Nông nghiệp Nga bên bờ vực khủng hoảng

03/02/2009

Sản suất nông nghiệp không đáp ứng đủ 50% tiêu dùng trong nước. Kỹ thuật lạc hậu, máy móc thiếu thốn, đất nông nghiệp bị bỏ hoảng. Nước Nga đang chứng kiến một diện mạo mới của cái đói.

Mới hai thập niên trước, mùa hè đi trên những con đường liên tỉnh hay liên thôn, ta nhìn thấy hai bên là những cánh đồng lúa mì trĩu hạt, những cánh đồng ngô xanh thẫm dựng như tường thành, những đàn bò đông đúc, những bầy cừu no nê uể oải nhai cỏ. Bây giờ cảnh tượng hoàn toàn khác: Xung quanh bạt ngàn những cánh đồng mọc toàn cỏ dại. Còn để nhìn thấy những đàn bò gầy trơ xương thì phải loanh quanh qua các làng mạc vài ba trăm cây số.

Năm 2007, Nga chỉ tự đảm bảo 55% nhu cầu thực phẩm. Năm nay còn ít hơn. Các thành phố lớn gần như hoàn toàn bám vào nhập khẩu. Chẳng hạn, tỷ trọng nhập khẩu thực phẩm ở Moscow là 78%. Nếu mấy năm trước Thị trưởng Yury Luzhkov không đầu tư ngân sách thành phố vào việc phát triển các cơ sở nông nghiệp lớn ở một số lĩnh vực thì bây giờ người thủ đô phải sống 100% nhờ nguồn thực phẩm nước ngoài.

Trong khi đó, do sản lượng nông nghiệp nước nhà sút kém nên giá thực phẩm nhập ngoại bắt đầu vọt lên. Tất cả khó khăn đổ lên đầu người dân.

Ai cũng biết, tuổi thọ con người lệ thuộc nhiều vào thức ăn. Và việc Nga trượt xuống vị trí thứ 134 trên thế giới về chỉ số tuổi thọ buộc phải suy nghĩ nghiêm túc. Không có yếu tố nào rút ngắn cuộc sống con người bằng việc ăn uống kém chất một cách có hệ thống. Vậy tại sao nông nghiệp nước Nga lại trượt dốc?

Đất canh tác bị thu hẹp

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Nga, năm 1990 có 117 triệu ha đất các loại được gieo cấy. năm 2007, chỉ còn 76 triệu. Như vậy , 41 triệu ha đất nông nghiệp bị hoang hóa. Đó là diện tích vượt quá toàn bộ đất canh tác của Pháp, Italia và Tây Ban Nha cộng lại.

Chưa bao giờ trong toàn bộ lịch sử nông nghiệp Nga, thậm chí trong thời chiến khắc nghiệt, đất bỏ hoang lại nhiều đến vậy. Đó không phải là diện tích đất trồng cỏ hay các bãi chăn thả gia súc lớn chiếm 93 triệu ha. Người ta bỏ quên chúng sớm nhất, vào đầu thập niên 90, khi đàn gia súc bắt đầu bị tàn sát. Những năm đó người ta vẫn gìn giữ từng tấc đất canh tác để gieo ngũ cốc. Bây giờ cây lương thực chính là lúa mì đã chịu những thay đổi khốc liệt. Chưa đầy 20 năm, diện tích trồng lúa mì giảm 19 triệu ha, tức trung bình "bốc hơi" 1 triệu ha/năm. Lần đầu tiên xuất hiện những tỉnh mà nông dân gần như thôi trồng lúa mì. Tỉnh Novgorod trước các cuộc cải cách (các cuộc kinh tế - xã hội bắt đầu ở Nga vào đầu những năm 90) đã từng trồng 151.000 ha ngũ cốc và cây họ đậu. Năm ngoái chỉ trồng 7.000 ha, tức 4,6% diện tích cũ. Tỉnh Pskov trước năm 1990 trồng gần 300.000 ha các loại lúa mì, năm ngoái chỉ còn 22.000 ha, gần 7% mức cũ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh Smolensk , Tver, Yaroslav, Ivanovo , Kostroma. Diện tích gieo trồng ngũ cốc ở 30 địa phương của Nga giảm từ 50 - 80%!

Kỹ thuật nông nghiệp lạc hậu, thiếu máy móc

Điều kiện nông nghiệp ở Tây Âu thuận lợi hơn Nga. Thiên nhiên ban tặng cho châu Âu khí hậu ấm áp và ôn hòa, vàng ròng trên trời! Còn Nga luôn luôn nằm trong hơi thở lạnh lẽo của Bắc Cực. Nhưng thiên nhiên cũng quan tâm đến Nga, người tặng Nga vàng ròng dưới mặt đất! - trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nga chiếm vị trí thứ nhất trên thế giới về khai thác dầu mỏ. Điều này cho phép ở vùng đất khắc nghiệt của Trái Đất cũng thu những vụ mùa ngũ cốc, thức ăn gia súc bội thu, nuôi những đàn bò đông vô kể, tự sản xuất ra được gần như mọi loại lương thực - thực phẩm nuôi sống dân cư cả nước.

