Các doanh nghiệp với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay

28/05/2008

Ngay khi thực hiện cải cách và mở cửa kinh tế vào cuối thập kỷ 70, Trung Quốc đã chủ trương xóa bỏ chính sách “nhất đại nhị công” - càng xây dựng nhiều hơn các đơn vị kinh tế lớn và thuộc sở hữu công cộng, càng có tính chất xã hội chủ nghĩa -; đồng thời khuyến khích phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế công hữu giữ vai trò chủ đạo. Gần 18 năm qua, kết cấu sở hữu trong nền kinh tế Trung Quốc đã có những thay đổi sâu sắc; số doanh nghiệp thuộc các loại thành phần khác nhau tăng lên rất nhanh chóng và có vai trò hết sức to lớn trong việc làm nên sự phồn vinh cho đất nước. Điều đó thể hiện càng rõ rệt kể từ đầu thập kỷ 90. Đội ngũ các doanh nghiệp tăng nhanh Ở Trung Quốc hiện nay có nhiều loại doanh nghiệp: doanh nghiệp sở hữu nhà nước, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tập thể ở thành phố, doanh nghiệp nông thôn (thường gọi là xí nghiệp hương trấn), doanh nghiệp có vốn nước ngoài (thường gọi là doanh nghiệp 3 loại vốn), doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cá thể (hoặc hộ cá thể)... Tuy nhiên, thông thường người ta chia làm hai loại: doanh nghiệp nhà nước, và doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước; hoặc doanh nghiệp sở hữu nhà nước và các loại doanh nghiệp khác. Đó là những cách nói nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước. Nhưng nội hàm của các khái niệm về các loại doanh nghiệp cũng chỉ là tương đối, ví dụ trong nhiều doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp cổ phần, tài sản và tiền vốn của nhà nước đóng góp vào là rất lớn, song chúng vẫn thuộc vào “loại khác”.

Vậy hiện nay Trung Quốc có bao nhiêu doanh nghiệp? Theo dự tính của Cục quản lý hành chính công thương nhà nước Trung Quốc, đến cuối năm 1995, số doanh nghiệp có vốn trong nước đã chính thức đăng ký là 8,18 triệu với số vốn trên dưới 5000 tỷ đồng nhân dân tệ (NDT). So với 5 năm trước đó, năm 1990, số lượng doanh nghiệp đã tăng thêm 3,58 triệu, tức là tăng 77,7%. Như vậy là trong 5 năm 1991-1995, bình quân mỗi ngày ở Trung Quốc xuất hiện gần 2 ngàn doanh nghiệp mới, mỗi tháng gần 6 vạn doanh nghiệp mới ra đời. Cũng có nghĩa là đến cuối năm 1995, cứ khoảng gần 160 người dân Trung Quốc lại có một doanh nghiệp. Con số trên đây chưa bao gồm hàng chục vạn doanh nghiệp có vốn nước ngoài và hàng chục triệu hộ công thương cá thể.

Thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ 8 (1990-1995), phong trào đầu tư mở doanh nghiệp, lập công ty trong nước lên đến đỉnh cao, việc thu hút các nhà kinh doanh nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc cũng phát triển nhanh chưa từng thấy. Suốt 12 năm từ 1979 đến 1990, có 29.109 hạng mục có vốn nước ngoài với số vốn được sử dụng thực tế là 18,980 tỷ đôla, còn trong 5 năm 1991-1995, các con số trên là 230.435 hạng mục và 114,38 tỷ đôla. Trên một nửa trong số 500 công ty siêu quốc gia lớn nhất thế giới đã đầu tư vào Trung Quốc khoảng 40% dự án đã đi vào hoạt động. Những số liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động rầm rộ ở Trung Quốc, nhiều về số lượng, cao về hiệu quả, là một lực lượng hết sức nổi bật bên cạnh đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp nội địa.

