Cơ giới hoá nông nghiệp: Khi nào qua bước khởi động?

02/01/2008

Nếu ví sản xuất nông nghiệp hàng hoá là một bình hoa đẹp thì cơ giới hoá nông nghiệp là lượng nước không thể thiếu để giữ hoa tươi lâu. Muốn phát triển cơ giới hoá, phải thực hiện “cuộc cách mạng” thay đổi phương thức sản xuất nhằm hiện đại hoá nền nông nghiệp. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta “vấp” phải quá nhiều lý do: ruộng đồng manh mún, chia cắt; máy móc chưa phù hợp; chính sách hỗ trợ nhiều bất cập; sự liên kết giữa các “nhà” lỏng lẻo...

(Bài 2): Đâu là nguyên nhân?

Sản xuất manh mún

Theo ông Hai Tân ở xã Tân Thạnh Đông (Tân Thạnh – Long An): “Việc xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ để né rầy là việc làm hay. Lợi thì có lợi thiệt nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế vì không có nhân công”. TS. Lê Văn Bảnh, Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cũng thừa nhận tình trạng khan hiếm nhân công cắt lúa ở ĐBSCL đã xảy ra từ nhiều năm, nhưng càng ngày mức độ càng nghiêm trọng. Diện tích lúa tăng mỗi năm nhưng tỷ lệ áp dụng cơ giới hoá thì... dậm chân tại chỗ. Lúa không được thu hoạch đúng thời điểm không chỉ giảm năng suất do rơi rụng mà chất lượng hạt cũng bị ảnh hưởng. Nếu chín quá 90%, hạt gạo sẽ bị đứt gãy khi xay xát.

Có nhiều lý do khiến việc cơ giới hoá thu hoạch lúa nói riêng và cơ giới hoá nông nghiệp nói chung tiến triển chậm, trong đó nguyên nhân chính là diện tích lô thửa của nông hộ quá nhỏ, manh mún và không bằng phẳng. Hiện ĐBSCL có khoảng 60% số lô thửa ruộng rộng 0,1 - 0,5ha; đồng bằng Bắc Bộ, số hộ có diện tích đất nông nghiệp 0,2 - 0, 4ha chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nếu như thời Pháp thuộc, cả nước chỉ có 15 triệu thửa ruộng thì hiện nay, con số này không dưới 75 triệu thửa!

Trong đó, Hà Tây bình quân 9, 5 thửa ruộng/hộ, Hải Dương 11 thửa/hộ, Hà Nam 8, 2 thửa/hộ, Ninh Bình 8 thửa/hộ... Tại Vĩnh Phúc, nơi được coi là địa phương đi đầu thực hiện chính sách “tam nông” nhưng số ruộng đất manh mún, chia cắt cũng không hề kém cạnh, hộ ít nhất có 7 mảnh, hộ nhiều nhất... 47 mảnh.

Ông Bảnh bức xúc: “Ruộng quá nhỏ thì không chỉ máy gặt mà tất cả các loại máy móc từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch... đều khó xoay xở. Nhiều nơi có giải pháp dồn điền đổi thửa để dễ áp dụng cơ giới hoá nhưng việc này triển khai chậm và gặp rất nhiều trở ngại”. Chị Đinh Thị Hoà ở xã Đồng Thái (Ba Vì - Hà Tây) than vãn: “Cơ giới hoá ở đâu đâu chứ ở nơi đất chỗ cao chỗ thấp này thì máy móc hiện đại cỡ mấy cũng… bó tay! Mỗi nhà được chia nhiều thửa, thửa to nhất là 1 sào (1 sào = 360m2), lại ở cách xa nhau. Bờ thửa thì lồi lõm, bề rộng 50cm, chỉ đủ để phân định ranh giới...”.

Công nghệ lạc hậu, giá thành cao

Hiện máy nông nghiệp tiêu thụ chủ yếu là gặt lúa rải hàng xếp dãy, gặt đập liên hợp; cày, bừa; xay xát; sơ chế nông phẩm. Máy móc phục vụ việc thu hoạch, bảo quản, sơ chế nông sản vẫn bỏ ngỏ, chưa được đầu tư...

Dù đắt hàng nhưng chưa phải đã “hết chuyện” vì máy gặt lúa rải hàng xếp dãy đang bị bà con "chê". Giá cả tương đối thích hợp, gọn, nhẹ, hoạt động được trên nhiều địa hình nhưng lại mất nhiều công gom, bó. Mỗi máy gặt xếp dãy phải cần thêm 7-10 nhân công. Trong khi máy gặt đập liên hợp rất được bà con ưa chuộng thì giá lại cao chót vót và hầu như chưa có tiêu chuẩn quy định rõ ràng.

