Bảo hiểm nông nghiệp: Giải pháp từ 3 phía

11/04/2008

Mặc dù bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) vẫn là khái niệm xa vời với đại đa số nông dân, và thực tế còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai, phổ biến loại hình này đến từng cá thể, nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có sự thống nhất giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

>>Bài 1: Doanh nghiệp tháo chạy

Thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ

Thực tế, việc phát triển loại hình BHNN vẫn chưa tìm được lối ra vì nhiều nguyên nhân, các bên liên quan luôn đổ lỗi cho nhau. Nhưng có một điều hiển nhiên là các dịch vụ trong BHNN chưa đa dạng, nhiều áp đặt và thường gây khó khăn cho người muốn tham gia. Đặc biệt, hộ nuôi trồng nhỏ, hoặc bảo hiểm gia súc, gia cầm là những loại hình thường dễ bị từ chối dịch vụ nhất. Bởi đơn giản một điều, tính rủi ro quá cao.

Trên thế giới, cảnh “bon chen” giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực BHNN luôn gay gắt không kém gì các loại hình bảo hiểm khác như BH nhân thọ, BH phi nhân thọ, BH hàng hải... ở châu Âu, nơi nông nghiệp trang trại rất phát triển, BHNN thường được nông dân chú trọng. Cho dù nơi đây nền kinh tế chủ yếu được xây dựng trên nền tảng công nghiệp và dịch vụ, song các nhà lãnh đạo vẫn đánh giá cao vai trò của nông nghiệp. Họ tìm mọi cách bảo hộ hợp pháp nền nông nghiệp của nước mình để tạo sự ổn định cho nông dân, đồng thời giúp nông dân bản địa cạnh tranh được với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Ngay đối với Mỹ, quốc gia có tỉ lệ nông dân cực thấp nhưng nền nông nghiệp vẫn xếp hạng nhất nhì thế giới, mức hỗ trợ của chính quyền với sản xuất nông nghiệp lên tới 50%. Lãnh đạo nước này không áp đặt thuế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp quá cao, chủ yếu hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, phương tiện canh tác và thường xuyên đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu giống mới. Chính nhờ sự hỗ trợ đó, họ bảo vệ nông dân tốt hơn bởi chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, một trong những rào cản khó khắc phục nhất đối với các quốc gia mà sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ như nước ta.

Trên mặt bằng châu á và các quốc gia lân cận Việt Nam như Philippin, ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc..., hình thức BHNN cũng rất đa dạng và được hỗ trợ đầu tư khá công phu.

Kể ra các nước bạn để thấy rằng, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực BHNN, nhưng hỗ trợ phải mang tính bền vững, có định hướng, tăng tính chủ động từ nông dân chứ không phải cách làm "giật gấu vá vai" theo kiểu thiệt hại đến đâu khắc phục hậu quả tới đó như hiện nay. Chẳng hạn, Nhà nước vừa hỗ trợ chính sách mở cho doanh nghiệp, vừa đầu tư khoa học kỹ thuật cho nông dân; đặt doanh nghiệp bảo hiểm ở vị trí trung gian, đứng ra bán dịch vụ cho nông dân. Khi gặp thiên tai, dịch bệnh... dẫn tới thiệt hại thì bảo hiểm chịu một phần theo khả năng trách nhiệm đã đăng ký, còn lại sẽ do Nhà nước đảm nhận.

Hoặc Nhà nước khuyến khích các mô hình bảo hiểm tương hỗ, ưu tiên doanh nghiệp bảo hiểm đặt mũi nhọn vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặt ra một số loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với nông dân. Đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng để xử lý doanh nghiệp hoặc nông dân khi vi phạm hợp đồng.

