Tạo quyền chủ động cho các phòng thí nghiệm trọng điểm

01/02/2008

Hiện nay nước ta đã có 17 phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTÐ) đã và đang được xây dựng với tổng kinh phí đã bố trí là hơn 1.000 tỷ đồng (95% mức được phê duyệt). Trong đó, mười phòng đã được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2006.

Kết quả là các PTNTÐ đã đào tạo mới được 56 tiến sĩ và 58 thạc sĩ, đào tạo nâng cao cho hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư chủ yếu vẫn là "hiệu quả xã hội", giá trị chuyển giao công nghệ không nhiều...

Các PTNTÐ phải được coi là các trung tâm xuất sắc (Center of excellent) do Nhà nước đầu tư để giải quyết các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) thuộc các lĩnh vực ưu tiên đã xác định trong chiến lược phát triển KH và CN quốc gia. Ðã là trung tâm xuất sắc, không thể đánh đồng nó với các phòng thí nghiệm thông thường để áp dụng các cơ chế thông thường. Ðơn giản là vì trung tâm xuất sắc phải có tính thực tế riêng; có sự tin cậy của các đối tượng thụ hưởng kết quả; được kỳ vọng; có năng lực thực hiện về tài chính, nhân lực tương xứng, đồng bộ; vận hành tốt; phát triển liên tục, hướng tới tương lai. Với những tính chất này, thiết nghĩ, sẽ không còn phải hoài nghi rằng: PTNTÐ quốc gia chính là trung tâm thiết bị cao cấp.

Theo quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của PTNTÐ (ban hành ngày 31-1-2002) cũng như dự thảo quy chế mới (tháng 7-2007), vị thế hành chính của các PTNTÐ là quá thấp, chưa tương xứng với tầm quốc gia. Theo cấp bậc hành chính, giám đốc PTNTÐ quốc gia ngang với trưởng khoa của trường đại học, trưởng phòng của viện nghiên cứu hoặc của doanh nghiệp. Với vị thế này, một giám đốc của PTNTÐ quốc gia thật "bất tiện" khi giao dịch với các đối tác là trung tâm xuất sắc nước ngoài, cho dù trên thực tế "ông ấy" được bầu chọn kỹ lưỡng từ các nhà khoa học theo các thang bậc khác nhau.

Bên cạnh đó, để tiện cho việc điều hành, sẽ có một Hội đồng KH và CN (Hội đồng PTNTÐ) vừa là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của PTNTÐ, vừa là cơ quan tư vấn. Như vậy sẽ khiến giám đốc PTNTÐ khó thực hiện quyền chủ động của mình. Ðể cải thiện tình hình này, chúng tôi xin đưa ra ba phương án:

Thứ nhất: Thủ tướng quyết định thành lập PTNTÐ quốc gia trực thuộc bộ, ngành, đồng thời quyết định bổ nhiệm giám đốc sau khi có các thủ tục cần thiết. Phương án này có thể trái với Quyết định 850/QÐ-TTg, nhưng lại thật sự khẳng định vị thế cao của PTNTÐ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tài chính.

Thứ hai: Thủ trưởng các bộ, ngành ra quyết định thành lập PTNTÐ trực thuộc bộ, ngành, có trụ sở (địa điểm) tại trường, viện, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành đó. Các vấn đề về tài chính, nhân lực do giám đốc tự chọn, bộ trưởng quyết định điều động. Hội đồng KH và CN chủ yếu làm công tác tư vấn cho bộ trưởng trong điều hành và chỉ đạo giám đốc PTNTÐ.

Thứ ba: Ðặt các PTNTÐ quốc gia trực thuộc Bộ KH và CN. Các thủ tục tuyển chọn sẽ thông qua các Hội đồng chuyên ngành, giảm tầng, nấc hành chính, nâng cao vị thế của PTNTÐ cũng như của giám đốc; có thể chuyển kinh phí trực tiếp, tăng tốc độ đầu tư, tránh lạc hậu thiết bị (hao mòn vô hình và hữu hình) mà không trái với Luật Ngân sách hiện hành. Ðây là phương án phù hợp với việc quản lý các viện trọng điểm (nếu có) trong tương lai như đã hoạch định trong Chiến lược phát triển KH và CN quốc gia và trong bối cảnh đổi mới. Ngoài ra, phương án này cho phép Bộ KH và CN chỉ cần sử dụng Hội đồng KH và CN chuyên ngành căn cứ vào uy tín khoa học của các thành viên. Hội đồng KH và CN này chỉ làm công tác tư vấn, giám đốc PTNTÐ hoàn toàn tự chủ trong việc tổ chức hoạt động của PTNTÐ.

