Theo đánh giá của các chuyên gia, sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cơ hội cho người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường nông sản thế giới với kim ngạch buôn bán gần 600 tỷ USD/năm đã rộng mở hơn trước.
Nếu như tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản năm 2000 chỉ mới đạt 4,197 tỷ USD, thì năm 2007 này vượt trên 12 tỷ USD (vượt kế hoạch đề ra), đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân khoảng 16,20%/năm và cao gấp 4,32 lần so với tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Khác với mọi năm, hầu hết hàng nông sản năm 2007 đều được giá nên giá trị xuất khẩu tăng mạnh, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên. Cà phê là mặt hàng về đích sớm với khoảng 1,7 tỷ USD (năm 2006 xuất khẩu gần 1 tỷ USD); thuỷ sản đạt 3,6 - 3,7 tỷ USD, tăng 100 - 200 triệu USD (năm 2006 đạt hơn 3 tỷ USD). Mặt hàng gỗ chế biến dự kiến đạt khoảng 2,5 tỷ USD; cao su khoảng 1,4 tỷ USD; xuất khẩu gạo trên 4,53 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD...
Sức cạnh tranh của nông sản còn quá thấp
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, tuy cơ hội thâm nhập vào thị trường nông sản thế giới là rất lớn, song hàng nông sản Việt Nam đồng thời phải đối mặt với hàng loạt thách thức không nhỏ.
Một năm qua, nước ta phải từng bước mở cửa thị trường nông sản trong điều kiện không ít mặt hàng không có sức cạnh tranh. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, chi phí sản xuất cao đang là một trở ngại lớn đối với người nông dân. Kinh tế nông thôn phần lớn đang phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, rất bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm, thiếu nguyên liệu và sử dụng công nghệ lạc hậu.
Tiêu biểu nhất về phương diện này có lẽ là mặt hàng mía đường. Sau hơn một thập kỷ triển khai chương trình 1 triệu tấn đường, năng suất mía của nước ta chỉ nhích từ gần 48 tấn/ha lên trên 55 tấn/ha/năm. Đây quả là tốc độ “rùa” (1,5%/năm), trong khi năng suất của các nước thuộc loại tương đối khá cũng gấp rưỡi, còn những nước tiên tiến đều đã vượt ngưỡng 100 tấn/ha/năm.
Về chế biến, trong khi các nhà máy đường ở những nước phát triển có công suất 8.000 tấn mía/ngày mới được coi là trung bình, thì ở nước ta, tuy ngành công nghiệp này được bắt đầu từ con số 0, nhưng chúng ta đã nhập về một loạt nhà máy có công suất 1.000 tấn mía/ngày, trong đó chắc chắn có không ít nhà máy “second hand”. Rõ ràng, với năng suất mía và công suất nhà máy đường như vậy, cộng thêm việc mới xây dựng của các nhà máy, tỷ lệ khấu hao lớn, giá thành cao, nguy cơ thua cuộc trên sân nhà là điều không tránh khỏi.
Thách thức thứ hai là cho đến nay, sản xuất nông nghiệp của ta vẫn rất manh mún; công nghệ chế biến, bảo quản quá thô sơ, chưa kết nối được giữa người sản xuất và tiêu thụ, vì vậy hàng nông sản xuất khẩu của ta đạt hiệu quả thấp.
Trong khi đó, việc buôn bán với thị trường thế giới đòi hỏi hàng hoá có số lượng lớn, đồng đều, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo, giao hàng đúng hẹn. Đơn cử như trong việc phát triển cây ăn quả. Cả nước có tới 750.000 ha, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt trên 200 triệu USD/năm, trong khi Thái Lan chỉ có 260.000 ha, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vượt nhiều lần so với Việt Nam.
Tuy đất nước đã qua hơn 20 năm đổi mới, nhưng hiện nay, 13 triệu hộ nông dân đang canh tác trên 75 triệu mảnh ruộng (theo GS.TS Ngô Du Phong, con số này cao hơn so với 15 triệu mảnh thời kỳ Pháp thuộc). Ở Đồng bằng sông Hồng, bình quân 1 hộ nông dân chỉ được giao từ 2.000 đến 4.000 m2 nhưng có tới hàng chục mảnh ruộng khác nhau.
