Trực tuyến về "khoán 10" trong khoa học

05/06/2009

Nghị định 115 và Nghị định 80 của Chính phủ là hai văn kiện quan trọng quy định về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học, quy định việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất cho các tổ chức KH&CN công lập.

Tuy nhiên, 4 năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học công nghệ, đến nay, tình hình thực hiện nghị định này tại các địa phương trên cả nước vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhiều tổ chức KH&CN có tư tưởng ngại chuyển sang cơ chế tự chủ vì họ không muốn phải tự chịu trách nhiệm, và vẫn còn tâm lý muốn ỷ lại cơ chế bao cấp của Nhà nước như trước đây.

Đồng thời, những bất cập từ phía cơ quan quản lý như chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực. Cơ quan quản lý không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình triển khai nghị định, chưa nhận thức đầy đủ về các nội dung đổi mới của Nghị định 115 cũng như chậm đổi mới tư duy, phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức triển khai... cũng đã và đang khiến cho việc triển khai Nghị định gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Quá trình thực hiện Nghị định 80 về "Doanh nghiệp khoa học và công nghệ" cũng xuất hiện những yêu cầu bổ sung: đối tượng thực hiện NĐ 80, chính sách đất đai, chính sách cán bộ khoa học khi chuyển qua doanh nghiệp KHCN v.v...

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đồng thời đáp ứng quan tâm của bạn đọc về việc chuyển đổi sang cơ chế hoạt động tự chủ theo Nghị định 115 và Nghị định 80 của các tổ chức khoa học công nghệ công lập. Báo VietNamNet phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề này.

Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra từ 9h-11h30 ngày 5/6. Kính mời bạn đọc tham gia và đặt câu hỏi tại đây.

Khách mời của buổi giao lưu trực tuyến gồm:

Tại Hà Nội: Tòa soạn Báo VietNamNet: 141 Bà Triệu, Hà Nội.

- Ông Trần Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ TCCB, Bộ KH&CN

- Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công thương

- Ông Trần Xuân Hồng, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ KH&CN

Tại TP.HCM: Văn phòng phía Nam: 65 Trương Định, phường 6, quận 3, TP.HCM).

- Ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ KH&CN

- Ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng, cơ quan đại diện phía Nam, Bộ KH&CN

- Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, TP.HCM

Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu

Thứ trưởng Bộ KHCN TS Nguyễn Quân tại buổi giao lưu....

Nguyễn Thu Hà ,Nữ -32 Tuổi

- Thưa thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về Hội nghị trực tuyến vừa diễn ra tại 5 đầu cầu hôm 29/05 vừa qua?

Ông Nguyễn Quân: Hội nghị trực tuyến 29/5 vừa qua đã thành công ở chỗ đã đánh giá tương đối toàn diện về tình hình thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ sau hơn 3 năm triển khai, đồng thời đã tìm ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ở cơ sở và ở tầm quốc gia.

Tại hội nghị đại diện các tổ chức KHCN và các cơ quan quản lý đã trau đổi thẳng thắn những vấn đề còn bất cập trong cơ chế chính sách, trong đổi mới tư duy và trách nhiệm của mỗi tổ chức. Đồng thời một số đơn vị chuyển đổi thành công đã báo cáo kinh nghiệm, ví dụ: các viện của Bộ Công thương, các trung tâm của tỉnh Nghệ An, Hậu Giang.

Các đơn vị khác còn đang khó khăn có thể học tập kinh nghiệm để tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Đặc biệt lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Tài chính đã có những phát biểu quan trọng thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ đối với quá trình chuyển đổi của các tổ chức KHCN. Với sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh thành và nhiều bộ, ngành, nhiều tổ chức KHCN và các nhà khoa học, hội nghị đã thể hiện sự quan tâm của các cơ quan quản lý và toàn xã hội đối với một chủ trương mang tính đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Đoàn Văn Long ,Nam -39 Tuổi

- Xin chào Thứ trưởng Nguyễn Quân, xin Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về việc Vì sao phải thay đổi phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên?

Ông Nguyễn Quân

Ông Nguyễn Quân: - Theo nhiều quy định trước đây, Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho Tổ chức KHCN theo số lượng biên chế được giao. Phương thức cấp kinh phí này làm hạn chế quyền chủ động của tổ chức KHCN vì nó mang nặng tính hành chính, bao cấp, ví dụ: cán bộ khi được vào biên chế đều được hưởng chế độ lương như nhau không căn cứ vào hiệu quả và khối lượng công việc, tổ chức nào được giao nhiều biên chế thì được cấp nhiều kinh phí mà không quan tâm đến chất lượng các sản phẩm nghiên cứu.

Xin lưu ý, nhiệm vụ của tổ chức KHCN không chỉ là đề tài khoa học các cấp mà bao gồm cả các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước và xã hội đặt hàng, nhiệm vụ do tổ chức KHCN tự đề xuất. Vì thế tổ chức nào được giao nhiều nhiệm vụ, hoặc đề xuất được nhiều nhiệm vụ thì sẽ nhận được nhiều kinh phí từ ngân sách nhà nước. Thủ trường tổ chức KHCN căn cứ quyền tự chủ của mình sẽ điều hành việc sử dụng kinh phí theo quy định của Nghị định 115 sao cho hiệu quả nhất. Điều này sẽ hạn chế tối đa tính bao cấp, trì trệ của cơ chế cũ.

- Thưa Vụ trưởng Trần Văn Tùng, liệu có được dự toán tiền lương của cán bộ viên chức trong dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi không?

Ông Trần Văn Tùng: Việc dự toán tiền lương của cán bộ viên chức trong dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN hiện nay đang được các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ KHCN xem xét đưa vào trong nội dung của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 115.

Chúng ta đều biết từ trước đến nay trong dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN không có chi cho lương của cán bộ KHCN. Do vậy, các tổ chức KHCN không có điều kiện xây dựng quỹ lương của đơn vị nhất là với các đơn vị đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự trang trải kinh phí. Việc thực hiện dự toán tiền lương của cán bộ trong dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN sẽ được áp dụng sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 115 và các văn bản hướng dẫn được ban hành.