Dòng máy nhập từ Trung Quốc do Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Việt Phú (Hà Nội), Công ty TNHH Hưng Phát (TP. Hồ Chí Minh), Công ty Vĩnh Hưng (Kiên Giang) làm đại lý phân phối có giá bình quân 175-180 triệu đồng/máy, nặng 2,2 -2, 3 tấn, rất thích hợp với những cánh đồng lớn. Còn máy nội địa của Cơ sở út máy cày (Đồng Tháp) giá 150 triệu đồng/máy; cơ sở Vạn Phú (Đồng Tháp) 100 triệu đồng/chiếc; cơ sở Tư Sang (Tiền Giang) 130 triệu đồng/chiếc. Ông Phan Tấn Tài, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long cho biết, không có máy cày mới mà chỉ có máy “secondhand” nhập nội, có công suất nhỏ như L3.200, L2.000, L2.200, giá cũng tương đối cao, 70-80 triệu đồng/chiếc.

Mặc dù hình thành từ năm 1963 nhưng đến nay, ngành cơ điện nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém và bất cập. Đây chính là một trong những lý do khiến chi phí sản xuất nông nghiệp bị đẩy lên cao, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, độ bền kém; trang thiết bị, công nghệ đa phần lạc hậu, thô sơ, mẫu mã đơn điệu. Hiện, mỗi năm, nông dân nuôi tôm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 - 10 mã lực, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đạt 24.000 máy. Nghịch lý ở chỗ, trong số 24.000 máy đó, chúng ta chỉ tiêu thụ được 15 - 20%, còn lại là của Trung Quốc hoặc máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Liên Xô (cũ), Hàn Quốc... Nguyên nhân là do giá máy trong nước sản xuất cao hơn máy nhập 15 - 30%, hiệu quả lại kém hơn.

Máy do nông dân tự chế chiếm 10% thị phần, được nhiều người ưa thích vì giá rẻ, dễ sử dụng, đặc biệt là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nhưng do tận dụng nguyên liệu thừa, cũ nên dễ hỏng hóc, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, phụ tùng thay thế không đồng bộ... Chưa kể hiệu suất sử dụng không đáp ứng nhu cầu; chế độ hậu mãi, bảo dưỡng thông qua các đại lý, cửa hàng còn kém... khiến bà con không mấy mặn mà. Anh Võ Công Xưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hưng (Mộc Hoá - Long An) cho biết: “Máy gặt xếp dãy tính ra “ăn” 2 triệu đồng/ha, nhưng kén đất, lúa quá chín, gãy đổ thì chịu thua, còn gặt tay phải trả 2,8 triệu đồng/ha, lại rơi vãi tùm lum”.

Các “nhà” vẫn ngoài cuộc...

Sự hỗ trợ của Nhà nước bằng kinh phí sự nghiệp khuyến nông trong nhiều năm nay chỉ mang tính mô hình, trình diễn; chương trình vay vốn trung, dài hạn của nông dân còn thiếu đồng bộ và gặp nhiều khó khăn, người dân khó tiếp cận; còn các “nhà” thì chưa chịu thay đổi mình để năng động hơn với thời cuộc. Hiện, lực lượng nhà khoa học nghiên cứu còn rất mỏng, năng lực chế tạo yếu; cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ phục vụ nghiên cứu lạc hậu. GS. TSKH Phạm Văn Lang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho rằng, đầu tư nghiên cứu công nghệ và thiết bị máy móc cơ điện phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp còn rất yếu do phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường; thiếu sự quản lý và chỉ đạo thống nhất giữa các ban ngành; các nhà khoa học cũng chưa được trợ giúp trong việc phát triển công nghệ nghiên cứu. Mặt khác, máy nông nghiệp chỉ hoạt động thực sự hiệu quả ở vụ đông xuân do thời tiết khô hanh (từ tháng 2 đến tháng 4). Còn vụ hè thu (từ tháng 6 đến tháng 8), độ ẩm trong đất cao, cây trồng dễ đổ ngã nên máy "chạy" rất vất vả. “Để khắc phục những khó khăn này, yêu cầu cấp bách đối với nhà khoa học là phải nghiên cứu máy thu hoạch lúa di động được trên đất ướt, gặt được lúa đổ, hao hụt thấp và kết cấu của máy gọn nhẹ”, ông Lang khẳng định.

Các doanh nghiệp, nhà phân phối, đại lý thì mới quan tâm đến doanh số bán hàng, lợi nhuận chứ chưa chú ý đến công tác bảo trì và đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Một số doanh nghiệp tư nhân còn lợi dụng chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp của Nhà nước để tự ý nâng cao giá thành khiến nông dân càng khó tiếp cận.

Bên cạnh những hạn chế đó, quá trình đưa máy vào đồng ruộng còn gặp trở ngại từ chính người nông dân. Trình độ áp dụng khoa học công nghệ của bà con còn yếu, nhỏ lẻ, phân tán; tâm lý ngại tiếp cận cái mới khiến máy càng khó ra đồng. Anh Nguyễn Đức Toàn, chuyên viên Phòng Thị trường và Kinh doanh (Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên mang các loại máy nông ngư cơ đi hội chợ, nhất là máy gặt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp nhưng phần lớn bà con chỉ tới xem mà không mua, nhiều người chê máy đắt, một số người bảo khó sử dụng”.

Có lẽ, máy nông nghiệp vẫn là công cụ canh tác xa lạ với bà con khiến hành trình cơ giới hoá đã chậm lại càng yếu.

(Theo Kinh tế Nông nghiệp)


Tin khác