Hội thảo Người dân nông thôn trong quá trình CNH: Thiết thực và chân thành

30/06/2008

“Hội thảo Người dân nông thôn trong quá trình CNH” do Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) phối hợp với Tạp chí Tia sáng và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 27/6 vừa qua đã quy tụ được đông đảo các nhà khoa học danh tiếng, các nhà báo trong Nam ngoài Bắc tham dự đồng thời cũng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm chú ý của giới truyền thông như truyền hình vtv1, vtc, vtc6 và các báo: nông nghiệp Việt Nam, Thanh niên, Pháp luật, Thông tấn xã Việt Nam, Tuổi trẻ….

Báo Nông nghiệp Việt Nam:

Hội thảo Người dân nông thôn trong quá trình CNH: Thiết thực và chân thành

Cuộc hội thảo do Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) Tạp chí Tia sáng và Báo Nông thôn ngày nay đồng tổ chức quy tụ được đông đảo các nhà khoa học danh tiếng, các nhà báo trong Nam ngoài Bắc tham dự. Nó như một điềm triệu về những thay đổi lớn lao nhằm hoạch định chính sách, quan tâm đầu tư hơn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn – là các thực thể vẫn đang bị xem là…đứng xem CNH.

Thách thức to lớn

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng IPSARD đọc báo cáo đề dẫn. Ông nhấn mạnh: Người nông dân đóng góp tích cực trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng CNXH. Họ đang đứng trước một thách thức và tác động to lớn bởi quá trình CNH đất nước, vừa được hưởng lợi nhưng cũng còn những bất lợi ngày một nổi cộm và nguy hiểm. Đảng và Nhà nước đã và đang xây dựng những chính sách hỗ trợ nông dân nông thôn.

Hội thảo này có tính chất như một diễn đàn cho các nhà khoa học và những ai quan tâm đến đất nước góp ý cho quá trình xây dựng chính sách ấy. Ông nói: “Ông Lê Văn Lam, một nông dân ở Đồng Tháp ngày 4 - 5 vừa rồi có viết một bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong bức thư có câu: Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm tạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn…” đã khiến tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi coi thực trạng ấy có phần trách nhiệm của chúng ta - những chuyên gia, những nhà khoa học và dự thảo / kiến nghị các chính sách công.

Trong bản tham luận gửi tới Hội thảo của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có đoạn: “Tỉnh tôi lúa nhiều nhất nước (3,3 triệu tấn), cá da trơn xuất khẩu nhiều nhất nước (500.000 USD) có tham chiếu trên toàn vùng là vựa lúa ĐBSCL… nhưng nhiều chỉ tiêu như giáo dục, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng lại thấp nhất nước.”

Về vấn đề giá lúa bị nhà doanh nghiệp o ép, tham luận của TS Cao Tự Thanh khái quát thành lý luận, hữu ích không chỉ riêng đối với người SXKD: “Ở đây có thể nhắc lại một tổng kết rất đáng suy ngẫm của Kế Nhiên nước Việt thời Xuân Thu: “…Cứ sáu năm được mùa thì sáu năm mất mùa, cứ mười hai năm thì có một lần đói lớn. Phàm giá gạo mua hai bán mười thì có hại cho nhà nông, mua chín bán mười thì có hại cho nhà buôn. Người buôn bị hại thì của cải không có, nông dân bị hại thì cỏ dại không trừ. Lên không quá mua tám bán mười, xuống không quá mua ba bán mười thì nghề nông nghề buôn đều có lợi, giá gạo ổn định, chợ không thiếu hàng, đó là cái đạo trị nước.”

“…Họ đã đi tới một phương thức sống co cụm lại ở mục tiêu kiếm sống. Nhiều người hoặc đi lấy chồng Đài hoặc đi bán dâm hoặc đổ về thành phố tìm việc làm. Toàn bộ kinh nghiệm nghề nghiệp quá khứ bị gạt bỏ. Trong hoàn cảnh hiện nay thì bị gạt ra khỏi các quy trình tái sản xuất mở rộng cũng đồng nghĩa với việc bị gạt ra khỏi nền sản xuất xã hội và đó là cách tốt nhất để người ta đánh mất mối liên hệ với truyền thống cũng như đứng ngoài các lợi ích cộng đồng”. Theo TS Cao Tự Thanh, đã mất quá khứ thì người ta cũng không cần tương lai và đó cũng là một nguyên nhân khiến cho tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, nhức nhối.