- Thế nào là hệ số thu nhập tăng thêm? Xin các vị có thể nêu một ví dụ về phương pháp xây dựng bảng hệ số thu nhập tăng thêm của tổ chức KH&CN?

Ông Bùi Văn Quyền: Hệ số thu nhập tăng thêm là phần tính thêm cho thu nhập (sau khi đã trả mức thu nhập cơ bản). Việc xây dựng bảng hệ số thu nhập tăng thêm tùy thuộc vào khả năng thu nhập tăng thêm của mỗi đơn vị. Hệ số này được tính bằng tỉ lệ phần thu nhập tăng thêm trên phần thu nhập cơ bản.

- Tổ chức KH&CN chuyển đổi sang loại hình tự trang trải kinh phí có được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên nữa không? Nếu được cấp thì theo phương thức nào? Thời gian được cấp là bao nhiêu?

Ông Trần Xuân Hồng: Sau khi chuyển đổi, các tổ chức KH&CN vẫn được cấp kinh phí thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thời gian còn tuỳ thuộc vào nhiệm vụ theo chức năng của tổ chức.

- Thưa ông Huỳnh Kim Tước, được biết Trung tâm TKNL là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi theo cơ chế 115. Trong quá trình thực hiện cũng như từ khi chuyển đổi đến nay, Trung tâm có những thuận lợi hay khó khăn khi nhìn từ cơ chế 115 hay không ?

Ông Huỳnh Kim Tước: Về cơ bản, tôi không thấy có khó khăn mặc dù giai đọan đầu trung tâm cũng gặp phải một số trục trặc về thủ tục. Khó khăn nữa là một số quyền hạn thực chất chưa dùng được như quyền đưa người đi nước ngoài.. Thuận lợi dĩ nhiên là nhiều: tự quyết lương bổng, tự quyết tuyển chọn người, thành lập, bãi bỏ phòng ban , công ty, ...mà không phải xin ý kiến..nói chung quyền hạn nhiều, trách nhiệm nhiều nhưng mình có thể làm những điều mình muốn mà không phải than thở vì cơ chế nữa.

Tran Dai Thang ,Nam -26 Tuổi

- Chúng ta đang xây dựng mô hình "Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp" làm động lực phát triển lĩnh vực KHCN trong nước. Theo tôi, tư duy này không còn đúng mà chúng ta cần phải xây dựng mô hình tư duy mới để tạo động lực phát triển nền KHCN. Thiết nghĩ, nhà nước nên có chương trình đào tạo chuyên gia thẩm định dự án công nghệ, đây là nguồn nhân sự mà tổ chức tài chính trong nước đang thiếu. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Chỉ Sáng
Ông
Nguyễn Chỉ Sáng: - Đây là một câu hỏi rất thú vị và hóc búa và có lẽ cần tốn nhiều giấy mực để bàn cho ra nhẽ.
Theo kinh nghiệm, các thành công trong việc lấy khoa học công nghệ làm động lực cho phát triển kinh tế như Hàn Quốc, Malaysia hay Trung Quốc, việc can thiệp của Nhà nước là rất cần thiết và hiệu quả.
Ở Việt Nam, tôi nghĩ Nhà nước cần có định hướng lớn, lâu dài, kiên định về phát triển các ngành kinh tế xã hội. Các định hướng này phải thể hiện qua chiến lược phát triển cũng như qui hoạch cụ thể cho các ngành... Trên cơ sở qui hoạch xác định cho rõ các thị trường Việt Nam cần chiếm lĩnh. Khi đó cần có các giải pháp tổng thể như bảo vệ thị trường, kích cầu, vốn, ưu đai thuế, đầu tư... để thực hiện cho được mục tiêu cần đạt.
Nếu Nhà nước không can thiệp mà đơn thuần sử dụng các công ty tài chinh, có thể hàm mục tiêu của các công ty này không trùng với mục tiêu của Chính phủ và hệ quả là chúng ta không phát triển các ngành kinh tế xã hội như đề ra.

Lê Quốc Thắng ,Nam -35 Tuổi

- Thưa Thứ trưởng Nguyễn Quân, qua những ý kiến của các đại biểu trong Hội nghị trực tuyến, Bộ KH&CN sẽ có những triển khai gì tiếp theo?

Ông Nguyễn Quân: - Một số công việc Bộ KHCN sẽ tiếp tục triển khai:
-Trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 115 và nghị định 80 cho phép kéo dài thời gian chuẩn bị chuyển đổi của các tổ chức KHCN ở trung ương đến hết 2011 và ở địa phương đến hết năm 2013, bổ sung một số chính sách về đất đai và giao tài sản cho tổ chức KHCN, bổ sung quy định về tiền lương và chi thường xuyên vào nội dung dự toán kinh phí các đề tài nghiên cứu và nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, bổ sung đối tượng của nghị định 115 và NĐ 80.
- Kiện toàn ban chỉ đạo liên Bộ thực hiện nghị định 115 và NĐ 80 để nâng cao năng lực điều hành và hỗ trợ các Bộ, Ngành địa phương.
- Xây dựng chương trình phát triển doanh nghiệp KHCN và hỗ trợ tổ chức KHCN.
- Có kế hoạch tuyên truyền về nghị định 115 và NĐ 80, nêu gương điển hình và giói thiệu kinh nghiệm cho các tổ chức KHCN.
Nguyễn Văn Minh ,Nam -38 Tuổi
- Thủ trưởng tổ chức KH&CN có được quyền mời (bảo lãnh visa) các nhà khoa học nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không? Thủ tục thế nào thưa Vụ trưởng Bùi Văn Quyền?
Ông Bùi Văn Quyền: - Thủ trưởng đơn vị được chuyển đổi theo NĐ 115 được quyền mời các nhà khoa học nước ngoài vào làm việc tại đơn vị mình để thực hiện các nhiệm vụ mà chuyên gia trong nước chưa đáp ứng được. Hồ sơ mời chuyên gia được cấp có thẩm quyền chấp thuận phải nêu rõ tính cần thiết phải mời chuyên gia, nhiệm vụ cụ thể của chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia tại Việt Nam, các điều kiện đảm bảo về ăn ở, đi lại, chi phí cho chuyên gia trong thời gian làm việc tại Việt Nam, các tờ khai theo quy định của Sở Ngoại vụ, Cục Quản lí xuất nhập cảnh...

