Trước cảnh khốn đốn của người nghèo trong cơn giá rét, giáo sư - viện sĩ ĐÀO THẾ TUẤN (ảnh) - chủ tịch Hội Phát triển nông thôn (nguyên viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VN) - cho rằng chúng ta phải "may vá” lại cho người nghèo những chiếc áo bảo hộ mà quá trình đô thị hóa đã làm rách.
- Ông ĐÀO THẾ TUẤN: Thật ra giá rét cường độ lớn không phải là một tai họa quá kinh khủng và cũng không phải chưa từng xảy ra với thế hệ hiện nay của người VN. Nói như vậy tức là hiện tượng thiên nhiên này chỉ vượt qua mức bình thường. Đối mặt với giá rét vẫn nằm trong tâm thức nông dân. Điều này còn thể hiện trong sự ứng xử xã hội là chúng ta chẳng có một cơ quan hay chính sách cụ thể nào chuyên chống rét cả.
Sự không bình thường ở đây là đợt rét này có cường độ mạnh hơn, kéo dài hơn nên tác hại gây ra lớn hơn mọi lần. Nhưng sự bất thường lớn nhất nằm ở chỗ: chỉ đối mặt với một biến động thiên nhiên như vậy thôi mà chúng ta đã phải thiệt hại quá lớn. Thiệt hại tất nhiên bao giờ cũng xảy ra nhiều nhất ở những người ít khả năng bảo vệ. Đó là người nghèo, là bà con nông dân.
* Như vậy chúng ta là xứ quen với giá rét và giá rét dữ dội cũng từng xảy ra. Vậy trước đây nông dân đối phó với hiện tượng này như thế nào, thưa ông?
- Hàng ngàn năm qua, nông dân sống chung với giá rét bằng kinh nghiệm và những năng lực sẵn có. Cụ thể trong trồng trọt, họ có thể dùng nilông che phủ. Trong chăn nuôi thì giữ gia súc trong chuồng, che chắn chuồng trại, sử dụng thức ăn có sẵn trong nhà... Mỗi thời, các nhà quản lý đều có những biện pháp hỗ trợ cụ thể. Trước đây, các nhà khoa học nghiên cứu để giúp dân gieo cấy tránh rét hoặc bón phân lân giữ nhiệt. Thiệt hại tuy vẫn có nhưng không quá lớn. Nhất là về người như hiện nay.
* Vậy tại sao ngày nay chúng ta không thể làm được như vậy?
- Nông dân ngày nay không còn khả năng tự bảo vệ mình tốt như xưa, còn sự trợ giúp của chính quyền không đáng là bao. Hiện nay trong trồng trọt đã áp dụng nhiều giống mới, thời vụ mới và công nghệ mới. Tuy nhiên chúng ta chỉ quan tâm nhiều đến năng suất, chất lượng và một số dịch bệnh, thiên tai thông thường mà chưa kèm theo phương pháp đề phòng những hiện tượng thời tiết bất thường như giá rét dữ dội lần này.
Trong chăn nuôi, bà con miền núi xưa thường có những bãi chăn thả lớn, dồi dào thức ăn và gần chuồng trại. Mỗi đợt giá rét, người ta có thể dễ dàng đưa gia súc về và kiếm thức ăn cho chúng. Nhưng nay chính sách đất đai hiện hành đã xóa bỏ cơ bản những bãi chăn thả tự nhiên đó, trâu bò được thả vào rừng kiếm ăn, khi gặp rét rất khó tìm chúng để đưa lập tức về nhà.
Ở đồng bằng, xưa mỗi gia đình đều có một cây rơm dành làm thức ăn chăn nuôi khi quá rét không thể chăn thả trâu bò, nay hầu như không ai còn chất rơm rạ trong nhà nữa vì nông dân đã xa dần với nông nghiệp do lợi nhuận quá thấp, khiến gia súc gục ngã vì rét. Công nghệ trồng trọt mới mà người dân được phổ biến thì gần như lãng quên hoàn toàn kỹ thuật bón phân lân giữ ấm.
