Bài I: Tín dụng cho người nghèo, chuyện gay cấn
Vay tín chấp, mưa không thấm khắp
Hiện nay đang tồn tại hình thức vay vốn ưu đãi dạng tín chấp cho người nghèo để họ đầu tư cho sản xuất. Thực tế nguồn vốn ấy có đến với số đông người nghèo không? Có dễ vay không? Có đủ để phát huy những nội lực trong nông thôn không? Trả lời những câu hỏi đó không dễ. Chúng tôi chỉ xin kể lại những gì mắt thấy tai nghe ở một số cơ sở tại huyện Quốc Oai (Hà Tây).
Như báo cáo của ngân hàng Chính sách huyện thì Quốc Oai có 3.720 hộ nghèo; dư nợ cho vay hộ nghèo khoảng 35 tỉ đồng (100% cho vay tín chấp qua các tổ chức như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên); trung bình mỗi hộ nghèo được vay khoảng 9,4 triệu đồng và mỗi năm nhờ những tác động ấy mà huyện vẫn đều đều giảm được số hộ nghèo với một tốc độ khá ấn tượng thì ngỡ rằng nông dân ta ngày nay sướng quá, được quan tâm quá.
Chẳng phải hẻo lánh gì mà xã Đông Yên nghèo thế. Bình quân thu nhập chỉ đạt có 3,6 triệu đồng/người, tỷ lệ nghèo toàn xã 32,6%. Nôm na đây là địa phương nghèo khó…điển hình. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Văn Chỉ cho hay, những tổ chức hội như của ông đều nhận uỷ thác của ngân hàng Chính sách để cho hộ nghèo vay trung bình mỗi hộ 7-10 triệu đồng với lãi suất 0,65%/tháng trong thời gian 24 tháng. Khoản vay tương đối ít, thời gian lại eo hẹp. Nuôi con gà, con lợn còn có thể quay vòng vốn được nhưng chăn bò, chăn trâu như lời ông Chỉ từ khi mua về đến lúc nó “nhớ giống” cũng phải 1 năm, “nhớ giống” xong may mắn chửa cũng trên 9 tháng, cộng với thời gian nuôi đến tuổi xuất chuồng độ 5-6 tháng nữa là đã trên hai năm rưỡi.
Nếu như trả theo thời hạn vay là 24 tháng thì người dân phải bán bò đúng giai đoạn đẻ, khả năng sinh lời chưa có. Thuận buồm, xuôi gió còn thế, huống hồ đầu tư trong nông nghiệp, lợi nhuận thấp đã đành còn rủi ro lớn, không thể nói trước. Rủi ro ấy được chia làm hai loại: rủi ro dịch bệnh và rủi ro thị trường. Tỷ như trước đây dân Đông Yên có 40 hộ được vay ngân hàng bò với mức 4 triệu/hộ. Lúc ấy bò đang đắt, mỗi con có giá khoảng 8-10 triệu đồng nên muốn mua dân lại phải vay nóng đến hơn một nửa bên ngoài. Sau hai năm bỏ bao công sức chăm sóc, khi dân bán cả bò lẫn bê chỉ được cỡ 6 triệu đồng, lỗ nặng.
Anh Nguyễn Văn Tiềm (thôn Đông Hạ) vay được 6 triệu đầu tư mua bò và lợn nái bảo: “Con bò còn cắt cỏ cho ăn được nhưng lợn cứ phải ăn cám nên vay được có 6 triệu thì thiếu quá, phải vay ngoài đến 20 triệu. Nông dân ở đâu hưởng lợi từ hạt thóc chứ ở ngoài Bắc ruộng ít, đủ ăn đã là may. Thời buổi lạm phát, mọi thứ bổ lên đầu chúng tôi nên phải bán thóc. Hạt thóc bán đầu vụ rẻ mạt, cuối vụ đong ăn giá lại tăng vọt”. Thê thảm hơn là gia cảnh của anh Nguyễn Văn Tuấn, vay chương trình bò cao sản được 4 triệu, vay ngoài thêm 1 triệu mua con bò, đùng cái nó ốm, bán chạy được 2,4 triệu. Dồn vốn nuôi con lợn mẹ cũng hỏng nốt nên anh tiếp tục vay lãi ngoài để gom đủ 7 triệu mua một con bò, mới lấy giống. Nhìn ngôi nhà tuệch toạc, gia chủ áo quần rách như bị chó cắn, tôi cứ ám ảnh mãi bởi câu nói của anh: “Sợ lắm rồi, có cho vay cũng không dám vay nữa”.
