Viện nghiên cứu tư nhân vẫn bị kì thị!

22/01/2008

Viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI) là một trong số ít những viện nghiên cứu tư nhân đã vượt qua được khó khăn để trụ vững và ngày càng phát triển trong bối cảnh công tác xã hội hoá hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) là vấn đề khá mới mẻ và thị trường công nghệ ở Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai.

Tạp chí Hoạt động khoa học đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Bách Phúc - Viện trưởng EEI, Chủ tịch Hội Tư vấn KH &CN và quản lý Tp Hồ Chí Minh về kinh nghiệm xây dựng, phát triển EEI và một số vấn đề liên quan tới các viện nghiên cứu tư nhân ở nước ta.

Xin ông giới thiệu khái quát về EEI, đặc biệt là những thế mạnh của Viện?

EEI do 32 nhà khoa học sáng lập từ đầu năm 2004. Đến nay, Viện đã quy tụ được 120 nhà khoa học, trong đó có 14 giáo sư và phó giáo sư, 46 tiến sỹ, 18 thạc sỹ. Bốn nghề chuyên môn của Viện là: Điện - năng lượng, điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa. Bốn lĩnh vực hoạt động chính của Viện là: Nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, tư vấn - thiết kế - thẩm định - phản biện, đào tạo nâng cao trình độ, thông tin KH &CN. Ngoài ra, Viện còn hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch.

Thế mạnh của Viện là nguồn nhân lực. Theo Website Tp Hồ Chí Minh và Website Chợ tư vấn của Sở KH &CN Tp Hồ Chí Minh thì hiện nay trên địa bàn thành phố có 74 viện và phân viện của trung ương và thành phố. Nếu lấy tổng số giáo sư, phó giáo sư và tiến sỹ của các viện làm chỉ tiêu so sánh, thì EEI có số lượng nhiều nhất (60 vị), thứ nhì là Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực của Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh (40 vị). Trong gần 4 năm qua, EEI đã và đang thực hiện gần 100 hợp đồng. Khách hàng của Viện là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học... Viện cũng đã có những hợp tác đào tạo quốc tế có hiệu quả như hợp tác đào tạo tiến sỹ với Viện Hàn lâm IASS của Liên bang Nga và với một số trường đại học của Trung Quốc, Singapore.

Ngày bắt tay vào xây dựng EEI, ông và các đồng nghiệp đã gặp những khó khăn lớn gì và đã làm cách nào để vượt qua những khó khăn đó?

Khi chuẩn bị cho sự ra đời của EEI, chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Cái khó đầu tiên là niềm tin vào triển vọng tồn tại và phát triển của Viện. Vào thời điểm ấy (cuối năm 2003), Nghị định 35-HĐBT ngày 28.1.1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép các tổ chức KH &CN tư nhân hoạt động đã có hiệu lực hơn 10 năm. Hàng trăm trung tâm KH &CN đã được thành lập, nhưng hầu hết đều hoạt động kém hiệu quả. Vậy thì số phận của EEI sẽ ra sao? Có nên thành lập hay không? Vấn đề này đã được Hội nghị thành lập Viện ngày 16.11.2003 đưa ra mổ xẻ, phân tích thế mạnh, thế yếu, triển vọng và rủi ro… Cuối cùng cả 32 nhà khoa học tham gia hội nghị đã xác định niềm tin và nhất trí hạ bút ký vào hồ sơ xin thành lập Viện gửi lên UBND thành phố. Cái khó thứ hai là vốn liếng: Các nhà khoa học thì nghèo, đầu tư ban đầu dù rất khiêm nhường cũng tốn trên 2 tỷ đồng. Đi vay thì sợ: Liệu việc làm ăn sẽ ra sao? Có thể trả nợ được không? Cuối cùng chúng tôi vẫn cùng nhau góp vốn, chấp nhận thử thách. Cái khó thứ ba là cái khó riêng của các nhà khoa học: Tất cả các thành viên của Viện vốn chỉ quen với hoạt động khoa học và đào tạo, chưa ai từng làm kinh tế, chưa ai từng dìu dắt, chèo lái một đơn vị hạch toán độc lập, lo toan đồng tiền bát gạo, lo toan tìm kiếm và ký kết hợp đồng, chưa từng đụng chạm đến những khía cạnh luật pháp, thuế trong làm ăn… Lúc đó các nhà khoa học, nhất là lãnh đạo Viện phải học hỏi, phải dấn thân, phải chấp nhận kể cả vấp ngã (nếu có).

ông nhận xét thế nào về các viện nghiên cứu tư nhân do các nhà khoa học “tự làm, tự chịu trách nhiệm” ở nước ta hiện nay?

Tôi không biết chính xác hiện nay có bao nhiêu viện nghiên cứu tư nhân ở Việt Nam và cũng không có cơ hội tìm hiểu rõ về các viện đó. Tuy nhiên, theo những gì tôi biết thì ở Hà Nội có một viện nghiên cứu tư nhân về nông nghiệp, hoạt động rất có hiệu quả, có nhiều thành công lớn, nhưng rất tiếc là tôi chưa có dịp giao tiếp với họ. ở Tp Hồ Chí Minh, ra đời sau EEI khoảng 1 năm (cuối năm 2004) là Viện Công nghệ cao NTT với 15 nhà khoa học, nghe nói Viện này đến nay chưa có hoạt động cụ thể. Một năm trước vào tháng 10.2006, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã thành lập Viện Khoa học công nghệ Phương Nam, trụ sở ở Tp Hồ Chí Minh, bước đầu có 9 nhà khoa học tham gia, nghe nói viện này đã bắt đầu có những hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, theo trang web của Tp Hồ Chí Minh và trang Web Chợ tư vấn của Sở KH &CN Tp Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có gần 10 viện không phải của Nhà nước, những viện này có tên đăng ký là viện, nhưng không làm công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mà chỉ thực hiện các khóa đào tạo về quản trị kinh doanh.