LS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh ba nguy cơ trong bản tham luận chặt chẽ của ông: Nguy cơ mất đất, nguy cơ chán ruộng và nguy cơ chán quê. Ông cho rằng luật hiện hành khiến nông dân bị mất đất rất dễ dàng mà giá đền bù không thể giúp họ có một tương lai chắc chắn trong khi nó lại bảo hộ cho các ông chủ tư bản. Dưới góc độ một luật sư, ông thấy lời lẽ của Luật Đất đai còn bất cập: “Đất bị “thu hồi”, người nông dân bị “giải tỏa” và được đền bù “theo quy định của pháp luật”. Chỉ riêng cách dùng từ của người làm luật đã cho thấy nông dân không được xem là ông chủ số tài sản có được từ nhiều đời cha ông của họ. Các ông chủ đích thực chính là những người có quyền lập dự án và hô biến ruộng lúa thành sân golf.” Tài chính công thì trong 10 đồng đầu tư cho y tế thì 8 đồng ở lại đô thị, chỉ còn 2 đồng về với dân quê từ huyện trở xuống. Các chi ngân sách cho giao thông, giáo dục, điện nước…cũng chỉ có lợi cho người giàu và dân đô thị. “Nếu mức sống đô thị và nông thôn quá xa khác thì nước ta còn chứng kiến những cuộc di dân to lớn hơn nữa hướng ra thành phố. Điều này sẽ phá nát đô thị và cũng xô đổ văn hóa nông thôn.”

Anh hùng lao động Nguyễn Đắc Hải (Phú Xuyên, Hà Tây) lại có tham luận so sánh ưu đãi giữa nhà đầu tư công nghiệp và chủ trang trại là quá chênh lệch: Chủ trang trại chúng tôi phải thuê ruộng của xã mất 80 kg/ sào. Chúng tôi phải tự bỏ tiền làm dường giao thông, đường điện. Làm nông nghiệp đầy rủi ro, nếu lãi suất trên dưới 2%/tháng thì sẽ rất dễ thua lỗ phá sản.

Bà Lại Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Hòa, Vũ Thư, Thái Bình: Dân xã tôi mỗi nhân khẩu bình quân được 563 m2 ruộng, cả xã hơn 400 ha thì 2 năm qua bỏ hoang 7 ha vì làm không lợi lộc gì. Nếu làm ruộng nhà, ngày công được 3.400 đ; nếu ruộng đi thuê, chỉ được mỗi ngày 766 đ. Khi bà Phượng nói đến đây, nhiều tiếng đế lên: Chỉ được 1 hay vài ba điếu thuốc lá của người thành phố!

GS Tương Lai: Sau khi nêu 10 cái nhất của nông dân, trong đó có cống hiến nhiều nhất, tha thứ dễ nhất, hưởng thụ ít nhất… thì nêu 4 thái độ cần có đối với nông dân: Biết ơn về những gì nông dân đã làm cho đất nước; Cùng đau với nông dân cảm thông với nỗi khổ của nông dân; Biết tin tưởng bài học do nông dân đúc rút (ví dụ khoán 10) và Biết kế thừa phát huy văn hóa dân tộc do nông dân lưu giữ.

Rạn nứt văn hoá làng

TS PGS Trần Ngọc Vương: Cần báo động đỏ về thực trạng rạn nứt và nguy cơ sụp đổ văn hóa làng. Đạo Khổng là công cụ xây dựng gia đình và đạo đức cá nhân, được các nước Đông Bắc Á phát huy thành thịnh vượng nhưng ở ta thì đang bị xóa bỏ gần như trắng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quân: Nông thôn đang từ làm ra và hưởng thụ 80-90% văn hóa Việt xuống còn gần như số 0. Chỉ có ổn định thì mới sản sinh văn hóa, chứ khi người ta còn ngóng vọng ra đô thị (nơi không mấy sản sinh ra văn hóa) thì văn hóa sẽ mất đi hơn là sinh ra. Người ta tính rằng, trong số chi chung cho cuộc sống hằng ngày, thì người dân TP HCM chi 30% cho văn hóa; Hà Nội ít hơn một chút, còn ở nông thôn thì gần như bằng không. Ở đó,nông dân chỉ hưởng thụ mấy cái ảnh nửa sex trong cuốn tạp chí nào đó ở hiệu cắt tóc, xem TV là tờ báo tường của cả nước và lâu lâu có một phim “cúng cụ” nào không bán vé được ở thành phố thì nông dân được xem mà thôi. Cần phải giữ văn hóa dân tộc như sách đỏ giữ động thực vật quý hiếm; giữ tốt nhất là ở nông thôn như cả ngàn năm nay cha ông ta cất giữ.