Ông Nguyễn Công Liêu -Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Đông Hạ bảo: “Có hàng mấy trăm hộ dân nhưng bình bầu, nâng lên, đặt xuống mãi mới có 18 hộ nghèo được vay vốn. Hiệu quả của những lần vay vốn này còn hạn chế do vay được quá ít, thời gian chưa đủ quay vòng vốn, do rủi ro trong nông nghiệp nhưng người nghèo họ sòng phẳng lắm, vẫn vay ngoài để đập vào trả nợ”. Ngoài chương trình vay hộ nghèo, ở thôn còn có 4 hộ được vay làm biogas theo chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Số lượng vay cực ít, nghề chăn nuôi của thôn lại đang phát triển mạnh gây ô nhiễm môi trường nên đường làng ngõ xóm, cống rỗng trong làng, ngoài ngõ ngập ngụa phân trâu, phân bò đến ngộp thở.
Người cận nghèo, đỏ mắt tìm vốn
Ở thôn quê bây giờ không hiểu sao phát sinh khái niệm cận nghèo. Cận nghèo có nghĩa là mấp mé ranh giới nghèo, nghĩa là cứ thu nhập mỗi khẩu từ 201.000đ/tháng trở lên được xếp vào danh sách. Hộ chị Bùi Thị Mỹ ở thôn Đông Hạ thuộc dạng cận nghèo như vậy. Gia đình chị có 4 khẩu, 5 sào ruộng, dồn đổi mãi mới được một khoảnh ruộng để làm mô hình VAC nhưng chỉ mới đào được cái ao là cạn vốn. Vay nợ ngoài lên 10 triệu đồng đến khi không còn xoay xở đâu được nữa chị đâm bí hẳn. Không có sổ nhà nghèo, chị Mỹ không thể vay được tín chấp.
Ông Liêu giải thích khái niệm "cận nghèo" cũng rất lơ mơ: “Cũng chẳng tính toán, cân đong gì mấy đâu. Cứ nhìn thấy nhà có 2 lao động (dù 2 lao động ấy phải gánh thêm 2 cháu nhỏ tuổi đi học) là dạng cận nghèo chứ. Đúng ra chị Mỹ chẳng có cái gì, nghèo lắm. Nhưng cứ đưa vào diện hộ nghèo thì báo cáo thế nào?”. Thiếu vốn, giờ đây, ngày ngày chị Mỹ chỉ còn công việc cắt cỏ, cắt lá sắn về cho cá ăn. Chị ước ao một điều giản dị rằng có một chuồng lợn để chăn và có đủ cám để nuôi cá vì cho ăn lá sắn, cá lớn chậm.
Cùng cảnh ngộ cận nghèo là hộ nhà anh Nguyễn Văn Hiển. Anh ngán ngẩm bảo: "Chuyện chọn hộ nghèo như “so bó đũa, chọn cột cờ”, không may bị loại ra ngoài mà thôi". Tuy không vay được vốn tín chấp, anh Hiển cũng xoay xở bằng tất cả nội lực để dồn đổi ruộng thành một khu, đào được 2 cái ao, làm được một dãy chuồng thả 20 đầu lợn. Ít vốn, anh chỉ còn biết đắp cái này, đổi cái kia chứ không thể có tiền để mà tính toán làm ăn lớn. Những hộ cận nghèo như chị Mỹ, anh Hiển ở Đông Hạ này nhiều lắm. Họ là những người có đầu óc, có quyết tâm làm ăn kinh tế cao, chỉ hiềm mỗi một điều, họ không trong danh sách hộ nghèo, không được hưởng bất kỳ ưu đãi tín dụng gì. Loay hoay kiểu gì rồi cũng chỉ bóc ngắn, cắn ngắn chứ không thể làm dài hơi được. Nghịch lý là ở chỗ ấy.
Đông Hạ nghèo không hẳn do con người kém cỏi, đồng đất kém phì nhiêu mà bởi do nhiều thứ chính sách tưởng như tốt đẹp lại không thể về đến dân hoặc về một cách méo mó... (Còn nữa)
Theo Nông nghiệp Việt Nam