Mắt đỏ hoe, tóc tai xập xõa, anh Sùng A Hàng, người dân tộc Mông, ở thôn Ý Lình Hồ, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai lụi cụi đổ nước cháo loãng vừa nấu còn nóng hôi hổi vào miệng con nghé, mới chưa đầy hai tháng.
Con nghé lông dựng đứng, run lẩy bẩy, vẹo vọ trong góc chuồng lợn quây tạm bằng mấy mảnh ni lông tơ tướp, gió thổi bay lật phật. Ngày 12.2, trời vẫn rét căm căm, ở ngưỡng - 2 độ C, chẳng biết nó có trụ nổi không?
Xã San Sả Hồ, nằm trên đường leo đỉnh Phan Xi Păng cao ngất, suốt từ ngày 1.1 đến nay, gồng mình chịu đựng những đợt rét đậm, rét hại liên tiếp bổ sung, kéo dài. Đợt rét thứ hai, ngày 3.1, lạnh đến 0 độ C, trâu, bò bắt đầu ngã chết rét, rải rác; cho đến đợt rét thứ 5, trong ngày 10.2, rét nhất, xuống đến - 2 độ C, một số nơi có băng tuyết, đã làm chết thêm gần chục con trong ngày, nâng tổng số gia súc chết vì đói ăn và tê cóng lên hơn gần 30 con, chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé non; chiếm 1/4 đàn gia súc toàn xã.
Vào nhà nào cũng đụng thịt trâu treo gác bếp, nhìn mà xót ruột. Con trâu là đầu cơ nghiệp, với người vùng cao, nó còn giá trị hơn thế, không chỉ cày kéo, vận chuyển hàng hóa, trâu bò ở đây đang được nuôi đại trà theo hướng hàng hóa để mở hướng xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Anh Lù A Cở - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương còn tới 131 hộ nghèo, mấy năm nay, xã chủ trương tín chấp vay vốn ngân hàng NNPTNT giúp các hộ này nuôi trâu, bò để thoát nghèo, nhưng bây giờ thì chẳng còn mấy hy vọng. Nhiều gia đình nghèo sẽ lại trở về vạch xuất phát, lại còn đeo thêm nợ, không biết lấy gì mà trả.
Như gia đình anh Hàng, vay 2 triệu đồng ngân hàng mua được con trâu cái, nuôi hai năm mới đẻ nghé, nhưng giờ con trâu mẹ đã chết, con nghé cũng chẳng hy vọng, thế là công sức đổ xuống sông...
Dọc theo quốc lộ 4D, ngược núi cao lên Sa Pa, tôi bắt gặp những chiếc xe máy treo lủng lẳng những xâu thịt trâu đỏ ròng máu, chạy trở xuống TP.Lào Cai. Bắt đầu từ đèo Tắc Cô trở lên, sương mù mịt, mưa nhỏ, rét buốt tay, nhưng ven đường cứ một đoạn lại bắt gặp những người dân tộc Mông, Dao đang đứng bán thịt trâu treo trên những cành thông, hoặc dựa cả đùi thịt vừa xả vội vào cột mốc bên đường.
Những cái đầu trâu úp đứng thành hàng ven đường cái, nhìn thật ai oán. Ngày Tết, lại rét buốt, ít người qua lại, nên họ đứng co ro trong giá rét, có nơi nổi lên đống lửa củi ướt khói mù mịt để bán vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.
Vợ chồng chị Chảo Lở Mẩy, ở xã Trung Chải, cõng hai đùi trâu từ rừng về, đứng bán từ sáng đến trưa được chưa nổi 500 ngàn đồng, mỗi cân thịt bắp mời mỏi mồm, người đi đường mới mua cho 30 ngàn đồng.
Chị Mẩy kể trong nước mắt lưng tròng: "Nhà mình có 5 con trâu, trước Tết có người trả 8 triệu đồng con đực to nhất đàn, tiếc nó mình không bán, định để làm giống tốt. Nhốt ở chuồng, trẻ con đi chơi Tết, đói ăn, nó phá ra chạy lên rừng hôm mùng 2 Tết. Vợ chồng đi tìm, thấy nằm chết cóng ở trên núi sau nhà, chỉ lấy được thịt đùi về thôi, còn bỏ đi cả, vì không có nước làm thịt, đường lại xa".
