Cần phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình một cách khoa học

12/05/2008

Có một thực tế là ngành chăn nuôi của ta còn yếu kém ở tất cả các khâu. Điều này dẫn đến hệ luỵ tất yếu là những hộ chăn nuôi cá thể dễ bị “tổn thương” trước sự tấn công của dịch bệnh.

Bên thềm Triển lãm ngành chăn nuôi và chế biến sữa ILDEX 2008, ông Hoàng Kim Giao (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết:

Ngành chăn nuôi ở nước ta còn yếu kém về nhiều mặt, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ, phục vụ chăn nuôi, tài chính, khả năng quảng bá thương hiệu... Thực tế, tại triển lãm ILDEX 2008, các doanh nghiệp Việt Nam dường như không “mặn mà” với cơ hội giới thiệu, quảng bá thương hiệu. Đây là triển lãm về các dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi như giống, chế biến, dinh dưỡng, thú y, nông trại… nhưng trong tổng số 160 gian hàng đến từ 123 nước, các gian hàng của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Việc các doanh nghiệp ngành công nghiệp phục vụ chăn nuôi Việt Nam không mặn mà phải chăng do mức phí mặt bằng tại ILDEX quá cao?

Theo tôi, đây cũng là một yếu tố cạnh tranh quốc tế. Đã qua rồi thời kỳ bao cấp phí tham gia triển lãm, hội chợ, quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Nếu nói phí cao, sao lại có hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Hơn nữa, do đường xa, nên chi phí mà các doanh nghiệp nước ngoài bỏ ra phải gấp chục lần doanh nghiệp trong nước.

Ngành chăn nuôi Việt nam liên tục bị dịch bệnh tấn công nhiều năm nay, có phải do các dịch vụ hỗ trợ quá yếu kém?

Phải thừa nhận, ngành chăn nuôi nước ta mới chỉ ở bước đầu của quá trình chuyển đổi từ thô sơ, nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình lên chăn nuôi hiện đại - công nghiệp. Con giống kém, môi trường nhiều mầm bệnh, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện chiếm khoảng 70% tổng đàn nên ngành chức năng rất khó kiểm soát và khó thực hiện các dịch vụ thú y, kỹ thuật… Do vậy, công tác phòng bệnh, việc kiểm soát buôn bán gia súc, gia cầm chưa tốt… Năm 2007, việc tiêm phòng chỉ đạt 40% tổng đàn gia súc. Hơn nữa, do tình trạng vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi, buôn bán lén lút… cũng làm dịch bệnh phát tán nhanh.

Theo ông, làm cách nào để khắc phục những yếu kém trên?

Việc đầu tiên là phải quy hoạch lại ngành chăn nuôi, đưa vào một quy trình thống nhất từ đầu vào đến đầu ra. Chăn nuôi tập trung sẽ dễ dàng trong kiểm soát thức ăn, phòng và chữa bệnh. Phải thay đổi nhận thức chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi khoa học và hiệu quả cho người dân. Thực tế từ năm 2004 đến nay, dịch bệnh hầu như không xảy ra tại các trại chăn nuôi lớn.

Nhưng việc chăn nuôi hộ gia đình là không thể xóa bỏ?

Tôi đồng ý là không thể chấm dứt hoàn toàn quy mô chăn nuôi hộ gia đình do tập quán chăn nuôi, nguồn lực kinh tế của nông dân còn thấp. Tuy nhiên, có thể phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình một cách khoa học. Một số địa phương đã thực hiện hiệu quả mô hình cả làng, cả vùng cùng chăn nuôi một loại gia súc hoặc gia cầm. Mô hình này có thể xem như một trại chăn nuôi tập trung, làm cho việc phòng bệnh, thu mua, kiểm soát thú y… dễ dàng hơn nhiều.

Người nông dân dù nuôi một vài con heo (lợn), vài con gà cũng phải nghĩ đến việc phòng bệnh cho gia đình, cộng đồng. Không nên vì vô tình mà làm lây lan, phát tán mầm bệnh.

Xin cảm ơn ông!


Tin khác