Trong Ðề án Ðổi mới cơ chế quản lý KH và CN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ưu tiên số một là xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH và CN. Nói đơn giản là chọn đúng các nhiệm vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ðiều đó càng cần thiết đối với việc lựa chọn đúng nhiệm vụ - các hướng ưu tiên cho việc thành lập PTNTÐ. Không phải ngẫu nhiên mà trong báo cáo của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH và CN) đã có nhận định: "Một số PTNTÐ chưa xác định rõ đích phải đạt..., chưa xác định được định hướng phát triển".

Vấn đề là ở chỗ, cần nghiên cứu và áp dụng phương pháp xây dựng các lĩnh vực ưu tiên để phổ dụng trong trường hợp xây dựng các PTNTÐ. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết khi nguồn lực đầu tư hạn hẹp mà số lượng PTNTÐ dự kiến lại khá lớn (bằng một phần ba của Nga, gấp rưỡi của Xin-ga-po) nhưng mức đầu tư chỉ bằng một phần mười cho mỗi phòng. Ðây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn các PTNTÐ cho giai đoạn II (2006-2010).

Theo ông Lê Tiến Dũng (Trường đại học Nebraska - Lincoln, Mỹ) một PTNTÐ phải có ba yếu tố để hoạt động hiệu quả: Nhân lực mạnh - bao gồm người làm nghiên cứu trực tiếp và người đưa ra ý tưởng; thiết bị nghiên cứu mạnh; kinh phí nghiên cứu nhiều. Bản chất chính là tính đồng bộ của PTNTÐ với tư cách là trung tâm xuất sắc. Tuy nhiên, trong ba yếu tố nói trên, yếu tố quan trọng nhất là nhân lực, bởi họ là người quyết định cần thiết bị gì, đồng thời đưa ra ý tưởng và trực tiếp xây dựng đề cương nghiên cứu. Như vậy, có thể thấy ngay nếu nhân lực mạnh thì tình trạng nhập khẩu "thiết bị thiếu đồng bộ" sẽ không xảy ra. Và nếu nhân lực mạnh thì khắc sẽ có nhiều ý tưởng nghiên cứu hay, đồng thời có nhiều lợi thế trong việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu, tức là sẽ có nhiều đề tài /dự án có chất lượng được thực hiện.

Vấn đề đặt ra là ai chọn và chọn như thế nào. Trường hợp Viện KIST của Hàn Quốc có thể gợi cho chúng ta một vài ý tưởng. Chúng ta biết rằng ý tưởng thành lập Viện KIST là của Tổng thống Pắc Chung Hy. Ðầu tiên, Tổng thống Pắc Chung Hy chọn Viện trưởng là một nhà khoa học có uy tín và giao toàn quyền cho ông này lựa chọn nhân sự. Về phần mình, Viện trưởng Viện KIST đã tiến hành chọn các nhà khoa học, công nghệ trong nước và Hàn kiều, đề nghị các mức lương và đãi ngộ để Tổng thống quyết định. Cần lưu ý rằng, việc đề nghị này chỉ là thủ tục hành chính. Ngày nay, thành công của Viện KIST là không thể phủ nhận.

Ðiều kiện Việt Nam khó có thể thực hiện như Hàn Quốc đối với Viện KIST. Nhưng nếu giao quyền tự chủ cho giám đốc (sau khi đã qua các thủ tục lựa chọn cần thiết), cùng sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và áp dụng mô hình quản lý theo phương án ba nêu ở phần trên đây, chắc chắn sẽ chọn được đội ngũ nhân sự mạnh cho các PTNTÐ. Ðội ngũ cán bộ được đãi ngộ thích hợp, có niềm tin và say mê nghề nghiệp sẽ trở thành lực lượng nòng cốt và hoạt động một cách hiệu quả trong các PTNTÐ nước ta.

Theo Nhân Dân


Tin khác