Có nên ban hành Luật Nông nghiệp Việt Nam?

27/02/2008

AGROINFO - Việt Nam có gần 2/3 dân số lấy nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) làm hoạt động kinh tế chính, xuất khẩu nông sản đóng góp trên 10% vào tổng kim ngạch xuất khẩu và nông nghiệp đóng góp khoảng 14,6% vào tổng GDP (2007) của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, cho tới nay, các hoạt động liên quan tới nông nghiệp vẫn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản, chính sách khác nhau và chưa có văn bản, chính sách ở cấp độ Luật.

Liệu có cần thiết phải ban hành Luật nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới? Đây chính là nội dung được Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp với Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học (Văn phòng Quốc hội) và Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp quốc (FAO) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia ngày 22/2/2008 tại Hà Nội.

Bối cảnh mới và nhu cầu cần phải có Luật Nông nghiệp

Theo ông Chu Tiến Quang, Trưởng ban chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nông nghiệp Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kinh doanh theo định hướng thị trường, hội nhập vào nền kinh tế và nông nghiệp thế giới. Quá trình đổi mới các chính sách nông nghiệp thời kì đầu Đổi Mới đã phát huy được tác động tích cực nhưng cần phải có những điều chỉnh căn bản trong thời kì mới. Nền nông nghiệp Việt Nam cần phát triển theo hướng bền vững, lấy hiệu quả làm yêu cầu cho phát triển; chuyển tổ chức và quản lý sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, tăng hàm lượng khoa học trong sảnphẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.

Ông Nguyễn Lân Dũng
Ông Nguyễn Lân Dũng, đại biểu quốc hội, thành viên của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội thì cho rằng, những biểu hiện trực tiếp của nhu cầu cần phải có Luật Nông nghiệp là rất rõ ràng: Người nông dân hiện nay sẵn sàng sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép cho sản phẩm của mình bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Các công ty sản xuất phân bón không “trung thực” với nông dân khi quảng cáo về thành phần và công dụng của các sản phẩm của họ. Các trạm kiểm dịch động thực vật tại biên giới không có khả năng giám sát và kiểm định chất lượng của một khối lượng hàng hóa quá lớn hàng ngày đi qua cửa khẩu vào nội địa vì thiếu trang t hiết bị kỹ thuật, trình độ và đặc biệt là quy định chức năng, v.v..

Cơ sở khoa học cho việc ban hành Luật Nông nghiệp?

Từ phương diện nghiên cứu, ông Phạm Bảo Dương, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) đặt câu hỏi “Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có cần xây dựng Luật nông nghiệp? Nếu có thì Luật nông nghiệp điều chỉnh vấn đề gì?” Trả lời những câu hỏi này, ông Dương cho rằng: Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào hộ gia đình với quy mô sản xuất nhỏ (trung bình 0,22ha/người). Đất nông nghiệp manh mún và chia làm nhiều mảnh nhỏ làm chi phí sản xuất cao, hiệu quả thấp, sản lượng thấp, khó áp dụng khoa học công nghệ.

Mặc dù vậy, sản xuất hàng hóa cũng đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều vùng (lúa gạo, gia cầm ở ĐBSCL; cà phê ở Tây Nguyên; cao su, điều ở Đông Nam Bộ; chè ở trung du miền núi phía Bắc; hoa quả ở ĐBSCL, v.v..). Điều này khiến cho nhiều mâu thuẫn, xung đột về lợi ích liên quan tới việc sử dụng tài nguyên giữa các hộ nông dân, giữa các hộ nông dân với các cơ sở chế biến, kinh doanh, giữa các cơ sở chế biến, kinh doanh với nhau, v.v.. xuất hiện và vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý để điều chỉnh.

Hiện nay, chức năng quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT có 03 ngành: nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi các lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản cũng đều đã có các chính sách ở cấp độ luật (Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật thủy sản) thì duy nhất chỉ có lĩnh vực nông nghiệp là chưa có luật điều chỉnh.

Hệ thống văn bản pháp lý ngành nông nghiệp còn phân tán ở các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định và đang ở trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, chưa đồng bộ, hiệu lực thấp. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, các quốc gia với trình độ phát triển khác nhau đều có Luật riêng để điều chỉnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp như Trung Quốc (Luật nông nghiệp 1993 và 2003), EU (Chính sách nông nghiệp chung – CAP), Hoa Kỳ (Chương 7-Nông nghiệp trong bộ luật Hoa Kỳ), Nhật Bản (Luật cơ bản nông nghiệp 1961 và 1999), v.v…

Ông Nguyễn Văn Tư, Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT khẳng định nhu cầu cần phải có Luật nông nghiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Ông Tư cho rằng, trong thời gian tới, cần sớm đưa nội dung dự thảo Luật nông nghiệp vào chương trình làm việc của Quốc hội khóa XII.

Có nên ban hành Luật nông nghiệp trong điều kiện hệ thống pháp luật hiện hành?

Ông Ngô Đức Mạnh
Mặc dù không phản đối tính cần thiết của việc ban hành Luật nông nghiệp, nhưng ông Ngô Đức Mạnh, phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội lưu ý rằng: Cần tránh cách tiếp cận rộng để xây dựng Luật nông nghiệp vì nếu không sẽ rơi vào trùng lắp với hệ thống văn bản chính sách hiện hành trong lĩnh vực nông nghiệp và không giải quyết được các vấn đề căn bản trong nông nghiệp. Hiện nay các lĩnh vực như thú y, giống cây trồng, bảo vệ thực vật, v.v.. đều đã có quy định ở cấp cao nhất là Pháp lệnh và sắp tới có thể nâng lên thành Luật. Việc tách rời, đưa nội dung đất nông nghiệp vào luật nông nghiệp hoặc các quy định khác như vệ sinh, an toàn thực phẩm, v.v.. còn có thể phá vỡ tính tổng thể của các văn bản hiện hành.

Ông Ngô Đức Mạnh cũng đặc biệt lưu ý đến đặc điểm trong hoạt động lập pháp của nước ta hiện nay là xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật riêng lẻ để điều chỉnh về những vấn đề cụ thể. Theo hướng này, thay vì xây dựng và ban hành các bộ luật, đạo luật để điều chỉnh bao quát về một lĩnh vực nào đó thì tiến hành soạn thảo, ban hành những văn bản chi tiết, sao cho luật sau khi ban hành là có thể thi hành ngay được mà không phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành (nghị định, thông tư). Vì thế, việc ban hành Luật nông nghiệp chung, điều chỉnh về toàn bộ các vấn đề nông nghiệp (omnibus law) là cách làm chỉ đạt kết quả, có tính khả thi cao khi có sự rà soát, phân tích một cách đầy đủ để bãi bỏ những quy định trùng lặp, chồng chéo. Việc ban hành một luật nông nghiệp khung (chung) là một công việc đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu thấu đáo để có thể hệ thống hóa và pháp điển hóa toàn bộ các quy định hiện hành có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Luật nông nghiệp cần tạo ra “động lực”

Không đi sâu vào các nội dung có tính kỹ thuật nhưng ông Lưu Quốc Dung, Ủy ban kinh tế của Quốc hội phụ trách các vấn đề liên quan tới nông nghiệp thì cho rằng: Luật nông nghiệp là cần thiết nhưng điều quan trọng là luật phải tạo ra được động lực cho các chủ thể tham gia vào lĩnh vực này. Vấn đề là phải tìm ra được các yếu tố tạo ra động lực! Những thành công của các chính sách đổi mới, đột phá trong nông nghiệp thời kì đầu Đổi Mới có nguyên nhân căn bản là đáp ứng được nhu cầu của người làm nông nghiệp và do vậy tạo ra được động lực mạnh mẽ trong gần 2 thập kỷ qua.


Tin khác