Cao trào đầu tư xây dựng doanh nghiệp của Trung Quốc không chỉ rộ lên ở trong nước, mà còn mở rộng ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đầu tư tại 120 nước trên thế giới dưới các hình thức liên doanh hoặc 100% vốn của Trung Quốc. Cho đến hết quý 2 năm 1995, đã có 4379 doanh nghiệp Trung Quốc lập nghiệp nơi hải ngoại, số vốn của phía Trung Quốc đã đạt 5,32 tỷ đôla. Xu hướng mở doanh nghiệp ở nước ngoài đang tăng lên rất nhanh, vì ích lợi mà các doanh nghiệp này mang lại cho Trung Quốc không phải là nhỏ.

Sự lớn mạnh nhanh chóng của đội ngũ các doanh nghiệp của Trung Quốc liên quan trực tiếp đến việc cải cách chế độ đăng ký kinh doanh được liên tục hoàn thiện, đặc biệt là sau khi Trung Quốc ban hành Luật công ty vào tháng 12.1993 và thực thi từ 1.7.1994. Hàng loạt cải cách quan trọng của bộ máy quản lý hành chính công thương các cấp đối với thủ tục đăng ký kinh doanh, trình tự đăng ký, phạm vi kinh doanh v.v... đã bước đầu hình thành chế độ đăng ký và quản lý doanh nghiệp kiểu mới, lấy việc trực tiếp đăng ký là chính, việc phê chuẩn là phụ. Nội dung chủ yếu của các khâu cải cách này là: xóa bỏ sự thẩm định phê chuẩn của bộ chủ quản, người đầu tư trực tiếp xin phép đăng ký tại cục công thương, giảm bớt các cấp quản lý đăng ký; thay việc đăng ký theo tính chất doanh nghiệp bằng đăng ký theo cấu thành vốn v.v... nhằm tạo thuận lợi cho việc thành lập các doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cục công thương nhà nước đưa ra 10 biện pháp mới để mở rộng phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp như: cho phép các doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện của mình, có thể kinh doanh tổng hợp hoặc kinh doanh nhiều ngành; với các doanh nghiệp kinh doanh thương nghiệp, cung tiêu, vật tư thì nới rộng những hạn chế trong bán buôn, bán lẻ, dự trữ, vận tải; cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh, đổi chác, mua bán các nguyên liệu và tư liệu sản xuất không đúng quy cách; xóa bỏ những hạn chế về kinh doanh trong phạm vi từng khu vực; cho phép kinh doanh xe hơi; các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu được phép đăng ký mở doanh nghiệp riêng; các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ có thể dùng vốn tự có để lập các doanh nghiệp kinh doanh các loại không phải là tiền tệ v.v...

Việc cải cách chế độ đăng ký doanh nghiệp và nới rộng hạn chế kinh doanh của doanh nghiệp đã thực sự mở rộng cửa cho người đầu tư đi vào thị trường, làm cho một số lớn doanh nghiệp ra đời dễ dàng, thuận lợi, tạo nên không khí kinh doanh sôi động khắp nơi.

Ngoài ra, việc ban hành Luật nhãn hiệu và Luật chống cạnh tranh không chính đáng cùng nhiều qui chế khác, việc thực thi nghiêm khắc các luật lệ, quy chế đó đã tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp. Theo thống kê, trong 5 năm 1991-1995, các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã kiểm tra và xử lý hơn 54 ngàn vụ là hàng giả, xâm phạm bản quyền nhãn hiệu, phạt tiền hơn 137 triệu NDT, bắt đền bù thiệt hại kinh tế cho người bị xâm phạm số tiền 25,48 triệu nhân dân, chuyển sang cơ quan tư pháp truy cứu trách nhiệm hình sự hơn 600 người. Cũng trong 5 năm đó, Cục quản lý Công thương nhà nước đã nhiều lần kiểm tra thị trường, xử hơn 850 ngàn vụ có hành vi cạnh tranh không chính đáng, gây rối loạn thị trường, phạt 3,9 tỷ NDT. !!

