Ở Việt Nam, đặc thù vùng miền và thu thập là hoàn toàn rõ ràng, không thể ném chung tất cả các vùng nông thôn Việt Nam vào một cái giỏ để đem so bì, tính toán, rồi rút ra một cái kết luận khá phũ phàng, cũng như không thể chẻ nhỏ các loại thu nhập để mà có cái nhìn lạc quan về cuộc sống nơi đây như ông Dũng.
Theo tôi, ở vùng đồng bằng sông Hồng, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng thu nhập của người nông dân cũng khác nhau, đời sống của họ cũng thay đổi nhiều, không thể nói sau bao nhiêu năm mà giá trị vẫn không tiến bộ. Chỗ này cần rất rạch ròi. Nếu tính ra, tổng mức thu nhập của người nông dân chắc chắn sẽ tăng, việc cơ giới hoá nông nghiệp cũng đang làm khá rầm rộ.
Tôi vẫn nhớ cái cảnh đập lúa ngày xưa, rồi xa hơn là cái máy suốt lúa đạp chân, và bây giờ thì người nông dân tiến lên một bước nữa là “cái máy phụt” mà chỉ cần cho lúa vào và thu thóc, các phần rơm, tách riêng hoàn toàn. Rồi, các nông sản khác như ngô cũng không phải mất hàng tuần để ngồi tách vỏ ra khỏi bắp, lạc cũng có máy tuốt lạc… Rồi giống, phân đạm… làm sản lượng tăng đáng kể.
|
Công nghiệp hoá giúp rất nhiều cho lao động của nông dân(nguồn: baoanhdatmui) |
Nhưng, đó chưa hẳn là điều mừng vui vì đi đôi với nó là chi phí sản xuất của người nông dân tăng lên rất nhiều. Tất cả các loại máy đều là chi phí. Thậm chí, bây giờ, việc cấy đổi hoặc cấy hộ tồn tại rất ít. Việc cấy đều là trả công, và người nông dân đi cấy cũng thành cấy thuê với tiền công dao động từ 70.000 đến 90.000 VNĐ/ngày. Chưa kể, các khoản đóng góp khác của người nông dân vào các khoản quỹ của địa phương (các khoản này giờ đã giảm nhiều), tiền học hành, tiền điện…
Vì vậy, có những người nông dân ở vùng đồng bằng sông Hồng đã nói rằng: “Chúng tôi chấp nhận làm lúa để lấy cái ăn, và làm thêm để lấy cái tiêu”. Nhưng, điều này lại có đúng với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, hay duyên hải miền Trung? Tôi xin phép không bình luận và mỗi độc giả có thể tự ngẫm xem từng vùng, từng vùng.
|
Gia đình anh Lê Thành Phúc ở thôn Xín Chải, xã Na Hối (Bắc Hà-Lào Cai) với mô hình VAC cho thu nhập 50 triệu đồng/năm (nguồn: kinhtenongthon) |
Còn thu nhập khác từ nông nghiệp? Chắc chắn chỉ có làm thêm kinh tế VAC. Mô hình này liệu có áp dụng rộng rãi được ở vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là một số tỉnh đất trật, người đông như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình? Cái này, tôi cũng xin không bình luận. Tôi chỉ xin cung cấp thêm: diện tích ao không hẳn tự nhiên mà có mà nó được đánh đổi bằng diện tích ruộng cấy. Nghĩa là, diện tích dành cho một người nông dân là cố định, nếu nhiều ao có thể sản xuất, thì cũng đồng nghĩa với ruộng cấy cày ít đi.
Và bây giờ, các vùng nông thôn cũng có cơ chế đấu thấu các diện tích ao tự nhiên thuộc quyền chung, lấy nguồn thu cho ngân sách xã. Một điều nữa, chắc chắn quỹ đất ở các vùng quê đồng bằng Bắc bộ không đủ để đào ao cho mỗi hộ một cái mô hình VAC, nên có thể thấy, số lượng gia đình có mô hình này không lớn. Nhưng, trên các vùng khác thì cái này có đúng hay không ? Tôi xin không bình luận một lần nữa.
Cái nguồn thu từ VAC có thể thấy khá khi chúng ta nhìn vào cái mức thu nhập mà 2 năm được 3 vụ tát ao, mỗi lần thu được hơn chục triệu đồng. Và đặc biệt, “cái VAC” cũng lại góp phần nâng cao dinh dưỡng cho người nông dân. Bởi vì, nhà trồng được, nuôi được, thì trong bữa ăn hàng ngày nó cũng cải thiện đi nhiều.
