"Khoa học kỹ thuật là then chốt"

18/02/2008

Cụm từ trên mấy chục năm trước là một câu cửa miệng của giới lãnh đạo. Rồi nó rơi vào lãng quên cùng với những ảo tưởng về kinh tế kế hoạch triệt để với ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, "cân đối tới cấp huyện"... Và "vụ giá-lương-tiền" là sự cố "sập cầu" hoàn toàn buộc ta phải đổi mới theo hướng kinh tế thị trường.

Thời ấy "khoa học kỹ thuật" tràn lan khắp các tỉnh thành với những "sáng kiến cải tiến sản xuất" kiểu "Hai Lúa" phát minh lại máy hơi nước và máy bay phản lực. Những lãng phí, ỳ ạch, trì trệ trong sản xuất buộc ta phải bẻ lái sang "chuyển giao công nghệ", không "làm theo cách (không giống ai) của ta" nữa.

Rồi đầu tư ào ạt, chuyển giao công nghệ và ta sống nhờ xuất khẩu hàng, nguyên liệu thô, lao động trình độ thấp, giá rẻ. Khoa học kỹ thuật "nội địa" chỉ còn cái vỏ ở các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nặng tính hình thức và các sở, phòng quản lý còn hình thức hơn.

Chuyện cổ tích có thật là trong khi cái ruột teo tóp đi do ta tự hạ thấp chất lượng, phi thực tế về nội dung, thì cái vỏ bằng cấp, học vị học hàm lại phì đại bất thường. Nước ta chưa bao giờ có nhiều "trí thức" bậc cao như vậy, chưa bao giờ thực học bị bỏ quên, "hư học" lên ngôi như vừa qua.

Hai ba năm lại đây xã hội sôi sục bức xúc về chuyện giáo dục đào tạo. Sự khủng hoảng có tính hệ thống, toàn diện và tình thế dưới đáy đã lộ rõ. Tuy nhiên tình hình vẫn rối tinh và bế tắc y hệt chuyện ùn tắc và tai nạn giao thông với hàng loạt các giải pháp chồng chéo nhau, mâu thuẫn nhau, cùng các chỉ tiêu, mục tiêu vẫn viển vông và chạy theo thành tích, như xưa!

Đào tạo thế nào thì nghiên cứu phát triển thế ấy. Nghiên cứu khoa học bị hạ thấp tiêu chuẩn trong khi số lượng chức danh, hàm vị bị lạm phát càng làm đậm đặc tính "hư học", xa rời nhu cầu thực tế. Đào tạo không chất lượng. Ra trường không việc làm. Ngân sách nghiên cứu khoa học tăng nhưng không theo chuẩn mực quốc tế, không có hiệu quả phát minh, sáng chế, ứng dụng thì hầu hết chỉ có thể gọi là lãng phí và tham nhũng mà thôi.

Gần đây nhiều nhà khoa học uy tín đồng loạt lên tiếng yêu cầu phải dùng chuẩn mực quốc tế đánh giá hàm vị và công việc khoa học, kỹ thuật. Đóng góp của KHKT vào tăng trưởng là nhỏ gần bằng không! Liệu KHKT ta có "lai tỉnh" từ cơn mê sảng của bệnh thành tích và "thói" "hư học" trở về với chính đạo thực học, thực hành được không?

Cuộc cải cách này sẽ đau đớn như việc "tự tùng xẻo", tức vừa đánh trống vừa tự xẻo cắt bỏ ung nhọt trên cơ thể mình. Đó sẽ là việc làm anh dũng đáng khâm phục và vô cùng khó khăn. Nhưng không làm không được vì KHKT ta ngay trên "đấu trường" khu vực cũng đang thua thê thảm hơn cả bóng đá U 23. "Tỉ số" hiện nay là Việt Nam 1 - Malaysia 3 - Thái Lan 5 - Singapore 11 (theo Phạm Đức Chính Vietnamnet 22.01).

Ông Nguyễn Văn Song (tên Việt của Song Chun) - Giám đốc Viện Nghiên cứu Việt Nam của Nhật, một cố vấn của những việc cần làm ngay cho chính phủ ta thời đầu Đổi mới - mới đây đã lên tiếng cảnh báo khẩn cấp Việt Nam đã bỏ rơi khoa học kỹ thuật!

"Khoa học kỹ thuật là then chốt" có từ thế giới cổ tích trở về với thực tế hành động sáng tạo để đưa nước ta vào giai đoạn thoát nghèo không đây?

Mùa xuân là Tết Trồng cây cũng là Tết Trồng người. Chúc cho "Khoa học kỹ thuật là then chốt" sẽ trở về hiện thực và xã hội ta từ hư học sẽ trở về thực học.

Nguyễn Bỉnh Quân

(nguồn: Lao động cuối tuần)


Tin khác