Hùng ,Nam -40 Tuổi
- Là một trong những đơn vị thực hiện chuyển đổi thành công theo NĐ 115 xin ông cho biết một số kinh nghiệm để thành công trong việc chuyển đổi tại Viện Ứng dụng Công nghệ?
Ông Trần Xuân Hồng: - Xin chào anh Hùng. Viện ứng dụng công nghệ hiện đang trong tiến trình chuyển đổi thành tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, với nhận thức sau khi chuyển đổi, Viện vẫn là một viện nghiên cứu; việc chuyển đổi cơ chế quản lý là điều kiện để viện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, định hướng hoạt động theo hướng hiệu quả và đáp ứng các nhu cầu thực tế. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, chúng tôi cũng có một số kinh nghiệm muốn được chia sẻ:
- Khó khăn khi chuyển đổi là việc phải đảm bảo được kinh phí thường xuyên cho toàn đơn vị. Để thực hiện được việc này, Viện chúng tôi tập trung ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm đã được nghiên cứu hoàn chỉnh và có tiềm năng thị trường nhằm nhanh chóng tạo ra nguồn thu.
- Đầu tư cho các kết quả nghiên cứu đã thành công để tạo ra sản phẩm mới.
- Lựa chọn các nhóm chuyên môn mạnh để xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tiềm năng.
Ngoài ra:
- Việc xác định định hướng nghiên cứu và triển khai của Viện cũng được điều chỉnh theo thế mạnh của các nguồn lực trong viện và sát với yêu cầu thị trường.
- Hoạch định thị trường cho các sản phẩm nghiên cứu; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của Viện.

Vũ Quang Hùng ,Nam -34 Tuổi

- Tổ chức KH&CN nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách có được tự chủ về biên chế không thưa ông Trần Văn Tùng?

Ông Trần Văn Tùng
Ông Trần Văn Tùng: - Tổ chức KH&CN nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách được tự chủ về biên chế. Lúc này kinh phí để chi trả cho các cán bộ của tổ chức KHCN được hiểu gồm có 2 nguồn: nguồn kinh phí từ nhà nước (từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên) và nguồn kinh phí do tổ chức KHCN làm ra. Căn cứ vào nguồn kinh phí của đơn vị mà thủ trưởng đơn vị sẽ quyết định biên chế của đơn vị mình để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức KHCN.

Lâm Bích Ngọc ,Nữ -30 Tuổi

- Tôi có một số câu hỏi xin ông Huỳnh Kim Tước: 1. Được biết nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời vừa đi vào hoạt động, đây là "con đẻ" của cơ chế 115. 2. Theo ông, điều gì sẽ quyết định thành công của một đơn vị hoạt động theo cơ chế 115? Nhà nước cần làm gì để các đơn vị hoạt động theo mô hình này phát huy hiệu quả?

Ông Huỳnh Kim Tước: - Cảm ơn Ngọc. Theo tôi, điều rút ra từ khi chuyển sang NĐ 115 là lúc nào tôi cũng nghĩ trung tâm là một doanh nghiệp. Đã là một doanh nghiệp thì phải nghĩ mình sẽ làm gì, bán sản phẩm gì, thu tiền từ đâu, cạnh tranh với ai. Cơ cấu nguồn thu bền vững là tiêu chí đầu tiên của một doanh nghiệp thành công, do vậy, tìm những nguồn thu đa dạng, không phụ thuộc một nguồn tiền nào là quan trọng.

Khó khăn nhất torng hoạt động là việc quản lý chưa dứt khóat của các cấp với lọai hình NĐ 115. Quá trình họat động theo cơ chế NĐ 115 bộc lộ những phát sinh phức tạp, cấn thết có những văn bản hướng dẫn tiếp tục.

Tôi có học tập các đơn vị 115 thành công khác, thì cảm nhận của tôi là sự thành công do điều kiện ưu thế cạnh tranh (cơ sở vật chất, thương hiệu...), theo tôi, để hiệu quả, cần có các điều kiện: nguồn lực mạnh, đặc biệt về con người, định hướng đúng, lãnh đạo phải có trách nhiệm và nhiệt huyết.

Quá trình chuyển đổi một tổ chức quen hoạt động theo tính chất nghiên cứu, tham mưu sang hình thức tự chủ, các đơn vị cần được trang bị tốt về kỹ năng quản trị, kinh doanh, cần đầu tư nhất định về vật chất (phù hợp với định hướng, nên có định hướng trước khi đầu tư).

Anh Phương ,Nam -32 Tuổi

- Tháng 4/2009 chúng tôi vừa tiến hành làm hồ sơ đề nghị sở KHCN TP Hà Nội công nhận cho doanh nghiệp của chúng tôi là doanh nghiệp KHCN theo nghị định 80/2007/NĐ-CP . Tuy nhiên khi nộp hồ thì sở KHCN thành phố Hà Nội từ chối nhận hồ sơ với lý do Chính phủ có thông báo ngưng cấp đăng ký hoạt động cho các tổ chức KHCN, chờ hướng dẫn cụ thể từ chính phủ. Vậy tôi muốn hỏi việc không nhận hồ sơ trên của Sở KHCN thành phố Hà Nội có đúng không?

