Dự thảo đề án "Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã cơ bản hoàn thành để chuẩn bị trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần 7 sẽ diễn ra trong tháng bảy. Là một trong những tác giả của đề án quan trọng này, TS Đặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện thẳng thắn xung quanh vấn đề "tam nông".
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
|
* Thưa ông, trong quá trình khảo sát, điều tra để phác thảo đề án "tam nông", có khi nào ông thật sự sống cùng một hộ nông dân để biết họ đang sống như thế nào, thu nhập ra sao chứ không chỉ là thống kê những con số?
- Gia đình tôi cũng như gia đình anh Cao Đức Phát (bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đều là nông dân. Cho đến năm học lớp 10, anh Phát còn đi gánh phân và căn bệnh tê thấp chân theo anh cho đến giờ vì bị ngâm nước quá nhiều. Quê tôi ở Thái Bình, tôi vẫn thường về quê sống với gia đình. Làng quê tôi chỉ có lúa, không có công nghiệp, không có hoạt động kinh doanh. Làm lụng cả năm, mỗi hộ ở quê tôi may lắm chỉ để dành được 2 triệu đồng vì bình quân mỗi hộ chỉ có một sào Bắc bộ (360m2). Thanh niên bỏ làng đi làm ăn xa hết và làm bất cứ cái gì có thể để thoát khỏi nông thôn.
* Còn nhìn toàn cục từ kết quả nghiên cứu công phu của ông, bộ mặt của nông nghiệp - nông thôn cả nước ra sao?
- Thật sự mà nói nông nghiệp là một trong những lĩnh vực thành công nhất trong hơn 20 năm đổi mới. Chính đổi mới từ nông nghiệp là bước đột phá của toàn bộ quá trình đổi mới đất nước. Từ một nước có nền sản xuất nhỏ, manh mún, kinh tế tự túc tự cấp, chúng ta đã chuyển sang xuất khẩu gạo, cà phê… hàng đầu thế giới. Hiện nay nước ta không những đảm bảo an ninh lương thực mà nông thôn nhiều nơi đã có bộ mặt khác hẳn trước đây, nhất là về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng nông dân chưa được hưởng lợi tương xứng với đóng góp của họ. Thể hiện rõ nhất là khoảng cách giữa đô thị và nông thôn đang ngày càng giãn ra xa hơn. Đơn cử như đa số xã đã có đường bêtông đến trung tâm, nhưng những con đường đó có đi được trong mùa mưa? Hay đa số xã có điện nhưng ngoài việc dùng thắp sáng thì có dùng cho bơm tưới, cho sản xuất được không? Chất lượng học sinh nông thôn với thành thị vẫn còn cách nhau một trời một vực. Tỉ lệ thất học và bỏ học ở nông thôn cao hơn thành thị…
* Với những khoảng cách đó, phải chăng trên thực tế nông dân đã bị "bỏ rơi", hay nói như nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng họ "đã bị gạt ra bên lề sự phát triển"?
- Trong nhiều trường hợp đúng là nông dân đã bị gạt ra bên lề, như khi ai đó đến lấy đất của nông dân làm nhà máy, hứa đủ thứ về đền bù và tạo việc làm nhưng thực tế không được như vậy. Ở Bắc Ninh, sau khi giải tỏa ruộng đất của nông dân để làm khu công nghiệp, chỉ có khoảng 6% bà con có việc làm tại nhà máy. Khi nhà máy thủy điện được xây dựng, mang điện đi khắp nơi nhưng nông dân ở bên cạnh nhà máy không có điện. Nhà máy phân lân ở một tỉnh nọ được danh hiệu anh hùng lao động, nhưng cái làng bên cạnh nhà máy là làng ung thư, trong trường hợp này nói nông dân bị gạt ra bên lề là còn hơi nhẹ.
* Thưa ông, vì sao thực trạng đáng buồn này đã được nhìn thấy nhưng cứ tiếp tục diễn ra trong suốt thời gian dài?
- Thứ nhất, bản thân nông dân cũng như nhiều vị lãnh đạo đã thỏa mãn với thành tích đạt được trong nông nghiệp. Thật sự là chúng ta đã có thành tích, ví như người dân quê tôi họ có phần thỏa mãn khi cuộc sống tốt hơn, họ xây được nhà, trong nhà có tivi, điện thoại…
Nhiều nông dân sẵn sàng chấp nhận ô nhiễm môi trường để có tivi, chấp nhận làm việc nặng nhọc để có tiền mua xe máy. Thứ hai, nhiều vị lãnh đạo và những người sống ở đô thị có quan điểm coi nhẹ nông thôn. Họ có lý do để coi nhẹ vì rõ ràng tăng trưởng kinh tế không nằm ở nông thôn mà chủ yếu ở công nghiệp, ở đầu tư nước ngoài... Các tỉnh muốn có tăng trưởng kinh tế dĩ nhiên phải trải thảm đỏ mời doanh nghiệp, xây dựng khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài, còn nông nghiệp dường như có sao để thế. Không chỉ riêng ta, căn bệnh lãng quên nông nghiệp xảy ra khá phổ biến trên thế giới.