Một ví dụ rất vui mà có thật là một gia đình nông dân chán ngấy thịt gà, vịt, ngan mà chỉ thèm thịt lợn do các loại gia cầm, thủy cầm nhỏ nhỏ, hằng ngày, thiếu thức ăn là giết ăn được, còn trang trại cả chục con lợn, nhưng không thể vì thiếu thức ăn một ngày mà xẻ thịt một con lợn ra ăn. Những cái này thì ai có thể tính được, tính vào đâu trong cái thu nhập của người nông dân để rồi đưa ra quan điểm quá thận trọng ?
Chưa kể, hiện nay, biến động giá cả không ai có thể kiểm soát nổi và thiệt chỉ thuộc về người nông dân. Tôi không hiểu, những nhu cầu nào định giá cho các mặt hàng thực phẩm ở nông thôn và các mặt hàng như thịt lợn… lại tăng giảm đều đặn theo nhịp. Theo tôi được biết trong chuyến đi gần đây nhất cách đây vài ngày thì giá nhập thịt lợn từ người nông dân đã giảm xuống, chỉ còn dưới 30.000 VNĐ/kg trong khi đó, giá tại chợ thì vẫn đứng ở mức khoảng trên 45.000/kg.
Rủi ro biến động giá của người nông dân là rất lớn. Bởi vì, chỉ hai nhà cạnh nhau, xuất một lứa lợn có thể giá sẽ khác nhau một trời một vực, một gia đình có lãi, còn một gia đình sẽ lỗ, thậm chí là lỗ lớn. Chưa kể, các hàm rủi ro khác luôn luôn đe doạ người nông dân: như dịch bệnh của gia cầm, của cá và không kể các yếu tố phá hoại.
Và tôi cũng chưa thấy ai đến bên gia đình người nông dân khi mà ngày mùng 2 Tết đàn cá chim trắng chuẩn bị thu hoạch chết nổi đầy ao. Người đàn bà chủ nhà thái cá để muối cho lợn ăn chẳng may cắt cả vào tay mình. Vì vậy, khoản thu lớn như tôi kể ở trên với khoản lỗ tôi kể ở dưới hoà vào nhau, thì một lần nữa khẳng định rằng liệu có thể hợp nhất chúng vào nhau để đưa ra một con số màu hồng được không ? Cũng cần lắm một cơ chế bảo hiểm cho người nông dân.
|
Nghề thủ công làm thêm đóng gópđáng kể cho thu nhập gia đình nhiềunông dân (nguồn: tienphong) |
Ngoài ra, người nông dân cũng đang có một số nghề phụ khác như đan thảm, làm hạt sen, đan ghế bẹ chuối… Nhưng thu nhập có cao hay không thì lại phù thuộc vào từng người và cả sự suy nghĩ của từng cá nhân. Tôi lấy ví dụ, cái nghề chặt sen (tức là hạt sen khô, bây giờ phải tách bỏ vỏ sen) thì tính trên số kg mà người nông dân tách được.
Với sự hỗ trợ của máy móc và nhân công là các em nhỏ, cụ già trong gia đình thì một người có thể làm được 25kg/ngày và đơn giá là 2000 đồng/kg thì nhân ra thu nhập ngoài được khoảng 50.000VNĐ/ngày. Rồi nghề đan ghế từ bẹ chuối khô là 40.000VNĐ/cái và trung bình thì một người mất khoảng 1,5 ngày để làm xong một cái. Nếu ngồi mải miết, ngồi liên tục từ ngày này sang ngày khác thì một tháng thu nhập cũng tương đối. Nhưng điều này là không thể. Và số lượng nghề phụ cũng không phải ở đâu cũng giống nhau và ở đâu cũng có. Nên cũng không thể chập cái chỗ này vào để mà tính ra một con số.
Tôi không biết là thu nhập của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp đang cao hay thấp nhưng một mô hình khá phổ biến hiện nay là một trong hai vợ chồng, thậm chí cả hai phải tha hương đi ra các thành phố lớn, đi xuất khẩu lao động để làm ăn, mong kiếm chút vốn, chút tiền “cho các cháu ăn học, cho ông bà dưỡng già”.
Những người nào khá thì xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Đài Loan với mức chi phí đi luôn được giữ kín, bèo bọt hơn thì ra thành phố đi đồng nát, bán hàng rong, làm phụ hồ, cửu vạn. Cái đặc biệt là dù thu nhập không lớn và phải bán nhiều sức lực, nhưng nguồn thu nhập từ các khoản này là tương đối lớn, và đặc biệt, nhiều người làm đống nát xin được các đồ ở thành phố mang về, lắp đặt, sắm sửa, cũng làm “đổi thay bộ mặt nông thôn” khá khá.
