Lãng quên nông nghiệp - một trở lực của công nghiệp hóa

18/06/2008

TS.Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, cho rằng, giữa NN và CN có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Theo đó, nếu được đầu tư đúng mức thì cả hai cùng tăng trưởng, nhưng nếu tập trung quá nhiều cho CN mà lãng quên NN, thì hậu quả sẽ khó lường, hơn thế nó còn cản trở, kìm hãm “bánh xe” CN tiến về phía trước, đồng thời làm nảy sinh nhiều bất ổn về mặt xã hội.

Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chính sách nông nghiệp nông thôn (NNNT), đồng thời là người trực tiếp tham gia quá trình xây dựng Dự thảo đề án “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (gọi tắt:Tam nông), TS.Đặng Kim Sơn (ảnh bên) hiểu rất rõ vai trò của NN đối với tiến trình CNH đất nước. PV Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông về chủ đề mang tính thời sự này.

PV: Ông có thể phác họa “bức tranh” NN Việt Nam trong giai đoạn gần đây, đặc biệt sau những năm tiến hành đổi mới?

+ 20 năm qua là thời kỳ NNVN phát triển hết sức rực rỡ (tốc độ tăng trưởng trung bình 4,5%/năm). NN đã đóng góp khoảng 20% tổng GDP cả nước, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 50-60% dân số.

Cụ thể, VN, trước vốn là nước nhập khẩu lương thực, nhưng đã vươn lên thành nước đứng đầu về xuất khẩu gạo với 4 triệu tấn/năm, ngoài ra còn có thứ hạng cao về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản khác. Có thể nói, những thành tựu này đã góp phần ổn định chính trị XH, từ đó tạo nên mặt bằng giá cả rất thuận lợi cho quá trình CNH đất nước.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi trên, NN trong những năm qua bắt đầu đối mặt với những khó khăn như quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, nguồn nước ít đi, giá cả vật tư NN tăng theo giá dầu mỏ thế giới khiến giá thành NN tăng cao. Vì thế, mức tăng trưởng NN của VN trong 3 năm trở lại đây bắt đầu chậm lại, kèm theo đó chúng ta còn đối mặt với một số khó khăn như chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, thiên tai... Chưa kể thời gian gần đây, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do lạm phát, thị trường thế giới nhiều biến động - khiến cho người nông dân khó đoán biết được hiệu quả sản xuất của mình.

Tóm lại, NNVN có phát triển, những chưa vững bền và hiệu quả chưa cao.

Đô thị hóa và phát triển CN khiến quỹ đất sản xuất NN ngày càng bị thu hẹp.

(Ảnh:Tuấn Anh)

PV: Thế giới đã bước vào giai đoạn hậu CN và đang trong thời kỳ phát triển kinh tế tri thức, những vì sao nhiều nước trong đó có VN vẫn nói nhiều tới vấn đề NN?

+ Hầu hết các nước trên thế giới khi bước vào cách mạng CN thì trước đó thường có một khởi đầu rất tốt trong NN. Chính nhờ NN phát triển đã tạo nên một lượng lương thực dồi dào, mặt bằng giá ổn định qua đó đã hút được một lượng lao động trong NN phục vụ lại các ngành CN. Thế nhưng, khi CN đã tăng trưởng mạnh, đã có đà thì lại xuất hiện tình trạng “NN bị lãng quên”.

Biểu hiện rõ nhất của sự “lãng quên” này là tỷ lệ đầu tư cho NN trong toàn XH giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, gây không ít khó khăn, áp lực cho quá trình phát triển CN.

Một số nước CN phát triển khi gặp tình trạng này đã phải áp dụng giải pháp trợ cấp rất cao cho nông sản hoặc nhập khẩu nông sản... Đối với những nước không có điều kiện tiến hành những việc này đành chấp nhận tình trạng NN phát triển chậm lại.

Có thể nói, vì thực trạng trên nên các nước buộc phải quay lại bàn nhiều tới những vấn đề liên quan đến NN.

Chạy theo mục tiêu tăng trưởng vội bằng mọi giá thì “tam nông” sẽ trở thành quả tạ lớn phá tan quá trình cất cánh CNH, nhưng khôn khéo, hài hòa gắn CN với NN, nông thôn với đô thị thì “tam nông” lại chuyển thành động lực tăng tốc đem lại cả thành công về chính trị, kinh tế và môi trường cho một đất nước Việt Nam bay lên.

TS.Đặng Kim Sơn

PV: Cụ thể ở VN, thì như thế nào, thưa ông?