GS Phạm Duy Hiển: Nông thôn hiện được coi là bãi thải của đô thị và khu công nghiệp. Chúng ta có 500 xí nghiệp dọc con sông Nhuệ và sông Đáy, không biết mấy mươi năm qua các xí nghiệp ấy nộp cho ngân sách được mấy trăm tỷ? Vậy mà Nhà nước đang tính phải bỏ ra 3.380 tỷ để phục hồi, phục sinh hai con sông này. Vừa nói, giáo sư vừa chiếu lên màn hình ảnh chụp từ vệ tinh biển hồ (sea) Aral của Liên Xô cũ, nó bị thu hẹp dần qua các năm 1960, 1984 và 2001 bởi dự án ngăn sông làm thủy lợi để trồng bông. Rút cục, bông không có bởi Aral cạn dần, muối của nó bị bão phủ kín những cánh trồng bông tàn lụi.

Aral sea là thuật ngữ của nhân loại thường dùng mỗi khi trù liệu và hoạch định chính sách công, nó tương đương với thành ngữ “Lợi bất cập hại” của ta. Người viết xin mượn nó để khép lại bài tường thuật về cuộc hội thảo rất sôi nổi, rất khoa học thiết thực và cũng rất chân thành này.

VĂN CHINH!!

Báo Thanh niên:

Khi nông dân “chán” thôn quê

(Hải Nguyệt)

Trồng rau đem lại thu nhập rất thấp cho nông dân do trình độ kỹ thuật lạc hậu, sản xuất manh mún

Ngày càng có nhiều nông dân di cư ra thành phố, mong có thu nhập cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Xu hướng này đang đặt ra những bài toán lớn cho các cơ quan làm chính sách nông nghiệp-nông dân-nông thôn.

Tại hội thảo "Người dân nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa" do Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Tia Sáng, Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 27.6, nhiều chủ đề được thảo luận như: người dân nông thôn với vấn đề đất đai, vấn đề sinh kế, làng nghề và môi trường; nông thôn nhìn từ khía cạnh văn hóa, giáo dục và xã hội...

Theo luật sư Phạm Duy Nghĩa (khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội): "Hiện nay có 3 nguy cơ rất rõ ràng đối với những người dân quê. Đó là nông dân mất ruộng, nông dân chán ruộng, nông dân chán thôn quê". Ông đề xuất: Muốn dân không chán ruộng, phải xem lại các chính sách tác động tới nông dân nhằm giúp nông dân được lợi. Có vẻ như một hạt thóc mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người giữ độc quyền buôn bán giống, phân bón hay xuất khẩu gạo, so với chút lợi sót lại cho người nông dân. Muốn nông dân không chán quê, phải xem lại ai được lợi từ chi dùng tài chính công. Một khi điện, đường, trường, trạm, y tế, cây xanh, điện thoại cho tới truyền hình cáp ở đô thị đều sẵn, tốt và rẻ hơn ở nông thôn, thật chẳng ngạc nhiên khi phố trở nên chật chội với lao động nhập cư, trong khi thôn quê dần trở nên heo hút với người già và con trẻ.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - nhận định, lực lượng lao động trẻ đang làm việc tại các khu công nghiệp chỉ là bán sức lao động bằng cơ bắp, thu nhập không hơn gì ở nông thôn với công việc cắt lúa mướn. Đồng bằng sông Cửu Long đang có "đội ngũ lao động trẻ trên dưới 30 tuổi đời mà trình độ học vấn không tới đâu, không có tay nghề, đang thật sự bị tụt hậu hằng ngày". Ông Nguyễn Đắc Hải, Anh hùng lao động, ngụ ở xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Tây) đồng tình với nhận xét về cơ sở hạ tầng của luật sư Phạm Duy Nghĩa. Ông cho biết: "Ở nông thôn chuyện đầu tư cho giao thông, thủy lợi rất ít. Cho nên chuyện vận tải hàng hóa, đưa cơ giới vào không làm được. Người dân nông thôn cũng không thể tiếp cận với các nguồn vốn dài hạn được khi lãi suất nâng lên 2%/tháng. Đối với sản xuất nông nghiệp, nhìn lãi suất đó là nhìn thấy nguy cơ phá sản hàng loạt. Năm nay nhiều ô thửa phải cấy đi cấy lại rất nhiều lần do thời tiết lạnh. Nhiều hộ dân sẵn sàng bỏ lại ruộng. Tôi kiến nghị Nhà nước giao đất cho chúng tôi lâu dài, ít nhất 50 năm thì chúng tôi mới có thể yên tâm đầu tư".