Thực trạng và vai trò của các loại doanh nghiệp

Trong đội ngũ các doanh nghiệp ở Trung Quốc, có thực lực lớn nhất vẫn là các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và vừa. Số liệu của Uỷ ban kinh tế mậu dịch nhà nước Trung Quốc cho thấy, hiện nay trong các doanh nghiệp công nghiệp của cả nước, số lượng doanh nghiệp sở hữu nhà nước chỉ chiếm 20%, song tổng số tài sản, doanh thu và thuế lại lên tới 70%. Tuy vậy, vai trò của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế quốc dân rất khác nhau. Ở Trung Quốc hiện nay, có khoảng 2000 doanh nghiệp sở hữu nhà nước lớn, hoặc độc quyền kinh doanh trong một số lĩnh vực như năng lượng, hàng không, công nghiệp vũ trụ, công nghiệp quân sự... hoặc chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong kinh doanh một số ngành như vận tải, thông tin, xe hơi, hóa chất. Những doanh nghiệp này có giá trị sản lượng công nghiệp cả nước. Trong số hơn 4000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số doanh nghiệp sở hữu nhà nước lớn và vừa tuy chỉ chiếm số ít, song vẫn giữ vai trò chủ đạo vì chúng tập trung kinh doanh trong những ngành mũi nhọn như tiền tệ, kỹ thuật mũi nhọn, gang thép, hóa chất... ở trong nước còn có gần 14 ngàn doanh nghiệp lớn và vừa khác kinh doanh trong các ngành công nghiệp khác nhau, mà sự tồn vong của chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp không những đến sự phát triển kinh tế mà đến cả sự ổn định chính trị, xã hội của đất nước.

Vì những nguyên nhân do lịch sử để lại, thời gian cải cách chưa đủ dài để tạo ra những thay đổi căn bản trong tổ chức, quản lý và kinh doanh nên phần lớn các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, đặc biệt là hàng vạn doanh nghiệp nhỏ làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ nặng nề và kéo dài, nợ nhiều và dây dưa tài sản thất thoát, sức cạnh tranh kém. Theo báo cáo của Cục thống kê nhà nước Trung Quốc, từ năm 1979 đến 1995, tỷ trọng giá trị sản lượng công nghiệp của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước đã giảm từ 81,56% xuống 38,23%, tức là giảm 43,23 điểm phần trăm trong vòng 16 năm. Các doanh nghiệp sở hữu nhà nước kém về chất lượng, giảm về số lượng đã làm thương tổn đến vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Các chủ trương chính sách đối với các doanh nghiệp này gần 20 năm qua nhằm cải cách chế độ quản lý tuy đã có tác dụng nhất định, song đến vài năm gần đây, vấn đề tìm lối thoát ra khỏi khó khăn và tăng sức sống cho doanh nghiệp sở hữu nhà nước vẫn là vấn đề cấp bách khiến cả lãnh đạo và nhiều tầng lớp nhân dân Trung Quốc đều hết sức lo lắng.

Từ khi Trung Quốc ban hành Luật công ty, cuộc cải cách doanh nghiệp sở hữu nhà nước xác định mục tiêu là chuyển dần sang xây dựng chế độ xí nghiệp hiện đại hóa với nội dung là “quyền tài sản rõ ràng, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, chính quyền và doanh nghiệp tách rời, quản lý khoa học”.

Để thực hiện nội dung trên, Trung Quốc đề ra phương châm cho cải cách giai đoạn mới là triệt để thực hiện “nắm lớn buông nhỏ”. Phương châm đó được thể hiện qua các biện pháp cụ thể sau:

- Với các doanh nghiệp mà nhà nước độc quyền, thì nhà nước đầu tư toàn bộ vốn, việc kinh doanh sẽ ủy thác cho một hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng, tổng giám đốc và đại biểu của nhà nước trong hội đồng do nhà nước bổ nhiệm; đại biểu nhà nước có quyền quyết định chính sách, quyền phủ quyết tăng lương và xem xét việc phê duyệt ngân sách của doanh nghiệp; trong các doanh nghiệp sở hữu nhà nước kiểu cạnh tranh, đại biểu nhà nước không có quyền bỏ phiếu và phủ quyết mà chỉ có quyền kiến nghị.