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, năng suất thấp ở một số loại cây trồng quan trọng, như: ngô, đậu tương, bông... và ở nhiều loại vật nuôi cũng đồng nghĩa với sức cạnh tranh yếu kém; 90% sản phẩm nông nghiệp được bán ra ở dạng thô, vì vậy, hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng thương hiệu thuộc về các hãng chế biến nước ngoài.
Một thách thức khác nữa là các nước giàu thuộc WTO vẫn có cách tiếp tục duy trì trợ cấp ngành nông nghiệp của họ và tạo ra nhiều rào cản đối với hàng nông sản nhập khẩu. Trong bối cảnh như vậy, việc thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở nước ta lại đang có nhiều bất cập, nếu không muốn nói là có nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ đạt trên 113 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 8,7% vốn đầu tư của Nhà nước và chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu. Vốn đầu tư Nhà nước đã ít, trong đó 80% lại phải tập trung cho công tác thuỷ lợi. Trong khi đó, làn sóng FDI đang ồ ạt vào nền kinh tế nước ta cũng “lãng quên” khu vực này.
Cụ thể, tính đến tháng 6/2007, khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 10,12% số dự án còn hiệu lực với số vốn thực hiện gần 1,9 tỷ USD (chiếm 6,33%). Còn nếu chỉ tính trong nửa đầu năm 2007 thì số dự án FDI đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm vẻn vẹn 2%.
Trong số các dự án trọng điểm mời gọi FDI giai đoạn 2006-2010 (gần 26 tỷ USD), chỉ có 1 dự án dành cho nông nghiệp-chăn nuôi-lâm nghiệp và 4 dự án cho thuỷ sản. Rõ ràng, sự mất cân đối trong việc đầu tư, đặc biệt trong việc thu hút nguồn FDI giữa nông nghiệp và các ngành khác là rất lớn.
Đánh giá một cách tổng quát thì, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua vừa quá nhỏ, vừa chắp vá, phân tán. Hệ quả, nông thôn vẫn nghèo nàn về cơ sở vật chất, chất lượng cuộc sống thấp, môi trường ô nhiễm nặng, khoảng cách giàu - nghèo, thành thị và nông thôn ngày một doãng rộng.
Cần “vẽ lại bản đồ nông nghiệp”
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Hội nhập sâu phải thích nghi nhanh”. Để thích nghi nhanh nhiều người cho rằng cần “vẽ lại bản đồ nông nghiệp” của nước ta trong điều kiện đã là thành viên WTO.
Trước hết là việc có nên tiếp tục “xẻ thịt” những vùng đồng bằng phì nhiêu để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị hay là bảo vệ tối đa quỹ đất nông nghiệp hiếm hoi để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước?
Bước vào hội nhập, bên những mặt thuận lợi, nền kinh tế nông nghiệp nước ta gặp nhiều khó khăn mà người gánh chịu không ai khác là nông dân. Đồng bằng sông Hồng và nhất là ĐBSCL phì nhiêu, màu mỡ, là vựa lúa nổi tiếng và nhiều sản vật nông lâm, thuỷ sản nổi tiếng của vùng Đông Nam Á, nhưng chưa được quy hoạch, cây trồng, vật nuôi nông dân tự phát, thiếu định hướng của nền sản xuất hàng hoá nên hiệu quả kinh tế thấp.
“Chợ” WTO hàng năm có nhu cầu nhập khẩu gần 103 tỷ USD rau quả so với khoảng 10 tỷ USD lúa gạo. Nông nghiệp Việt Nam nên tìm kiếm thị phần trong “chiếc bánh lớn”, hay chia sẻ thị phần trong “chiếc bánh nhỏ”? Đây là vấn đề lớn, rất đáng suy nghĩ của các nhà làm kinh tế nông nghiệp, hoạch định chính sách hướng tới đạt hiệu quả kinh tế cao trong sử dụng đất.
Trong bối cảnh chung, việc định vị cây trồng và quy hoạch sản xuất nông nghiệp hợp lý, đầu tư lớn để tăng vọt năng suất và chất lượng của những loại cây trồng, vật nuôi yếu thế, mạnh dạn loại bỏ những loại cây trồng, vật nuôi không có triển vọng, mở rộng những mặt hàng có thế mạnh và còn tiềm năng, phát triển mạnh công nghiệp chế biến... là những bài toán ngành nông nghiệp cần sớm tìm ra lời giải đáp để tạo thế đứng cho nông sản “ Made in Vietnam” trong điều kiện hội nhập.