http://www.thanhnien.com.vn/Xahoi/2008/6/29/247667.tno

Thông tấn xã Việt Nam:

Nông dân trước tác động của quá trình công nghiệp hóa

Hà Nội (TTXVN) - Đánh giá những ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đối với đời sống nông dân và đề xuất giải pháp hạn chế những tác động bất lợi của quá trình này là chủ đề chính của một hội thảo diễn ra sáng 27/6 ở Hà Nội.

Tại hội thảo “Người dân nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, báo Nông thôn ngày nay và Tạp chí Tia sáng phối hợp tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề đang được nông dân đặc biệt quan tâm như sở hữu ruộng đất, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hạ tầng nông thôn, tình trạng di dân từ nông thôn lên thành thị, giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện đề án “Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân”.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã giới thiệu chùm sách về nông nghiệp, nông thôn và nông dân do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành. Chùm sách giới thiệu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cùng những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của quốc tế.

Hai bộ phim tài liệu về đề tài nông thôn Việt Nam được đánh giá cao trong các liên hoan phim trong và ngoài nước là “Chốn quê” và “Bài ca trên đỉnh Tà Lùng”của Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương cũng đã được trình chiếu trong dịp này.

Theo Viện, phần lớn cư dân sống và làm việc ở nông thôn là nông dân và đây là nhóm đối tượng đang có sự biến đổi nhanh về số lượng. Năm 2007, lượng cư dân sống ở nông thôn chiếm 72,6% dân số cả nước, chủ yếu làm nghề nông./.

http://www.vnagency.com.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/255971/Default.aspx!!

Báo điện tử Đảng Cộng sản:

HỘI THẢO “NGƯỜI DÂN NÔNG THÔN TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ”

(ĐCSVN)- Ngày 27/6, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Tia sáng tổ chức Hội thảo: “Người dân nông thôn trong quá trình Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá”. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu kinh tế học và xã hội học có uy tín ở Việt Nam, đại diện các địa phương như Thái Bình, Hà Tây, Bắc Ninh....

Nông thôn Việt Nam chiếm vị trí quan trọng cả về không gian, kinh tế, con người, văn hoá và chính trị. Nông dân gắn bó với nông thôn, chiếm đa số dân cư sống và làm việc ở nông thôn và là đối tượng đang biến đổi nhanh. Năm 2007, cư dân nông thôn Việt Nam chiếm 72,6% dân số cả nước, phần lớn là những hộ thuần nông. Giai đoạn phát triển mới trong quá trình công nghiệp hoá sẽ chứng kiến sự chuyển đổi cơ cấu rõ rệt trong kết cấu cư dân ở nông thôn Việt Nam. Các chính sách trong tương lai vì vậy sẽ phải hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu này diễn ra một cách hiệu quả nhất.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đang tích cực hỗ trợ Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng “Đề án Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân” phục vụ Đảng và Chính phủ trong việc ra quyết sách. Đến tháng 5/2008, Đề án này đã hoàn thiện bản thảo đầu tiên, đã được trình bày xin ý kiến góp ý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thời gian để hoàn thiện “Đề án Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân” đang bước vào giai đoạn cuối cùng, do đó việc xin ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín, và quan trọng hơn là từ người dân nông thôn đang được gấp rút triển khai.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nói: “ Hội thảo lần này là nơi tiếp thu các ý kiến đóng góp về thực trạng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, vị thế của người dân nông thôn trong nền kinh tế xã hội, trong bối cảnh đất nước tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từ đó đưa ra các đề xuất góp ý trực tiếp cho “Đề án Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân” do Bộ NN & PTNT đang hoàn thiện”./.

