Khi nông dân “thắt lưng buộc bụng” quá mức

14/07/2009

Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiêp- Nông thôn trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp thị...

SGTT - “Bị ép giá”, “được mùa thì rớt giá”, “đất canh tác mất dần”… đó là những chuyện bức xúc ở nông thôn. Mới đây, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được yêu cầu xây dựng dự thảo nghị định về quản lý đất lúa và phát triển lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực. Trước vấn đề này, báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn TS Lê Đức Thịnh, trưởng bộ môn thể chế nông thôn, viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn...

Bài phỏng vấn TS Nguyễn Đức Thịnh được đăng tải trên SGTT

Nông dân không quyết định được số phận sản phẩm của họ?

Vấn đề là những tổ chức mang tiếng nói của người nông dân đang phát triển trì trệ, nói đúng hơn là không có tổ chức thực sự của nông dân và thiếu đi những chính sách điều phối cụ thể. Ngay như hiệp hội lương thực mà báo chí đã phản ánh, “nó” có quyền quá lớn. Trong khi đó, nhiều hiệp hội xuất khẩu không phải là hiệp hội ngành hàng, chỉ là hiệp hội của mấy ông buôn.

Rõ ràng là người nông dân đang bị “mượn danh”?

Chuyện nhà buôn “bóc lột” nông dân ở những nước phát triển cũng có. Để giảm những tác động như vậy thì người nông dân phải liên kết trong các tổ chức của mình, đồng thời khung pháp lý cho nó cũng phải rõ ràng. Lúc yêu cầu Nhà nước hỗ trợ thì lấy danh nghĩa của người nông dân, khi được lợi thì chẳng biết ai quanh mình cả.

Việc “bờ xôi ruộng mật” trở thành khu công nghiệp, sân golf, resort..., cũng là một hình thức “bóc lột” đối với người nông dân, như ông nói?

Các nước phát triển hiện nay, sau khi hiện đại hoá được nền kinh tế thì người ta quay lại hỗ trợ cho nông dân và nông nghiệp rất nhiều. Việc hỗ trợ này được hiểu là trả ơn và trả giá cho khu vực nông nghiệp nông thôn. “Ông” đã “bóc lột” ở đó quá nhiều thì phải trả giá cho nơi đó, chứ chẳng phải cân bằng kinh tế, phân chia lợi nhuận gì.

Trả ơn, trả giá đó ở Việt Nam đang như thế nào?

Đó là bài học mà chúng ta cần lưu ý. Càng có nhiều những nơi bóc lột nông nghiệp nhiều thì càng phải trả giá cho những gì lấy từ nông nghiệp. Bảo vệ nông nghiệp không chỉ bảo vệ cuộc sống đơn thuần cho người nông dân hiện nay, mà điều quan trọng đó là sự phát triển bền vững trong tương lai. Không thể nói không được lấy đất, nhưng cũng có nhiều bài toán đưa ra giải pháp nên lấy đất chỗ nào. Việt Nam có khoảng 10 triệu hecta đất nông nghiệp, đất lúa chỉ chiếm khoảng 40%. Nhưng cái khổ ở đây là phần diện tích đất lúa lại nằm ở vị trí thuận lợi nên mới trở thành miếng mồi của các thành phần kinh tế khác.

Ông đang đề cập đến chuyện chênh lệch địa tô?

Nói địa tô thì mang tính chất bác học quá, thực ra đó là giá đền bù đất cho nông dân trên thực tế quá thấp. Phương án tính giá đất thì 100% dựa trên địa tô nông nghiệp, nghĩa là dựa vào khả năng sinh lời của đất hàng năm để tính ra giá trị đền bù.

Cách tính này không hợp lý. Địa tô đối với đất đai không duy nhất là địa tô ở khu vực một (khu vực sản xuất). Khi mảnh đất có nhiều tác nhân săm soi, cạnh tranh trong mục đích sử dụng thì phải có tô kinh tế, phải được tính khi chính mảnh đất đó chuyển sang mục đích sinh lời cao hơn.

Xâu chuỗi những cái “mất” mà người nông dân đang gánh lấy, phải chăng đó là hậu quả của sự “quá tay” khi chúng ta đang dồn sức cho công nghiệp?

Cũng có người nói đó là sự thắt lưng buộc bụng để công nghiệp hoá, nhưng vấn đề là phải tìm ra ngưỡng hợp lý. Nếu như GDP cứ tăng nhưng khoảng cách giữa khu vực nông thôn và các đơn vị khác cứ xa mãi, có thể hiểu đó là một sự thắt lưng buộc bụng quá đáng. Từ đó sẽ tạo ra một hệ quả xã hội, đặc biệt là tạo ra những người thuộc “tầng lớp thấp”, mà điều này kiểu gì chúng ta cũng phải giải quyết chứ không thể bỏ qua được.

Tuy nhiên, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng không có nhiều “thực quyền” đối với số phận của người nông dân, khi đất đai lại thuộc quyền quản lý của bộ Tài nguyên và môi trường, tay nghề thì do bộ Lao động – thương binh – xã hội quản lý...

Chuyện phân vai của các bộ ngành chỉ mang tính tương đối, giả thiết rằng sẽ chuyển đất về thì bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng không thể quản lý được. Điều quan trọng vẫn là phối hợp của những đơn vị này với nhau.

Nhưng ít ra cũng phải có một “nhạc trưởng” đảm nhận được vai trò điều tiết những chính sách thiết thực với cơm áo của nông dân?

Anh đang nói đến câu chuyện tư duy để phát triển. Tổ chức quy hoạch sản xuất phải có tư duy đi trước, tính toán lợi thế so sánh nên sản xuất ở đâu thì có hiệu quả, hỗ trợ nó về mặt thị trường như thế nào... Nhưng với cách tư duy thấy chỗ này lợi thì làm, lúc này có hỗ trợ nhiều thì làm... tất cả những câu chuyện đấy đều dẫn đến những kết cục rất giống nhau: lúc thiếu thì kéo nhau vào làm, lúc làm xong thì không biết đổ đi đâu. Và hậu quả là người nông dân gánh chịu.

Nông dân được đánh giá là cống hiến nhiều nhất, hy sinh lớn nhất nhưng hưởng thụ ít nhất…

Cảm nhận của ông về sự thua thiệt này?

Câu chuyện bóc ngắn cắn dài để công nghiệp hoá thì đương nhiên sẽ để lại những hậu quả khó tránh khỏi, ta chỉ giảm được chứ không tránh được hoàn toàn. Khi nào cũng khẳng định luôn đứng về phía nông dân, nhưng quay đi quay lại thì lại cho rằng “cái gì cũng khó”: giá đầu vào thì cao, sản xuất thì thiên tai vẫn thường xuyên rình rập, làm được ra sản phẩm thì không biết bán cho ai... Riêng về các phong trào cũng vậy, nhiều khi không xuất phát chính từ nguyện vọng và lợi ích của người nông dân. Phong trào “cánh đồng 50 triệu” như vừa rồi, người ta đổ cho là thiếu cơ sở khoa học, mà thiếu cơ sở khoa học là đúng rồi, nhưng cái quan trọng nhất là nó chưa hội tụ được các yếu tố cho một phong trào như nguyện vọng, tâm huyết của nông dân, sự đồng thuận của Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học.

Phan Hương (thực hiện)


Tin khác