Sản xuất nhỏ khó vươn xa

01/03/2008

Ngày 28.2, tại Hà Nội, các tham tán thương mại đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các DN, hiệp hội DN ngành, hàng phía bắc, bàn biện pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh XK hàng hoá.

Khác với lần tiếp xúc DN khu vực phía nam, buổi gặp gỡ là sự đăng đàn của các tham tán cho thấy thực trạng xúc tiến thương mại và đầu tư với kiểu làm ăn theo lối sản xuất nhỏ của các DN trong nước thì khó lòng đạt được mục tiêu tăng trưởng XK.

Không có hồi âm

Lâu nay, DN thường hay ta thán về việc khó tiếp cận các đối tác nước ngoài và mong tham tán là cầu nối, tuy nhiên, nhiều phen tham tán đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi giới thiệu đối tác cho DN nhưng lại chẳng được hồi âm.

Tham tán thương mại VN tại Australia Nguyễn Hữu Chí than phiền: "Gửi về nước khoảng 100 thư về đề nghị của đối tác cung cấp các sản phẩm họ có nhu cầu, nhưng nhận được chỉ 1-2 thư hồi âm. Không có khả năng đáp ứng đơn hàng, khó khăn về thủ tục pháp lý hay vướng mắc hàng rào kỹ thuật..., DN cũng không hề nêu lý do. Không những DN, mà các hiệp hội, hay các sở thương mại, sở công nghiệp cũng không có thông tin phản hồi thì tham tán cũng đành chịu...".

Một ví dụ rất khôi hài mà Tham tán VN tại Đức - ông Nguyễn Minh Dũng nêu ra là trong một lần giới thiệu bạn hàng Đức với Hiệp hội Xe đạp, xe máy VN để xúc tiến XK mặt hàng này sang Đức, DN VN cứ mắc bệnh "hứa bừa", không làm được theo yêu cầu của bạn vẫn hứa, phía bạn gửi thư sang không thấy hồi âm, thế là tham tán được phen mất mặt.

Ông Dũng nói: Ai cũng nghĩ thị trường Đức rất khó tính, nhưng nếu biết cách tiếp cận và đặc biệt trọng chữ tín thì hàng gì cũng xuất được (hiện VN đã xuất sang Đức tới 230 mặt hàng, kể cả những mặt hàng giá trị thấp như mắm tôm, nắp cống...). Ông khuyến nghị, DN trong nước cần đi chuyên sâu chứ không nên sản xuất theo kiểu "tả pí lù", thì sẽ không có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường các nước.

Việc không giữ chữ tín cũng khiến DN VN đang mất nhiều cơ hội chen chân được vào những thị trường khó tính. Ông Dũng cho biết: Rõ ràng nếu ký trực tiếp với DN VN thì DN bạn cũng đỡ được chi phí qua trung gian, nhưng nhiều DN Đức vẫn chọn hình thức nhập khẩu hàng hoá qua thương nhân Anh, thay vì nhập khẩu qua các DN VN. Hỏi ra thì họ nói nếu có đổ bể, họ còn có khả năng đòi bồi thường, còn nhập qua DN VN đầy rủi ro, đó là chưa kể khi giá lên thì họ (tức DN VN) hồ hởi xuất, nhưng khi giá xuống thì tìm cách thoái thác không giao hàng làm lỡ kế hoạch của bạn.

Tận dụng cơ hội để XK

Hầu hết các DN VN khi làm ăn với nước ngoài đều chỉ căn cứ trên hợp đồng thoả thuận với phía bạn, mà không biết hoặc cập nhập các thông tin về ưu đãi khi VN đã là thành viên WTO và trên thực tế chúng ta đã ký các hiệp định song phương với các nước đều có những ưu đãi riêng.

Tham tán VN tại Nhật Bản - ông Vũ Văn Trung cho rằng, để chuyển dịch cơ cấu XK, tăng 30% hàng CN chế biến thay vì tỉ trọng chủ yếu xuất khoáng sản thô của VN sang Nhật như lâu nay thì DN VN cần tận dụng triệt để cơ hội mà Hiệp định đối tác chiến lược giữa NB và ASEAN để cạnh tranh với đối thủ truyền thống là Trung Quốc tại thị trường này.

Ông Đào Ngọc Chương - Tham tán Thương vụ VN tại Trung Quốc - thì cho rằng: Năm 2008, VN có đến 8 cơ hội để tăng trưởng hàng hoá XK sang Trung Quốc, nhưng cũng chỉ dám đặt mục tiêu XK khoảng 4 tỉ USD sang thị trường nước này (năm 2007: VN xuất khẩu sang TQ hơn 3 tỉ USD thì nhập khẩu từ TQ 12 tỉ USD) và vẫn chưa cải thiện được nhập siêu. Trong năm nay, TQ và ASEAN đã áp dụng Hiệp định thương mại tự do nên hàng hoá ASEAN xuất sang TQ thuế suất bằng 0.

Năm 2008, TQ cũng điều chỉnh cơ chế XNK, tăng giá đồng nhân dân tệ sẽ có nhiều điểm lợi cho DN VN khi xuất khẩu hàng hoá sang nước này. Tuy nhiên, ông Chương vẫn cảnh báo DN VN cần loại bỏ thói quen buôn bán chụp giật, mở rộng tư duy sang buôn bán chính ngạch, để thâm nhập sâu thị trường TQ và tận dụng được lợi thế để gia tăng XK.

(Nguồn: Lao Động)


Tin khác