Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP về chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (tháng 9/2005), nhiều người đã coi đây là cú hích để kết quả nghiên cứu nhanh chóng được đưa vào áp dụng.
|
Ngoài việc thực hiện các chức năng chính là nghiên cứu như trước đây, khi đăng ký chuyển đổi sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các tổ chức khoa học và công nghệ được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh như một doanh nghiệp - Ảnh: TTXVN |
Giới khoa học, đặc biệt là những người trực tiếp nghiên cứu khoa học và công nghệ coi như một cuộc cách mạng làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của mình sao cho có hiệu quả để có thể tồn tại, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, đến nay thực tế kết quả lại không được như vậy bởi những rào cản nảy sinh từ chính cơ quan quản lý Nhà nước. Tất cả những vấn đề này đã được đưa ra tại Hội nghị sơ kết Nghị định 115 và thực hiện Nghị định 80 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 12/7/2007 tại Hà Nội.
Ì ạch “khoán 10”
Trước đây, các tổ chức khoa học và công nghệ chỉ tập trung nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với quy mô nhỏ, không có chức năng sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, nhiều kết quả nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm địa chỉ ứng dụng.
Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 115, những vướng mắc này dần dần được tháo gỡ. Ngoài việc thực hiện các chức năng chính là nghiên cứu như trước đây, khi đăng ký chuyển đổi sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các tổ chức này được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh như một doanh nghiệp.
Đây được coi là bước chuyển biến lớn đối với các tổ chức khoa học và công nghệ để họ tự thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu của mình để góp vốn liên doanh. Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng tạo điều kiện từng bước đổi mới phương thức giao và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Với cơ chế tự chủ về tài chính và được phép sản xuất kinh doanh, các tổ chức khoa học và công nghệ có điều kiện nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ, từng bước xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, Nghị định 115 cũng cho phép các tổ chức khoa học và công nghệ chủ động trong hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc cũng như hoàn toàn chủ động trong việc cử cán bộ đi nước ngoài học tập và làm việc mà không phải thông qua cơ quan chủ quản.
Với những cơ chế, chính sách thông thoáng, nhiều nhà khoa học, cơ quan quản lý đã ví Nghị định 115 như “khoán 10” trong khoa học.
Tuy nhiên, thực tế gần 2 năm triển khai Nghị định 115 đã cho thấy nhiều vấn đề khúc mắc, tồn tại đã nảy sinh. Đến ngày 30/6/2007, Bộ Khoa học và Công nghệ mới nhận được 90 báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, trong đó có 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 9 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước, 50 tỉnh, thành phố và 1 tổ chức chính trị - xã hội.
Theo số liệu các báo cáo này, trong tổng số 665 tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các Bộ, ngành, địa phương, có 127 tổ chức khoa học và công nghệ có đề án đã được phê duyệt (chiếm 20%), 194 tổ chức khoa học và công nghệ có đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt (chiếm 30%), 295 tổ chức khoa học và công nghệ đang xây dựng đề án.
Trong số 655 tổ chức khoa học và công nghệ trên, có 56 tổ chức khoa học và công nghệ được các Bộ, ngành và địa phương đề nghị là tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý Nhà nước (đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 115), 39 tổ chức xin được chuyển đổi theo quy định của Nghị định 43/CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
Vướng mắc thủ tục
Bên cạnh những nguyên nhân như sự chỉ đạo chưa quyết liệt của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; tâm lý e ngại bị Nhà nước bỏ rơi, “không được đầu tư” của lãnh đạo các viện, trung tâm nghiên cứu thì cũng có không ít đơn vị gặp nhiều vướng mắc ngay sau quá trình chuyển đổi như: giấy phép đăng ký kinh doanh; chính sách giải quyết lao động dôi dư sau chuyển đổi hoạt động; cử cán bộ đi nước ngoài học tập và mời chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc...
Mặc dù tại Thông tư số 12/BKHCN-BTC-BNV cũng hướng dẫn các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với các đơn vị có đề án chuyển đổi được phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa có văn bản hướng dẫn các sở tiến hành các cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các đơn vị đăng ký.
Theo ông Trần Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện có quyết định chuyển đổi từ tháng 12/2006. Ngay sau khi được phê duyệt, Viện tiến hành làm thủ tục đăng ký kinh doanh nhưng không được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép. Lý do được đưa ra là chưa có quy định cụ thể về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí.
Vì vậy, mặc dù đề án chuyển đổi được phê duyệt và hoạt động theo Nghị định 115, nhưng mọi hoạt động của Viện vẫn như trước đây, chưa được phép kinh doanh các sản phẩm do Viện nghiên cứu.
Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành của một số cơ quan, ban ngành đã khiến một chủ trương của Nhà nước chậm được thực hiện. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những vướng mắc của Nghị định 115 sẽ sớm được tháo gỡ, để Nghị định này thực sự trở thành “khoán 10” trong khoa học như nhiều người mong đợi.
(Theo VnEconomy)