Khánh Lan

http://www.cpv.org.vn/print_preview.aspx?id=BT2760879446

Báo Đất Việt:

Nông dân đang bị nghèo đi

"Ruộng đất ngày càng bị thu hẹp, khiếu kiện tăng cao, chất lượng cuộc sống thấp, người nông dân đang đứng ngoài quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (NNH - HĐH) đất nước...", đó là thực tế mà hầu hết đại biểu dự hội thảo "Người nông dân trong quá trình CNH - HĐH" phải thừa nhận.

Nông dân đang bị bần cùng hoá

Những năm qua, các chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư nước ngoài làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn Việt Nam. Mỗi năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân golf "ngốn" khoảng 72.000 ha đất nông nghiệp. Nhà ngói, cao tầng thi nhau mọc lên thay thế cho những mái nhà tranh, tre. Thế nhưng, đằng sau cảnh giàu có yên bình này lại không yên bình chút nào. Hàng vạn nông dân sau khi giao đất sản xuất cho các nhà đầu tư, nhận tiền đền bù đã vội vã xây nhà, mua sắm đồ đạc sinh hoạt. Rồi một thời gian sau, họ trở nên trắng tay vì mất đất, mất việc, mất nguồn sống.

Điều tra năm 2006 trên nhóm người bị thu hồi đất cho thấy: số lao động chuyển từ nông nghiệp sang lao động công nghiệp có tăng nhưng không nhiều: từ 3,1 lên 6,6% trong khi sau khi bị thu đất số lao động thất nghiệp tăng từ 28,1 lên 38,9%.

Bốn triệu ha đất nông nghiệp hiện có, nếu không được đầu tư xứng đáng sẽ không đảm bảo an ninh lương thực.

Cũng theo kết quả điều tra, sau khi bị thu hồi đất, thu nhập bình quân của hộ gia đình khoảng 25,3 triệu đồng một năm, giảm khoảng 13% so với trước đó. Phần lớn số người được hỏi cho biết các công trình đầu tư hạ tầng như điện nước, giao thông, chợ... tốt hơn so với trước khi bị giải toả, chỉ riêng thu nhập người dân là thấp hơn.

Giáo sư Tương Lai, Viện Chính sách và chiến lược nông thôn, đơn vị đồng tổ chức hội thảo, dẫn kết quả điều tra vào năm 2006, trong 8 xã được khảo sát ở Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đống bằng sông Cửu Long thì lao động dưới 40 tuổi không còn, hầu hết đều bỏ lên các đô thị để kiếm việc làm. Riêng tại Thái Bình, 45% lao động chuyển khỏi nông nghiệp, 200.000 người phải đi làm ăn xa. "Lao động trẻ bỏ đi cầu thực nơi xa, chỉ có những người thất thế và phụ nữ phải ở lại. Đó là những người không còn cách nào khác nên phải bám lấy nông nghiệp", giáo sư Tương Lai nói.

Tiến sĩ Đỗ Thiên Kính, Trưởng phòng nông thôn, Viện Xã hội học, nói: "Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đang ngày càng giãn ra xa hơn 5 - 7 lần. Chênh lệch chủ yếu tập trung vào ăn mặc, đi lại, y tế, giáo dục... Chất lượng học sinh nông thôn với học sinh thành thị vẫn còn cách nhau một trời một vực. Tỷ lệ thất học và bỏ học ở nông thôn cao hơn thành thị. Số người vào được các trường ĐH ở nhóm khá và giàu cao gấp 30 lần so với nhóm người nghèo. Với những khoảng cách trông thấy đó, phải nói thẳng một thực tế phũ phàng là nông dân đã và đang bị “tổn thương” nhất".

Đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm

Theo các đại biểu, với diện tích hơn bốn triệu ha đất nông nghiệp hiện nay, nếu Việt Nam không đầu tư xứng đáng thì sẽ không đảm bảo được an ninh lương thực. Thực tế, “tấm áo” cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn đã trở nên “chật cứng” đến mức cần phải thay đổi ngay. 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp, thế mà vốn đầu tư của Nhà nước vào đây chỉ khoảng hơn 10%, trong đó, 80% lại đổ vào thủy lợi.