Doanh nghiệp cũng phải tham gia

Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) thừa nhận, Bảo Việt hiện chỉ có một số sản phẩm dành riêng cho mảng nông nghiệp. Nếu so con số này với các loại hình dịch vụ khác mà Bảo Việt đang cung cấp (đối với một quốc gia nền móng chủ yếu là nông nghiệp) thì tỉ lệ vô cùng khập khiễng. Số dịch vụ BHNN mà Bảo Việt cung cấp chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng lớn, có tiềm lực kinh tế và tính an toàn cao như chủ đồn điền cao su, càphê, hay một số trang trại có quy mô và hiệu quả kinh tế cao. Các dịch vụ khác không phải không thể triển khai mà do không dám triển khai vì đa phần nông dân nuôi trồng tự phát, ít có đủ lực tham gia và cái chính là doanh nghiệp không thể quản lý được rủi ro.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), ông Trịnh Thanh Hoan cho rằng, BHNN không triển khai mạnh mẽ được bởi một phần chọn “nhầm” địa chỉ, tức là những nơi càng có nguy cơ bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... càng cần phát triển dịch vụ BHNN nhưng chẳng thấy bóng dáng doanh nghiệp nào đầu tư. Theo ông Hoan, yếu tố để doanh nghiệp “dám” đầu tư là Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Rõ ràng, có thể thấy ở đây các doanh nghiệp chỉ lo làm ăn thua lỗ nên không dám mạnh dạn đầu tư. Đành rằng cơ chế hỗ trợ cao sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp “nhảy” vào, song không thể nói Nhà nước hoàn toàn không có cơ chế hỗ trợ (cho dù chưa nhiều) đối với loại hình bảo hiểm này. Với cung cách làm ăn kiểu chờ hỗ trợ như thế này, không thể mong đợi doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường trước khi các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nước ngoài tham gia.

Việt Nam đã gia nhập WTO, tức là các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nước ngoài hoàn toàn có cơ hội ngang bằng với doanh nghiệp trong nước. Một khi cơ chế (chưa nói đến hỗ trợ) mở, chắc chắn họ sẽ dám chịu lỗ trong một thời gian để thu mối lợi về sau là thị phần rộng lớn.

Rõ ràng không thể ép các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tham gia thị trường để cứu nông dân. Nhưng đây không hoàn toàn chỉ Nhà nước phải chịu trách nhiệm, các doanh nghiệp phải tự nhận thức được mình cần có trách nhiệm gánh vác một phần vai trò đặc biệt này. Việc Groupama (một doanh nghiệp cung cấp BHNN 100% vốn của Pháp) làm ăn không thành công nên được coi là bài học kinh nghiệm để đầu tư và mở rộng thị phần chứ không nên xem đó là một thất bại để các doanh nghiệp tránh con đường đó.

Một ví dụ tham khảo, yêu cầu đưa ra là doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải làm ăn có lãi. Nhưng vì sợ rủi ro nên không dám cung cấp dịch vụ BHNN, nông dân càng không dám tham gia vì phí đầu tư quá lớn (một con bò đáng giá 10 triệu đồng, nếu phải mua bảo hiểm với giá 2 triệu đồng thì quả là con số không nhỏ), như thế, doanh nghiệp có thể “bán hàng” theo lối trả góp. Con số trả trước bao nhiêu, thời gian bao lâu... là do doanh nghiệp tự cân nhắc để đưa ra. Nếu không may, người mua bảo hiểm gặp rủi ro trong nuôi, trồng mà chưa đóng đủ tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng yêu cầu, vậy thì hoặc Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần, hoặc mức độ được đền bù sẽ ít hơn. Đối với nông dân, nhất thiết phải thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, thiếu khoa học. Hơn hết, phải xây dựng ý thức bảo vệ tài sản của mình. Tự liên kết với nhau xây dựng chuồng trại hợp chuẩn, đồng thời nâng cao khả năng thích nghi với tiến bộ mới của khoa học nông nghiệp. Dĩ nhiên, để làm được điều này không phải một sớm một chiều, song điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự hỗ trợ từ phía chính quyền, cụ thể từ cấp cơ sở.

Cả 3 nhà cần nhìn lại mình

(TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT)

Có 3 vấn đề phải bàn tới: Thứ nhất, cách thức quản lý của chúng ta theo lối ngắn hạn, thiếu cơ chế về lâu dài. Thứ hai, các doanh nghiệp còn thiếu, yếu về lực xuất phát. Thứ ba, nông dân còn bị động. Do vậy, Nhà nước cần thay đổi chính sách quản lý, có thêm thời gian tích lũy; doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm thị trường; bản thân người dân phải tự làm chủ tài sản và cuộc sống của mình, bỏ thói quen nhận sự ban phát, tránh tình trạng kéo đầu này hở đầu kia như hiện nay.

(Theo Kinh tế Nông thôn)


Tin khác