Bước tiến mới trong cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL

12/03/2008

Hội thi máy gặt đập liên hợp (GĐLH) vùng ĐBSCL năm 2008 vừa kết thúc, đánh dấu sự thắng thế của các máy sản xuất trong nước. Vấn đề cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa đang được nhiều người quan tâm hơn.

Máy "nội" qua mặt máy "ngoại"

Nông dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2007-2008. Trong những ngày này, hàng ngàn lượt nông dân các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã vượt chặng đường dài hàng trăm cây số đến huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp xem trình diễn các loại máy GĐLH. Tại lễ tổng kết Hội thi máy GĐLH vùng ĐBSCL năm 2008 diễn ra ngày 6-3-2008, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nói: “Chính phủ cùng Bộ NN&PTNT đang thực hiện nhiều chương trình giúp vùng ĐBSCL thực hiện nhanh việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Chủ trương này được nhiều nông dân trong vùng ủng hộ. Do đó, các cơ sở sản xuất và kinh doanh máy GĐLH phải không ngừng nghiên cứu, cải tạo nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm”.

Anh Nguyễn Văn Mười, quê ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chạy xe gắn máy hơn 60km đến thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình để cùng hàng trăm nông dân khác xem nhiều loại máy GĐLH trình diễn trên đồng ruộng. Những chiếc GĐLH vừa lao về phía trước vừa nuốt gọn trà lúa chín vàng rực để thải ra rơm và những bao lúa căng tròn xuống mặt ruộng. Khi những chiếc máy GĐLH chạy qua, nhiều nông dân bắt đầu “kiểm tra” tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch bằng cách nhìn kỹ xuống mặt ruộng và những bả rơm vừa do máy thải ra để tìm xem có hột lúa hay không. Sau khi xem các máy GĐLH trình diễn, anh Nguyễn Văn Mười tươi cười nói: “Những chiếc máy GĐLH này sẽ giúp nông dân chúng tôi vượt qua cảnh thiếu nhân công thu hoạch lúa. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng đủ tiền và lao động để mua và khai thác máy GĐLH”.

Ở hội thi máy GĐLH lần này, vượt qua 7 máy nhập khẩu, chiếc máy GĐLH do ông Tư Sang ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nghiên cứu sản xuất đoạt giải nhất. Ông Tư Sang khiêm tốn nói: “Tôi đem máy đến dự thi với mong muốn được các nhà khoa học và nông dân góp ý, để tiếp tục cải tiến sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện hơn”. Máy GĐLH mang thương hiệu Tư Sang có giá bán là 140 triệu đồng/máy. Còn ông Năm Sanh ở xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, chủ nhân của chiếc máy GĐLH đoạt giải ba tại hội thi này, nói: “Tham dự hội thi, ngoài việc quảng bá sản phẩm tôi còn mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các cơ sở bạn”. Hiện nay, máy GĐLH mang thương hiệu Năm Sanh có giá 130 triệu đồng/máy.

Dù những chiếc máy GĐLH được sản xuất tại ĐBSCL có giá bán mềm hơn so với các máy GĐLH do Trung Quốc sản xuất (giá bán dao động từ 175 triệu đồng đến 195 triệu đồng/máy), nhưng vẫn còn là quá cao so với khả năng tài chính của nhiều nông ở ĐBSCL.

Để nông dân dẽ mua máy GĐLH

Từ năm 2004, Chính phủ đã chỉ đạo về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân ĐBSCL mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chủ trương này được các địa phương vùng ĐBSCL tập trung chỉ đạo thực hiện từ năm 2006, nhờ đó lượng máy GĐLH đang tăng nhanh. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đến thời điểm này, vùng ĐBSCL có đến 989 máy GĐLH và 3.399 máy cắt lúa xếp dãy; so với cuối năm 2007, số máy GĐLH đã tăng gấp đôi, số máy cắt lúa xếp dãy tăng 1.000 máy. Cũng theo nhận định của cơ quan này, số máy GĐLH ở ĐBSCL sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo ông Đoàn Vĩnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này đang phấn đấu đến năm 2010 có 70% diện tích sản xuất lúa được thu hoạch bằng máy, 60% sản lượng lúa hè thu và thu đông được sấy. Để thực hiện mục tiêu trên, trong 2 năm (2006 –2007), Đồng Tháp đã hỗ trợ cho nông dân vay gần 6 tỉ đồng để mua 70 máy GĐLH, 36 máy gặt xếp dãy và 20 lò sấy. Những hộ vay vốn sẽ trả vốn vay trong 2 năm và ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi trên 60% vốn vay. Trong 2 năm tiếp theo (2008-2009), Đồng Tháp hỗ trợ nông dân mua 350 máy GĐLH, 200 máy cắt xếp dãy, 200 lò sấy... với tổng mức đầu tư 60 tỉ đồng. Trong tổng nguồn vốn nói trên, vốn tự có của người dân là 24 triệu đồng, vốn vay là 36 triệu đồng do ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất.

Với 400 máy GĐLH, tỉnh Kiên Giang là địa phương có nhiều máy GĐLH nhất ở ĐBSCL. Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, cho rằng thực tiễn hoạt động tốt của những chiếc máy GĐLH ở Kiên Giang trong thời gian qua đã giúp nhiều nông hộ khác tiếp tục đầu tư. Mặt khác, khi đầu tư máy GĐLH, nông dân chỉ đầu tư 1/3 vốn, phần vốn còn lại sẽ vay ngân hàng và được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất trong 3 năm.

Cũng như các địa phương khác ở ĐBSCL, TP Cần Thơ đã có kế hoạch chi 4,8 tỉ đồng (trong các năm 2008, 2009 và 2010) để hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại và nông hộ mua 200 máy GĐLH. TP Cần Thơ thực hiện kế hoạch này nhằm nâng diện tích lúa được thu hoạch bằng cơ giới từ 12% hiện nay lên 30%.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giúp các hợp tác xã, trang trại, nông hộ mua máy GĐLH. Nhờ đó, số lượng máy GĐLH tăng nhanh. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học mong muốn Nhà nước nên thực hiện các chính sách ưu đãi vốn, về thuế cho các cơ sở sản xuất máy GĐLH trong nước để giảm giá thành sản xuất.

Theo Trung tâm Khuyến nông TP. Cần Thơ, chi phí thu hoạch lúa bằng thủ công (cắt lúa, gom lúa và suốt lúa) dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2,8 triệu đồng/ha. Trong khi đó thu hoạch lúa bằng máy GĐLH chỉ tốn 1,2 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng/ha. Tỷ lệ lúa bị hao hụt khi thu hoạch thủ công trên 4%, thu hoạch bằng máy GĐLH dưới 1%. Trong khi 1 máy GĐLH cần 3 lao động thì thu hoạch được 4ha lúa/ngày, còn thu hoạch theo phương pháp thủ công cần đến 40 lao động.

(Theo Kinh tế Nông thôn)


Tin khác