Là một trong những lĩnh vực thành công trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, hợp tác kinh tế thương mại thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, Trung Quốc đã trở thành một đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Theo nhận định của Vụ châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã có sự tăng trưởng vượt trội trong vòng hơn 10 năm qua, từ trên 32 triệu USD năm 1991 lên 10,4 tỷ USD năm 2006. Tính đến tháng 10/2007, con số này là 12,1 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiến độ tăng trưởng đều đặn này là dấu hiệu khả quan để đạt mục tiêu kim ngạch hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2010.
Trung Quốc hiện đứng đầu trong số các nước xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam và đứng thứ 3 trong số các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Việt Nam là thị trường tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu, vải sợi, nguyên phụ liệu dệt may, máy móc thiết bị, phân bón, hóa chất, sắt thép các loại của Trung Quốc; đồng thời xuất sang thị trường này nguyên liệu dầu thô, cao su, than đá, các nhóm hàng nông sản như thủy hải sản, rau quả, hạt điều, dầu thực vật; nhóm hàng công nghiệp như các sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa.
Phát huy lợi thế có chung đường biên giới, trong những năm qua, 7 tỉnh biên giới Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên và 2 tỉnh biên giới Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam đã chủ động hợp tác phát triển kinh tế. Cụ thể là việc hình thành các khu thương mại, chợ cửa khẩu, khu kinh tế mở, và chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới như kết nối hệ thống đường sắt, đường bộ, đường không, hệ thống điện, nước và ký kết các thoả thuận hợp tác kinh tế thương mại, góp phần không nhỏ ổn định và cải thiện đời sống nhân dân vùng biên và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại hai nước.
Cũng theo đánh giá của Vụ châu Á-Thái Bình Dương, xuất khẩu qua các cửa khẩu Móng Cái, Hữu Nghị, Đồng Đăng chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc.
Nhằm phát huy lợi thế và hạn chế những tác động bất lợi của việc buôn bán qua cửa khẩu, góp phần vào việc cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, hàng loạt giải pháp tích cực đang được triển khai. Đáng chú ý là chủ trương đẩy mạnh buôn bán những mặt hàng lớn, trong đó Trung Quốc cung cấp các sản phẩm cơ điện, thiết bị trọn gói và nhập khẩu ổn định các sản phẩm Việt Nam có ưu thế như dầu thô, cao su, cà phê, thủy sản. Cùng với đó, hai bên cũng đang xúc tiến việc lập Tổ liên ngành nghiên cứu mặt hàng mới và ký kết Hiệp định kiểm dịch động thực vật, hình thành chuỗi đô thị - cửa khẩu, phát triển tuyến hành lang kinh tế.
Bên cạnh các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nhà nước, những năm gần đây, doanh nghiệp hai nước đã dành sự quan tâm đáng kể cho việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường của nhau bằng việc tổ chức nhiều đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm, thương mại, hội thảo và xúc tiến đầu tư, thương mại. Gần đây nhất, tháng 4/2007, đoàn gồm 70 doanh nghiệp Trung Quốc đã đến Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh. Các lĩnh vực giành được sự chú ý của các doanh nghiệp Trung Quốc khi đến Việt Nam là công nghệ cao, bất động sản và nguyên liệu cho ngành luyện kim.
Theo ông Liu Yonghao, Chủ tịch Tập đoàn New Hope, người đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam, xu hướng mở cửa mạnh mẽ thị trường của Việt Nam là lý do chính hấp dẫn các doanh nghiệp nước này.
Trong Diễn đàn hợp tác đầu tư-thương mại Việt-Trung diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cũng khẳng định nước này tiếp tục duy trì ngôi vị là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng dự diễn đàn này nhân chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc, đã kêu gọi các doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển và chứng kiến lễ ký nhiều dự án hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên với trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ.