Nắng ấm, toàn miền Bắc gấp gáp gieo cấy

25/02/2008

Thời tiết ấm áp hiện nay, cây lúa ở các tỉnh miền Bắc đang hồi phục. Các địa phương hối hả chuẩn bị giống, làm đất để gieo cấy cho kịp khung thời vụ. Song, nỗi lo về giống, nhân lực và thời gian quá gấp gáp khiến nhiều nơi "cuống".

Chiều ngày 22/2, Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các Sở NN-PTNT phía Bắc để triển khai các biện pháp khắc phục đợt rét đậm, rét hại kéo dài đối với vụ sản xuất đông xuân 2007-2008.

Đợt rét cuối tháng 2 sẽ không kéo dài

Tính đến thời điểm này, toàn miền Bắc đã cấy gần 400.000/1,2 triệu ha kế hoạch lúa đông xuân. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ cấy trên 80%, vùng ĐBSH khoảng 15% và miền núi phía Bắc khoảng 50%.

Song, đến ngày 20/2, đã có gần 150.000ha lúa và 12.500ha bị chết. Đợt rét kỷ lục kéo dài 38 ngày qua đã kết thúc, đến nay, nhiệt độ trung bình tại các tỉnh phía Bắc đã lên trên 15oC và đạt 18-21oC vào 10h sáng nay (22/2). Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, nhờ nắng ấm nên cây lúa bắt đầu hồi phục. Mạ cũng ra lá, bén rễ.

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Kế hoạch toàn miền Bắc là gieo cấy gần 1,2 triệu ha lúa Đông Xuân, nhưng 150.000ha lúa đã chết rét. (Ảnh Việt Hùng).

Theo dự báo, đến ngày 26/2 các tỉnh miền Bắc lại phải gánh chịu một đợt rét đậm nữa làm nhiệt độ giảm khoảng 5-10oC. Nhưng đợt rét này, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV TƯ, cho rằng, sẽ không kéo dài như thời gian qua mà chỉ khoảng 2-3 ngày, cùng lắm là 4-5 ngày ở miền núi.

Ông Tăng dự đoán, từ tháng 3 trở đi, nói chung, nền nhiệt độ phía Bắc vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm. Đến 3/2008 có 2-3 đợt rét đậm nữa nhưng không kéo dài quá 10 ngày nên các tỉnh phía Bắc có thể yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, tình hình khô hạn sẽ tái diễn khi lượng mưa dự báo khoảng 20-40mm, chỉ đủ làm ướt đất, không tạo được dòng chảy.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, lo lắng lớn nhất hiện nay là thời vụ gieo cấy thích hợp còn lại rất ngắn, đặc biệt là tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong khi diện tích gieo cấy còn lớn, mạ sinh trưởng chậm.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hoá Nguyễn Xuân Sang, bày tỏ, lo lắng nhất hiện nay của tỉnh là nếu cấy muộn, gió Lào sớm sẽ làm táp lúa. Vì thế, tỉnh chỉ đạo quyết tâm cấy xong trước 5/3. Đợt rét vừa qua đã làm toàn bộ mạ xuân muộn gieo từ 20-27/1 tại Thanh Hoá chết sạch và 35% tổng số gần 87.600ha lúa đã cấy cũng bị thiệt hại. Đó là chưa kể 6.200ha lúa chết do ngập mặn ở 6 huyện.

"Cháy" giống lúa, đội giá

Nỗi lo lớn hơn cả là tình trạng khan hiếm giống. Ở Thanh Hoá, mặc dù tỉnh đã mở toang cửa cho tất cả các công ty giống nhập khẩu, bán thẳng cho bà con và khống chế giá lúa thuần ở mức 6.800 đồng/kg, lúa lai 23.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết, bà con nông dân vẫn đang phải mua giá giống với giá tăng gấp đôi. Điển hình, Công ty Giống cây trồng miền Bắc bán 13.000 đồng/kg (lúa thuần); Công ty Đầu tư Phát triển Tây Nguyên bán 36.000-38.000 đồng/kg (lúa lai)... Cơ quan chức năng ở Thanh Hoá đã lập biên bản nhưng chưa có chế tài xử lý. Tỉnh cũng lấy mẫu kiểm tra xem chất lượng giống có đảm bảo, vài ngày tới mới có kết quả.