- Phần lớn các doanh nghiệp lớn và vừa thuộc các ngành thông thường sẽ chuyển thành các doanh nghiệp cổ phần. Căn cứ vào tình hình cụ thể và mức độ quan trọng của lĩnh vực kinh doanh, sẽ thực hiện các hình thức nhà nước khống chế cổ phần, nhà nước góp cổ phần, cá nhân công nhân viên chức đóng góp cổ phần v.v...

- Với các doanh nghiệp nhỏ, sẽ thực hiện phổ biến việc sáp nhập, cho thuê, hoặc bán đi. Những doanh nghiệp nào quá yếu kém, không có người thuê hay mua, nợ quá lớn sẽ cho phép phá sản. Với những biện pháp nhằm “nắm lớn buông nhỏ”, Trung Quốc sẽ lập ra hàng loạt công ty, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần hữu hạn, trong đó mức độ sở hữu nhà nước tùy thuộc vào số vốn đóng góp. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, những nội dung của chế độ xí nghiệp hiện đại, việc lập các công ty và tập đoàn công ty đều đang ở bước đầu, song họ hy vọng đó là con đường tốt nhất kết hợp chế độ công hữu với cơ chế thị trường trong điều kiện của Trung Quốc.

Trong khi các doanh nghiệp sở hữu nhà nước liên tục xuất hiện các khó khăn và tồn tại, gây lo lắng cho mọi tầng lớp trong xã hội, thì các doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước được coi là có “biểu hiện phi phàm”, “có sức chiến đấu mạnh mẽ”, thậm chí được Cục thống kê nhà nước coi là “đội quân tiên phong trong toàn bộ nền công nghiệp có tốc độ cao” bởi sự tăng trưởng nhanh chóng và khí thế đi lên đầy sức sống của chúng. Theo thống kê, trong 4 năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 8, giá trị tổng sản lượng công nghiệp Trung Quốc có tức tăng hàng năm là 19,9%; còn mức tăng của công nghiệp sở hữu nhà nước là 7,1%, của công nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước là 38,5%, trong đó mức tăng của công nghiệp sở hữu tập thể là 28%, của công nghiệp các doanh nghiệp 3 loại vốn thì hầu như mỗi năm đều tăng gấp đôi, tức là 95%. Còn năm 1995, mức tăng công nghiệp của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước và nhà nước nắm cổ phần khống chế là 9,5% (doanh nghiệp nhà nước tăng 7,2%) của các doanh nghiệp tập thể là 15,8%, của các doanh nghiệp 3 loại vốn, tư doanh, cá thể... là 19%. Tỷ lệ giữa kinh tế sở hữu nhà nước và không thuộc sở hữu nhà nước trong phần tăng thêm hàng năm cũng biến đổi không ngừng: năm 1991 là 53:47; năm 1992 là 48:52, năm 1993 là 42:58; năm 1994 là 28:72, lần đầu tiên tỷ lệ tăng thêm hàng năm của kinh tế sở hữu nhà nước giảm xuống dưới 30%. Từ tình hình trên, Cục thống kê nhà nước Trung Quốc đã đưa ra nhận xét là, trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ 8, sự tăng trưởng nhanh chóng của công nghiệp nói chung, của nền kinh tế Trung Quốc nói chung, chủ yếu do khu vực kinh tế không phải sở hữu nhà nước mang lại.

