Công nghệ sinh học Việt Nam đang ở đâu?-Bài 2: Nghiên cứu để... cất tủ!

31/01/2008

Mặc dù đã đi sau rất nhiều nước, kể cả một số nước trong khu vực ASEAN nhưng đến nay, công nghệ sinh học (CNSH) của Việt Nam vẫn chưa được các ban ngành quan tâm và đánh giá đúng vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính vì vậy, công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH vào thực tế sản xuất đang bị bỏ ngỏ...

>> Bài 1: Công nghệ sinh học ngày càng chiếm ưu thế trong nông nghiệp thế giới

Công nghệ... chai lọ

Từ lâu, nông dân Việt Nam đã có tập quán ủ và sử dụng phân hữu cơ từ phân gia súc, cỏ rác, lá xanh, thực hiện “sạch làng tốt ruộng”. Vào những năm 70 của thế kỷ 20, hàng loạt giống lúa mới ngắn ngày năng suất cao tạo ra bằng CNSH đã được đưa vào sản xuất. Ở Lâm Đồng, CNSH được ứng dụng để nhân giống khoai tây, dâu tây, hoa lan, hoa ly bằng kỹ thuật nuôi cấy mô và sản xuất một số loại phân hữu cơ vi sinh. Biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) được triển khai rộng khắp và được nông dân hưởng ứng tích cực cũng là sản phẩm của CNSH. Trong chăn nuôi, phương pháp truyền giống nhân tạo đã được áp dụng rộng rãi. Từ việc thực hiện “lai kinh tế”, đến nay đã chuyển sang hướng lai cải tạo giống, nạc hóa đàn heo và Sind hóa đàn bò. Một số loại vắc xin chế tạo trong nước đã đạt trình độ quốc tế, giúp chúng ta chủ động trong việc phòng dịch cho gia súc, gia cầm.

Thế nhưng, ngoài những thành công trong công nghệ đơn bội lúa, hệ thống vi nhân giống, công nghệ đơn bội ngô, chọn giống bằng phân tử, chuyển gien vật nuôi, sản xuất vắc xin, prôtêin tái tổ hợp... thì trình độ phát triển CNSH của nước ta vẫn rất... lẹt đẹt. PGS. TS. Nông Văn Hải, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận xét: “Hiện tại, ở khu vực Đông Nam Á, Singapore có trình độ CNSH phát triển nhất, so với thế giới họ chỉ đứng sau các cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp. Tiếp đó là Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Trình độ CNSH của Việt Nam chỉ có thể đứng trên Lào, Campuchia, Mianma và Brunei mà thôi”.

Ai cũng biết, CNSH có thể đem lại giá trị sản lượng gấp 5 – 10 lần so với phương thức canh tác truyền thống, hơn nữa còn giảm được 15 – 30% lượng thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường... Nhưng ở nước ta, CNSH mới chỉ được ứng dụng ở một vài vùng trọng điểm, có khí hậu thuận lợi và đông dân như Đà Lạt (Lâm Đồng) với các mô hình trồng hoa trong nhà có mái che plastic, đạt giá trị 605 triệu đồng/ha, trồng rau an toàn đạt 150 triệu đồng/ha. Hà Nội, Hải Phòng ứng dụng CNSH trong trồng hoa, rau trong nhà kính. Nơi áp dụng CNSH nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với 1.663ha rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm; hơn 700ha hoa - cây cảnh cho doanh thu 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Hiện, lãi suất do CNSH đóng góp cho doanh thu của 5 nhóm sản phẩm: cây giống; vắc xin thú y; thuốc bảo vệ thực vật; phân bón sinh học; rượu, bia, nước ngọt và hoạt chất làm sạch môi trường mới chỉ đạt vài trăm tỷ đồng/năm, con số khiêm tốn so với một đất nước có tới gần 80% dân số sống bằng nghề nông.

Theo PGS. TS Đỗ Năng Vinh, Phó viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông ngiệp Việt Nam), hầu hết các lĩnh vực CNSH trong nông nghiệp ở nước ta vẫn chỉ là công nghệ... chai lọ, mới hoàn thành được khâu nghiên cứu cơ bản, tính ứng dụng thực tế không cao, đặc biệt là khó mở rộng thành đại trà. Nhiều nhà khoa học cũng thừa nhận, việc nghiên cứu CNSH ở nước ta quá xa rời thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhiều đề tài tồn tại tới... 20 - 30 năm nhưng các nhà khoa học vẫn "cắm đầu" vào nghiên cứu! TS. Nguyễn Việt Thắng (cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới, (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, TP. Hồ Chí Minh từng dự kiến đặt hàng nghiên cứu kỹ thuật tạo giống dứa Cayen nhưng thật ra, giống dứa năng suất này đã được Viện Kỹ thuật nhiệt đới nghiên cứu cách đó... 20 năm. “Thậm chí, có nhiều công trình vừa nghiên cứu xong, chưa kịp tìm hiểu tính thực tiễn thì lại bỏ đấy để đi tìm cái mới. Dẫn đến hậu quả là có nhiều công nghệ chưa bao giờ được thực hiện!”, GS. TS. Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) ngán ngẩm.