Theo ông, để tạo điều kiện cho các viện tư nhân phát huy tốt hơn tiềm năng chất xám, chúng ta cần phải làm gì?

Có thể khẳng định rằng, chính sách của Nhà nước ta đối với KH &CN, các nhà khoa học, các viện tư nhân là tốt. Luật KH &CN, các nghị định của Chính phủ, các quyết định của Bộ KH &CN… là rất rộng mở, không phân biệt các thành phần kinh tế, nghĩa là không phân biệt “tư nhân” với “Nhà nước”, không phân biệt “tư doanh” với “quốc doanh”. Theo các văn bản này, viện tư nhân với viện nhà nước hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Thế nhưng thực tiễn cuộc sống lại không hoàn toàn như vậy. Chính sách rộng mở của Nhà nước với hành lang pháp lý thông thoáng là một phía, còn phía kia là sự thi hành chính sách, vận dụng pháp luật. Phía thứ hai này phụ thuộc rất nhiều yếu tố không nằm trong các chính sách hoặc luật pháp về KH &CN. Tôi đã phát biểu ở nhiều hội nghị lớn rằng, Viện chúng tôi là “Viện ô sin”, bởi lẽ tất cả bốn lĩnh vực hoạt động của chúng tôi, kể cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ đều là công việc dịch vụ, nói theo kiểu của dân dã là “công việc của ô sin”. Nhưng tiếc thay, Viện sẵn sàng phục vụ với chất lượng cao, nhưng không dễ dàng tìm được những ông, bà chủ tốt bụng chịu bắt tay hợp tác.

Đơn cử một ví dụ, Viện chúng tôi đã thỏa thuận kỹ càng một hợp đồng nghiên cứu và tư vấn cho Sở Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin của một tỉnh ở Nam Bộ về định hướng phát triển công nghệ thông tin và viễn thông đến năm 2020. Nhưng đến gần ngày ký kết, Giám đốc Sở đã dừng tay chỉ vì có cơ quan chức năng trong tỉnh hỏi nhỏ “sao không ký với Viện của Nhà nước, mà ký với Viện tư nhân?”. Chúng tôi thông cảm với ông Giám đốc Sở đó và chấp nhận ngừng ký hợp đồng nhưng trong lòng rất buồn. Các nhà khoa học của Viện đã mất một cơ hội cống hiến tri thức, Viện thì mất đi một nguồn thu nhập (mà trước đó đã bỏ ra nhiều thời gian và sức lực để tìm hiểu, tham khảo chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng).

Một ví dụ khác, chúng tôi chuẩn bị ký một hợp đồng lớn với một doanh nghiệp lớn của Nhà nước sau khi đã bỏ ra nhiều công sức và thời gian nghiên cứu, khảo sát để lên đề cương, thông qua đề cương và thỏa thuận hợp đồng, nhưng phút chót, Tổng giám đốc doanh nghiệp xin ngừng ký kết, với một lý do đơn giản là trong Hội đồng quản trị của EEI có một người là người thân của ông. Trong thời gian đó, dư luận đang bàn tán xôn xao về các “công ty gia đình” của một số doanh nghiệp nhà nước. Để tránh “điều tiếng”, ông Tổng giám đốc này đã tránh hợp tác với EEI, vì dù sao EEI cũng là một viện “tư nhân”.

Tôi có thể kể ra đây rất nhiều ví dụ khác nữa nhưng chung quy lại là trong thực tế, viện tư nhân vẫn bị kỳ thị, không được bình đẳng với viện nhà nước. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của chúng tôi.

ông có thể chia sẻ với bạn đọc của Tạp chí về một số dự định trong thời gian tới?

Sắp tới EEI dự định sẽ phấn đấu cho các mục tiêu sau:

- Xin Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ và thạc sỹ. Luật Giáo dục đã quy định: Các trường đại học và các viện được đào tạo tiến sỹ khi Thủ tướng Chính phủ giao. Nhà nước dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo thêm 20.000 tiến sỹ. Nếu được Thủ tướng Chính phủ giao, Viện chúng tôi xin sẵn sàng đảm nhận 1% dự kiến của Nhà nước, tức là sẽ đào tạo cho Việt Nam khoảng 200 tiến sỹ.

- Đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu KH &CN tương xứng với khả năng và trình độ của các chuyên gia của Viện: Năm 2006, chúng tôi không đăng ký một đề tài nghiên cứu khoa học nào. Đó là sai sót của chúng tôi, kể cả ban lãnh đạo cũng như các nhà khoa học của Viện. Thời gian tới, điểm yếu này sẽ được khắc phục, vì chúng tôi cũng có rất nhiều ý tưởng và mong muốn được biến chúng thành hiện thực.

- Mở rộng hợp tác KH &CN với các nhà khoa học Việt kiều: Thu hút trí tuệ của khoảng 300.000 nhà khoa học Việt kiều là một chủ trương lớn của nhà nước Việt Nam, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Chúng tôi cho rằng, cách tốt nhất là hợp tác với Việt kiều thực hiện những hợp đồng KH &CN cụ thể, có tầm cỡ, tương xứng với trình độ của các trí thức Việt kiều. Viện chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để có thể ký được những hợp đồng như vậy. Nhân đây cũng nói thêm rằng, hiện đã có 2 tiến sỹ Việt kiều ở Mỹ là thành viên chính thức của Viện chúng tôi.

Xin cảm ơn ông và chúc EEI ngày càng phát triển!


Tin khác