Ý kiến của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới

09/03/2008

Ngày 8-3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư khẳng định: Đảng ta luôn coi trọng vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng giai cấp nông dân.

Cùng dự buổi làm việc, có ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Văn phòng T.Ư Ðảng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Hội Nông dân Việt Nam.

Tổng Bí thư đã nghe ông Cao Ðức Phát, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cán bộ chủ chốt của ngành báo cáo kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng và phát biểu ý kiến, trao đổi nhiều vấn đề liên quan nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Phát biểu ý kiến kết thúc ngày làm việc, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã đánh giá: Trong những năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển tương đối toàn diện, tạo ra khối lượng nông sản, lâm sản và thủy sản hàng hóa lớn, bảo đảm cho Việt Nam tự chủ về lương thực và dự trữ quốc gia, đồng thời có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, khẳng định được vị trí và tầm quan trọng trên thị trường quốc tế. Trong đó, cơ cấu sản phẩm và mô hình sản xuất có sự đa dạng hơn; kết cấu hạ tầng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như đời sống nông dân ở hầu hết các vùng miền được cải thiện đáng kể; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường...

Tất cả những thành tựu nói trên đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Tiếp đó, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh cũng đã chỉ rõ một số mặt hạn chế trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn và phân tích kỹ nguyên nhân...

Tổng Bí thư khẳng định: Ðảng ta luôn coi trọng vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và giai cấp nông dân. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, Ðảng ta xác định đẩy nhanh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng khẳng định tiếp tục thúc đẩy thực hiện chủ trương nói trên và giải quyết đồng bộ các vấn đề thuộc lĩnh vực này. Ðể cụ thể hóa, Bộ Chính trị đang chỉ đạo xây dựng Ðề án về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để trình Hội nghị của Ban Chấp hành T.Ư sắp tới.

Trước mắt, trong năm 2008 cần nắm chắc và thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung bảo đảm mục tiêu tăng trưởng; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực; cải cách thể chế hành chính; thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng và Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đồng ý với chương trình công tác và các nhóm giải pháp của ngành đã đề ra, đồng chí nhấn mạnh và gợi ý thêm một số điểm:

Vấn đề tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện CNH, HÐH, nhiều diện tích đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng, cần áp dụng nhiều biện pháp để tăng giá trị sản xuất, tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, lâm sản, thủy sản hàng hóa và quá trình có ý nghĩa quan trọng này phải gắn với tổng thể xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Ðể thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể sản xuất, kinh doanh, các cơ sở khoa học công nghệ cũng như hiệp hội ngành nghề và giải quyết nhiều vấn đề cuộc sống đang đặt ra như nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, thủy sản và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Vấn đề chọn mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp thích hợp: Cơ chế hộ gia đình đã phát huy tốt sau "khoán 10", nhưng liệu có thích hợp với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại? Cần tổng kết, đánh giá các mô hình đã có (như kinh tế hộ, HTX, doanh nghiệp, trang trại) để lựa chọn mô hình thích ứng với nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất lớn, áp dụng nhanh công nghệ mới, cơ khí hóa, điện khí hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.

Vấn đề lao động, việc làm và thu nhập của dân cư nông thôn: Lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, cơ cấu mất cân đối, hạn chế về tay nghề, 72,5% chưa qua đào tạo; kinh tế nông thôn chủ yếu thuần nông, ngành nghề phát triển chậm, tình trạng thiếu việc làm gay gắt; thu nhập thấp, chênh lệch thu nhập và đời sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng và các nhóm dân cư ngày càng doãng ra... Ðó là những vấn đề phải tập trung giải quyết vì sự phát triển bền vững và bảo đảm giữ vững định hướng XHCN và đạo lý của dân tộc Việt Nam. Cần có sự phối hợp nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn, thu hút đầu tư và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong khu vực này. Ðồng thời, các chính sách y tế, xã hội, giáo dục và đào tạo phải hướng vào bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn để góp phần đáp ứng các yêu cầu nói trên.

Vấn đề xây dựng nông thôn mới: Dù đã có nhiều cố gắng song so với sự phát triển chung của đất nước thì sự phát triển của nông thôn còn chậm và nhiều yếu kém, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Trong quá trình cách mạng, chúng ta đã dựa vào rừng núi, nông thôn, phát huy sức mạnh vô cùng to lớn của nông dân, đồng thời chăm lo xây dựng phát triển nông thôn, miền núi thành căn cứ địa và chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Ngày nay, chúng ta không được phép buông lơi địa bàn này, cần xây dựng tốt chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, trong đó cần hết sức coi trọng khâu quy hoạch và nội dung có tính đột phá là phát triển hạ tầng nông thôn.

Ðặc biệt, phải đổi mới phương pháp tiếp cận nông thôn trên cơ sở phát huy cao tinh thần năng động, sáng tạo của cộng đồng dân cư kết hợp chính sách hỗ trợ thỏa đáng của Nhà nước cho từng vùng cụ thể. Gắn liền xây dựng nông thôn mới với việc giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc ở nông thôn, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai. Khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cần xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nông dân có đất chuyển mục đích sử dụng, trên cơ sở bảo đảm lợi ích lâu dài, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đất nước...

(Nguồn: Nhân Dân)


Tin khác