Nỗi lo không trồng đủ ngô, lúa mì hay lúa gạo để nuôi sống người dân đã thúc ép Trung Quốc hành động ngay trong năm nay, nhưng dường như Bắc Kinh làm quá ít và quá muộn để vượt qua các lực lượng hùng mạnh của tiến trình đô thị hoá.
Chỉ khi các thị trường ngũ cốc toàn cầu chật vật với dự trữ ở mức cực thấp và giá cả cao kỷ lục, Trung Quốc mới vật lộn để ngăn chặn tình trạng mất đất canh tác do sự mở rộng đô thị, tình trạng khan hiếm nước gia tăng và sự di cư của lực lượng lao động sang các thành phố đang bùng nổ kinh tế bằng cách trực tiếp đổ hàng chục tỷ USD vào các khu vực nông thôn.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để chống chọi với tác động của tiến trình đô thị hoá lớn nhất trong lịch sử. Ông Li Guoxiang, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cơ quan trực thuộc chính phủ về các chính sách nông thôn, nói: "Tiền trợ cấp vẫn ở mức rất thấp". Trợ cấp trực tiếp chỉ chiếm 5% thu nhập của nông dân ở Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mức 60% ở các nước phát triển như Mỹ hay Nhật.
Mặc dù chiếm tới 20% dân số thế giới, chỉ sở hữu 7% đất trồng trọt trên Trái Đất, nhưng Trung Quốc đã làm tốt để trồng đủ gạo, ngô, lúa mì để nuôi sống toàn dân cho tới nay. Song khi bữa ăn được cải thiện, mức tiêu thụ thịt và sữa đều tăng lên, thì thời kỳ đủ lương thực đang đi đến "hồi kết", thậm chí nhanh hơn dự tính, càng làm tăng nỗi lo của toàn cầu về nguồn cung lương thực trong tương lai.
Bắc Kinh từng cam kết giữ ít nhất 120 triệu ha đất trồng trọt, nhưng mới đây họ nói rằng "quỹ đất" này đang tiến gần tới giới hạn đỏ và thực tế có thể đã vượt qua giới hạn đỏ do tình trạng sử dụng đất bất hợp pháp.
Ông Frederic Hervouet, một quan chức thuộc BNP Paribas, nói: " Trong suốt 8 năm qua, mỗi năm Trung Quốc đã mất 1% diện tích đất nông nghiệp, tương đương diện tích Hà Lan và Bỉ cộng lại". Còn theo ông Li "Nguồn cung ngũ cốc chỉ được đảm bảo trong ngắn hạn và bị sức ép lớn về lâu dài. Điều quan trọng nhất là bảo vệ đất đai. Giờ đây ở khắp mọi nơi trên đất Trung Quốc người ta đang lấy đất cho công nghiệp hoá hoặc xây dựng các khu công nghiệp.
Cuộc khủng hoảng dầu ăn năm nay, khi giá dầu trong nước tăng theo đà tăng của thế giới, buộc phải thắt chặt nguồn cung ở một số khu vực, càng làm Bắc Kinh thêm lo lắng về sự lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài đối với đất nước đông dân nhất thế giới này. Trong khi đang trở nên quá muộn để đảo ngược sự lệ thuộc vào dầu thực vật nhập khẩu, Bắc Kinh lại chỉ đầu tư nhỏ giọt cổ vũ nông dân bắt đầu trồng ngô, lúa hay đậu tương để giúp đảm bảo nguồn cung quốc gia.
Tháng trước ông Mã Khải, Tổng thư ký Quốc vụ viện nói: " Chúng ta nên trở lại những vấn đề thiết yếu, thực hiện các biện pháp tăng thêm sản lượng nông nghiệp và nguồn cung để bù đắp cho giá ngũ cốc toàn cầu gia tăng". Chính phủ Trung Quốc đã quyết định tăng đầu tư cho phát triển nông thôn thêm 30%, lên mức kỷ lục 562,5 tỷ NDT (80,13 tỷ USD) trong năm nay, trong đó có 133,5 tỷ NDT trợ cấp trực tiếp và 304,4 tỷ NDT cho tăng năng suất. Đó là một sự thay đổi lớn. Nông dân Trung Quốc đã phải nộp thuế rất lớn cho tới năm 2006.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng nguồn ngân quỹ bổ sung chưa thể bù đắp được chi phí sinh hoạt hoặc sản xuất gia tăng và quá nhỏ nhoi so với tiền lương cao hơn và triển vọng xã hội ở các thành phố miền duyên hải đang bùng nổ. Không những thế, Trung Quốc là một trong những nước có giá ngũ cốc thấp nhất thế giới, do chính phủ nước này vẫn duy trì kho dự trữ ngũ cốc rất lớn và cấm xuất khẩu để giữ giá lương thực mà 1,3 tỷ dân có đủ khả năng mua được.
Tháng trước Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đặt ra mức dự trữ ngũ cốc 150-200 triệu tấn, trong đó có 40-50 triệu tấn gạo. Gạo Trung Quốc chỉ có giá 2.400 NDT (350 USD)/tấn, chưa bằng một nửa mức giá hơn 700 USD/tấn mà Philíppin phải trả để mua gạo Việt Nam trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt sau khi các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ Việt Nam cho tới Ấn Độ đã tạm ngừng xuất khẩu.
Vấn đề trở nên trầm trọng thêm do tình trạng di dân dai dẳng từ nông thôn ra thành thị. Bị hấp dẫn bởi mức lương cao hơn, khoảng 300-400 triệu nông dân được dự đoán sẽ chuyển tới thành thị vào năm 2020, làm đất đai bỏ hoang, bỏ lại thế hệ người cao tuổi phải làm việc ở quê hương. Nhưng chính họ lại tiêu hao lương thực và nước gấp nhiều lần ở thành phố.
Đó cũng là nhân tố đứng đằng sau sự phục hồi chậm chạp nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc, sau đợt bùng phát dịch tai xanh ở lợn vào năm 2006. Hầu như chẳng có mấy ai sẵn lòng chăn nuôi tại gia, từng một thời là xương sống của ngành sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới này.
Ông Liu Jiang, cố vấn của chính phủ về nông nghiệp và người từng giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp, tháng trước có nói rằng chỉ có phụ nữ và người già làm việc trên các cánh đồng. Đó là một trong những khó khăn của Trung Quốc khi muốn tăng năng suất thông qua công nghệ.
Điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột tăng lên cũng ảnh hưởng bất lợi tới năng suất, khiến một quan chức đầu ngành khí tượng Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái phải đưa ra lời cảnh báo Trung Quốc có thể cần thêm 10 triệu ha đất nữa, nếu không sẽ thiếu tới 100 triệu tấn lương thực vào năm 2030 khi dân số lên tới 1,5 tỷ người.
Các nhà phân tích cùng các quan chức đều nói rằng, thiếu nước đặt ra một thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc, nhất là trong dài hạn khi mà mực nước ngầm cứ giảm dần theo năm ở miền bắc như các tỉnh Sơn Đông và Hồ Bắc, khu vực trồng lúa mì chủ chốt của Trung Quốc.
Ông John Chapple, tổng giám đốc Sino Analytica tại Thanh Đảo, nói: "Họ đang xây dựng những con kênh khổng lồ dẫn nước từ miền nam xuống miền bắc Trung Quốc. Nhưng trở ngại là nước sẽ rất đắt đỏ. Chúng tôi không nghĩ rằng việc đó sẽ hỗ trợ nông dân".
Theo Reuters