Bên cạnh những giọt nước mắt chua xót khóc cây, khóc con của nông dân ở nhiều địa phương, vẫn có nụ cười, niềm vui của không ít người xuất phát từ sản xuất theo phong trào. Họ cũng “đua” nhau nuôi trồng, nhưng do biết chia sẻ lợi ích với nhau nên đã tạo nên sự bền vững và hiệu quả...
Bài II: Không phải phong trào nào cũng thất bại
>> Bài I: Nhà nông chơi vơi
Mía ngọt ở Phú An
Vài năm trước, khoảng 20ha mía được trồng tự phát ở xã Phú An (Tân Phú – Đồng Nai) nhưng chủ yếu bán cho thương lái và người dân trong vùng. Từ khi Công ty cổ phần Mía đường La Ngà nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con, diện tích mía được nhân rộng nhanh chóng.
Anh Ngô Văn Phúc ở ấp 4 hiện đang sở hữu 8ha mía. Năm 2006 anh thu hoạch được gần 300 tấn mía cây nhưng do giá thấp nên lãi không nhiều. Năm 2007, giá đường tăng, giá thu mua của Nhà máy cũng tăng, anh có lãi nhiều hơn. Hiện, Phú An có 260 hộ sống nhờ cây mía, với tình hình giá đường ngày càng tăng, nhiều hộ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu.
Cây mía có thể “trụ vững” và phát triển trên đất Phú An là nhờ sự bao tiêu sản phẩm của Công ty cổ phần Mía đường La Ngà, sự chung tay giúp đỡ của chính quyền địa phương và nông dân. Về phía Công ty, để có nguồn nguyên liệu, Công ty đã đầu tư cho mỗi hécta đất trồng mía 12 triệu đồng, bằng nhiều hình thức như: cung cấp giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc và thu hoạch... Đặc biệt, trong năm 2008, Công ty còn khuyến khích người dân chuyển đổi từ cây hoa màu sang trồng mía. Công ty sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng /ha đối với hộ chuyển từ cây lâu năm và 1 triệu đồng /ha đối với hộ chuyển từ cây hoa màu. Ông Đào Văn Mão, Trạm trưởng Trạm Nông nghiệp Phú An cho biết: “Ban đầu ai cũng nghĩ mía sẽ chỉ là cây "thế chỗ" vài năm nhưng đến nay, chúng tôi đã khẳng định tính bền vững của loại cây này. Năm qua, Công ty đã đầu tư cho xã Phú An trồng 265, 4ha mía, sản lượng tương đương 13.000 tấn. Khi thu hoạch, Công ty cho xe tới tận nơi thu mua để bà con kịp trồng vụ mới. Dự kiến, vụ mía năm 2008, Công ty sẽ hỗ trợ trồng mới khoảng 45ha”.
|
Được Cty CP Mía đường La Ngà bao tiêu sản phẩm, nông dân Phú An thoát nghèo, vươn lên khá-giàu nhờ mía. |
Còn về phía chính quyền và người dân, để vượt qua thách thức của thị trường, Phú An đã thành lập câu lạc bộ những người trồng mía với hơn 100 thành viên, nhằm giúp nhau sản xuất, tiêu thụ... Nhờ đó, cây mía đã trở thành "đòn bẩy" cho những vùng đất cát bạc màu nơi đây thoát nghèo.
Bài học từ vùng vải thiều
Nói đến sản phẩm nông nghiệp ở Bắc Giang không thể không nhắc tới vải thiều với hơn 4 vạn hécta ở 6 huyện miền núi. Hàng năm, sản lượng vải thiều hàng hóa đạt 180.000 - 200.000 tấn. Bên cạnh mặt được, người trồng vải luôn canh cánh nỗi lo: mất mùa - được giá, được mùa - rớt giá. Những biến động về thời tiết và cơ chế thị trường luôn là yếu tố gây bất ổn cho vùng vải thiều Bắc Giang. Đặc biệt, ở các xã vùng cao của Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế... thời tiết diễn biến phức tạp, thổ nhưỡng không phù hợp với cây vải nên chất lượng, năng suất vải thiều luôn bấp bênh làm nản lòng không ít hộ nông dân trồng vải. Những năm rớt giá đã xuất hiện tình trạng chặt phá vải thiều để chuyển đổi sang trồng cây khác.
Vải thiều đến với Bắc Giang bắt đầu từ phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới. Buổi đầu cây vải chỉ phát triển ở quy mô nhỏ trong vườn nhà theo phương thức tự cung, tự cấp. Trong quá trình đi tìm loại cây thay thế bạch đàn làm kiệt đất, hiệu quả kinh tế thấp, Huyện ủy và chính quyền huyện Lục Ngạn thấy vải thiều sống và phát triển được ở những đồi sỏi đỏ khô cằn, cho quả ăn ngọt mát. Do đó, phong trào nhận đất trống đồi núi trọc để trồng vải thiều được dấy lên rộng khắp. Nhà nhà đua nhau vỡ đất trồng vải... Nhưng rồi việc phát triển không có quy hoạch đã phải trả giá, không ít gia đình chặt vải thiều để chuyển sang trồng cây lâm nghiệp; thậm chí có gia đình nghèo đi vì vải. Do trồng vải theo phong trào nên tất cả những yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, kế hoạch phát triển, công nghệ chế biến, khả năng tiêu thụ... đã không được tính toán, dự báo.
