Miền Bắc, chống "giặc" hạn, cần sức toàn dân

26/03/2008

Đã thành quy luật, cứ đến vụ đông xuân là miền Bắc lại đứng trước nguy cơ hạn hán, tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Mặc dù đã có sự chỉ đạo nhưng nhiều địa phương đang tỏ ra lúng túng với những giải pháp "tạm thời". Để tránh bị động, cần huy động toàn dân trong việc chống hạn và áp dụng những chiến lược lâu dài...

Sau rét hại lại đến hạn hán

Chưa hết bàng hoàng bởi thiệt hại nặng nề do đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, bà con nông dân Bắc Bộ lại đang “méo mặt” bởi nguy cơ hạn hán nghiêm trọng. Hiện, lượng nước tại các sông chính ở miền Bắc như sông Đà, sông Thao, sông Lô đang thiếu hụt khoảng 15 – 30%, có nơi như Tuyên Quang, Thác Bà thiếu tới 60% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, mặc dù đầu tháng 3 nền nhiệt độ miền Bắc tăng và xuất hiện mưa nhỏ trên diện rộng nhưng chỉ cao hơn trung bình nhiều năm một chút, lưu lượng nước trên sông Đà, sông Thao, sông Lô vẫn thấp và khả năng khô hạn chắc chắn sẽ xảy ra. Riêng hồ Hoà Bình, mực nước đã giảm khoảng 5m sau khi mở xả liên tục nhiều đợt từ 15/1/2008 đến cuối tháng 2/2008 để phục vụ đổ ải lúa đông xuân. Ngoài nguy cơ thiếu hụt nguồn điện khoảng 560 triệu kWh, hàng loạt hệ thống thuỷ lợi phụ thuộc vào sông Hồng sẽ không thể hoạt động, nhiều hồ chứa cũng chỉ đạt 30 – 60% dung tích thiết kế. Diện tích đất nông nghiệp bị thiếu nước tưới sẽ vào khoảng 100.000 – 200.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương... Riêng các vùng có công trình thuỷ lợi cũng có khoảng 100.000ha bị thiếu nước.

Bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cảnh báo, ngay từ bây giờ, các địa phương khu vực miền Bắc cần chủ động triển khai tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm cho sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, tại thượng nguồn các sông lớn còn đang xây dựng những công trình thuỷ điện, thuỷ lợi trọng điểm nên việc điều tiết nước cho các vùng hạ du buộc phải phụ thuộc vào địa phương và các ban ngành, các đơn vị quản lý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhận định, hiện nay khó khăn nhất về nguồn nước tưới cho nông nghiệp là các tỉnh Hà Tây, Hưng Yên. Nếu chúng ta hướng dẫn cho nhân dân thực hiện đầy đủ quy trình cấy tiết kiệm nước thì có thể tiết kiệm được 15 – 20% lượng nước. Trên diện rộng của tỉnh Hà Tây, với tổng diện tích lúa 76.000ha thì có thể tiết kiệm được cả trăm tỷ đồng tiền thuỷ lợi. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Về lâu dài phải chuyển đổi trên những diện tích thường xuyên hạn nặng. Ví dụ, có thể trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, đưa cam quýt, bưởi ra cánh đồng. Việc chống hạn buộc chúng ta phải tính tới quy hoạch những cây, con khác”.

Với kinh nghiệm chống hạn từ 3 năm qua, đến nay, các tỉnh Bắc Bộ đã nạo vét 15,64 triệu m3/16, 4 triệu m3; sửa chữa, bảo dưỡng 3.000 máy bơm, cống lấy nước, công trình điều tiết nước để sẵn sàng lấy nước ngay khi có thể.

“Chiến dịch” chống hạn ở Mai Châu

Những năm gần đây, các hồ chứa có nguy cơ ngày càng cạn kiệt, lượng dòng chảy của các sông, suối trên địa bàn giảm mạnh, vì thế, để chủ động dành được một vụ xuân thắng lợi, huyện Mai Châu (Hoà Bình) đã và đang nỗ lực giảm thiểu khả năng này bằng nhiều phương án chống hạn triệt để.

Từ năm 2006, huyện Mai Châu đã lập kế hoạch thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2006 – 2010, theo đó, đề nghị tỉnh Hoà Bình đầu tư xây dựng 35 công trình thuỷ lợi tại 11/22 xã, thị trấn với tổng chiều dài 40,4 km, tổng vốn đầu tư 7.500 triệu đồng, có năng lực tưới cho 418,7ha đất nông nghiệp. Trong năm 2006, huyện đã triển khai xây dựng 4 công trình với tổng số vốn 1.500 triệu đồng, năm 2007 tiếp tục thực hiện 7 công trình với 1.450 triệu đồng. Dự kiến trong năm nay, huyện sẽ tiếp tục hoàn tất công tác kiên cố hoá 2 hệ thống mương Bai ít (xã Mai Hạ) và mương Bai Bán (xã Nà Mèo). Hệ thống thuỷ lợi nội đồng cũng nhanh chóng được khảo sát và tu sửa nhằm kịp thời điều tiết nước, đảm bảo phục vụ tốt cho vụ xuân 2008.

