Một văn bản, 90% số doanh nghiệp bị "xoá sổ"?

31/03/2008

Cả trăm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thú y trên cả nước đang đối mặt với nguy cơ bị "xoá sổ" vào cuối năm 2008 vì chưa có chứng chỉ GMP theo quy định của Cục Thú y đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động mất việc trong bối cảnh giá cả tăng vọt hiện nay...

Hàng ngàn lao động mất việc

GMP là hệ thống các nguyên tắc, yêu cầu nhằm đảm bảo các hãng sản xuất thuốc, các nhà sản xuất chế biến thực phẩm luôn sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, chất lượng ổn định.

GMP hình thành từ những năm 1960. Ở các nước phát triển đều có tiêu chuẩn GMP riêng cho mình. Các khu vực ASEAN từ năm 1996 có ban hành bộ tiêu chuẩn chung GMP - ASEAN cho sản xuất dược phẩm và y tế. Ở Việt Nam, triển khai GMP, Bộ Y tế làm từ năm 1996, Bộ NNPTNT từ năm 2004.

Ngày 21.1.2008, Cục Thú y có CV số 87/TY-QLT, thông báo về thực hiện lộ trình GMP. Theo đó, hạn cuối cùng để các DN thực hiện tiêu chuẩn GMP đối với dây chuyền sản xuất các loại thuốc tiêm hoặc thuốc uống dạng dung dịch là cuối năm 2008.

Các dây chuyền sản xuất các loại thuốc bột cho uống hoặc trộn thức ăn bắt buộc phải đạt GMP vào cuối năm 2010. Dây chuyền sản xuất thuốc bột pha tiêm và các dạng thuốc khác có hạn cuối cùng vào năm 2012.

Theo Hiệp hội Sản xuất - kinh doanh TTY Việt Nam (HH. TTY), cả nước hiện có 177 DN kinh doanh sản xuất thuốc thú y (TTY) (vì sáp nhập cả thú y thuỷ sản). Trong đó, chỉ khoảng 7 DN có chứng chỉ GMP, chủ yếu là các DN lớn hoặc liên doanh. Ước tính, hết năm 2008 sẽ có vài DN được cấp GMP.

Như vậy, nếu căn cứ "chốt hạ" của Cục Thú y thì dự báo cuối năm nay sẽ có tới 90% số DN vừa và nhỏ chưa lo nổi GMP sẽ buộc phải đóng cửa; đồng nghĩa với hàng ngàn lao động mất việc. Cả trăm DN TTY "choáng váng" vì điều này.

DN phản ứng Cục Thú y - vì sao?

Thực ra khi triển khai GMP năm 2004, Cục Thú y đã "khoá sổ" lộ trình vào năm 2006. Vì vậy với CV 87, cho phép đến hết 2008, cục đã gia hạn thêm 2 năm để có GMP cho mỗi dây chuyền sản xuất thuốc thú y của DN. Việc gia hạn này có báo cho DN từ trước. Sự cứng rắn trong "chốt hạn" lần này của cục nhằm mục tiêu " ít mà tinh còn hơn nhiều mà bát nháo", bởi GMP là con đường duy nhất mà TTY Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng ngoại.

HH.TTY cũng thừa nhận một phần nào sự "bát nháo" của thị trường TTY thời gian qua do ảnh hưởng nền chăn nuôi nhỏ lẻ. Các DN đều "giơ hai tay" ủng hộ tinh thần của Cục Thú y vì một thị trường TTY chuẩn hoá thời hội nhập. Chấp nhận cuộc thanh lọc thực sự khi tuân thủ GMP.

Nhưng tại sao cả hai phía "đồng hướng" mà không "đồng lòng"? Tại sao được ban "ân huệ" thêm 2 năm mà cả trăm DN từ Bắc, Trung, Nam lại vẫn kêu cứu suốt từ tháng 1.2008 tới nay?

Tập thể DN TTY phía nam so sánh: Triển khai GMP, Bộ Y tế bắt đầu từ năm 1996. 8 năm sau (năm 2004), Bộ NNPTNT mới làm. 12 năm triển khai GMP, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu ; huấn luyện kiến thức; đào tạo cán bộ kiểm tra tiêu chuẩn GMP; tiếp nhận các thiết kế xây dựng mở rộng cải tạo của các cơ sở về GMP; tổ chức kiểm tra để cấp chứng chỉ GMP.

Theo QĐ 08/2004 của Bộ NNPTNT và hướng dẫn 431/TY-QLT thì Cục Thú y phải chuẩn bị các bước cần thiết "y trang" Bộ Y tế. Dù lợi thế đi sau nhưng đến nay, theo HH.TTY, Cục Thú y vẫn chưa có ban chỉ đạo GMP; chưa chủ động cung cấp tài liệu hướng dẫn các DN; chưa trực tiếp kiểm tra, cấp GMP cho DN nào. 7 DN có được GMP là nhờ tổ chức khác chứng nhận, còn bản thân cục không hề nhúng tay vào!

Nông nghiệp muốn "đua" với y tế?

Triển khai GMP, 12 năm kể từ 1996, nỗ lực hết sức, đến 2008, ngành y tế mới có được số DN đạt GMP là 76/180 (tỉ lệ 42%). Còn nông nghiệp, mới làm 5 năm từ 2004 đến nay, số DN TTY đạt GMP chỉ đếm trên đầu ngón tay, 7/177 (tỉ lệ 4%).

Vì vậy, với cách làm GMP bất cập nêu trên, nên dù được gia hạn nhưng không ít DN bức xúc đặt vấn đề: Chẳng lẽ Cục Thú y muốn vượt qua Bộ Y tế về tỉ lệ DN đạt GMP bằng cách "bức tử" nhanh gọn các DN vừa và nhỏ?

Không chỉ hàng ngàn lao động có nguy cơ mất việc, HH.TTY cảnh báo, thị trường TTY cả nước tất yếu sẽ thâu tóm trong tay vài "đại gia", tác động không nhỏ tới nền sản xuất chăn nuôi cả nước, mà người phải "gồng mình" không ai khác là người chăn nuôi - vốn đã và đang điêu đứng vì đủ loại dịch bệnh từ cúm gia cầm đến heo tai xanh, LMLM...

(Nguồn: Lao động)


Tin khác