Ông Trần Văn Tùng: - Thời gian vừa qua, để thực hiện tốt công tác quản lý với các tổ chức KHCN trên địa bàn HN nói riêng và trên cả nước nói chung, đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc đăng ký thành lập tổ chức KHCN do cá nhân đứng ra thành lập tổ chức. Do vậy, việc đăng ký công nhận là DN KHCN theo quy định của nghị định 80/2007/NĐ-CP vẫn được tiến hành bình thường. Đơn vị của bạn đặt trụ sở tại HN thì đăng ký công nhận là DN KHCN tại Sở KH&CN. Bạn cần hoàn thiện các hồ sơ theo quy định tại thông tư số 06 hướng dẫn thực hiện NĐ 80 nói trên.

Lý Hà Liên ,Nữ -30 Tuổi

- Thưa vụ trưởng Bùi Văn Quyền! Khi chuyển đổi theo quy định của Nghị định 115 sẽ phải sắp xếp lại bộ máy và nhân lực của tổ chức KH&CN và xuất hiện tình trạng dôi dư nhân lực. Làm thế nào để tinh giản biên chế?

Ông Bùi Văn Quyền: - Dựa vào thực tế đội ngũ hiện có và chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị để bố trí tối đa số lao động hiện có cũng như tuyển mới lực lượng lao động có trình độ chuyên môn phục vụ tốt cho phát triển của đơn vị. Lực lượng dôi dư được giải quyết theo các quy định tại NĐ 132. Việc sắp xếp bố trí nhân lực phải có sự phối hợp tốt giữa thủ trưởng đơn vị và tổ chức công đoàn.

- Tôi rất quan tâm đến Nghị định 115 và 80 của Chính phủ. Tôi thấy đây là chủ trương rất đúng đắn. Tôi có thắc mắc muốn các vị giải đáp đó là trong giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi (tổ chức KH&CN đã được phê duyệt Đề án chuyển đổi nhưng chưa tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên), tổ chức KH&CN có được xây dựng mức tiền lương trong hợp đồng cao hơn hay thấp hơn mức lương cơ bản của nhà nước quy định không?

Ông Bùi Văn Quyền: - Mức lương tối thiểu là quy định bắt buộc của Nhà nước. Hoan nghênh tổ chức KH&CN xây dựng mức tiền lương cao hơn mức lương cơ bản của Nhà nước. Đây cũng là một trong các mục tiêu mà tổ chức KH&CN khi được chuyển đổi theo NĐ 115 và NĐ 80 phải cố gắng phấn đấu để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động để từ đó nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Trần Xuân Thành,Nam -40 Tuổi

- Chào ông Sáng! Xin ông cho biết khi giao tài sản cho tổ chức KH&CN, đơn vị ông có cần làm rõ danh mục tài sản sử dụng cho nghiên cứu khoa học và tài sản sử dụng cho sản xuất kinh doanh?

Ông Nguyễn Chỉ Sáng: - Tài sản sử dụng cho nghiên cứu KH có 2 loại: Một loại là các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Nhà nước. Loại thứ 2 là các thiết bị thí nghiệm được trang bị theo kinh phí nâng cao năng lực của các tổ chức nghiên cứu KH. Theo ý kiến của Viện, các tài sản này được trang bị để phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu khi đem vào sản xuất thì hiệu quả để tạo ra giá trị thặng dư không tương đương với tư liệu sản xuất. Vì vậy, Viện kiến nghị, các tài sản này có thể tính vào phần giá trị của Nhà nước trong doanh nghiệp nhưng không nên tính cổ tức.
Theo những quy định hiện nay, riêng tài sản phòng thí nghiệm trọng điểm thì Nhà nước cho phép không tính cổ tức nhưng các thiết bị thí nghiệm được trang bị từ kinh phí nâng cao thì các đơn vị chuyển đổi vẫn phải chịu cổ tức. Việc này gây khó khăn cho các đơn vị chuyển đổi và khiến cho họ không hào hứng trong việc chuyển đổi. Tôi nghĩ là việc làm rõ danh mục tài sản sử dụng cho nghiên cứu và kinh doanh là để phân loại các giá trị tài sản phải chịu hoặc không phải chịu cổ tức.

Nguyễn Văn Thành ,Nam -45 Tuổi

- Thưa Vụ trưởng Trần Văn Tùng. Có nhất thiết phải giao toàn bộ tài sản mà tổ chức KH&CN đang sử dụng khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ hay không? Việc giao tài sản chưa xác định được giá trị, tài sản chưa rõ nguồn gốc, tài sản chưa quyết toán sau mua sắm thực hiện như thế nào?

