp luật trong hai năm 2009, 2010 đem hy vọng cho người dân về việc loại bỏ những quy định pháp luật không có lợi, góp phần làm công tác xây dựng văn bản khoa học hơn. Tuy nhiên, tiêu chí thẩm định văn bản pháp luật là vấn đề đang gây tranh luận.

Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: "Những vấn đề thường thấy của hệ thống các quy định pháp luật hiện nay là: Các quy định được soạn thảo rất kém, thiếu chuẩn bị và nghiên cứu cần thiết; nhấn mạnh lợi ích trước mắt, bỏ qua hoặc xem nhẹ lợi ích dài hạn. Nguyên nhân là thói quen ban hành luật pháp để cai trị, kiểm soát; không tuân thủ hoặc không có quá trình lập quy tốt; người làm luật giành luật cho mình, đẩy khó cho đối tượng quản lý...".

Gạt bỏ quy định hại nhiều hơn lợi

Ông Nguyễn Đình Cung. (Ảnh: VNN)
- Thưa ông, tiêu chí nào để "soi" thấy quy định pháp luật không cần thiết?

- Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tư pháp, trong năm 2007 đã phát hiện 2.958 văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành có sai sót, 320 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

- Hiện nay không có một tiêu chí thật cụ thể cho việc rà soát văn bản, cần lượng hoá được những tiêu chí, không thể nói văn bản pháp luật là cần thiết không, mà những nội dung quy định cụ thể trong văn bản có cần thiết không.

Muốn biết điều này thì cần biết mục tiêu của nội dung quy định là gì. Nếu không đạt được mục tiêu, thì quy định là không cần thiết. Cần xác định rõ mục tiêu, càng rõ càng tốt. Ở nước ta, điều này rất kém, ít khi xác định cụ thể mục tiêu quản lý nhà nước là gì. Nhiều người thường nói, quy định để quản lý, để quản lý không phải là mục tiêu, mà mới là phương tiện. Quản lý này nhằm điều gì thì mới là mục tiêu.

Chẳng hạn, đặt mục tiêu cho văn bản là đem lại lợi ích gì. Nếu chi phí cho việc xây dựng và thực hiện văn bản nhiều hơn lợi ích thì cần dẹp bỏ văn bản, chọn phương pháp khác. Đó là tư duy bình thường. Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi người xây dựng chính sách cần có tư duy như thế.

- Ông Nguyễn Bá Thuyền, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Lâm Đồng, đại biểu QH: "Nhiều văn bản sai, có hại cho dân nhưng dân không kiện được, vì không có quy định. Trong nhiều trường hợp, Nhà nước ban hành văn bản chỉ nghĩ đến tiện cho việc quản lý mà không tính toán kỹ ảnh hưởng đến quyền lợi của dân. Chẳng hạn, Nghị quyết 32 của Chính phủ về cấm xe ba gác, xe công nông, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, bị phản ứng, phải hoãn thực hiện 6 tháng".

Chưa có tiêu chí văn bản trái pháp luật?

- Còn về tiêu chí hợp pháp của chính sách, cần xem xét cụ thể thế nào?

- Một trong những tiêu chí rà soát là văn bản pháp luật có hợp pháp, cần thiết không. Có quan điểm về tiêu chí hợp pháp: Văn bản dưới phải phù hợp với văn bản trên, luật phù hợp với hiến pháp, nghị định phải phù hợp với luật, thông tư phải phù hợp với nghị định, ban hành phải đúng thẩm quyền.

Khi đi vào cụ thể, thế nào là phù hợp? Phải chăng khi luật mẹ nói chưa rõ, giao cho luật con làm thì phù hợp? Hay, căn cứ vào câu cuối cùng của luật: Chính phủ hướng dẫn thi hành luật này, vậy những gì Chính phủ hướng dẫn trong phạm vi của mình đều phù hợp? Trong nghị định thường viết: Bộ này, bộ kia chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành. Vậy, phải chăng bất cứ cái gì được bộ ban hành để thi hành nghị định đều hợp pháp?

- Nhiều địa phương chứng minh được tính cần thiết của văn bản quy phạm pháp luật đưa ra, nhưng lại bị coi là văn bản không hợp pháp. Như vậy, giữa tính cần thiết và tính hợp pháp có độ chênh. Cần giải quyết vấn đề này thế nào?

- Văn bản quy phạm pháp luật không được trái với luật pháp, các quy định đã được Trung ương xây dựng, nhưng hiện nay chúng ta chưa xác định được cụ thể thế nào là trái.

- Tuy vậy, một điều các địa phương đã kiến nghị cần đưa vào trong việc xem xét văn bản pháp luật là tạo khoảng trống nhất định cho địa phương đột phá? Khái niệm "khoảng trống" mơ hồ, có thể là nơi của các văn bản quy phạm pháp luật "xé rào". Quan điểm của ông thế nào?

- Luật pháp nên thống nhất, nhưng cách thức tổ chức thực hiện có thể theo đặc thù mỗi địa phương. Chẳng hạn, số lượng, thành phần tham gia thực hiện văn bản pháp luật khác nhau.

Khảo sát kỹ khi xây dựng chính sách

Ông Nguyễn Đình Cung đưa ra hai khái niệm: RIA (đánh giá tác động) và Guillotine (máy chém), công cụ bắt buộc sử dụng ngày càng tăng ở các nước phát triển. Đó là hai bước của việc xây dựng quy định pháp luật.

"Đánh giá tác động" là quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá các giải pháp lựa chọn chính sách cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền, để lựa chọn giải pháp tốt nhất. "Đánh giá tác động" có tác dụng xác định được chi phí và lợi ích của các giải pháp quản lý nhà nước; giúp nâng cao được ích lợi của quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý; tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với người dân...

"Đánh giá tác động" diễn ra trong 10 bước: Xác định vấn đề cần giải quyết; tác động của vấn đề đó đối với xã hội; hệ quả của việc Nhà nước không thực hiện thêm bất kỳ một giải pháp chính sách nào để giải quyết vấn đề đó; mục tiêu cần đạt được khi giải quyết vấn đề đó (được lượng hoá càng tốt); tham vấn sơ bộ các chuyên gia trong các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học... về phạm vi và mức độ tác động của vấn đề, dự kiến các giải pháp chính sách; lựa chọn các giải pháp chính sách để phân tích, đánh giá, so sánh; lựa chọn; thu thập thông tin, số liệu về những lợi ích và chi phí cụ thể của các giải pháp chính sách có thể lựa chọn (điều tra doanh nghiệp hoặc các nguồn thông tin khác); phân tích, so sánh các giải pháp có thể lựa chọn, trình bày báo cáo đánh giá tác động và kiến nghị chính sách, tham vấn các bên có liên quan; điều chỉnh, hoàn chỉnh báo cáo cuối cùng và kiến nghị giải pháp chính sách.

"Máy chém" là công tác rà soát giải pháp chính sách diễn ra 3 lần của các cơ quan, đơn vị, nhóm chuyên gia độc lập, cộng đồng doanh nghiệp theo các câu hỏi: Có cần thiết không, có hợp pháp không, có hiệu quả và phù hợp thị trường không?


Tin khác