Di dân và giảm nghèo nhìn từ giác độ Xã hội học

27/12/2007

Giống như các quốc gia khác, di dân ở Việt Nam là một hiện tượng kinh tế-xã hội mang tính quy luật, một cấu thành gắn liền với quá trình phát triển. Di chuyển lao động là một đòi hỏi tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường, là biểu hiện rõ nét nhất của sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền lãnh thổ, giữa các quốc gia. Dưới tác động của toàn cầu hoá những khác biệt mức sống, chênh lệch trong thu nhập, cơ hội việc làm, sức ép sinh kế, tiếp cận dịch vụ xã hội giữa các khu vực, vùng miền là các nguyên nhân cơ bản tạo nên các dòng di cư trong và ngoài nước hiện nay.

Di dân - sự lựa chọn hay đòi hỏi của cuộc sống?

Số liệu điều tra mới nhất năm 2006 cho thấy trong tống số 486.500 người di cư giai đoạn 5 năm trước cuộc điều tra, số người đến khu vực thành thị chiếm 57%, tiếp đến là luồng di cư nông thôn-nông thôn (30%). Luồng di cư yếu nhất là di cư thành thị-nông thôn (13%). Ở khu vực nông thôn, nữ giới chiếm tỷ trong cao hơn nam giới ở cả hai luồng di cư nông thôn-thành thị (21% so với 18%) và nông thôn-nông thôn (16% so với 14%). Điều này chủ yếu do sự phát triển của thị trường lao động tại các thành phố/khu đô thị đã thu hút một lực lượng lớn lao động từ nông thôn ra thành thị.

So với di dân đến nông thôn, di chuyển dân số ra thành thị đa dạng hơn về thể loại. Mức tăng trưởng nhanh và đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong những năm qua đã thu hút khá hiệu quả lực lượng lao động nhập cư.

Khách quan mà nói, vai trò tích cực của di dân là không thể phủ nhận. Nông thôn nước ta không đủ đất canh tác so với mức tăng trưởng dân số và lao động trong khi các ngành nghề phi nông nghiệp lại chưa phát triển. Thông qua khối lượng hàng tiền mà người lao động mang, chuyển, gửi về cho gia đình, di cư đang góp phần điều chỉnh lại sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Lao động ngoại tỉnh không thể coi là mối đe doạ thất nghiệp của người dân thành phố. Trái lại, họ đã trở thành nguồn nhân lực không thể thiếu trong thị trường dịch vụ đa dạng ở đô thị, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của các trung tâm đô thị và công nghiệp. Sự chuyển dịch lao động thông qua di cư là một tiềm năng quan trọng góp phần làm giảm sức ép lao động-việc làm ở nông thôn, tạo nguồn thu nhập, góp phần ổn định xã hội.

Di dân với những nỗ lực xoá đói giảm nghèo

Tăng cường đầu tư phát triển nông thôn, tạo cơ hội việc làm có thu nhập cho người nông dân nhằm thu hẹp sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị là một giải pháp lâu dài điều chỉnh các dòng di cư ra thành phố. Tuy được coi là mẫu hình thành công về xoá đói giảm nghèo, với số hộ nghèo giảm 50% chỉ trong vòng 10 năm, song các con số của chương trình xoá đói giảm nghèo chỉ áp dụng đối với dân số chính thức, không bao gồm dân số di chuyển mà đại đa số là người nghèo, thậm chí rất nghèo. Người nghèo nhập cư là đối tượng nằm ngoài diện khảo sát, do không phải là dân cư chính thức thuộc diện điều tra ở các xã phường, dù ở nông thôn hay đô thị.

Có thể nhận thấy rằng mặc cho những nỗ lực xoá đói giảm nghèo, chúng ta vẫn chưa thực sự tạo ra được một khả năng tự vệ, một sức bật và tiềm năng lâu dài cho nông dân. Trong khi chương trình xoá đói giảm nghèo với những bất cập và vướng mắc chưa làm được gì nhiều cho người di cư thì bản thân họ đã tự túc giúp đỡ rất nhiều cho gia đình người thân ở quê hương. Nguồn tiền, vốn, hàng hoá, thông tin đã và đang được người ra đi chuyển về dưới nhiều hình thức trợ giúp khác nhau cho gia đình họ tộc, làm góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Hợp tác xuất khẩu lao động - một giải pháp hiệu quả và bền vững?

Nếu như xuất cư khỏi nông thôn, thoát ly ruộng đồng ra thành phố là một quá trình tự phát do người dân tự lo liệu thì xuất khẩu lao động có được sự hỗ trợ quản lý về nguồn lực và chính sách của nhà nước. Là một chủ trương đúng đắn, xuất khẩu lao động ra nước ngoài thực ra đã được nhà nước ta quan tâm từ lâu.

Đối với người lao động, với mức lương trung bình 300-500USD/tháng, bình quân hàng năm mỗi lao động làm việc ở nước ngoài tiết kiệm được khoảng 4000 USD, góp phần giúp đỡ cho gia đình, cộng đồng và quê hương.

Điều đáng đề cập là cơ hội đi xuất khẩu lao động không hoàn toàn dễ dàng đối với lao động nông nghiệp, đặc biệt là đối tượng nghèo, nghèo cả về thông tin, quan hệ xã hội lẫn tiềm lực kinh tế. Trong khi các kênh di cư lao động chính thống dưới hình thức xuất khẩu lao động chưa đủ sức đáp ứng được nhu cầu việc làm thì các luồng di cư qua các kênh phi chính thức diễn ra khá phổ biến.

Như vậy, bài toán giải quyết việc làm tạo thu nhập và phát triển nông thôn cho đến nay vẫn chưa có lời giải cơ bản. Muốn nông thôn đi lên, vươn tới hiện tại từ làng xã truyền thống, trước hết cần phải giảm bớt sức ép dân số và nạn nhân mãn trong một nền kinh tế thuần nông. Nhưng giảm dân số bằng cách kêu gọi vận động sinh đẻ là một tiến trình chậm hơn việc tạo điều kiện để người nông dân rời khỏi ruộng đồng, tìm được một việc làm khác có thu nhập cao hơn. Giải pháp nghe rất đơn giản, song việc thực hiện lại không hề giản đơn. Ai dám bỏ ruộng đồng khi nơi đó là kế sinh nhai duy nhất của họ bao đời nay? Nhưng ai có thể yên tâm ở lại quê hương khi mà ruộng đất ngày càng phân mảnh, lao động ngày càng dôi dư, đất đai ngày càng ít, sản phẩm làm ra không đủ ăn?

TS. Đặng Nguyên Anh (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)


Tin khác