Chính vì vậy, một số đại biểu cho rằng cần phải đầu tư mạnh cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, trong đó ưu tiên các lĩnh vực quan trọng như phát triển hạ tầng, khoa học công nghệ, có chính sách thu hút doanh nghiệp về nông thôn... Đặc biệt, hệ thống giao thông phải được tập trung đầu tư để hàng hóa có thể lưu thông thuận lợi hơn đến mọi vùng. Trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, cần tập trung vào các loại nông sản xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, hình thành các vùng chuyên canh với hệ thống chế biến và tiếp thị.

Theo Tiến sĩ Chu Tiến Quang, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam cần phải phân loại nông dân ngay từ bây giờ, phải xác định nhóm nào còn làm nông nghiệp, nhóm nào sẽ dịch chuyển sang làm các ngành nghề khác... Với nhóm đầu tiên, phải nhanh chóng có chiến lược đầu tư đào tạo nghề cho họ, giao đất ổn định lâu dài và có những chính sách khuyến khích họ cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị hàng hoá nông sản.

Hội Nông dân Việt Nam cũng đề nghị 9 vấn đề với Đảng, Nhà nước. Trong đó, nổi cộm là tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gồm: đầu tư nhiều hơn cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng quy hoạch đồng bộ khu dân cư, khu công nghiệp, vùng trồng lúa ở nông thôn, đồng thời giảm các khoản đóng góp cho nông dân, quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách đối với cán bộ thôn, xóm.

Đình Hoàng

http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/2008/6/8077.datviet!!

Báo Pháp luật:

Nông thôn, nông dân: Còn đó những ưu tư!

TS Phạm Duy Nghĩa nói rằng những vấn đề bức xúc đang biến nông thôn thành quả bom nổ chậm

Có người ví nông dân đứng trước cơ hội công nghiệp hóa như đứa bé đứng trước miếng bánh mà không được ăn.

Cuộc hội thảo với chủ đề “Người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa” được tổ chức bởi Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), Tạp chí Tia Sáng và Báo Nông Thôn Ngày Nay, diễn ra hôm qua (27-6) đã thu hút sự quan tâm thảo luận của hàng chục học giả hàng đầu. Nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, thậm chí là gay gắt đã được bày tỏ. Các ý kiến đều nhấn mạnh đến bức tranh không mấy sáng sủa của nông dân nước ta hiện nay.

Nhiều thửa ruộng bé như... chiếc chiếu

Tuy thừa nhận đời sống nông dân có khấm khá lên so với trước đổi mới nhưng những con số đầy xúc cảm mà Viện trưởng IPSARD - TS Đặng Kim Sơn đưa rađã làm nhiều người giật mình. 18% dân số của 61 triệu người sống ở nông thôn vẫn đang thuộc diện nghèo đói. 63% rủi ro người nông dân hứng chịu là từ dịch bệnh, mất mùa và thiên tai. Đáng chú ýlà, 30% số hộ nông dân không thể phục hồi sau khi hứng chịu rủi ro, thêm 40% hộ không thể hoàn toàn phục hồi...

Trong khi chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, sản xuất hàng hóa thì 93% hộ nông dân vẫn sống chủ yếu nhờ nông nghiệp. Theo nghiên cứu mới nhất của IPSARD, 61% hộ nông dân đang sử dụng dưới 0,5 ha ruộng đất - con số không đủ để sản xuất hàng hóa. Số hộ có đất để làm trang trại chỉ chiếm trên dưới 1%.

Đã thế, “ở đồng bằng sông Hồng, mỗi hộ phải canh tác trên 9-15 thửa ruộng, mỗi thửa ruộng như chiếc chiếu, công nghệ canh tác vẫn là công nghệ hàng ngàn năm nay. Một nông dân gửi thư cho thủ tướng đã mạnh dạn nói rằng họ đứng trước cơ hội công nghiệp hóa như đứa bé đứng trước miếng bánh mà không được ăn” - TS Sơn trầm giọng.

“Chúng tôi khảo sát ở Bắc Ninh, chỉ có 17% nông dân biết cách trồng lúa, một con số lạ kỳ. Cứ nói là dạy nghề nhưng ai dạy cho nông dân? Không có ai dạy cả!” - Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp, GS Trần Đức Hiên, lên tiếng.