+ Cũng về vấn đề này, tôi xin lấy thêm một số dẫn chứng xung quanh ta như, Phi-líp-pin hay In-đô-nê-xia, sau một thời gian không đầu tư đúng mức cho NN nên gần đây đang đối mặt với những khó khăn về an ninh lương thực; hay ở Trung Quốc, vấn đề tam nông cũng rộ lên trong 3, 4 năm trở lại đây - với một loạt các chính sách ưu tiên hỗ trợ vì có một giai đoạn, NN ở nước này bị lãng quên nên đã này sinh nhiều vấn đề như giá lương thực tăng cao, đời sống nông dân khó khăn, di cư từ nông thôn ra thành thị lớn, dẫn tới những bất ổn về mặt môi trường và XH.

Ở VN, thời giai qua, đầu tư cho NN cũng thấp so với mức trung bình trên thế giới. Cụ thể, năm 2006, đầu tư từ ngân sách cho NN chỉ bằng 7% giá trị sản xuất NN (tương đương 1,3% GDP). Từ 1997 - 2006, chi tiêu cho NN chỉ chiếm 5-6%/tổng chi tiêu công. Tại một một số địa phương, người ta thường chú trọng phát triển CN, thu hút vốn FDI, xây dựng phát triển đô thị mà chưa đầu tư đúng mức cho phát triển NN.

Thực trạng này nếu kéo dài sẽ tạo ra một sự mất cân bằng, mức sống giữa nông thôn và đô thị chênh lệch khá lớn, lúc đó vấn đề NNNT sẽ xuất hiện những yếu tố cản trở quá trình CNH.

Vì vậy, không chỉ các nước trên thế giới mà cả chúng ta cũng cần đưa vấn đề NNNT lên bàn nghị sự để có sự điều chỉnh kịp thời. Theo tôi, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta bàn về vấn đề “nông nghiệp - nông dân - nông thôn”.

PV:Dưới gốc độ người làm chính sách, theo ông cần phải làm gì để đổi mới, phát triển NN qua đó hỗ trợ CN phát triển trong giai đoạn sắp tới?

+ Về lâu dài, quan trọng nhất là yếu tố KHCN. Chỉ có KHCN mới đàm bảo cho những mục tiêu tăng trưởng trong NN. Việc phát triển KHCN bao gồm: cũng cố lực lượng trong nước đồng thời tiếp thu kỹ thuật từ bên ngoài. Tăng cường công tác nghiên cứu, khuyến nông - tức tạo nguồn cung thật nhiều về tiến bộ kỹ thuật.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 14,15 Viện nghiên cứu với hàng chục nghìn nhà khoa học. Đây là con số không phải nhỏ so với khu vực, những thực tế chất lượng nghiên cứu chưa cao và các nhà khoa học thiếu động lực làm việc vì chế độ đãi ngộ chưa thật thỏa đáng.

Tăng hàm lượng KHCN, mở rộng quy mô SX sẽ thúc đẩy NN phát triển. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngoài những vấn đề nói trên, theo tôi cần phải mở rộng thêm quy mô sản xuất. Trong trường hợp nhất định, quy mô càng cao thì lợi nhuận càng tăng lên. Điều này được chúng tôi rút ra sau khi khảo sát tại khu vực ĐBSCL.

Thêm vào đó, các chính sách về dồn điền đổi thửa cần phải đi liền với các chính sách về tích tụ đất đai,… sao cho thật thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất.

Ngoài ra, cần phải lưu ý đến cơ sở hạ tầng, bởi hiện nay, cơ sở hạ tầng của ta mới chi được thủy lợi, còn giao thông nông thôn đang rất kém, khiến việc vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa gặp nhiều trở ngại làm cho lợi thế so sánh trong sản xuất hàng hóa của VN bị giảm so với các nước trong khu vực.

Tiếp đó, phải chú trọng đổi mới việc tổ chức sản xuất - từ khâu sản xuất cho tới khi sản phẩm ra tận bàn ăn. Theo đó, trong quá trình này, nguời sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng sẽ nhận được những thông tin phản hồi từ nhau quá đó tạo ra những sản phẩm tốt phù hợp với nhu cầu thị trường. Ở ta, liên kết kiểu này (còn gọi là liên kết dọc) đang rất kém và nó được thể hiện rõ qua câu chuyện về con cá ba sa hay hạt điều xuất khẩu…

PV: Cảm ơn Tiến sĩ!


Tin khác