Ông Trần Văn Tùng: - Không nhất thiết phải giao toàn bộ tài sản mà tổ chức KHCN đang sử dụng khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Điều đó có nghĩa là tổ chức KHCN sẽ xây dựng phương án sử dụng tài sản trang thiết bị khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Những tài sản chưa xác định được giá trị, tài sản chưa rõ nguồn gốc, tài sản chưa quyết toán nếu như tổ chức KHCN có nhu cầu sử dụng thì vẫn được tiếp tục giao cho tổ chức KHCN nhưng trong quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi phải nêu rõ những tài sản này chưa xác định được giá trị và sẽ được cộng vào giá trị tài sản của đơn vị sau này khi đã được các cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị của các tài sản đó.
Lan ,Nam -30 Tuổi
- Là một trong những đơn vị chuyển đổi thành công theo NĐ 115 tại TP.HCM. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của TT Tiết kiệm Năng lượng khi thực hiện việc chuyển đổi theo cơ chế này?
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM : khi trung tâm chúng tôi chuyển sang 115, tài sản của Tp.HCM giao cho chúng tôi khỏang 1 tỷ đồng, gồm 1 chiếc xe va một số máy tính, điều hòa không khí. Do vậy, việc đầu tiên là chúng tôi suy nghĩ về định hướng họat động như thế nào trong điều kiện hạn chế vật chất. chúng tôi quyết định chọn con đường tư vấn và đầu tư torng lĩnh vực năng lượng để giảm cạnh tranh. từ năng lượng sẽ bức phá qua công nghệ và tài chính. sau khi có định hướng, chúng tôi dồn nguồn lực vào đầu tư nguồn lực, torng đó, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp. mất 3 năm, chúng tôi mới thu hái kết quả từ đầu tư này. Một kinh nghiệm khác, là chúng tôi coi trọng tính chuyên nghiệp, đặc biệt về mặt quản trị trong họat động kinh doanh, kế họach, đầu tư, markerting, quản trị, nhân sự...
Trần Hữu Bích ,Nam -45 Tuổi
- Nhìn chung, trường đại học có ba chức năng cơ bản là đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn. Như vậy trường đại học có phải là đối tượng áp dụng của nghị định này? Nếu có, các chuyên gia có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn của việc áp dụng nghị định này ở Trường đại học cũng như xin giới thiệu cho biết tên, địa chỉ liên hệ của Trường đại học nơi đã vận dụng thành công nghị định 115 để chúng tôi có thể liên hệ trao đổi kinh nghiệm triển khai? Xin chân thành cám ơn.
Ông Bùi Văn Quyền: Các đơn vị nghiên cứu khoa học có tư cách pháp nhân riêng của trường Đại học (Viện nghiên cứu, Trung tâm) là đối tượng thực hiện NĐ 115.
-Thuận lợi khi áp dụng NĐ 115: Các đơn vị nghiên cứu của trường Đại học có nhân lực trình độ cao, có trang thiết bị tốt, có mối quan hệ khoa học - công nghệ trong nước và quốc tế tốt, có môi trường nghiên cứu để phát triển, có mạng lưới cộng tác viên rộng (là các sinh viên cũ của trường đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở mọi miền đất nước).
-Khó khăn: Lực lượng cán bộ của các Viện và Trung tâm (thuộc trường) là biên chế của trường, khi tách ra sẽ phần nào có khó khăn về đội ngũ giảng viên của trường Đại học. Tương tự, trang thiết bị cũng là tài sản của trường khi tách ra sẽ hạn chế lớn đến việc phục vụ cho công tác đào tạo.
Cho đến nay, nhiều mô hình đã chuyển đổi thành công theo NĐ 115, trường Đại học Xây dựng Hà Nội là một trong những trường tiêu biểu.

Dương Văn Minh ,Nam -35 Tuổi

- Thưa Vụ trưởng Trần Văn Tùng, xin ông có thể cho biết Tự trang trải kinh phí theo quy định của Nghị định 115 được hiểu thế nào?

Ông Trần Văn Tùng: - Tự trang trải kinh phí theo quy định của NĐ115 được hiểu là tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức KHCN. Kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức KHCN gồm kinh phí chi cho lương và hoạt động bộ máy (xăng, xe, điện, nước, văn phòng phẩm...).

Đào Quang Bình ,Nam -39 Tuổi

- Một số tổ chức KH&CN đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi theo quy định của Nghị định 43, nay muốn chuyển đổi theo Nghị định 115 thì phải làm thủ tục gì thưa Thứ trưởng?

Ông Nguyễn Quân: - Nghị định 43 cũng là một văn bản quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập, tuy nhiên, nghị định 115 quy định quyền tự chủ cao hơn. Vì vậy, một số tổ chức KH&CN đã chuyển đổi theo quy định của nghị định 43, nên làm thủ tục để được chuyển đổi theo nghị định 115. Thủ tục rất đơn giản: tổ chức KH&CN xây dựng đề án chuyển đổi thành tổ chức tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, hoặc đề án nâng cao năng lực theo NĐ 115 trình cơ quan có thẩm quyền để được phê duyệt, sau đó thực hiện các quyền tự chủ, ví dụ: quyền sản xuất kinh doanh, quyền được khoán kinh phí hoạt độg thường xuyên, quyền tự chủ về biên chế, tài chính...

Đào Mạnh Hải ,Nam -37 Tuổi

- Xin chào Vụ trưởng Bùi Văn Quyền! Vụ trưởng có thể cho biết sau khi được quyết định chuyển đổi thành tổ chức tự trang trải kinh phí, tổ chức KH&CN có được Nhà nước đầu tư phát triển nữa không?

Ông Bùi Văn Quyền: - Chào bạn Hải, sau khi có quyết định chuyển đổi thành tổ chức tự trang trải kinh phí, tổ chức KH&CN vẫn được Nhà nước đầu tư phát triển. Điều này được quy định rất rõ tại nghị định (NĐ) 115.

- Theo quy định, tổ chức KH&CN được đăng ký kinh doanh như đối với doanh nghiệp, Tuy nhiên, theo Tôi được biết các tổ chức KH&CN không dễ dàng thực hiện được ở một số địa phương. Vậy cơ quan quản lý KH&CN có sự phối hợp như thế nào để giải quyết tình trạng này? Đồng thời, các tổ chức KH&CN ngoài công lập có được đăng ký kinh doanh không? Nếu có thì văn bản hướng dẫn ở đâu? nếu không thì không đảm bảo bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập?

Ông Nguyễn Quân: - Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh cho tổ chức KH&CN chuyển đổi theo nghị định 115. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức KHCN đăng ký kinh doanh. Vì vậy nếu có vướng mắc đề nghị liên hệ trực tiếp với Sở KH&CN để được hướng dẫn, hoặc gửi công văn cho Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo liên bộ để được hướng dẫn. Chúng tôi có thể sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc. Các tổ chức KHCN ngoài công lập nếu có nhu cầu sản xuất kinh doanh có thể thành lập doanh nghiệp trực thuộc và đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp. Điều này cũng đảm bảo được sự bình đẳng giữa tổ chức công lập và ngoài công lập.

Hùng ,Nam -41 Tuổi

- Thưa ông Huỳnh Kim Tước, tôi có đọc một số bài viết về việc chuyển đổi sang NĐ 115 ở đơn vị của ông... Ông có thể cho biết những khó khăn nào mà đơn vị của ông gặp phải khi chuyển đổi? Hiện taị, đơn vị của ông đang hoạt động theo cơ chế như thế nào? Qua báo chí, tôi được biết dường như trung tâm có liên kết với nhiều nơi để phát triển sản xuất, ông có thể cho biết rõ hơn?