Đã có nhiều tài liệu viết về các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và doanh nghiệp nông thôn – tức là xí nghiệp hương trấn – ở đây sẽ chỉ giới thiệu đôi nét về các doanh nghiệp tư nhân và cá thể. Hai loại doanh nghiệp này, nhất là doanh nghiệp tư nhân, đã gần như bị thủ tiêu hoàn toàn khi Trung Quốc chưa thực hiện cải cách kinh tế. Sau cải cách, nhờ chính sách của nhà nước thay đổi, các doanh nghiệp đó được khôi phục dần, song trong một thời gian dài, chúng vẫn chỉ như những “đứa con ghẻ” của nhà nước như cách nói của nhiều nhà kinh tế nước ngoài, bởi vẫn bị kỳ thị, không được hưởng ưu đãi gì, không được bình đẳng với kinh tế nhà nước về mọi mặt. Nhưng từ đầu năm 1992, sau khi ông Đặng Tiểu Bình phát biểu ý kiến, cho rằng không nên phân biệt “họ xã” và “họ tu”, thì kinh tế tư doanh và cá thể đã đi vào một thời kỳ phát triển mới.

Thông báo của Cục quản lý hành chính công thương nhà nước Trung Quốc cho biết, tính đến giữa năm 1995, số hộ công thương cá thể ở thành phố và nông thôn Trung Quốc đạt 22,386 triệu, số người làm việc đạt 39,58 triệu, tăng 68% và 89,1% so với năm 1990; cũng thời gian đó Trung Quốc có 536 ngàn doanh nghiệp tư nhân với số người làm việc là 8,217 triệu, tăng 474,5% và 382,8% so với năm 1990. Ước tính 6 tháng sau đó, tức là đến cuối năm 1995, số doanh nghiệp tư nhân có thể gấp 6 lần năm 1990, lên đến 600 ngàn.

Các doanh nghiệp cá thể và tư nhân hiện nay tuy đang ở giai đoạn mới phát triển chưa có thực lực kinh tế lớn, số lượng chưa nhiều, trình độ kỹ thuật, quản lý kinh doanh, chất lượng sản phẩm đều còn thấp chưa thể sánh với các loại doanh nghiệp khác, đặc biệt là với doanh nghiệp sở hữu nhà nước, song đã có ảnh hưởng nhất định đối với kinh tế và xã hội, và ảnh hưởng đó đang tăng lên trước hết nhờ những đóng góp của chúng về tài sản, về giảm bớt căng thẳng trong vấn đề việc làm. Theo số liệu của Cục thống kê nhà nước, năm 1994 số lao động trong các doanh nghiệp tư nhân và cá thể chiếm 7,2% tổng số lao động xã hội; các doanh nghiệp đó tạo ra một lượng giá trị công nghiệp chiếm 11,5% tổng giá trị công nghiệp cả nước; mức bán lẻ hàng tiêu dùng chiếm 28,45% tổng mức bán lẻ xã hội. Cũng theo thống kê, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 8, giá trị sản lượng do các doanh nghiệp tư nhân và cá thể sáng tạo ra đạt 666 tỷ NDT, doanh thu đạt 1471,9 tỷ NDT, mức thuế nộp cho nhà nước đạt 100,74 tỷ NDT. Bản thân các nhà doanh nghiệp cũng thoát được cuộc sống nghèo nàn, đa số trở nên sung túc. Theo điều tra của Sở cá thể, Cục công thương nhà nước: năm 1994 thu nhập thuần trung bình của một doanh nghiệp công thương cá thể là 14 ngàn NDT (khoảng 1800 đôla) của một nhà doanh nghiệp tư nhân là 61,7 ngàn NDT (7500 đôla).

Một điều rất đáng nói về các chủ doanh nghiệp tư nhân là, trong số họ đã xuất hiện một loạt người vừa có hiểu biết về kỹ năng chuyên môn, vừa có bản lĩnh quản lý kinh doanh, tự lực tự cường vươn lên trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Họ làm ăn rất phát đạt. Năm 1995, Cục công thương nhà nước, Phòng nghiên cứu chính sách trung ương và Phòng nghiên cứu chính sách chính phủ Trung Quốc đã phối hợp điều tra và cho biết, hiện nay trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Trung Quốc có vốn đăng ký bình quân là 15,54 triệu NDT (khoảng gần 2 triệu đôla), tài sản ròng bình quân là 31,30 triệu nhân dân (khoảng gần 4 triệu đôla), mức thuế nộp trung bình là 1,64 triệu NDT, lợi nhuận trung bình là 3,85 triệu NDT, suất lợi nhuận bình quân là 9,7%. Có 41 doanh nghiệp có doanh thu vượt 100 triệu NDT (tức là trên 12 triệu đôla); nổi bật nhất là Tập đoàn Hy Vọng có doanh thu 166 triệu NDT (khoảng trên 20 triệu đôla). Trong số 500 doanh nghiệp đó, có 260 doanh nghiệp, tức là hơn một nửa là doanh nghiệp công nghiệp, hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp này đều tốt, thể hiện rõ khả năng hợp tác trên thị trường trong nước và quốc tế. !!