Mơ hồ và luẩn quẩn

Đó chính là thực trạng công tác nghiên cứu CNSH trong nông nghiệp ở nước ta mấy năm gần đây. PGS. TS Phạm Minh Tân, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP. Hồ Chí Minh kể: “Thành phố đang được coi là nơi ứng dụng CNSH mạnh nhất, thế mà trong một lần làm việc với Bộ Khoa học – Công nghệ để xin hợp tác với Cuba về chuyển giao CNSH, một vị lãnh đạo bộ đã ngạc nhiên cho rằng: Liệu TP. Hồ Chí Minh đã có tiềm lực gì về CNSH để hợp tác? Điều đó chứng tỏ, CNSH chưa được các cấp, ngành thực sự quan tâm một cách đầy đủ, luẩn quẩn và còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, số lượng đề tài nghiên cứu về CNSH ở TP. Hồ Chí Minh khá nhiều nhưng việc đưa vào ứng dụng trong sản xuất rất khó do giá thành cao, công nghệ phức tạp”. “Cái khó của các nhà khoa học hiện nay là chỉ biết nghiên cứu chứ không thể tự sản xuất và đưa ra thị trường, đó không chỉ là hạn chế của TP. Hồ Chí Minh mà là tình trạng chung của cả nước. Bên cạnh đó, "điểm danh" khắp miền Nam mới thấy, cả vùng không hề có một nhà máy sản xuất vắc xin, không một nhà máy sản xuất huyết thanh hay nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh. Hầu như mỗi đơn vị đều tự nghiên cứu lấy để dùng”, PGS. TS Tân phân bua.

Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cho rằng, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2006-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 là hơi quá sức. Bởi mục tiêu, nhiệm vụ và tham vọng thì nhiều mà năng lực đội ngũ cán bộ thì thấp, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu lạc hậu, điều đó dẫn đến hậu quả là nguồn kinh phí hỗ trợ không phát huy tác dụng hoặc chỉ có ý nghĩa khuyến khích trong khi CNSH là công nghệ đòi hỏi đầu tư cao cả về thời gian và kinh phí. Theo các chuyên gia, phải mất trên dưới 10 năm thì một sản phẩm biến đổi gien mới hoàn tất quá trình tích tụ điều kiện cho mục đích cuối cùng là thương mại hoá. Cũng trong quãng thời gian đó, số tiền cần để thiết lập các điều kiện dao động trong khoảng 50-300 triệu USD, tuỳ loại gien, trong đó riêng chi phí quản lý đã “ngốn” 4-12 triệu USD. Do vậy, để phát triển CNSH, chúng ta cần lựa chọn đối tượng nghiên cứu ứng dụng phù hợp với trình độ công nghệ của Việt Nam cũng như chiến lược phát triển kinh tế đất nước.

Ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm Quốc gia cho biết: “Việc nghiên cứu và ứng dụng CNSH vào nông nghiệp đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, riêng giai đoạn 2006 – 2010, tổng kinh phí chi cho các mục tiêu lên đến 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là năng lực CNSH của chúng ta còn thấp và nhỏ bé, đơn cử như năm 2006, ngành được chi 100 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu nhưng chỉ “xài” hết khoảng 30 - 50% kinh phí, còn lại bỏ ngỏ...”. Chính vì thế, tham vọng làm chủ được một số CNSH hiện đại và ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất vào năm 2010 xem ra khó thành hiện thực.

Theo một số chuyên gia, chắc chắn kinh phí đầu tư cho CNSH thời gian tới sẽ chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Nhưng vấn đề đặt ra lúc này là đầu tư lớn đồng thời phải đạt được những mục tiêu rõ ràng, mang lại lợi ích cao cho bà con nông dân chứ không phải chỉ dừng lại trong các buổi nghiệm thu rồi theo nhau cất vào ngăn kéo, một tình trạng không hiếm gặp hiện nay.

Theo Kinh tế Nông thôn


Tin khác