Ông Huỳnh Kim Tước: - Hiện nay chúng tôi hợp tác với 2 công ty khác lập ra 2 công ty, đó là công ty cổ phần năng lượng Mặt Trời Đỏ và công ty cổ phần nhiên liệu sinh học và hóa dâu Miền Nam. Tôi đang là chủ tịch ạôi đồng quản trị của 2 công ty này. nói điều này để chúng ta thấy rằng, với 115, chúng ta có thể làm đượơc đầu tư kinh doanh. hiện nay, trung tâm đang định hướng theo mô hình công ty mẹ công ty con theo định hướng tư vấn, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Ngô Tiến Phúc ,Nam -69 Tuổi

- Công ty chúng tôi muốn thành lập một bộ phận nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hoá học. Chúng tôi đã làm thủ tục theo văn bản hướng dẫn của Bộ khoa học Công nghệ về thành lập tổ chức Khoa học Công nghệ. Tháng 12 năm 2007 chúng tôi nộp hồ sơn lên Sở khoa học và Công nghệ (2 Ngõ Phan Chu Trinh Quận Hoàn Kiếm Hà Nội) thì được cán bộ tiếp nhận Hồ sơ của Sở Chị Hà Minh Tú trả lời rằng: Giám đốc Sở Lê Trần Lâm cho ý kiến không nhận Hồ sơ của những Doanh nghiệp tư nhân. Chúng tôi rất thắc mắc Đề nghị Bộ Khoa Học Công nghệ trả lời trực tuyến liệu có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế không? Nếu có thì bao giờ các thành phần kinh tế tư nhân được phép đăng ký hoạt động công nghệ?

Ông Bùi Văn Quyền: - Tất cả các thành phần kinh tế đều được khuyến khích hoạt động KH&CN. Việc thành lập tổ chức KH&CN được thực hiện theo NĐ 81 và Thông tư 10. Danh mục các lĩnh vực KH&CN mà các tổ chức tư nhân được thành lập đơn vị nghiên cứu sẽ được ban hành trong thời gian tới và sẽ có Thông tư hướng dẫn. Mong anh Ngô Tiến Phúc theo dõi và chúc anh thực hiện thành công.

Nguyễn Văn Mai ,Nam -54 Tuổi

Tại sao Nghị định 115 của chính phủ phần lớn không được các đơn vị khoa học mặn mà cho lắm ? Phải chăng khi đã thiếu mặn mà thì rõ ràng NĐ này còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, không thể đỏ lỗi cho các đơn vị là chỉ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước mà vấn đề cần phải quan tâm là cơ sở vật chất của các đơn vị này ra làm sao, điều kiện để cho các nhà khoa học làm việc như thế nào... chứ không thể nói chuyển là chuyển được.

Ông Nguyễn Quân: Có thể nói chính xác hơn là chỉ một số đơn vị khoa học chưa mặn mà với nghị định 115. Chúng tôi cũng đánh giá còn một số vướng mắc về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ. Nhưng một trong những nguyên nhân làm cho quá trình thực hiện Nghị định 115 chậm triển khai đó là sự hiểu biết của lãnh đạo các tổ chức KHCN: ví dụ nhiều người hiểu sai rằng chuyển đổi theo 115 nghĩa là Nhà nước sẽ không tiếp tục cấp các nguồn kinh phí nữa hoặc bắt các tổ chức KHCN phải chuyển thành doanh nghiệp. Vì thế họ không yên tâm, mà không biết rằng khi chuyển sang cơ chế tự chủ, Nhà nước chỉ thay đổi phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên chứ không phải cắt hẳn kinh phí hoạt động thường xuyên còn các nguồn kinh phí khác vẫn được nhà nước quan tâm, đầu tư như trước đây.

Tổ chức công nghệ cần lập các dự án đầu tư, xây dựng đề án chuyển đổi trong đó có các phương án đầu tư phát triển, tăng cường đội ngũ cán bộ, phương án sản xuất kinh doanh để nhà nước tiếp tục đầu tư ngay cả sau giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi. Thực tế cho thấy có nhiều đơn vị đã chuyển đổi thành công mặc dù xơ sở vật chất còn chưa mạnh, nhờ biết cách tái đầu tư tù các nguồn kinh phí khác cộng với đầu tư của nhà nước su một thời gian đã tự trang bị cơ sở vật chất và có đội ngũ cán bộ đủ đáp ứng nhu cầu phát triển.

Quỳnh ,Nam -37 Tuổi

- Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM có được hưởng mức lương theo kiểu "tự chịu trách nhiệm" hay vẫn hưởng lương theo quy định chung của Bộ LĐ TB và XH khi chuyển sang thực hiện theo NĐ 115? ?

Ông Huỳnh Kim Tước: - Khi sang 115, tài sản được giao cho chúng tôi là hơn 1 tỷ đồng. và chúng tôi chưa được đầu tư gì về vật chất, một số khó khăn thủ tục giai đọan đầu là khó khăn chính. hiện nay, thu nhập của công nhân viên chức trong trung tâm theo nguyên tắc tùy vào năng lực. Có thể nhân viên lương cao hơn trưởng phó phòng là bình thường và nguyên tắc không ai biêt lương, thưởng của ai. nhờ cơ chế 115, chúng tôi có thể trả lương cao nhiều lần so với quy định trước đây, ngòai ra chúng tôi có thể tạo những phúc lợi cho nhân viên như làm kinh tế phụ, chi phí đào tạo, chính sách thưởng thêm...

Nguyễn Chí Hùng ,Nam -42 Tuổi

- Xin hỏi ông Tước: Nhiều đơn vị làm khoa học cho rằng 115 cắt bầu sữa của mình? Là người trong cuộc, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Huỳnh Kim Tước: một chỉ tiêu đầu tiên của một doanh nghiệp thành công là cơ cấu nguồn thu bền vững. xây dựng các nguồn thu bền vững là nguyên tắc đầu tiên. bầu sữa từ ngân sách rất quan trọng nhưng lệ thuộc nhiều yếu tố nhạy cảm. sự lệ thuộc này tác động nhiều đến nhiều vấn đề của một đơn vị, ví dụ như khả năng kinh doanh, markerting, phân tích cạnh tranh...nguồn thu của đơn vị sẽ lên xuống tùy theo cấp trên.