Thu hồi đất quá dễ dàng

Nhiều nơi dân bỏ ruộng đi làm thuê nhưng không dám chuyển giao hẳn ruộng đất mà chỉ cho mượn. Lý giải điều này, TS Đặng Kim Sơn cho biết nông dân bảo bán ruộng thì chết! Cứ cho người khác mượn, ra TP nhỡ sa cơ về còn có ruộng mà làm. “Người nông dân là nhóm yếu thế nhất, sản xuất thì manh mún là vậy nhưng vẫn phải coi mảnh ruộng là tấm thẻ bảo hiểm của đời mình” - ông Sơn kết luận.

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa cảnh báo: Hiện có ba nguy cơ rất rõ ràng là nông thôn mất ruộng, nông dân chán ruộng, chán chốn thôn quê. Ly nông, ly hương, ly tán là bất đắc dĩ. những vấn đề xã hội của nông dân có thể trở thành quả bom nổ chậm. “Tại sao việc giao đất cho các ông chủ tư bản có thể dài tới 50 năm mà thời gian giao ruộng cho nông dân lại giới hạn? Các thuật ngữ thường dùng như ruộng đất bị thu hồi, giải tỏa, đền bù theo quy định của nhà nước đủ thấy nông dân không được xem là ông chủ của khối tài sản có được từ nhiều đời cha ông của họ mà dễ dàng bị tước đi vì dự án sân golf, khu công nghiệp” - ông Nghĩa phân tích.

Đồng tình, cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng cho rằng ruộng đất của nông dân đang bị thu hồi quá dễ. GS Nguyễn Lân Dũng thì dẫn chứng: Ở Trung Quốc lấy 3 ha đất nông nghiệp làm việc khác phải có quyết định của Quốc vụ viện. trong khi ở ta, chuyển đổi hàng chục ha đất bờ xôi ruộng mật làm sân golf chỉ cần cái quyết định của ông chủ tịch tỉnh!

Nông thôn: Bãi thải của công nghiệp hóa?!

GS Phạm Duy Hiển ví nông thôn hiện nay đang là cái bãi thải của “quá trình công nghiệp hóa không xây nhà vệ sinh”. Ông dẫn chứng: Ai cũng biết sông Nhuệ, sông Đáy sắp bị khai tử thế nào. Hàng ngày, 500 nhà máy, bệnh viện ở Hà Nội, Hà Tây đổ nước thải vào dòng sông dẫn nước xuống đồng bằng Bắc bộ. Nhà nước đang phải bỏ 3.380 tỷ đồng để cứu hai con sông này nhưng chắc gì đã làm được.

Nhìn từ góc độ văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Quân chua xót: “Tôi đi dự hội thảo về vấn đề nông thôn, nông dân ở nhiều nơi nhưng chưa thấy người ta bàn đến phát triển văn hóa ở nông thôn. Người TP.HCM dành 30% thu nhập cho hưởng thụ văn hóa, Hà Nội thấp hơn một chút. Nhưng nông dân thì không cần phải nghiên cứu cũng biết là 0%! Ngoài những bộ phim bán vé ở TP không được, vài quyển tạp chí ít ỏi thông tin được phát không thì chỉ có thêm truyền hình quốc gia. Trong khi đó, trước nguy cơ xâm thực văn hóa từ bên ngoài, những mặt trái của công nghiệp hóa thì nông thôn hứng hết”.

Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp Trần Đức Hiên trầm giọng: “Người nông dân bảo rằng đầu tư cho con vào đại học, thoát ly nông nghiệp là đầu tư “cho con nên người”. Chẳng lẽ đời họ, đời cha ông họ cuốc bẫm cày sâu không thể “nên người” được hay sao?”.

“Con sãi ở chùa vẫn quét lá đa”?

Nhà báo Hữu Thọ cho biết giải báo chí quốc gia năm nay có ba tác phẩm báo chí viết về nông dân đạt giải cao (Một hạt thóc 40 khoản đóng góp; 20 năm không ngủ; Thao thức cùng nông dân) thì cả ba đều là tiếng thở dài về nông thôn. Mặc dù vậy, theo ông Thọ, báo chí cũng chưa đề cập đầy đủ và xứng tầm với hàng loạt vấn đề nhức nhối, nóng bỏng ở nông thôn. Ông cho rằng xóa nghèo thì dễ nhưng làm giàu thì khó lắm. Đầu tư cho hạ tầng, giáo dục như thế, trình độ người dân như thế thì giàu sao được. “Không khéo thì con sãi ở chùa vẫn quét lá đa” - ông chua xót ví von.

http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=219559


AGROINFO tổng hợp

Tin khác