Làng nghề góp phần cải thiện đời sống nông dân

18/02/2008

Làng lụa Vạn Phúc những ngày giáp Tết rộn ràng trong tiếng máy dệt và rực rỡ với những cửa hàng bán lụa đầy sắc màu, tấp nập người bán mua. Người ta nói hiện là thời điểm “hưng thịnh” của làng nghề này, khi nhà nhà dệt lụa, người người bán lụa.

Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ nhiệm cơ sở dệt lụa truyền thống cao cấp Triệu Văn Mão cho biết, xưởng dệt của gia đình chị mấy năm qua làm ăn khá, đã có hơn 10 máy dệt với khoảng 20 nhân viên. Mức thu nhập của họ cao hơn nhiều so với làm nghề nông.

Làng Vạn Phúc hiện có gần 1.280 hộ dân thì đến 90% sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dệt lụa tơ tằm, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.700 người. Hàng năm, giá trị sản xuất kinh doanh của cả làng đạt hơn 100 tỷ đồng, sản lượng lụa đạt hơn 2 triệu mét/năm.

Hiện nay, lụa Vạn Phúc chủ yếu được tiêu thụ trong nước còn xuất khẩu thường qua trung gian hoặc khách nước ngoài đặt hàng với số lượng không lớn. Theo ông Nguyễn Hữu chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, sản phẩm lụa sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa nếu làm tốt công tác thị trường.

Bên cạnh những làng nghề truyền thống có từ hàng trăm năm như Vạn Phúc, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đa dạng hóa kinh tế nông thôn và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, đã xuất hiện thêm nhiều làng nghề mới như nghề làm hành phi ở thôn Thuận Quang, xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội), mới có khoảng mấy chục năm nay.

Hành phi thường được dùng trong các món ăn dân tộc như bún riêu cua, bánh cuốn, xôi xéo. Trước đây, mỗi cửa hàng đều phải tự chế biến hành phi nhưng nay việc sản xuất thành phần này đã được chuyên môn hóa.

Nghề làm hành phi không đòi hỏi lắm công phu, già trẻ, gái trai ai ai cũng có thể chung tay sản xuất, tận dụng được số lao động nhàn rỗi trong nhà. “Trong mấy năm gần đây, hành phi của Thuận Quang không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang Hà Lan, Ba Lan, Đài Loan,”chị Dương Thị Phương, chủ một cơ sở sản xuất cho biết. Chỉ riêng cơ sở của chị Phương, mỗi tháng đã xuất khẩu 5-7 tấn.

Theo ông Trần Thế Minh, Trưởng Thôn Thuận Quang, cả thôn có 346 hộ thì đã có trên 130 hộ làm nghề này. Đây là nghề phụ nhưng đem lại nguồn thu nhập chính, tạo công ăn việc làm cho người dân trong thôn, xã và các xã lân cận như Dương Quang, Kiêu Kị.

“Ở Việt Nam, nơi nào, làng nào có nghề thì ở đời sống của dân khá giả,” ông Lưu Duy Dần, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam khẳng định như vậy bên lề Hội chợ Triển lãm Làng nghề Việt Nam được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên kế hoạch thực hiện. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2015, Việt Nam sẽ bảo tồn và phát triển 321 làng nghề truyền thống đang bị mai một; phát triển 114 làng nghề gắn với du lịch và phát triển 240 làng nghề mới.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã khôi phục ngành nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho một phần lao động trong thời gian nông nhàn, lao động dôi dư. Sản phẩm ngành nghề nông thôn đã được gia tăng giá trị thông qua quá trình bảo quản, chế biến, và thu nhập của người lao động tham gia ngành nghề nông thôn thường cao gấp 3-4 lần so với lao động nông nghiệp đơn thuần. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có làng nghề thường thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong cả nước.

Lụa Vạn Phúc đã trải qua nhiều phen thăng trầm và kể từ những năm 1990 trở lại đây, làng nghề mới được khôi phục và phát triển. Máy dệt hoạt động quanh năm, dân làng Vạn Phúc nay đã sống được bằng cái nghề đi cùng với họ qua bao thế hệ.

Nghề hành phi mới mẻ cũng đã giúp người dân Thuận Quang “thay da, đổi thịt.” Ông Dương Hải Quân, Chủ tịch UBND xã Dương Xá cho biết, trong năm nay, xã có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển làng nghề này, tránh gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện cho người dân vay vốn./.

(Nguồn: TTXVN)


Tin khác