Phan Vũ Khánh ,Nam -37 Tuổi

- Các tổ chức KH&CN trước khi chuyển đổi theo Nghị định 115 có chức năng đào tạo sau đại học, vậy sau khi chuyển đổi có được cấp kinh phí để duy trì công tác đào tạo nữa không?

Ông Bùi Văn Quyền: - Sau khi chuyển đổi theo NĐ 115, hoạt động đào tạo sau đại học vẫn được duy trì (như trước đây).

Phạm Văn Hai ,Nam -45 Tuổi

- Xin chào Thứ trưởng, ông có thể cho biết Tổ chức KH&CN nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách phục vụ quản lý nhà nước có một bộ phận có nhu cầu sản xuất kinh doanh muốn chuyển đổi thành đơn vị tự trang trải kinh phí HĐTX thì phải tiến hành những thủ tục gì?

Ông Nguyễn Quân: - Tổ chức KHCN nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách phục vụ quản lý nhà nước được chính phủ ưu đãi, tiếp tục được ngân sách bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán. Nếu có một bộ phận có nhu cầu sản xuất kinh doanh thì p tách bộ phận đó thành một đơn vị độc lập, cán bộ làm việc ở đơn vị đó không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tổ chức KHCN có phương án giao một phần tài sản để sản xuất kinh doanh, phương án trích khấu hao tài sản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi đó, tổ chức KHCN vẫn được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, còn bộ phận sản xuất kinh doanh sẽ tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên và tự chủ về tài chính.

Van Trai Ngo ,Nam -40 Tuổi

- Kính thưa ông Huỳnh Kim Tước, Với cương vị là một giám đốc và thực tế ông đã thành công trong quản trị 1 Doanh nghiệp; Vì vậy Ông có thể chia sẽ những "bí quyết" của ông cho chúng tôi trong 2 vấn đề sau: 1/ Gần như với hai bàn tay trắng, nhưng sau 1 thời gian ngắn; Ông đã đưa 1 trung tâm ngày một phát triển mạnh, có thương hiệu và tài sản ngày càng tăng. 2/ "Vấn đề con người" là 1 tài sản của 1 Doanh nghiệp. Nhưng tài sản này rất khó quản trị và khai thác. "Bí quyết nào ?" Ông áp dung để quản trị vấn đền này? Trong quá trình đề bạt nhân sự ông có bị tác động ngoài ý muốn không? Trân trọng cám ơn Ông.

Ông Huỳnh Kim Tước: Cảm ơn bạn đã khen hơi bị nhiều. Đúng là con người là yếu tố quyết định. tôi tự hào có đội ngũ cán bộ trẻ, năng lực, có trách nhiệm và yêu nghề. phần còn lại, tôi chỉ làm nhiệm vụ xây dựng môi trường làm việc thân thiện. ở trung tâm chúng tôi, đòan kết, trẻ trung, vui vẻ là điều dễ thấy. Con người mỗi giai đõan có một nhu cầu phù hợp về vật chất, tinh thần, về sự nghiệp, về sự ổn định,...tôi luôn công khai thông tin với nhân viên về công việc, về định hướng, gợi ý và chuẩn bị con đường, đào tạo để mọi người thấy tương lai và thể hiện hết năng lực của mình. sắp đến, chúng tôi sẽ tách một bộ phận của trung tâm, đủ mạnh, để thành lập công ty mới, có vậy, các anh em mới phát huy hết tài năng của mình.

Bùi Quang Minh ,Nam -42 Tuổi

- Thưa thứ trưởng Nguyễn Quân! Nói là Khoán 10 cho các tổ chức KH&CN, nhưng cơ quan chủ quản vẫn có vai trò quan trọng. Xin Thứ trưởng giải thích thêm về điều này?

Ông Nguyễn Quân: - Vai trò của cơ quan chủ quản quan trọng ở chỗ: đó là cơ quan có trách nhiệm phê duyệt đề án chuyển đổi của các tổ chức KHCN trực thuộc, là cơ quan sẽ hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển, là cơ quan xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, là cơ quan trực tiếp bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức KHCN, là cơ quan xử lý mọi vấn đề phát sinh và khiếu nại trong quá trình chuyển đổi. tuy nhiên với cơ chế tự chủ được coi là khoán 10 trong khoa học, các tổ chức KHCN cần chủ động thực hiện quyền tự chủ theo quy định của nghị định 115, chỉ đề xuất những vấn đề vượt quá thẩm quyền để cơ quan chủ quản giải quyết, thậm chí phải đấu tranh với cơ quan chủ quản để được phân cấp, phân quyền theo đúng quy định về tự chủ, khắc phục tình trạng muốn giữ quyền xin cho của cơ chế cũ.

Nguyễn Bá Thắng ,Nam -50 Tuổi

-Trước đây tổ chức KH&CN có một số tài sản được mua sắm bằng kinh phí đề tài, dự án khoa học, bằng nguồn kinh phí tự có hoặc nguồn viện trợ, quà biếu. Khi chuyển đổi theo Nghị định 115, các tài sản này có thuộc diện phải giao không?

-Ông Trần Xuân Hồng: Các tài sản mua sắm từ nguồn kinh phí đề tài dự án khoa học, sau khi kết thúc đề tài dự án, các tài sản này thuộc sở hữu nhà nước, và được quản lý theo quy định chung. Các tài sản có nguồn gốc quà biếu, viện trợ theo quy định chung vẫn là tài sản nhà nước. Vì vậy, khi chuyển đổi, các tài sản này vẫn thuộc diện phải giao. Các tài sản được mua bằng nguồn kinh phí tự có, khi chuyển đổi được tổ chức định giá lại và được ghi vào vốn tự có.