Ưu thế chính của nông thôn Nga là dầu diesel rẻ. Một cân ngũ cốc có thể đổi 5 lít dầu, tạo cơ hội để các nông trang, nông trường nhiều năm qua thực hiện các công việc đồng áng vào thời điểm thích hợp nhất, không để thiệt hại lớn đến mùa màng.

Nhưng trong thời cải cách của những năm 90 điều kiện của ngành nông nghiệp thay đổi theo hướng số lượng máy kéo giảm từ 1,4 triệu chiếc xuống còn 400.000 chiếc, máy gặt đập liên hợp giảm gần 3 lần, máy cắt thức ăn gia súc giảm hơn 3 lần. Tình trạng kỹ thuật tụt xuống mức những năm 60 của thế kỷ trước. Hơn nữa, 3/4 thiết bị kỹ thuật còn lại tại các cơ sở thuộc loại "đồ cổ nông nghiệp": Chúng đã hoạt động hết thời hạn khấu hao. Việc điện khí hóa nông nghiệp trên bình diện toàn nước Nga giảm 3 lần!

Nhiều cơ sở không có tiền để trang bị lại máy móc, kỹ thuật. Thêm vào đó cho đến nay người ta vẫn cho xuất xưởng những máy móc có mẫu mã từ thập niên 80. Cả cơ sở nông nghiệp lẫn xí nghiệp chế tạo máy kéo đều mắc chung một cái bẫy: Nông trang thiếu tiền mua máy kéo, còn xí nghiệp không bán được sản phẩm. Và đất trồng trọt thì chẳng có máy móc cày xới. Các cơ sở nông nghiệp còn sống sót, ở phần lớn các tỉnh chỉ còn 15 - 20%, bắt đầu mua thiết bị kỹ thuật ngoại nhập. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc kỹ thuật vào ngành cơ khí nước ngoài.

Cả thế giới dùng rất nhiều phân bón trong trồng trọt. Ngành sản xuất phân bón của Nga vớ bở. Giống như ngành dầu mỏ và khí đốt. Bởi vì 90% sản lượng - 15 triệu tấn sản phẩm - được xuất ra nước ngoài mỗi năm. Thế mà các cơ sở nông nghiệp Nga lại thiếu phân bón triền miên. Các kỹ sư cơ khí cay đắng giễu: "Các hóa chất chỉ dùng để bôi môi".

Mấy năm gần đây Nga đã có sự chuyển biến trong trồng trọt. Các chuyên gia tính toán rằng để hoàn toàn tự bảo đảm về thịt cho nhân dân thì Nga phải thu hoạch 140 triệu tấn ngũ cốc chứ không phải 100 triệu tấn như hiện nay. Theo công nghệ hiện đại, không thể có thịt bò, lợn và gà nếu không có ngũ cốc. Việc bán ra nước ngoài 17 triệu tấn lúa mì "dư thừa" trong năm 2007 với giá 5 triệu USD, chỉ khích thích khôi phục lĩnh vực nông nghiệp chính là trồng trọt ngũ cốc. Nhưng các nhà buôn chộp lấy ý tưởng này và bắt đầu nói mọi lúc mọi nơi về việc Nga có thể nuôi một nửa thế giới bằng bánh mì. Nhưng đối với thế hệ hiện nay thì ước mơ đó không thành hiện thực được nếu ta muốn thưởng thức loại thịt nội có chất lượng cao. Thêm vào đó, xuất khẩu lúa mì đẩy giá thức ăn gia súc trong nước lên cao và làm giảm hiệu quả của ngành chăn nuôi. Ngũ cốc bán ra nước ngoài với giá như cho, còn ngũ cốc dành cho chăn nuôi thì kém chất lượng. Bởi gần hai thập niên qua đất canh tác không được bón phân. Nhưng có ý nghĩa gì nếu găm ngũ cốc lại trong nước khi không có gia súc để nuôi?

Bộ mặt mới của cái đói

Toàn bộ ngành nông nghiệp của nước Nga hiện nay làm việc rất căng thẳng, kiệt sức. Và điều gì xảy ra? Chủ trang trại làm ra sữa với chi phí 5 - 6 rúp/lít. Trong khu vực chỉ có một nhà máy sữa. Đây là doanh nghiệp độc quyền con. Họ chỉ thu mua sữa ở chủ trang trại với giá 5 rúp. Không muốn bán, chê rẻ ư? Thì đổ sữa xuống mương! Chủ trang trại định khiếu nại, chứng minh rằng họ chẳng có lối thoát nào cả thì được chính quyền huyện, tỉnh trả lời hệt như nhau: Thị trường tự điều chỉnh tất cả!