Đứng trước thực trạng trên, Hội Làm vườn huyện Lục Ngạn đã thành lập những HTX chuyên tiêu thụ vải, trợ giúp hội viên kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đặc biệt, việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu vải Lục Ngạn đã giúp những người dân thấy được trách nhiệm và niềm tự hào với đặc sản quê hương. Từ đó có những hành động cụ thể để giữ lại gốc vải cổ thụ, nhằm tạo nguồn giống mới. Đến nay, vải Lục Ngạn không thua kém vải Thanh Hà (Hải Dương) về chất lượng cũng như tiếng tăm, có được điều đó là nhờ sự năng động của chính quyền cùng những cố gắng của người dân trong việc “giữ” vải.
Tự cứu mình
Những nông dân nuôi cá tra, cá basa ở An Giang đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hai Lúa (Afasco) với mục đích kiểm soát chặt chẽ, ổn định đầu vào -ra, góp phần nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
An Giang có khoảng 3.400 bè nuôi cá tra, basa và hàng ngàn hecta mặt nước nuôi cá ao hầm, nhưng không phải ai cũng có thể bán cá thương phẩm cho nhà máy một cách suôn sẻ. Giá cá lên thì không vấn đề gì, nhưng khi giảm thì tìm người mua rất khó. Chính vì vậy, họ quyết định liên kết thành lập công ty để tự cứu lấy mình. Vốn ban đầu của Afasco có khoảng 11 tỷ đồng do 12 thành viên đóng góp, còn lại 9 tỷ đồng phát hành cổ phiếu với mệnh giá 100.000 đồng /cổ phiếu đều đã được người nuôi cá tra, cá basa trong tỉnh đăng ký. Nguyên tắc hoạt động của công ty là sản xuất con giống - nuôi - thu mua chế biến và tự tìm thị trường tiêu thụ. Nhưng, bài học về sự liên kết giữa nông dân với nhau chỉ là trường hợp hy hữu, không dễ dàng gì nếu họ không rơi vào “bước đường cùng”. Hơn ai hết, họ hiểu những khắc nghiệt, rủi ro mà thị trường có thể đem lại. Nếu không có cơ sở vững chắc cùng sức mạnh liên kết, họ sẽ không chống đỡ nổi những “trận bão khốc liệt” của cơ chế thị trường.
Câu chuyện sau đây về một người nông dân Nhật Bản có thể không liên quan đến sản xuất theo phong trào, nhưng phần nào giúp chúng ta hiểu một trong những “nguyên tắc vàng” của sản xuất, kinh doanh là phải biết tự cứu mình. Akinori Kimura, nông dân trồng táo người Nhật Bản tâm sự, ông sẽ không bao giờ quên cảm giác bất ngờ khi nghe bài luận tốt nghiệp của con gái. Cô bé viết: “Bố tôi là nông dân trồng táo, nhưng tôi chưa bao giờ được ăn một trái nào do ông trồng”. Kimura không cho con ăn táo vì chưa có cây nào do ông trồng ra quả trong nhiều năm qua. Khi nghe bài luận của con gái, ông suy nghĩ rất nhiều. Sau đó, Kimura tìm thấy một cuốn sách về việc trồng cây “sạch” và quyết định bắt tay vào trồng những trái táo “sạch” trước sự ngờ vực của nhiều người. Mặc những nghi ngờ, ông dồn hết tâm sức vào chăm sóc 600 cây táo. Trong 2 năm đầu, những cây táo của ông thường xuyên nhiễm bệnh. Không nản, ông vẫn mải mê tìm tòi và đọc thật nhiều sách, thậm chí ông còn thử mài những cây tỏi và củ hành lên các vết bệnh nhưng tất cả đều không hiệu quả. Nó chỉ có tác dụng với các cây ăn quả khác, nhưng lại không có tác dụng với táo - loại cây rất dễ bị dịch bệnh. 600 gốc táo của ông vẫn không ra hoa. Kimura trở nên túng thiếu với số tiền tiết kiệm còn lại của cha để lại nhằm duy trì vườn táo. Ông phải đi làm thêm nhiều nơi mới có thể đạt được ý định của mình là trồng ra những quả táo ngon cho con gái.
Vài năm qua đi, ông thử nghiệm bằng nhiều phương pháp khiến những người hàng xóm sợ sâu bệnh sẽ lây lan sang nhà họ, còn ông thì bị họ gọi là “người phá sản” vì những con bọ. Nhưng bằng quyết tâm của mình, Kimura đã tìm ra được cách trồng táo “sạch”. Ông đã dùng chính những con côn trùng để diệt sâu bệnh. Không những vậy, sự phát hiện và tìm tòi của ông đã góp phần bảo vệ môi trường. Vườn táo của ông giờ đây trĩu quả và cho thu nhập cao. Ông được mời đi rất nhiều nơi ở Nhật Bản, Hàn Quốc để giảng dạy về biện pháp trồng và chăm sóc cây táo bằng phương pháp hữu cơ.
Câu chuyện về Akinori Kimura là bài học cho chúng ta suy ngẫm.
Bài 3: Bắt tay vì lợi ích chung