Đó là những người đưng đứng tuổi,còn trẻ hơn thì đi làm công nhân trong các khu công nghiệp. Và một cụm từ được khá nhiều người mà vùng quê tôi ở trong vòng hơn 1 tuần là “Đi Nam”. Hỏi ra được biết, đi Nam tức là một người đã đi trước từ thời những năm 75-80, bây giờ, anh em,họ hàng, con cháu lũ lượt kéo vào theo với những nghề như sửa chữa xe máy, buôn bán cá tôm, làm công nhân trong các khu công nghiệp.
Và đương nhiên, nguồn thu này tính thế nào trong thu nhập của người nông dân cũng đang phải bàn kĩ bởi bỏ ra cũng đúng mà tính vào thì cũng không phải lắm. Chưa kể, các hệ lụy xã hội do việc cả hai bố mẹ đều đi làm xa, con cháu ở nhà với ông bà già yếu trong bối cảnh game online, điện tử phát triển rầm rộ cũng đang là một câu hỏi quá lớn.
Một điều nữa mà cả hai ông đều quên mất trong cuộc sống của người nông dân là vấn đề vệ sinh môi trường. Các dự án nước sạch đến từng xã là hiếm, thậm chí rất hiếm.Người nông dân vẫn chủ yếu dùng nguồn nước ngầm và nước mưa. Nguồn nước mưa thì tôi không dám nói. Nhưng nguồn nước ngầm thì quả thực đáng báo động. Những dòng nước vàng vọt, tanh lòm tuôn lên từ dòng đất, để lại những vết ố vàng khè trên những bể lọc sơ xài thì liệu ai khẳng định là tốt?
Nhưng, những người nông dân vẫn chấp nhận. Nhưng cái phải nói hơn nước thải thì thải đi đâu ? Hệ thống cống rãnh nông thôn thực sự là không tốt. Điện, đường, trường, trạm, mương dẫn nước rất tốt, nhưng hệ thống thoát nước thải lại trì trệ. Và con đường duy nhất là lại ra các ao chung. Một mâu thuẫn khá lớn: là ao thì bây giờ đang được tận dụng để nuôi cá, thủy cầm nên chỗ thoát cũng rất hạn chế. Vì vậy, có những gia đình đã chấp nhận giải pháp là cứ để nước nó lênh láng tràn, tự ngấm xuống đất.
Và hôm nào nhà có việc là y như rằng cả ngõ, cả vườn ướt nhép như mưa. Hệ thống ao hồ nông thôn đang đứng trước hai nguy cơ lớn: càng ngày càng ô nhiễm và càng ngày càng thu hẹp. Ô nhiễm thì không phải bàn vì nó quá rõ do nước thải, do chăn nuôi… Và bây giờ, gần như rất hiếm tìm được cái ao nông thôn nào vừa sạch, vừa trong. Còn thu hẹp do quỹ đất có hạn, và người dân đang ngày càng phải lấp đất để xây dựng nhà cửa. Và thử hỏi, liệu lấp càng nhiều, thì chỗ thoát nước thải cho người nông dân đi đâu ? và rỗi sẽ kéo theo cả ô nhiễm nước ngầm…
Và cái thú hai là xử lý các chất thải chăn nuôi. Phân lợn gây mùi đang là một vấn đề cũng rất lớn. Và cái cảnh trưa hè nóng bức, một gia đình chăn nuôi, cả xóm ngửi mùi đang khá phổ biến. Thậm chí, ở một số vùng có đông trang trại thì cái không khí thanh bình, trong lành của miền quê cũng đang biến mất do mùi của chất thải chăn nuôi.
Theo tôi, chúng ta không thể cứ ngồi chằm chặp tính toán các số liệu để bôi đen hay tô hồng đều là vô ích. Chúng ta đều đã biết rất rõ những vấn đề, cái được được mất, những thách thức mà nông nghiệp – nông thôn – nông dân đang phải đối mặt. Và không ngoan hơn có lẽ là tiếp tục làm gì đó cho nông nghiệp – nông thôn – nông dân, dè dặt hơn khi thu hồi đất, khi cưỡng chế đất, và quan tâm hơn đến quyền lợi người nông dân sau thu hồi hơn là cứ ngồi tính với nhau xem thu nhập của họ thế nào để mà chứng minh, để phản bác những luận cứ mà tôi cho là đang bôi đen, hay tô hồng nông thôn.