Giám đốc nhà máy sữa bán sản phẩm ra thị trường với giá gấp đôi sau khi chế biến sơ qua và đóng gói, hưởng lợi gần 40 -80%. Cửa hàng sữa cũng tự thưởng cho mình lợi nhuận tương tự. Các chủ trang trại thấy rằng chủ nhà máy và nhà buôn sống phè phỡn còn họ thì phá sản. Họ quyết định cho bò sữa vào lò mổ. Thế là giám đốc nhà máy sữa mua sữa bột của nước ngoài để chế biến. Nhà máy chế biến thịt cũng hành xử tương tự như nhà máy sữa. Không muốn bán gia súc với giá bèo ư, thì bán xới đi đâu thì tùy. Và giám đốc nhà máy chế biến thịt mua thịt của nước ngoài. Các trang trại và tập thể nông nghiệp cứ việc "ngồi chơi xơi nước"!

Nhiều năm liền những người theo tư tưởng tự do giả hiệu kêu gào không được can thiệp vào các mối quan hệ thị trường. Cả đất nước làm theo nguyên tắc đó. Không cơ quan nhà nước nào, ngoài Bộ Nông nghiệp, điều phối công việc ở nông thôn, thị trường tự điều tiết chưa có và trong tương lai gần cũng sẽ không có.

Trong khi đó ở các nước công nghiệp phát triển nhà nước nỗ lực định giá ổn định và công bằng cho tất cả các đối tác. Nhà nước đóng vai trò trọng tài trong thể thao, thậm chí còn hăng hái hơn. Các cơ quan chính quyền điều chỉnh giá thỏa thuận giữa hiệp hội trại chủ với các hiệp hội chế biến sữa và chế biến thịt, chính quyền địa phương kiểm soát mối tương quan giá cả để ai cũng có lợi trong kinh doanh. Các chương trình bù đắp thiệt hại, hỗ trợ hạ tầng cơ sở, trợ giá đủ loại. Mục tiêu cơ bản của nhà nước là làm cho thu nhập của mọi người tham gia thị trường được ổn định, có lãi, phát triển sản xuất không ngừng, nâng cao tính cạnh tranh. Nói tóm lại, ở khắp mọi nơi trong thị trường đều có tổ chức chuyển động định hướng.

Nhà nước từ lâu lẽ ra phải gánh lấy việc giữ thu nhập của tất cả các lĩnh vực nông nghiệp ở mức hợp lý. Nếu không chúng ta sẽ chứng kiến "bộ mặt mới của nạn đói". Nghĩa là trong cửa hàng thực phẩm ê hề nhưng mọi người không thể mua được.

Chiếc chảo trống trơn đáng sợ hơn xe tăng

Cải cách ruộng đất tạo cho ngành nông nghiệp có nhiều thành phần: Bây giờ có các doanh nghiệp cá thể, cơ sở trang trại, tập thể nông nghiệp. Chỉ 14% nông dân có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất đai. Các cơ sở trang trại và cá thể làm ra có 7% sản lượng nông nghiệp. Gần một nửa là do các khu vườn trong các làng cung cấp, tương tự như trước cải cách. Còn lại là do các đơn vị tập thể và tập đoàn nông nghiệp cung cấp.

Như vậy là cải cách ruộng đất không giải quyết được nhiệm vụ chính của mình, nó đưa nước Nga vào ngõ cụt: ngõ cụt kinh tế và xã hội: Nông dân không phải là ông chủ ruộng đất, một phần khá lớn các bãi trồng cỏ và bãi chăn thả, 1/3 đất canh tác bị bỏ hoang, hơn 60% đàn bò, 2/3 đàn lợn bị giết thịt. Việc xây dựng đường sá, nhà cửa, trường học, bệnh viện ở nông thôn gần như dừng hẳn, những gì được xây trước kia thì xuống cấp, chỉ có 40% nhà cửa được cấp khí đốt. Chưa bao giờ nông dân lại bị tước bỏ sinh lực như bây giờ do các cuộc cải cách "thành công" của những người theo tư tưởng tự do giả hiệu.

Đất nước cần một chương trình tương tự những năm 50 của thế kỷ 20 nhằm khai hoang, phục hóa đất đai. Chương trình này từng được thực hiện chủ yếu ở Seberia và Kazactan. Bây giờ cần phải thực hiện công việc quy mô khổng lồ như vậy ở tuyệt đại đa số địa phương của Nga. Đặc biệt là ở vùng Đất đen. Cần thành lập ủy ban quốc gia về khôi phục nông nghiệp. Và tốt nhất ủy ban này do Tổng thống Dmirtry Medvedev đứng đầu.

Chỉ có một chương trình quốc gia mới khôi phục được nền nông nghiệp nước Nga. Số phận của nông nghiệp, đó là số phận của nước Nga.


Nguồn: www.toquoc.gov.vn

Tin khác