Dự đoán triển vọng

Từ những nghiên cứu phía trên, có thể dự đoán như thế nào về triển vọng của loại doanh nghiệp ở Trung Quốc?

Tháng 3-1996 Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 9 (1996-2000) và mục tiêu lâu dài đến 2010, theo đó nền kinh tế thị trường XHCN sẽ được hoàn thiện dần dần và vững chắc. Điều đó có nghĩa là chính sách xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo sẽ không thay đổi. Điều đó cũng có nghĩa là các loại doanh nghiệp sẽ cùng tồn tại và phát triển trong một môi trường mà vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước sẽ mạnh và hiệu quả hơn, đồng thời tính cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn, công bằng, bình đẳng hơn nhưng không kém phần ác liệt. Xuất phát từ một đánh giá về môi trường kinh tế như vậy và từ tình hình, thực trạng của các loại doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, có thể nêu ra một vài dự đoán như sau:

- Các doanh nghiệp có vốn trong nước sẽ đóng vai trò nòng cốt vững chắc hơn trước. Điều này phù hợp với chính sách mới của Trung Quốc giảm dần các ưu đãi giành cho doanh nghiệp có vốn bên ngoài, với tiềm năng tích lũy ngày càng mạnh của doanh nghiệp trong nước.

- Các doanh nghiệp sở hữu nhà nước sẽ giảm về tỷ trọng so với các loại doanh nghiệp khác về số lượng doanh nghiệp, số lao động, giá trị sản lượng, song vai trò chủ đạo sẽ không hề giảm đi mà còn được tăng cường. Trước hết vì những doanh nghiệp nhỏ, thua lỗ, sẽ càng bộc lộ tính chất kém cỏi, nên sẽ sớm bị phát mại, đấu giá, cho thuê, hoặc bắt phá sản; sự đào thải đó sẽ “thanh lọc đội ngũ” các doanh nghiệp sở hữu nhà nước. Mặt khác, số doanh nghiệp còn lại sẽ dần dần thực hiện chế độ xí nghiệp hiện đại qua hình thức công ty cổ phần. Nhờ những lý do trên, các doanh nghiệp này sẽ đi vào kinh doanh có hiệu quả. Vai trò chủ đạo của nó sẽ không chỉ do tập trung kinh doanh các lĩnh vực quan trọng, mà còn có đóng góp thực sự cho nền kinh tế.

- Các loại doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước tiếp tục là bộ phận có sức sống sôi động nhất, bởi vì chúng sẽ có một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn trước, và cùng với thời gian, các doanh nghiệp kém cỏi, gian dối, tiêu cực sẽ bị đào thải.

Một dự đoán ngắn hạn của một số nhà nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 9 mức tăng giá trị sản lượng công nghiệp của Trung Quốc sẽ đạt mức 11-12%, mức tăng của công nghiệp sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và các loại sở hữu khác sẽ có tỷ lệ 1: 2: 3. Cụ thể là, mức tăng của công nghiệp sở hữu nhà nước trung bình mỗi năm 6%, giá trị sản lượng đạt 30,7% tổng số; mức tăng của doanh nghiệp tập thể là 12% và đạt 40% tổng số, mức tăng của các doanh nghiệp khác là 18% và 29,3 tổng số. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những mức tăng và những tỷ lệ tất yếu và thích hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Trung Quốc vào cuối thế kỷ này.


Tin khác