* Còn về những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước thì sao, thưa ông?
|
Nông dân Nghệ An phải tự bảo vệ bằng cách phủ những tấm nilông chống đỡ giá rét cho lúa - Ảnh: Đắc Lam |
- Cách nay ít ngày, tức là khi giá rét đã gây bại hoại, thậm chí chết người, tôi mới thấy cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về nông nghiệp, nông thôn là Bộ NN&PTNT có một vài báo cáo, khuyến cáo. Đến tận hôm nay mới thấy các bộ ngành tìm trách nhiệm của giới quản lý, mà cuối cùng vẫn chưa rõ trách nhiệm chính là đâu. Theo tôi, không chỉ giá rét mà cả những thiên tai khác trong nông nghiệp, nông thôn chúng ta đều chưa có chính sách phù hợp cho nên hiệu quả phòng chống thiên tai rất thấp.
Đất nước ta năm nào cũng xảy ra lũ lụt. Mức độ và tần số tỉ lệ cùng tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa. Thế nhưng năm nào tôi cũng thấy ông bộ trưởng nông nghiệp chạy đi khắp huyện này tỉnh nọ để chỉ đạo khắc phục bão lụt mà tình hình không mấy tốt hơn. Ông hầu như không có mặt ở văn phòng bộ, nơi mà đáng ra ông phải ngồi để soạn những chính sách khiến bão lụt sang năm không gây tác hại ở vùng đó nữa hoặc ít ra cũng giảm dần... Với các loại thiên tai khác ta cũng đang thiếu chiến lược, cơ chế đề phòng hay phản ứng hữu hiệu.
Mặt khác, một Bộ NN&PTNT thì dù có giỏi đến mấy cũng không thể đối phó được với thiên tai. Bởi vì thiên tai có nguồn gốc từ mọi mặt xã hội như biến động môi trường và các hoạt động khác trong đầu tư phát triển, cơ cấu lao động...
* Theo ông, chính sách phòng chống thiên tai cần giải quyết những vấn đề gì?
"Không chỉ giá rét mà cả những thiên tai khác trong nông nghiệp, nông thôn chúng ta đều chưa có chính sách phù hợp cho nên hiệu quả phòng chống thiên tai rất thấp"
- Đường Hồ Chí Minh là một công trình hạ tầng lớn. Tuy có thể đáp ứng những nhu cầu phát triển nhưng cũng chính nó đã tạo nên nhiều trận lũ lụt tại những vùng úng ngập nó đi qua. Con đường này giống như một con đê. Bản thân địa hình tự nhiên ở những khu vực đường đi qua từ bao đời nay đã tự cân đối điều hòa nước. Khi con đê này xuất hiện thì nước sẽ bị giữ lại gây úng lụt và gần như năm nào nó cũng phá đường.
Như vậy, khi xây dựng nó, chúng ta phải tính tới những hồ đập để ngăn chứa nước thì thiên tai được giảm thiểu. Tôi muốn nói rằng phải tính đến yếu tố môi trường đầu tiên trong các dự án phát triển. Tương tự như vậy là tiến trình đô thị hóa, lấy đất nông nghiệp, lâm nghiệp cho công nghiệp du lịch... Vấn đề tiếp theo là chúng ta phải có những cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng những chương trình, chiến lược, cơ chế phòng chống thiên tai. Những chính sách đó phải được đặt nền tảng từ bảo vệ môi trường, bảo vệ người nghèo.
Thiên tai thì khôn lường, con người khó có thể chiến thắng nhưng giảm nhẹ thiệt hại thì có thể làm được. Đó là chính sách an sinh xã hội.
* Nhưng chúng ta luôn có những phong trào cứu trợ, lá lành đùm lá rách trong thiên tai, thưa ông?
- Chính sách an sinh không thể dựa hoàn toàn vào từ thiện. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm cho nông dân là cực kỳ cần thiết. Hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nông dân ở ta gần như không có tác dụng. Các chính sách đất đai, lao động ở khu vực nông thôn hiện nay cũng chưa tạo được sức mạnh cho nông dân để họ có thể tự bảo vệ mình trong những trận thiên tai.
Nói cho cùng, theo tôi, nếu thiên tai không làm hại đến ai thì chắc chúng ta cũng chưa cần nói đến làm gì. Nhưng thiên tai đã khiến người nghèo, bà con nông dân khốn khổ bất cứ lúc nào và năm nào cũng có.
Yếu tố quyết định để giải quyết câu chuyện này chính là xã hội quan tâm đến đâu cho nông dân, cho người nghèo. Nếu ta may cho họ cái áo hoặc ít ra chuẩn bị vải, cúc, kim chỉ thì họ sẽ chống được rét. Đừng để quá lạnh mới thấy họ thiếu áo.