Mở rộng tích tụ ruộng đất Trong 10 triệu hộ nông dân, số hộ có trang trại chỉ chiếm 1%, con số đó không có nghĩa lý gì cả. Trong tương lai phải tăng tỉ lệ này lên, tất nhiên nông dân Việt Nam không phải tất cả sẽ trở thành chủ trang trại, mà sẽ có loại hình gia trại, là cái nằm giữa nông dân sản xuất nhỏ và trang trại. Cùng với tích tụ đất đai, phải giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn, hai việc này phải tiến hành song song với tốc độ như nhau. Chắc chắn đây sẽ là một trong những vấn đề được đưa ra bàn bạc tại Hội nghị trung ương 7. Ý kiến của chúng tôi là thiên về việc mở rộng qui mô đất đai, vì có mở rộng thì mới cơ giới hóa được, mới tăng năng suất lao động, nhưng vấn đề quan trọng là đất mở ra đến đâu thì lao động phải rút ra khỏi nông nghiệp đến đấy. TS ĐẶNG KIM SƠN |
* Vậy những chuyên gia nông nghiệp tâm huyết như ông ở đâu trong những năm qua?- Các cụ ta đã dạy là hết gạo chạy rông thì mới "nhất nông nhì sĩ”, cuộc khủng hoảng lương thực vừa qua đã cảnh tỉnh thế giới không được lãng quên nông nghiệp. Còn khi một số người trong xã hội thỏa mãn với thành tích đạt được, số khác nghĩ rằng động lực phát triển không nằm ở nông nghiệp thì tiếng nói của chúng tôi không đủ mạnh, không đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, chúng ta không nên đứng ngoài cuộc để phê phán mà hãy nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi.
* Và ông đã đưa ra những kiến nghị cụ thể để điều chỉnh chính sách "tam nông"?
- Đầu tiên là tăng đầu tư và cơ cấu lại nông nghiệp. 20 năm trước chúng ta tăng diện tích, phát triển theo chiều rộng, bây giờ phải tăng khoa học công nghệ, tăng chế biến, tăng tiếp cận thị trường… Khi giá đất lên, giá lao động tăng, vật tư tăng, nông nghiệp chỉ có thể sống nổi nhờ khoa học công nghệ. Nông dân phải tính toán làm ăn khác, thứ nhất qui mô đất đai phải khác, thứ hai phải có vốn, tức tiếp cận tín dụng phải khác, thứ ba kiến thức phải khác.
* Những đòi hỏi đó có lẽ vượt tầm của những nông dân bình thường như trường hợp nông dân Lê Văn Lam ở Đồng Tháp đã gửi thư "kêu" lên Thủ tướng?
- Theo tôi, phải từ hai phía. Nông dân phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. Nông dân quê tôi họ đã bỏ quê hương ra đi, chỉ có điều con đường ra đi của họ chưa chắc là đúng nhất, an toàn nhất và có lợi nhất cho họ. Nông dân chỉ thật sự có sức mạnh trong cơ chế thị trường khi họ được tổ chức lại. Tại sao tiếng nói nông dân ở nhiều nước trên thế giới có sức mạnh? Vì họ có tổ chức mạnh.
Bên cạnh phần thuộc về nông dân, cả xã hội phải gánh vác và chia sẻ với sự tiến lên của nông thôn, vì hơn 20% dân số không ở trong khu vực nông thôn đang được hưởng phần lớn lợi ích từ đổi mới nông nghiệp. Công nghiệp phải có trách nhiệm với nông nghiệp. Hiện công nghiệp chưa sản xuất được bao nhiêu máy móc cho nông nghiệp, chưa làm đủ vật tư cho nông nghiệp. 70% phân bón, thuốc trừ sâu phải nhập khẩu, trong khi một nửa sản phẩm làm ra của khu vực nông nghiệp là cung cấp cho xuất khẩu và khu vực đô thị. Nông thôn đang đuối sức, không thể nào tự bước đi được nữa.
* Nếu những đề xuất chính sách của ông trở thành nghị quyết, ông hình dung bức tranh nông thôn VN trong 5-10 năm tới như thế nào?
- Có hai bức tranh. Thứ nhất là một bức tranh cứ như hiện nay mà thôi. Thứ hai là bức tranh mà ở đó VN sẽ làm nên một câu chuyện thần kỳ nữa sau hai câu chuyện thần kỳ: thống nhất đất nước và đổi mới thành công. Trong bức tranh này, công nghiệp nối với nông nghiệp, đô thị nối với nông thôn, cả nước nối với nông dân.
Không ai bị bỏ lại đằng sau trong tiến trình phát triển. VN sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại mà vẫn bảo vệ được môi trường, đảm bảo công bằng xã hội cho nông dân. Đó không phải là điều tôi tưởng tượng, mà là đúc kết những bài học trên thế giới.
Đó là bài học từ 200 nước bước vào công nghiệp hóa, bao nhiêu nước thành công, bao nhiêu thất bại, vì sao? Tôi đã đi tìm câu trả lời và gom hết vào để phác thảo bức tranh cho VN, tất nhiên VN có những điều kiện khác và tôi đã tính đến những điều kiện đó. Chỉ có điều muốn thực hiện bức tranh này phải thay đổi tư duy từ người dân đến người lãnh đạo.
Nguồn: Tuổi Trẻ