Tôi nhẩm tính, có bán hết số thịt này, chị cũng chỉ được khoảng hơn triệu đồng. Như chị còn vớt vát được đôi chút, chứ như ông Sùng A Vàng, Sùng A Giả ở xa đường, xa chợ, thì chỉ còn cách cho bớt hàng xóm và treo lên gác bếp để khô ăn dần. Ăn thịt trâu mà thấy như xát muối trong lòng...
Theo ông Phạm Quốc Cường - Phó phòng Kinh tế huyện Sa Pa cho biết: Năm nay, Sa Pa chịu đợt rét đậm, rét hại, kéo dài nhất trong vòng 40 năm qua, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống người dân.
Năm 1968, Sa Pa hứng chịu đợt lạnh kéo dài hơn 20 ngày, tuyết rơi suốt từ 3 giờ đêm đến 14 giờ cùng ngày, dày tới 30 - 40cm, đã làm trâu bò chết như bị dịch. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 10.2, toàn huyện có 270 con trâu, bò bị chết rét, nhiều nhất là ở xã Sa Pa: 49 con, Trung Chải: 43 con, San Sả Hồ: 28 con v.v... Ước tính Sa Pa đã bị mất khoảng 1/5 tổng đàn gia súc. Toàn tỉnh Lào Cai ước tính đã bị chết hơn 700 con trâu, bò, thiệt hải hàng chục tỷ đồng.
Ngày 12.2, lại có một đợt không khí lạnh tăng cường, Sa Pa chìm trong sương mù rét buốt. Theo ông Lưu Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng- thủy văn Lào Cai, sẽ còn một hai đợt không khí lạnh bổ sung, kéo dài đến gần hết tháng 2, tái diễn đợt rét đậm, rét hại gay gắt nhất, tương tự như năm 1968. Vì vậy, cần phải tăng cường các biện pháp chống rét cho gia súc, hạn chế thiệt hại xảy ra, không chỉ trong thời gian rét hại mà ngay cả khi thời tiết ấm, trời nắng lên, vì khi đó trâu, bò hay bị bệnh cước chân, không vận động được.
Rời Sa Pa, những bóng người nhạt nhòa trong sương buốt, những cái đầu trâu úp ven đường, đôi sừng cong như dấu hỏi.
Hai giờ chiều 12.2, UBND huyện Sa Pa đã có cuộc họp khẩn cấp với các phòng, ban chức năng và chủ tịch các xã vùng cao, có gia súc bị chết rét nhiều, để bàn biện pháp phòng, chống. Huyện giao trách nhiệm cho Phòng kinh tế, Trạm thú y và Chủ tịch UBND xã tích cực đôn đốc, kiểm tra việc nuôi nhốt gia súc; chống thả rông; đốt lửa sưởi; sử dụng bao tải, nilông " may áo" chống rét cho trâu bò; cho gia súc uống nước muối nóng, cắt cỏ cho gia súc ăn trong những ngày rét đậm. Quảng Ninh: Gần 150 con trâu bị chết rét
Tin từ Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh ngày 12.2, cho biết: Do diễn biến thời tiết rét đậm kéo dài gần 1 tháng nay đã làm 148 con trâu tại các địa phương trong tỉnh bị chết rét. Tại các huyện, thị phía đông tỉnh vào thời điểm trước Tết Mậu Tý có nơi nhiệt độ xuống dưới 60C nhưng nhiều gia đình nông dân không nhốt mà vẫn tiến hành chăn thả vào rừng khiến số lượng trâu chết nhiều. T.N.Duy
Quảng Trị: Khẩn trương chống rét cho gia súc
Theo báo cáo nhanh từ UBND huyện Đak Rông chiều 12.2, tại huyện này đã có 114 con trâu, bò bị chết; trong đó xã có số gia súc chết nhiều nhất là Ba Lòng (74 con), ngay tại thị trấn huyện lỵ Krông Klang có 17 con. Nguyên nhân được cơ quan chuyên môn khẳng định là do rét lạnh kéo dài. UBND huyện đã chỉ đạo khẩn cấp cho các thôn, xã trong huyện khẩn trương có giải pháp chống rét cho gia súc, hạn chế thiệt hại. |