Ông Hà Huy Thục, cán bộ phụ trách thuỷ lợi (Phòng Kinh tế – UBND huyện Mai Châu) cho biết: “Chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi được huyện phát động vào tháng 4 và tháng 11 hàng năm nhằm đẩy mạnh hiệu quả của công tác thuỷ lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Năm nay, để chiến dịch triển khai sớm và hiệu quả cao, từ cuối tháng 2/2008, UBND huyện đã ra Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc phát động chiến dịch đào, đắp 9.300m3 đất, phát dọn 129.800m2, huy động 11.463 ngày công và gần 172 triệu đồng do nhân dân đóng góp”. Việc hàng ngàn người dân đồng loạt tham gia chống giặc hạn chứng tỏ công tác thuỷ lợi ở Mai Châu được quan tâm đúng mức và có thể chủ động kiểm soát khả năng hạn hán xảy ra trong vụ xuân 2008.

Có thể nói, kiên cố hoá kênh mương và triển khai sâu rộng chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi là hai phương án chống hạn truyền thống được Mai Châu thực hiện khá hữu hiệu để quyết tâm dành thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến thời điểm này, toàn huyện Mai Châu đã gieo cấy được khoảng 820ha, cấy lại 450ha với khoảng 28 tấn giống.

Ba Vì sẵn sàng nước tưới cho sản xuất

Khi được dự báo vụ xuân 2008 có thể xảy ra hạn hán nặng, 38.000 - 40.000ha đất trồng trọt của tỉnh có nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng, tỉnh Hà Tây nói chung và huyện Ba Vì nói riêng đã tập trung thực hiện hàng loạt phương án chống hạn, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Do đặc điểm địa hình nên Ba Vì không xảy ra hạn hán trên diện rộng mà thường tập trung ở khu vực 7 xã miền núi, nặng nhất là Ba Trại, Yên Hoà, Vân Hoà… do không có nguồn nước, hồ đập dự trữ. Toàn bộ diện tích gieo cấy 1.700ha ở những xã này phải phụ thuộc vào... ông trời. Đặc biệt, từ tháng 10/2007 đến nay, lượng mưa trung bình toàn huyện chỉ đạt 1.066mm, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm 300-400mm, vì vậy, huyện đã khẩn trương chỉ đạo các ban ngành và bà con ra quân nạo vét, tu sửa kênh mương, đặc biệt là tranh thủ thời điểm hồ Hoà Bình xả nước để tích cực trữ nước vào kênh mương, phục vụ đổ ải và cấy lúa xuân đại trà. Ông Nguyễn Duy Chinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Tính đến tháng 1/2008, toàn huyện đã nạo vét, đào đắp các đầu mối, cửa cống và các tuyến kênh chính, kênh cấp 2 được 33.100m3, phát quang 111.680m2 kênh mương nội đồng… với tổng kinh phí lên tới 279 triệu đồng”.

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua đã “cướp” của bà con nông dân huyện Ba Vì 1.500ha lúa và 217ha mạ, vì thế, sau khi chỉ đạo bà con khắc phục diện tích gieo cấy bị chết, huyện dốc toàn lực để bảo vệ 6.534ha vừa cấy xong bằng các biện pháp đồng bộ như tuyên truyền bà con thường xuyên theo dõi, chăm sóc lúa; chủ động nguồn nước tưới hợp lý, ở những nơi không chủ động được nước thì chuẩn bị máy bơm, xây dựng dịch vụ thuỷ nông qua các hợp tác xã để sẵn sàng đối phó với tình trạng khô hạn, đồng thời vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày như ngô, lạc, đậu tương để tiết kiệm nước tưới. Đến nay, bà con đã gieo trồng được 711ha lạc, 832ha ngô và khoảng 115ha đậu tương. Điển hình như xã Ba Trại, nếu vụ xuân năm 2007 bà con còn cấy 300ha lúa thì nay chỉ còn khoảng 50 – 60ha do chuyển đổi sang trồng ngô, lạc, trồng cỏ nuôi bò, làm trang trại VAC.

Hiện, toàn huyện có trên 100km kênh mương đã được cứng hoá, ngoài ra còn có 2 trạm bơm Sơn Đà với 10 máy, công suất 1.000m3/giờ, trạm bơm Trung Hà với 24 máy, công suất 1.000m3/giờ. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tây còn chỉ đạo xây dựng Trạm bơm dã chiến Cầu Bã (lưu vực hồ Suối Hai) nhằm phục vụ nước tưới cho khu vực 7 xã miền núi với quy mô 5 máy bơm, công suất 1.000m3/giờ.

(Theo Kinh tế Nông thôn)


Tin khác