Chưa hết, giống cho vụ hè thu, vụ mùa được dự báo cũng cạn kiệt. TS. Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, nói thêm, kế hoạch nhập khẩu tại các công ty giống cũng bị đảo lộn. Tuy Việt Nam đã nhập được gần 1.000 tấn lúa giống từ Trung Quốc nhưng nước này đang bị thiên tai nặng nên vận chuyển rất khó. Giống nhập về qua Móng Cái (Quảng Ninh) còn dễ, chứ bằng đường sắt qua Lào Cai thì "tắc".

Ngoài ra, từ 1/1/2008, cùng với việc áp dụng hạn ngạch, nước này tăng thuế lúa giống xuất khẩu từ 0 lên 5%. Do vậy, ngay từ bây giờ, cần lên kế hoạch sản xuất giống tại các tỉnh miền Trung để đưa ra Bắc.

Hơn nữa, lao động tại các địa phương cũng rất khan hiếm. Ông Nguyễn Xuân Sang nói, Thanh Hoá tập trung cấy nhiều, cấy xong trước Tết nhờ con em đi làm xa về tranh thủ cấy. Bây giờ, tiền công cấy lên tới 75.000 đồng/người/ngày mà vẫn không kiếm ra người.

Theo tính toán của ông Phan Huy Thông, một ha lúa cần khoảng 30 lao động. Thời gian cấy cập rập nên trong vòng 7-10 ngày, các tỉnh phía Bắc cần tới 30 triệu ngày công. Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương nên phối hợp với các trường đưa học sinh, sinh viên cao đẳng, ĐH nông nghiệp về giúp; đồng thời, có thể bố trí cho học sinh nghỉ vài buổi học để hỗ trợ việc cấy lúa.

Về khung thời vụ, đến tháng 5 miền Trung bắt đầu sản xuất vụ hè thu, tháng 6 ĐBSH sản xuất vụ mùa nên toàn bộ việc gieo cấy lúa đông xuân cần được kết thúc trong vòng 10-15 ngày tới.

Chính vì vậy, Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu các địa phương kiên trì, tích cực bảo vệ chăm sóc mạ, lúa còn khả năng phục hồi; đồng thời khẩn trương, quyết liệt gieo mạ bổ sung, chăm sóc bảo vệ để sớm có mạ đạt tiêu chuẩn, tranh thủ thời tiết nắng ấm cấy thật nhanh, đảm bảo hết diện tích trong khung thời vụ cho phép.

Đề nghị hỗ trợ thêm gần 50 tỷ đồng

*Cục Trồng trọt cho biết, diện tích cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày bị chết do rét khoảng 20.000ha, trong đó ngô trên 7.000ha, lạc 8.500ha và các cây rau đậu khác. Lãnh đạo bộ đề nghị hỗ trợ bổ sung về giống để trồng cây màu bị thiệt hại và chuyển từ lúa sang. Đối với ngô và đậu tương, hỗ trợ 100% giá giống; lạc 50%. Tổng kinh phí cần khoảng 45 tỷ đồng.

* Theo Cục Chăn nuôi, tính đến chiều 21/2, đã có gần 66.000 các loại vật nuôi ở phía Bắc bị chết rét, chết đói. Tỉnh có trâu bò bị chết nhiều nhất là Hà Giang 10.670 con, Lào Cai 9.910 con, Cao Bằng 7.759 con, Sơn La 6.354 con, Bắc Kạn 5.571 con...

*Đối với thuỷ sản: Theo báo cáo của 14/32 tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra, tính đến 20/2, đã có 46 tấn cá bố mẹ chết, cá giống gần 14 triệu con, cá thịt 16.000 tấn. Tổng thiệt hại 9,1 tỷ đồng. Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân 50% tiền mua cá giống. Tổng kinh phí ước tính 4,537 tỷ đồng.


Tin khác