Phạm Hồng Minh ,Nam -45 Tuổi

-Thưa vụ trưởng Trần VănTungf! Trong các trường ĐH, các cán bộ giảng dạy có được kiêm nhiệm làm việc tại các tổ chức KHCN không?

-Vụ trưởng Trần Văn Tùng: Hiện nay trong các trường ĐH có một số tổ chức KHCN đã được thành lập và có một số cán bộ giảng dạy được giao làm kiêm nhiệm công tác tại các tổ chức KHCN này. Điều này được phép thực hiện, miễn là các cán bộ giảng dạy đó hoàn thành khối lượng công việc giảng dạy và dành thời gian trí tuệ cho các nhiệm vụ nghiên cứu tại các tổ chức KHCN. Các cán bộ này được hưởng lương tại cơ sở đào tạo, đồng thời được hưởng chế độ thù lao kiêm nhiệm do tổ chức KHCN trả từ nguồn kinh phí của tổ chức đó.

Nguyễn Tuấn Anh ,Nam -40 Tuổi

-Thưa ông Nguyễn Chỉ Sáng, được biết Viện Nghiên cứu Cơ khí đang chuyển đổi sang doanh nghiệp KHCN dạng công ty cổ phần. Vậy ông cho biết những khó khăn trong quá trình chuyển đổi; những thuận lợi khó khăn trong việc phát triển Viện sau chuyển đổi; với tư cách là Viện trưởng, ông mong muốn có hỗ trợ gì của Nhà nước để phát triển Viện?

Ông Nguyễn Chỉ Sáng: Về khó khăn trong quá trình chuyển đổi, thứ nhất là việc xác định các tài sản là kết quả của các hoạt động KHCN theo nghị định 80, giá trị này được tính là tất cả các kinh phí mà Nhà nước đã đầu tư cho các đề tài nghiên cứu. Tôi nghĩ việc này là không chính xác và cần xác định lại. Việc khó khăn thứ 2, là việc tính giá trị phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp. Một số những thiết bị được đầu tư cho công tác nghiên cứu thí nghiệm nay các đơn vị chuyển đổi phải tiếp nhận và trả cổ tức cho phần vốn này. Thực chất những thiết bị này được trang bị cho công tác nghiên cứu trong phần lớn các trường hợp nó không thể sử dụng để mang lại lợi nhuận ngay tức thì. Do vậy, các đơn vị này sẽ phải chịu áp lực trả cổ tức cho các thiết bị thí nghiệm.

Về những thuận lợi và khó khăn trước và sau chuyển đổi. Khi chưa chuyển đổi thì Viện thuộc Bộ Công Thương ( Bộ chủ quản) nên việc nghiên cứu cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện là phục vụ cho những chương trình phát triển kinh tế lớn của Bộ và của Chính phủ. Khi trở thành công ty cổ phần được quản lí về chi tiêu vốn Nhà nước, nếu việc quản lí ngành không tốt thì Viện không thể phát huy được thế mạnh của mình.

Là một viện nghiên cứu, Viện có những bộ phận nghiên cứu và bộ phận sản xuất kinh doanh sau khi chuyển đổi thì Viện bị cắt hoàn toàn kinh phí sự nghiệp nên nguồn thu từ bộ phận kinh doanh sản xuất sẽ phải chi trả cho bộ phận nghiên cứu. Vì vậy chi phí cho tiền lương trong sản phẩm tăng cao làm cho các sản phẩm của Viện giảm tính cạnh tranh. Nếu không phát huy được những kết quả nghiên cứu trong thời gian ngắn việc đầu tư cho khu vực nghiên cứu có thể ít được chú ý và Viện có thể bị chuyển thành đơn vị sản xuất kinh doanh thuần túy.

Tuy nhiên sau chuyển đổi, do được làm chủ mọi mặt nên Viện có quyền chủ động huy động vốn, thế chấp tài sản có tư cách pháp nhân đầy đủ để tham gia vào những công trình lớn thậm chí là những công trình tổng thầu và có điều kiện áp dụng ngay những nghiên cứu vào thực tế.

Về đề nghị, hiện nay đang có chủ trương dãn tiến độ chuyển đổi cho các tổ chức đến năm 2011. Để khuyến khích động viên các doanh nghiệp chuyển đổi sớm, Viện đề nghị vẫn được tiếp tục hỗ trợ kinh phí thường xuyên 2 năm sau chuyển đổi để có thể tiếp tục tập trung mạnh vào bộ phạn nghiên cứu làm tiền đề cho năm tiếp theo. Về quản lí, đề nghị giao nhiệm vụ cho các viện tham gia vào những chương trình kinh tế lớn của đất nước. Ví dụ, giao cho Viện nghiên cứu cơ khí tham gia chương trình nội địa hóa các nhà máy nhiệt điện, đóng mới giàn khoan các nhà máy khai thác, tuyển khoáng,...

Tram ,Nam -47 Tuổi

-Thưa ông Bùi Văn Quyền! Việc chuyển đổi sang 115 ở phía Nam hiện nay đến đâu rồi? Nghe nói việc chuyển đổi ở phía Nam diễn ra thuận lợi hơn phía Bắc? Ông phân tích về việc này thế nào. Xin ông nêu những dẫn chứng cụ thể về việc "làm ăn" nhạy bén, năng động của các đơn vị khoa học phía Nam cho nhiều người cùng biết?

-Ông Bùi Văn Quyền: Trong các năm trước đây, việc chuyển đổi diễn ra chậm do nhiều lí do, trước hết đây là việc chuyển đổi mang tính cách mạng trong hệ thống các tổ chức sự nghiệp KH&CN, việc xây dựng đề án chuyển đổi cũng là vấn đề khó, nâng cao tiềm lực trước khi chuyển đổi lại càng khó hơn, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chưa triệt để... Đến nay, sự chuyển đổi đã diễn ra nhanh hơn. Có rất nhiều nguyên nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm, do mức độ phát triển nhanh của thị trường nên các tổ chức KH&CN có điều kiện thuận lợi hơn.


Nguồn: VietNamNet

Tin khác