Nhiều điểm không giống ai
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu một số thành công trong cải cách thể chế tại VN. Tiêu biểu như Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 đưa nguyên tắc của Hiến pháp năm 1992 vào luật: Doanh nghiệp được tự do kinh doanh tất cả các lĩnh vực luật pháp không cấm, thể hiện bằng những điều khoản rõ ràng; thay chế độ cấp phép kinh doanh bằng hệ thống đăng ký kinh doanh; đơn giản hoá thủ tục… Nhờ vậy, trong vòng 6 năm có tới 150.000 doanh nghiệp ra đời.
Trước đó, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân giới hạn doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì Nhà nước cho phép, trái với Hiến pháp năm 1992 “Doanh nghiệp được kinh doanh những gì luật pháp không cấm”.
Tuy nhiên, bà Lan cũng chỉ ra một số hạn chế của quá trình cải cách thể chế tại VN, với một số biểu hiện thụt lùi như kỷ cương hành chính không nghiêm, tham nhũng, bảo hộ cho các công ty ty ô tô lớn của nước ngoài trong suốt 10 năm.
“Thể chế của VN vẫn có những điểm không giống ai. Thế giới đã bỏ nhiều năm xây dựng luật, lẽ ra VN có thể áp dụng ngay, tất nhiên có cải biến cho phù hợp đặc thù, nhưng lại mất công làm lại” – Bà Lan thẳng thắn.
“Nhà nước làm thay người dân quá nhiều, trong khi người dân lại phải chịu trách nhiệm. Một số người nước ngoài nhận xét: Ở VN rất nhiều người có quyền nhưng không ai quyết định. Nền hành chính và bộ máy vẫn lạc hậu so với yêu cầu phát triển của xã hội”.
Bà Lan nêu ví dụ về trường hợp ít thành công trong cải cách thể chế: Luật đất đai 2003 và các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản gồm các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn lớn cho người thi hành, rối loạn thị trường. Những miếng đất béo bở về tay những người có quyền, mối quan hệ, trong khi nhiều người nông dân nhận giá đền bù rẻ.
Theo bà Lan, cải cách thể chế phải xuất phát từ lợi ích của đông đảo người dân, đi từ cuộc sống; gắn với đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy về vai trò của Nhà nước, quan hệ giữa Nhà nước với xã hội và thị trường; gắn với chính sách kinh tế - xã hội liên quan trong từng giai đoạn phát triển; tiến hành một cách khoa học, dân chủ, minh bạch từ quá trình, phương pháp tới nội dung.
Máy cắt xén quy định không phù hợp
Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, cần có một hệ thống các tiêu chí trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Dựa trên các tiêu chí này để biết được đúng, sai, phù hợp hay không. Vì thiếu các tiêu chí nên ai nói cũng đúng, thậm chí có những ý kiến khác nhau đều đúng, phải đưa ra giải pháp thoả thuận. Những vấn đề quan trọng, nhận được sự đồng thuận cao thì được thông qua. Những vấn đề không được đồng thuận hoặc quá khó thì giao về cho Chính phủ, dẫn tới tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư như hiện nay.
Ông Cung đưa ra yêu cầu của cải cách thể chế: Các quy định pháp luật đảm bảo duy trì chi phí và rủi ro pháp lý thấp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm được rủi ro về sức khoẻ, bệnh tật, bảo vệ môi trường.
“Nếu chi phí cho việc xây dựng, thi hành quy định pháp luật cao hơn hiệu quả mang lại thì không nên xây dựng” – Ông Cung nói.
Tính toán kỹ ảnh hưởng đến người dân
Ông Cung đưa ra hai khái niệm: RIA (đánh giá tác động) và Guillotine (máy cắt xén). Đó là hai bước của quá trình cải cách quy định pháp luật. Đánh giá tác động gồm các bước như: xác định mục tiêu mà chính sách đạt được; tham vấn một số tổ chức, chuyên gia; thu thập thông tin, số liệu về những lợi ích và chi phí cụ thể của các chính sách có thể lựa chọn; xem xét tác động kinh tế, môi trường, xã hội…
Máy cắt xén rà soát văn bản ba lần theo các câu hỏi: Có cần thiết không, có hợp pháp không, có hiệu quả và phù hợp thị trường không?
Ông Nguyễn Bá Truyền, Viện trưởng viện kiểm sát tỉnh Lâm Đồng, Đại biểu QH, phân tích: Nhiều văn bản sai, có hại cho dân nhưng dân không kiện được, vì không có quy định. Trong nhiều trường hợp, Nhà nước ban hành văn bản chỉ nghĩ đến tiện cho việc quản lý mà không tính toán kỹ ảnh hưởng đến quyền lợi của dân. Chẳng hạn, nghị quyết 32 của Chính phủ về cấm xe ba gác, xe công nông, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, bị phản ứng, phải hoãn thực hiện 6 tháng.
Chỉ có cải cách kinh tế được thực hiện thành công, trong khi nhiều cuộc cải cách như cải cách giáo dục, cải cách hành chính không hiệu quả. Đặc biệt là thường có tình trạng vội vã xây dựng, áp dụng quy định, không nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, phải huỷ bỏ. “Nhiều người nhận xét chính sách của chúng ta sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng”.
Theo ông Truyền, vai trò của các Uỷ ban thường vụ QH hiện nay quá lớn trong khi vai trò của các Uỷ ban lại rất nhỏ. Có những vấn đề chỉ cần Ủy ban thường vụ QH bấm nút là xong, thậm chí không một Uỷ ban nào đề xuất ý kiến riêng của mình, chỉ nêu lên ý kiến chung chung, đồng ý theo người khác.
Ông Truyền nêu tình trạng nhiều dự thảo luật gửi xuống cho đại biểu thẩm tra cách kỳ họp QH chỉ chừng 10 ngày, không thể có thời gian cho đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến.