Dự báo về tình hình kinh tế thế giới và những tác động tới Việt Nam

07/03/2008

AGROINFRO – Ngày 22/2/2008, ông Vikram Nerhu - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Đông Á – đã trình bày về “Phát triển Kinh tế toàn cầu và những tác động đối với các nước đang phát triển” tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong bài thuyết trình, ông Nehru đã nêu lên những nét chính trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu và đưa ra một số dự báo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế thế giới là một hệ thống mà bất kỳ sự thay đổi của một yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á năm 1997 như là một phản ứng dây chuyền từ Thái Lan sang Indonesia, rồi đến Hàn Quốc, Philippines,… Hiện nay, những biến động trong thị trường bất động sản đã ảnh hưởng đến cả nền kinh tế của nước Mỹ. Vì vậy, chúng ta không thể không quan tâm đến những động thái của nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Nehru - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Đông Á - bộ mặt kinh tế thế giới trong thời gian gần đây có 4 điểm nổi bật, cần lưu ý như sau:

- Tốc độ tăng trưởng chậm lại của các quốc gia có thu nhập cao sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển bị chậm lại, song vẫn ở mức cao – ngay cả khi kinh tế Mỹ bị suy thoái.

- Biến động của thị trường tài chính đã dẫn đến việc thắt chặt hơn các điều kiện cho vay tín dụng. Hoạt động tín dụng sẽ nằm trong tầm kiểm soát, song không thể không tính đến trường hợp xấu nhất.

- Giá lương thực có khả năng vẫn giữ ở mức cao. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến những người nghèo không làm nông nghiệp và lạm phát ở các nước đang phát triển. Ông Nehru cho rằng đây là một tình huống “bất bình thường”: Giá năng lượng, phân bón và xu hướng sử dụng năng lượng sinh học ở Mỹ - Latin tăng nhanh; trong khi đó, cung lương thực không tăng đáng kể đã đẩy giá lương thực tăng cao: từ năm 2002 – 2008, giá ngũ cốc đã tăng gần 200%.[i] Theo ông Nehru, để bình ổn giá lương thực, phải duy trì nguồn cung ổn định và ứng dụng kỹ thuật canh tác mới để tăng năng suất, song việc này có thể mất nhiều năm.

- Theo dự báo, hầu hết các nước đang phát triển đều tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, một số nước dễ bị ảnh hưởng bởi dòng vốn ngược hoặc chịu tác động của việc giá lương thực tăng cao. Về vấn đề này, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý Việt Nam khi thu hút các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài cần phải hướng đến dòng vốn dài hạn hơn là ngắn hạn để giảm thiểu tác động của dòng vốn ngược.

Các chuyên gia kinh tế có mặt trong buổi tọa đàm cũng bày tỏ mối quan tâm khi càng thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, Việt Nam cũng sẽ chịu tác động nhiều hơn từ các biến động trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng là chúng ta phải lường trước những biến động để có biện pháp phù hợp hạn chế rủi ro.



[i] Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, DECPG


Tin khác